Câu nói: “Không có sách thì không có tri thức” của V.I Lênin là nguyên lý và cũng là chân lý khoa học. Vì sách lưu giữ những tri thức về tự nhiên và xã hội. Có đọc sách mới có thể chiếm lĩnh được những tri thức. Đọc sách còn là đạo lý xã hội, vì đó là sự tiếp thu, kế thừa những giá trị tinh hoa truyền thống để phát triển làm giàu có cho hiện tại và tương lai!
Thế nhưng hiện nay ở nước ta có hiện tượng không đọc sách mà vẫn có thể dạy học, viết nghiên cứu, thậm chí có hẳn cả “công trình”. Chuyện này đã nhiều người nói, có ở nhiều lĩnh vực, song dễ thấy ở lĩnh vực giảng dạy, phê bình, nghiên cứu văn chương.
Ai cũng thấy một nguyên nhân khiến học sinh chán học văn là do thầy cô giáo chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Hẳn không ít người từng là trò trong giờ giảng văn mà các thầy cô khen đoạn thơ này rất hay, khen nhà văn kia tài năng lắm. Nhưng đó là những lời chung chung, sáo rỗng, nhạt nhẽo, vì họ không chỉ ra được hay ở chỗ nào, có giá trị gì. Có một vài “nhà phê bình” không phân biệt nổi câu thơ, đoạn văn hay dở, đành chắp vá ý người này một tí, người kia một tẹo... Lý do cơ bản của “giảng dạy” và “phê bình” kiểu này là không đọc sách nên nghèo vốn chuyên môn, không đủ tri thức để liên tưởng, so sánh, không đặt vấn đề vào bối cảnh (xã hội và văn học) chung để tìm hiểu, khám phá làm nổi bật nét riêng của đối tượng.
Không đọc sách nên dẫn tới nạn sao chép ở các tiểu luận, luận văn, luận án. Dễ thấy ở những nghiên cứu cùng chuyên ngành thì “danh mục tài liệu tham khảo” sẽ giống nhau. Giống cả ở chỗ sai, chỗ dở. Sách cần phải có thì không có. Có những sách không liên quan đến chuyên ngành, đến đối tượng nghiên cứu lại được đưa vào cho dài “số thứ tự” danh mục để ra vẻ “đọc nhiều”. Có tên sách sai nhà xuất bản, năm xuất bản, nhưng vẫn tái xuất hiện y chang ở nhiều luận văn. Cái sự nhầm lẫn, “râu ông nọ cắm cằm bà kia” có cả trên các bài nghiên cứu ở các tạp chí khoa học mà tác giả có học hàm, học vị hẳn hoi. Biểu hiện ở sự copy dẫn chứng (thường là một đoạn văn) từ bài viết khác, thành ra người trước sai nội dung, sai câu chữ... vẫn được người đi sau sao chép y nguyên. Dẫn chứng sai, tất yếu sự phân tích không thể đúng. Hệ lụy càng lớn khi người sau nối tiếp “thao tác” giống hệt người trước!
Gần đây có một nhà văn viết bài tố cáo một nhà văn khá tên tuổi là ủy viên chung khảo một cuộc thi văn chương. Ông nhà văn kiêm giám khảo này không đọc tác phẩm mà vẫn “bỏ phiếu” (vắng mặt). Chứng cứ là dăm phút trước xin khất chưa bỏ phiếu vì chưa đọc, nhưng vì hội đồng chung khảo đang họp cần kết quả ở mọi thành viên, thế là sau một cú điện thoại nhờ vả, ông nhà văn kia vẫn... bỏ phiếu “đàng hoàng”!
Người viết bài này từng làm ủy viên thư ký một vài cuộc thi văn học ở vòng sơ khảo được chứng kiến nhiều chuyện cười ra nước mắt. Thư ký phải phân phối sách tới từng ủy viên hội đồng sơ khảo sau đó tổng hợp ý kiến, thấy có người đọc thật, đánh giá thật; nhưng cũng có người không đọc, bởi nếu đọc phải có sự “mở trang”, khi thư ký nhận lại, sách vẫn tình trạng y nguyên, thậm chí có người trao cả chồng sách được chằng buộc như ban đầu. Lạ thay, thế mà khi họp hội đồng thì có người không đọc lại cứ thao thao bất tuyệt, lời lẽ đánh giá tác giả, tác phẩm “vanh vách” còn hơn cả “thánh sống”!
Cụ Đỗ Phủ hơn ngàn năm trước đã răn mình (cũng là răn đời) phải đọc sách vạn quyển thì hạ bút mới có “thần”. Thế thì cái sự văn chương (nhất là phê bình) ngày nay nhạt là có lý, vì người phê bình không chịu đọc sách. Thế mà họ vẫn cứ nói, cứ viết, cứ phán rất... vô tư. Phải nói thẳng là những người này không có phẩm chất học thuật chân chính nên họ góp phần tạo ra cái giả trong xã hội. Mà cái giả dối thì luôn đi ngược lại tiến bộ, ngược lại đạo lý. Thế nên, chúng ta phải phê phán mạnh mẽ cái sự lười đọc này vì nó làm nhiễu loạn giá trị văn chương./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét