Văn chương tự nó xác lập giá trị đích thực trong thử thách vô cùng nghiệt ngã của thời gian. Không ai có thể biến một tác phẩm dở thành hay bằng những lời khen ngút trời!
Kể cả tác phẩm được trao giải thưởng cao nhất của một cuộc thi với những lời tán dương của ban tổ chức hay ban giám khảo. Cho dù người tán dương ấy là nhà thơ rất nổi tiếng ở Việt Nam. Có những tác phẩm sau khi giành giải cao nhưng đông đảo dư luận lại không đồng tình, ví như trường hợp một bài thơ được trao giải nhất cuộc thi thơ của một tờ báo văn nghệ vốn có uy tín gần đây. Hoặc có những tác phẩm được giải thưởng bị “chết yểu” trong lòng bạn đọc. Văn chương hay sẽ tồn tại bền vững trong cuộc sống, càng để lâu càng tỏ rõ sức thuyết phục của nó. Có những tác phẩm chúng ta đọc hai, ba lần vẫn thấy hay, mỗi lần đọc lại phát hiện ra những điều mới mẻ về nội dung và nghệ thuật.
Vì sao một tác phẩm văn chương được khen? Theo tôi, có 3 lý do: Một, là do tác phẩm thực sự hay; hai, là khen vì tiền; ba, là khen do mối quan hệ thân thiết giữa tác giả và người viết phê bình. Cái thứ nhất đương nhiên là đúng, một tác phẩm hay xứng đáng được khen ngợi và tôn vinh. Cái thứ hai thì quá ê chề, vì đồng tiền mà nhà phê bình bẻ cong ngòi bút, nhắm mắt đi ngợi ca cái tầm thường nhàn nhạt và nhan nhản. Cái thứ ba vẫn còn xảy ra trong đời sống văn học Việt Nam, gọi là cánh hẩu trong văn chương.
Cánh hẩu có ở khắp mọi nơi, trong nhiều mặt của đời sống xã hội. Trong văn chương cũng chỉ là một phần thôi nhưng không phải ai cũng nhận biết được. Không đọc tác phẩm mà quá tin vào lời khen của nhà phê bình thì rất dễ bị lừa. Người ta khen nhau vì mối quan hệ và cả vì những mục đích khác nữa. Thấy rõ nhất là những tác giả đang có vị trí trong làng văn hay đang giữ chân biên tập ở các tờ báo. Có cảm giác như người viết bài khen nghĩ rằng, thêm mấy lời ca tụng chẳng chết ai, lại được tiếng độ lượng, được họ được mình, đều vui vẻ cả. Một cuốn sách vừa mới xuất bản đã có chục bài phê bình, giới thiệu “ăn theo” làm người ta cứ tưởng rằng đỉnh cao của văn học nước nhà đã có. Nhưng, khi đọc kỹ nó ta thấy cũng chẳng có gì xuất sắc cả, chỉ là sự uốn éo câu chữ, kiểu làm duyên làm dáng ra chiều mới lạ. Có trường hợp khi đọc bài phê bình rồi đọc tác phẩm ta thấy chẳng ăn nhập gì với nhau, họ cứ viết đại và khen vống lên.
Tôi từng được một hội văn học nghệ thuật tỉnh mời đọc tác phẩm xét khen thưởng hằng năm. Có mấy tác phẩm làng nhàng, văn không ra văn, báo không ra báo, phê bình chẳng ra phê bình, giới thiệu chẳng ra giới thiệu. Tất nhiên, tôi đã đánh giá thấp các tác phẩm dự xét thưởng đó. Sau có đọc lại một số bài viết của vài nhà phê bình khá tên tuổi thì thấy họ khen hết lời những cuốn sách này. Có người đã mượn danh các nhà phê bình đó để “bật” lại chúng tôi (kiện tụng lên trên), nhưng trước những lập luận thẳng thắn và hợp lẽ của ban tổ chức thì họ đành chịu. Nói thật nhé, thỉnh thoảng tôi cũng nghe được những phàn nàn về chuyện phê bình văn học, kiểu như “thơ ông ấy mà cũng được khen đến mức thế à”; “sách mới ra còn thơm mùi in mà được tới tấp khen như vậy, hình như có mùi nịnh trong ấy”...
Chuyện cánh hẩu trong văn chương tuy là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, chuyện nhiều người biết, người thấy nhưng ít người nói, người viết. Tôi nghĩ rằng, muốn làm trong sạch đời sống văn chương nước nhà, trước hết phải chống lại tình trạng cánh hẩu trong lĩnh vực này để tạo được niềm tin của bạn đọc, bạn viết. Muốn đi được xa cần phải có bạn bè. Văn chương lại khác, sự đơn độc trong lao động nghệ thuật vốn là sự hiển nhiên với người viết. Bạn bè văn chương trọng nhau ở cái tài, cái tình, tuy rằng không phải ai cũng chơi được với nhau đâu. Họ chẳng phải ai xa lạ, cũng chỉ là con người, hội đủ mọi cung bậc tình cảm, đủ các dạng tính cách. Tuy nhiên, khen, chê nhau phải là câu chuyện khác. Khen, chê chừng cữ, mực thước là điều nên canh cánh của người cầm bút. Biết là thế, biết là vậy nhưng làm được điều đó không dễ dàng chút nào cả. Người Việt vốn duy tình, rất duy tình. Cánh hẩu thực sự làm hại văn chương nhưng nó đôi khi lại được nhìn nhận dưới tình cảm của người cầm bút dành cho nhau. Khó lắm thay!
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét