Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

Hồ Chí Minh kết tinh, tỏa sáng những giá trị thời đại

Giá trị thời đại ở đây trước hết là học thuyết Mác - Lênin, ánh sáng soi đường cách mạng của dân tộc Việt Nam, là tinh hoa văn hóa của nhân loại. Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều mặt, trên cơ sở đó không chỉ mở đường cho dân tộc mình mà còn mở đường cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của các nước thuộc địa và phụ thuộc trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Hồ Chí Minh từng bước xác lập một hệ thống tư tưởng với những luận điểm sáng tạo, đúc kết thành quy luật giải phóng và phát triển ở các nước có hoàn cảnh như Việt Nam.

Cống hiến lớn lao của C.Mác, Ph.Ăngghen là xác lập CNXH khoa học, vạch ra quy luật tiến hóa của lịch sử loài người, chỉ ra con đường cách mạng, giải phóng những người bị áp bức trên thế giới. Trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của C.Mác, cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin là lãnh đạo cách mạng vô sản thắng lợi đầu tiên ở nước Nga và tiên đoán làn sóng cách mạng diễn ra ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười rọi chiếu ánh sáng tới triệu triệu người trên trái đất. Hồ Chí Minh là số ít trong những “nhân vật huyền thoại” tiếp thu được ánh sáng Tháng Mười, hưởng ứng lời kêu gọi của V.I.Lênin, đưa CNXH khoa học về cho dân tộc mình.

Trong khi truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, ngay từ đầu, Hồ Chí Minh đã xác định, Việt Nam không làm cách mạng vô sản kiểu Nga mà làm cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, đây là con đường duy nhất đúng để cứu nước và giải phóng dân tộc. Người rút ra, muốn thực hiện được sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người thì phải thành lập Đảng kiểu mới theo học thuyết Mác - Lênin. Đảng đó không phải chỉ kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân, mà phải kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đó chính là quy luật ra đời của Đảng Cộng sản đối với các nước như Việt Nam.

Cống hiến của Hồ Chí Minh mà quốc tế ghi nhận là để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nếu V.I.Lênin là bậc thầy trong lên án mạnh mẽ chủ nghĩa đế quốc trên phạm vi thế giới, thì Hồ Chí Minh là lãnh tụ cộng sản viết nhiều, tố cáo sâu sắc tội ác dã man của chủ nghĩa thực dân. Trăn trở về số phận của các dân tộc thuộc địa, Người đưa ra bản án đối với chế độ thực dân Pháp. Đây là tư duy và cách làm cần thiết để thức tỉnh các dân tộc thuộc địa chìm đắm trong áp bức, bóc lột, đè nén của chủ nghĩa thực dân. Hồ Chí Minh nêu cao ngọn cờ và tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc. Đặt ra cho mình sứ mệnh giải phóng dân tộc mình và các dân tộc thuộc địa, Hồ Chí Minh đã góp phần to lớn vào sự nghiệp vẻ vang đó. Người đã hiện thực hóa giá trị về quyền con người trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp, đồng thời mở rộng, nâng cao quyền con người thành quyền của các dân tộc. Quan điểm của Hồ Chí Minh đi trước nghị quyết của Liên hiệp quốc, khi năm 1960 tổ chức này mới tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa.

Cách đây 100 năm, nhà thơ Liên Xô Ôxíp Manđenxtam qua cuộc trò chuyện với Nguyễn Ái Quốc, cảm nhận từ phong cách, phong thái của Người, ông viết: “Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị... Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải là văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai... Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”. Nghị quyết của UNESCO khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh là hiện thân cho những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau.

Hồ Chí Minh là một nhân vật kiệt xuất của lịch sử bởi những đóng góp của Người vào kiến tạo hòa bình, hòa giải, thúc đẩy và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Phát hiện và khai thác điểm chung mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội trong chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Tôn Dật Tiên, Khổng giáo, Thiên Chúa giáo là một tư duy hiếm thấy trong tư tưởng nhân loại. Theo Người, văn hóa Việt Nam là sự kết hợp có chọn lọc văn hóa phương Đông và phương Tây.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự tiếp nhận các trào lưu tư tưởng, là giao hòa sự đa dạng, tôn trọng các nền văn hóa, sự kết tinh các giá trị thời đại, mở ra xu hướng trao đổi và đối thoại giữa các nền văn hóa, góp phần thúc đẩy sự xích lại gần nhau của các nền văn hóa, được bạn bè quốc tế thừa nhận. Trong Hội thảo quốc tế tổ chức tại Việt Nam Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một đại biểu phát biểu: “Chúng tôi đến đây, có người theo đạo Hồi, có người theo đạo Phật, đạo Tin lành, đạo Thiên Chúa, trước chúng tôi không hiểu nhau, qua hai ngày hội thảo, chúng tôi có thể ngồi lại nói chuyện vui vẻ với nhau, vì chúng tôi có cái chung là lý tưởng Hồ Chí Minh: muốn cho nhân loại được tự do, hạnh phúc”. Tại Hội thảo quốc tế lớn với chủ đề “Hồ Chí Minh - Việt Nam - Hòa bình thế giới”, nhân dân Ấn Độ cảm ơn Việt Nam, ngưỡng mộ Hồ Chí Minh, coi Người là lãnh tụ của Việt Nam và của cả chính họ. Dự hội thảo có khoảng 12.000 người xếp thành hình ảnh Hồ Chí Minh, thành khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm”. Tổng thống Ấn Độ coi kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhiệm vụ quốc tế mà còn là nhiệm vụ của quốc gia Ấn Độ.

Hồ Chí Minh đã tạo nên “chất keo” gắn kết các dân tộc, sợi dây bền chặt nối liền các nền văn hóa. Chính những suy nghĩ, việc làm tiến bộ, tích cực của Người đã xóa bỏ những rào cản của các nền văn hóa khác nhau liên quan đến chủng tộc, màu da, tiếng nói, tôn giáo, thể chế chính trị. Theo Hồ Chí Minh, hòa bình là khát vọng của nhân loại tiến bộ. Chế độ chính trị khác nhau không ngăn cản việc chung sống hòa bình và phấn đấu cho một nền hòa bình bền vững. Người “tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình; tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được”. Hồ Chí Minh chỉ ra giải pháp thiết lập một nền hòa bình bền vững trên thế giới là mỗi dân tộc cần có ý thức và trách nhiệm về giá trị cao quý của hòa bình và bằng mọi cách để có được hòa bình. Các nước, nhất là những nước lớn, cần có thái độ hợp tác chân thành, giải quyết mâu thuẫn bằng thương lượng hòa bình, không đe dọa và dùng vũ lực, không có thái độ “cá lớn nuốt cá bé”. Tổ chức UNESCO tôn vinh Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất, đề cao việc thúc đẩy các nền văn hóa xích lại gần nhau. Trong trao đổi và đối thoại văn hóa, Hồ Chí Minh đã tạo ra một công cụ hữu hiệu để kiến tạo hòa bình. Câu nói nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” có giá trị toàn cầu vì nó khẳng định khát vọng về những giá trị chung của nhân loại; đoàn kết thế giới theo tinh thần “bốn phương vô sản, bốn biển đều là anh em”; là tình hữu nghị, hữu ái giữa nhân dân các nước; là thái độ và tấm lòng vị tha, nhân văn, nhân đạo cao cả, v.v..

Hồ Chí Minh yêu Tổ quốc và đồng bào mình, cũng yêu nhân dân và Tổ quốc các nước. Người quý trọng sinh mệnh của người Việt Nam cũng như sinh mệnh của người nước khác. Trong ngày thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Nam Bộ, trở lại xâm lược Việt Nam (23-9-1945), cùng với việc phê phán một số người Pháp gây nên cuộc xung đột đổ máu giữa hai bên, Hồ Chí Minh “nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh”. Người “cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong. Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”.

Khi Hồ Chí Minh qua đời, Đảng Cộng sản Mỹ trong điện chia buồn đã viết những lời hết sức cảm động: “Nhân loại đã mất một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một người thầy mácxít - lêninnít xuất sắc mà tấm lòng ưu ái đầy thi vị mong muốn một thế giới tốt đẹp có hương hoa tươi thắm và tiếng cười náo nức của trẻ em đã thấm nhuần vào chủ nghĩa nhân đạo toàn diện của cuộc đời mà Người đã sống, thấm nhuần vào những việc kỳ diệu mà Người đã làm và sự nghiệp trọn đời Người đã phục vụ. Tên tuổi của đồng chí Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi gắn bó với những hành động cao cả nhất và những ước mơ cao quý nhất của nhân loại nhằm thực hiện một khối cộng đồng anh em thực sự của nhân dân các nước được hưởng quyền bình đẳng và được thỏa mãn đầy đủ về những nhu cầu vật chất và tinh thần của mình, một thế giới không có chiến tranh, không có sự tàn bạo, nghèo khổ và phân biệt đối xử”. Một đại biểu Mỹ phát biểu trong Hội thảo quốc tế Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu chủ nghĩa cộng sản như chủ nghĩa cộng sản Hồ Chí Minh thì cũng chấp nhận được”.

Bạn bè thế giới, học giả quốc tế đã nói lên những điều chúng ta cần nói về Hồ Chí Minh - người kết tinh, tỏa sáng những giá trị trường tồn của thời đại. Đúng như ngài Rômét Chanđra, Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới đã viết: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét