Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

Hồ Chí Minh là sự kết tinh, tỏa sáng những giá trị dân tộc

Trên nền tảng một lãnh thổ chung, “một tiếng nói chung”, một lối sống mang sắc thái riêng, dân tộc Việt Nam đã tự khẳng định sự tồn tại của mình, bản lĩnh vượt qua mọi thử thách hiểm nghèo, vững vàng tiến lên. Trong hơn 1.000 năm thống trị của phong kiến phương Bắc, qua “Ngô Vương Quyền nối lại quốc thống” (Ngô Quyền xưng vương hiệu 939 sau chiến thắng Bạch Đằng), suốt thời kỳ Đại Việt, những lời thề và quốc hiệu Việt Nam chứa đựng biết bao giá trị về tinh thần quật cường, bất khuất, tự cường, tự chủ, tự lập, sáng tạo. Đó là khí phách “rửa sạch nước thù để nối lại nghiệp xưa họ Hùng”, khẳng định chủ quyền “Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta” (Trưng Trắc). Đó là phụ nữ Lạc Hồng muốn “cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta” (Bà Triệu). “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo... lấy yếu chống mạnh...lấy ít địch nhiều” (Nguyễn Trãi). Lời vua Lê Thánh Tông: “Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào tự tiện bỏ đi được”. Đó là sự khẳng khái “đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo” (Trần Thủ Độ nói với vua Trần); Trần Quốc Tuấn với nhiệt huyết “Sát Thát”; là đồng thanh “Quyết đánh” trong Hội nghị Diên Hồng (triều Trần với cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên); là lời nói đanh thép “nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi đi đã” (Trần Quốc Tuấn); “ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc (Trần Bình Trọng); là “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức” (nhà Trần). Đó là ý thức tự chủ với những quốc hiệu như: Vạn Xuân (năm 544, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, tuyên bố dựng nước, đặt quốc hiệu Vạn Xuân), Đại Việt (năm 1054 thời vua Lý Thánh Tông)...

Việt Nam là trường hợp hiếm thấy trong lịch sử thế giới khi đã mất chủ quyền 1.000 năm vẫn giành lại được. Không nhiều nước như Việt Nam, dù kẻ thù quân đông, vũ khí mạnh, nhiều lần xâm lược nước ta nhưng bằng sức mạnh đoàn kết, cả nước chung sức, trí thông minh, sáng tạo, lòng hy sinh quả cảm, chúng ta đều giành thắng lợi: Lý Thường Kiệt hai lần chống Tống thắng lợi (1075, 1077); quân Mông - Nguyên ba lần xâm lược Đại Việt đều bị đánh bại (1285, 1287, 1288); ba trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng, đánh tan giặc ngoại xâm, nhấn chìm dã tâm xâm lược của các thế lực bành trướng phương Bắc (Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán năm 938; Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành) đại thắng quân Tống năm 981; Trần Quốc Tuấn đánh bại quân Mông - Nguyên năm 1288); v.v..

Hồ Chí Minh đã kế thừa, phát triển các giá trị của dân tộc trong thời đại mới, Người cho rằng, việc cứu nước và giải phóng dân tộc mình không thể dựa vào bất kỳ nước nào, dù đó là Nhật, Anh hay Mỹ. Bởi dựa vào nước đế quốc này để đánh đổ chế độ thực dân kia là cách làm “đuổi hổ cửa trước rước beo cửa sau”. Phải đi ra nước ngoài tìm hiểu, nghiên cứu, khám phá, xem xét các nước họ làm thế nào rồi tự mình tìm ra con “Đường cách mệnh” cho dân tộc mình. Khi bắt gặp lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta. Với Người, giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin là ở chỗ phương pháp làm việc biện chứng, là cái cẩm nang thần kỳ, là “kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh”.

Hồ Chí Minh là người “tìm đường” (1911-1920), “mở đường” (1920-1930), “dẫn đường” (1930-1945), “thiết kế tương lai” (1945-1969). Giá trị dân tộc được kết tinh ở Người với quyết tâm: Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập. Dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do và độc lập. Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do, v.v..

Sau khi “tìm đường đi cho dân tộc theo đi” - con đường cách mạng vô sản, Hồ Chí Minh “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”. Người cùng cả dân tộc “rũ bùn đứng dậy chói lòa”, “biến người nô lệ thành người tự do”, đem lại quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc cho mỗi người và cả dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do. Người vạch ra một lộ trình sau khi nước Việt Nam giành được độc lập sẽ đi theo con đường riêng của mình, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến dần lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Luận điểm sáng tạo về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam chưa có tiền lệ trong lịch sử là một kinh nghiệm quý cho các nước có hoàn cảnh như Việt Nam.

Dưới ánh sáng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh luôn độc lập, tự chủ, đổi mới, sáng tạo với hai điểm cốt yếu sau:

Thứ nhất, Người có cách nhìn “động” về xã hội, về thế giới, về tình hình khách quan, về nhân dân như là cơ sở cho tinh thần đổi mới, sáng tạo. Theo Người, xã hội ngày một phát triển, thế giới ngày càng đổi mới, tình hình khách quan thay đổi hằng giờ hằng phút, nhân dân ngày càng tiến bộ, cho nên tư tưởng, hành động, chủ trương, năng lực, sáng kiến của ta cũng phải thay đổi cho kịp. Mặt khác, chủ trương hôm nay đúng đắn, nhưng vì tình hình khách quan thay đổi nhanh chóng nên có thể hôm sau không hợp thời, quá thời, sai hỏng. Vì vậy, phải tỉnh táo kiểm điểm, bỏ đi những cái cũ kỹ, lạc hậu, lỗi thời để không bị bỏ rơi, không bị những người nhanh nhẹn vượt lên trước, để theo kịp tình thế. Còn “nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả”. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Khi tình thế đổi mới, ta đủ gan góc, đủ tinh thần phụ trách để quyết định phương hướng chính trị mới, thay đổi cách thức công tác và đấu tranh, dám bỏ những khẩu hiệu và những nghị quyết đã cũ, không hợp thời, đưa những nghị quyết và khẩu hiệu mới thay vào”.

Người dày công nghiên cứu thực tiễn, mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước và khả năng thích ứng của con người Việt Nam với từng giai đoạn phát triển. Xã hội càng phát triển thì nhận thức của con người phải thích ứng và phát triển thuận chiều cùng với sự phát triển của xã hội. Người viết: “Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng phải ngày càng tiến. Chúng ta phải kháng chiến thắng lợi, phải thực hiện dân chủ mới, phải tiến đến chủ nghĩa xã hội, rồi tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái”.

Thứ hai, Hồ Chí Minh hiểu rất rõ hoàn cảnh đặc biệt của nước ta, đất nước hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến, gần trăm năm thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, nông nghiệp lạc hậu, khoa học kỹ thuật kém phát triển, công cuộc đổi xã hội cũ thành xã hội mới sẽ vô cùng gian nan, phức tạp, khó hơn nhiều so với việc đánh giặc, thắng đế quốc và phong kiến. Đây là cả một cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Người chỉ rõ: “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm. Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột áp bức”.

Hồ Chí Minh nhìn nhận, khó khăn của cuộc cách mạng XHCN ở Việt Nam bắt đầu từ những đặc điểm, nhiệm vụ trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Không như cách mạng vô sản Nga, sau khi giai cấp vô sản nắm được chính quyền là bước ngay vào thời kỳ quá độ lên CNXH, Việt Nam phải qua chín năm xây dựng chế độ dân chủ nhân dân trong hoàn cảnh vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, chuẩn bị tiền đề chính trị, kinh tế, văn hóa để khi kết thúc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH. Trong hoàn cảnh đó, Hồ Chí Minh đã chỉ ra nội dung, bước đi, biện pháp xây dựng CNXH cho phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta.

Vạch ra con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Hồ Chí Minh bổ sung vào lý luận và thực tiễn CNXH những đặc điểm, bản sắc Việt Nam. Nghiên cứu CNXH trong di sản Hồ Chí Minh, chúng ta dễ dàng nhận ra tư tưởng của Người về đặc trưng, mục tiêu, động lực của CNXH Việt Nam, trong đó phản chiếu ánh sáng của CNXH khoa học theo học thuyết Mác - Lênin nhưng rất Việt Nam, đậm dấu ấn Hồ Chí Minh. Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Chủ nghĩa xã hội theo đặc điểm Việt Nam là sự kết thúc thắng lợi hành trình lịch sử của dân tộc mà Hồ Chí Minh đã vạch ra từ đầu thế kỷ, là sự thực hiện trọn vẹn Di chúc của Người, là đỉnh cao của sự nghiệp cách mạng ba cuộc giải phóng của Việt Nam, từ đó chân trời càng mở rộng cho đà tiến cao xa hơn nữa, trên con đường phát triển vô hạn của dân tộc, xã hội và con người”. Xây dựng CNXH theo bản sắc Việt Nam theo lý giải của Thủ tướng Phạm Văn Đồng “là phương hướng, là ý nguyện, là mục tiêu mà Hồ Chí Minh, Đảng ta, nhân dân ta đã lựa chọn. Đối với con người Việt Nam ta, từ những năm 20 của thế kỷ này, ý chí độc lập dân tộc gắn liền với ý chí xã hội chủ nghĩa”.

Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo tiến hành gần được 40 năm. Đảng đề ra mục tiêu của đổi mới là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu. Thực chất quan điểm của Đảng chính là chủ nghĩa xã hội theo đặc điểm Việt Nam. Phạm Văn Đồng cho rằng: “kết quả cuối cùng của công cuộc đổi mới là tạo ra một xã hội xã hội chủ nghĩa theo đặc điểm Việt Nam, mang đậm dấu ấn thiên tài và cốt cách dân tộc, trong mục tiêu và động lực, trong con đường, bước đi và cách làm”.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét