Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Tư duy mới của Đảng về tăng cường mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc

Quốc phòng, an ninh, đối ngoại là những lĩnh vực cơ bản, quan trọng liên quan đến vận mệnh của quốc gia - dân tộc và được xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Vì thế, việc tăng cường mối quan hệ giữa các lĩnh vực này trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc là vấn đề rất quan trọng, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, cần được nghiên cứu làm rõ, quán triệt sâu sắc, tạo cơ sở để triển khai thực hiện.

Trong những năm qua, trên cơ sở nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của quốc phòng, an ninh, đối ngoại và sự cần thiết phải gắn kết các lĩnh vực đó trong tổng thể hoạt động của đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường mối quan hệ giữa các lĩnh vực này, tạo chỉnh thể thống nhất, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.



Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc góp phần tạo vị thế, vai trò của Việt Nam đối với an ninh, hòa bình, ổn định của thế giới. Ảnh: TTXVN

Trên thực tế, các lĩnh vực: quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tuy có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ khác nhau, song lại có quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau, là cơ sở, điều kiện, tiền đề của nhau, cùng góp phần tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đề cập đến vấn đề này, Văn kiện Đại hội X của Đảng chỉ rõ: “Công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Đến Đại hội XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Sự phối hợp quốc phòng, an ninh, đối ngoại được chú trọng hơn”. Cũng với tinh thần đó, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Sự kết hợp giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại ngày càng chặt chẽ, hiệu quả”3, góp phần quan trọng tạo tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Bên cạnh mặt tích cực, mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại còn một số hạn chế, bất cập. Trong nhận thức và tư duy, chúng ta thường mới đề cập mối quan hệ kinh tế với quốc phòng, an ninh mà ít đề cập riêng hoặc đề cập chưa sâu, chưa đầy đủ, thường xuyên về mối quan hệ giữa ba lĩnh này. Đại hội X của Đảng chỉ rõ: “Công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh, đối ngoại chưa theo kịp diễn biến của tình hình. Sự phối hợp giữa an ninh, quốc phòng và đối ngoại trong việc giải quyết một số vấn đề cụ thể thiếu chặt chẽ”4. Đại hội XI, XII, XIII của Đảng tuy không đánh giá sâu hạn chế, khuyết điểm trong sự phối hợp giữa ba lĩnh vực, tuy nhiên, đều chỉ ra việc phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong kết hợp giữa các lĩnh vực nói chung, đối ngoại nói riêng vẫn còn hạn chế, chưa chặt chẽ, thường xuyên, v.v. Vì vậy, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 44-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (gọi tắt là Chiến lược), trong đó đánh giá: “Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên một số lĩnh vực, địa bàn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, chưa quan tâm đúng mức về quốc phòng, an ninh. Các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại có mặt còn hạn chế”. Từ đó, đặt ra yêu cầu phải tăng cường mối quan hệ quốc phòng, an ninh, đối ngoại để thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đây là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết, bởi đó chính là mối quan hệ biện chứng, gắn kết lẫn nhau giữa an ninh và phát triển.

Kế thừa, phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, chủ trương trước đó của Đảng, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã xác định rõ mục tiêu: bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ an ninh quốc gia,... an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội;... giữ vững củng cố môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước. Như vậy, Chiến lược đã xác định rõ hơn vị trí, vai trò của quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong tình hình mới; trong đó, đã nhấn mạnh vai trò của đối ngoại, nhất là trong tạo vành đai an ninh, an toàn, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ bên ngoài lãnh thổ. Điều đó thể hiện tư duy mới của Đảng trong khẳng định vị trí, vai trò và mối quan hệ ngày càng chặt chẽ của đối ngoại đối với quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Tư duy mới của Đảng về tăng cường mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại còn được thể hiện sâu sắc hơn khi Chiến lược xác định rõ hơn về vai trò, lợi thế, chủ thể, lực lượng của công tác đối ngoại trong mối quan hệ rường cột này; đó là triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại; kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh; trong đó, cần nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò, thế mạnh đặc thù của từng trụ cột đối ngoại và các chủ thể, lực lượng tham gia công tác đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Không chỉ vậy, nếu trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta mới đề cập việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại thì Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó có nghĩa là Đảng ta đã xếp đối ngoại cùng vế với kinh tế, văn hóa, xã hội trong mối quan hệ tương hỗ với quốc phòng, an ninh và coi đối ngoại là một lĩnh vực có quan hệ đồng đẳng, trực tiếp với quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Trong phương châm chỉ đạo, Chiến lược cũng chỉ rõ: thực hiện “dĩ bất biến ứng vạn biến”; trong đó, lợi ích quốc gia - dân tộc là bất biến; kiên định về nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, linh hoạt về sách lược; thực hiện không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đồng thời, cân bằng hài hòa lợi ích trong quan hệ với các nước; tuân thủ luật pháp quốc tế, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, không để rơi vào thế cô lập, bị động, lệ thuộc, đối đầu hoặc không phải “chọn bên”, “chọn phe”; không để nước ngoài lợi dụng, thỏa hiệp với nhau hoặc với các thế lực thù địch, phản động làm phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc; không để nước ta trở thành chiến trường, địa bàn xung đột lợi ích chiến lược của các nước, nhất là các nước lớn. Điều này vừa kế thừa văn bản trước đó, vừa cụ thể hơn nhiệm vụ của cả quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong tình hình mới. Phương châm còn yêu cầu phải nắm chắc tình hình, phát hiện từ sớm, xử lý kịp thời, hiệu quả những yếu tố bất lợi, nhất là nguy cơ gây đột biến, thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống từ cơ sở. Chủ động thiết lập tuyến phòng thủ, tạo vành đai an ninh từ ngoài lãnh thổ, biên giới hành chính quốc gia để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đây là sự phát triển mới trong tư duy của Đảng về xác định vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ Tổ quốc không chỉ bên trong mà cả từ bên ngoài lãnh thổ, biên giới hành chính quốc gia; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, v.v.

Trong nhiệm vụ, giải pháp, Chiến lược đã xác định rõ hơn, sâu hơn, cụ thể hơn nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc: tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh. Kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; thúc đẩy đa dạng hóa đối tác hợp tác về kỹ thuật quân sự và thương mại quốc phòng. Tích cực tham gia hiệu quả các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa, khắc phục hậu quả chiến tranh. Đẩy mạnh hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, v.v.

Nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa ba lĩnh vực trong điều kiện mới, Chiến lược nhấn mạnh vai trò của đối ngoại trong chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương khu vực và quốc tế, như: ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông và hợp tác khu vực khác. Tích cực tham gia củng cố, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, luật pháp quốc tế; các cơ chế đa phương chính đảng, nghị viện, v.v. Chủ động tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Điều này cho thấy, Đảng ta rất quan tâm phát huy vai trò cơ chế đa phương và các trụ cột, các mặt trận trong công tác đối ngoại, trong đó có đối ngoại về quốc phòng, an ninh “củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy trụ cột quan trọng về hợp tác quốc phòng, an ninh”. Từ những bất cập nảy sinh trong giải quyết các mối quan hệ giữa các lĩnh vực, Chiến lược chỉ rõ: chú trọng bổ sung, kiện toàn cơ chế, quy định, nhất là sự phối hợp giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương trong xử lý các tình huống bảo vệ Tổ quốc.

Một điểm mới nữa trong tăng cường mối quan hệ quốc phòng, an ninh, đối ngoại là, lần đầu tiên Đảng ta xác định: “Đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế bổ sung, phát triển hệ thống lý luận về quốc phòng, an ninh, nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội trong tình hình mới”. Nếu Văn kiện Đại hội XIII mới chỉ ra: “Chủ động, tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh”, thì Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã cụ thể hơn: tiếp tục mở rộng hợp tác quốc phòng, an ninh, phù hợp với lợi ích của ta; coi trọng quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, tăng cường đan xen lợi ích, tạo sự đồng thuận và ủng hộ rộng rãi của các nước trên các vấn đề liên quan đến lợi ích của ta.

Trong bối cảnh mới, nước ta hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, việc tăng cường quan hệ quốc phòng, an ninh, đối ngoại là yêu cầu khách quan, cấp thiết, bảo đảm quốc phòng, an ninh luôn song hành cùng đối ngoại trong việc dự báo, phát hiện sớm, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ, thách thức, dập tắt nguy cơ xung đột, chiến tranh; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng phát triển đất nước; đồng thời, đóng góp tích cực vào gìn giữ hòa bình của khu vực và thế giới.

Tư duy mới của Đảng về tăng cường mối quan hệ quốc phòng, an ninh và đối ngoại là đòi hỏi tất yếu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Trong đó, quốc phòng, an ninh là nền tảng và là chỗ dựa cho đối ngoại phát huy vai trò để nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Mặt khác, hoạt động đối ngoại cũng góp phần vào việc nâng cao tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Bản chất mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại là mối quan hệ hữu cơ giữa các lĩnh vực cơ bản trong vận hành của một quốc gia. Nó thống nhất về mục tiêu, định hướng, nhưng cũng có sự khác nhau về nội dung, nhiệm vụ và phương thức tiến hành. Tùy hoàn cảnh, phương diện, đối tác, đối tượng mà quốc phòng, an ninh hay đối ngoại giữ vai trò chủ đạo, nhưng tất cả đều hướng vào mục tiêu cao nhất là tạo dựng và huy động mọi nguồn lực, điều kiện thuận lợi, sức mạnh tổng thể quốc gia cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định, mở rộng quan hệ, nâng cao thế và lực, uy tín của ta trên trường quốc tế.

Đây là chủ trương lớn, rất quan trọng cần được nghiên cứu, quán triệt sâu sắc, tạo cơ sở triển khai thực hiện./.

ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét