Con đường cứu nước, giải phóng dân tộc đúng đắn, sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không chỉ mở lối, chỉ đường giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, mà còn là cơ sở, nền tảng để dân tộc ta, đất nước ta phát triển, trường tồn. Vì vậy, vận dụng tư tưởng của Người vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là vấn đề quan trọng, cấp thiết trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Thấu hiểu cảnh nước mất, nhà tan, cả dân tộc bị dìm trong lầm than, nô lệ, ngày 05/ 6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân thay vì ngồi chờ ngoại viện như các vị tiền bối. Và đích đến đầu tiên của Người là mẫu quốc để “... xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về để giúp đồng bào chúng ta”.
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours, năm 1920. Ảnh tư liệu |
Với hành trình đó, đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Tại đây, lấy tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người đã gửi “Bản yêu sách 8 điểm” tới Hội nghị Versailles, đòi những quyền dân tộc tự quyết, nhưng không được chấp nhận. Người hiểu rằng: “... muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”. Trong hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đi đến nhiều nơi, nghiên cứu, tìm hiểu nhiều trào lưu, nhiều cuộc cách mạng trên thế giới, như: cách mạng Mỹ (1776), cách mạng Pháp (1789),... và Người phát hiện đó là “những cuộc cách mạng không đến nơi”, chỉ phục vụ lợi ích cho thiểu số người giàu, còn giai cấp công nhân và các giai tầng khác vẫn sống trong cảnh nghèo khổ.
Sau gần 10 năm tìm kiếm, khảo nghiệm, tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được tác phẩm “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin và nhận thấy: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Điều này làm chuyển biến tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm thấy ở đây lý luận cách mạng, khoa học - con đường cứu nước đúng đắn, gắn liền sự nghiệp giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng con người một cách triệt để nhất.
Với trải nghiệm thực tế và tư duy độc lập, sáng tạo, Nguyễn Ái Quốc luôn nuôi dưỡng ý chí đấu tranh và phát triển đất nước theo con đường mới - con đường xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1921 - 1930 là thời kỳ Nguyễn Ái Quốc ra sức tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin về trong nước, bắt đầu một thời kỳ hoạt động cách mạng sôi nổi, học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lênin, về chế độ xã hội chủ nghĩa trên đất nước Xô-viết - quê hương của V.I.Lênin vĩ đại. Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp sang Liên Xô tiếp tục sự nghiệp đấu tranh cách mạng theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin và Quốc tế Cộng sản. Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên - tổ chức cách mạng có khuynh hướng cộng sản; ra báo Thanh Niên để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về trong nước, đồng thời mở các lớp huấn luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Những bài viết của Người được tập hợp, xuất bản thành cuốn sách Đường Kách mệnh có giá trị lý luận sâu sắc, đem đến cho dân tộc ta con đường cách mạng đúng đắn, đấu tranh giải phóng khỏi ách nô lệ, tiến tới xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau khi chuẩn bị cẩn trọng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mở ra bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây là điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thắng lợi của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta.
Sau 30 năm bôn ba trở về nước, tháng 5/1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng), quyết định “thay đổi chiến lược” cách mạng giải phóng dân tộc: đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; sáng lập Mặt trận Việt Minh để tổ chức vận động, tập hợp lực lượng cách mạng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc; tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng; chuẩn bị lực lượng, chờ thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Hưởng ứng Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, với quyết tâm: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, tháng Tám năm 1945 nhân dân ta đã nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi vĩ đại đó là thắng lợi của hành trình khát vọng thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - “kỷ nguyên độc lập, tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
Kế thừa, vận dụng giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Đảng ta luôn quan tâm nghiên cứu, phát triển lý luận, tổng kết thực tiễn; đồng thời, vận dụng sáng tạo trong suốt tiến trình cách mạng nước ta cũng như trong từng giai đoạn lịch sử, được thể hiện trên một số vấn đề cốt lõi.
Thứ nhất, luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây là sự nhất quán trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh từ khi Người tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh đạo cách mạng qua nhiều giai đoạn khác nhau. Khi Đảng ra đời, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xác định rõ mục tiêu: “Làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập” để đi tới xã hội cộng sản. Với tư tưởng xuyên suốt là độc lập dân tộc, trong giai đoạn 1939 - 1945, các hội nghị Trung ương Đảng chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và độc lập trên hết, Tổ quốc trên hết. Từ đó đoàn kết, phát huy sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi của cách mạng Tháng Tám bằng tinh thần, ý chí “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. |
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho chủ nghĩa xã hội, Đảng ta xác định bảo vệ vững chắc nền độc lập mới giành được, tiếp tục cách mạng giải phóng dân tộc, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy khó khăn, thử thách, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, được thể hiện ở đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Trong thời kỳ này, chủ nghĩa xã hội trở thành mục tiêu trực tiếp, việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là nhiệm vụ tối cao, huy động mọi giai cấp, tầng lớp để thực hiện với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”,... bảo đảm chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Đất nước hoàn toàn được độc lập, thống nhất. Từ năm 1975 đến nay, nhiệm vụ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được thể hiện trong việc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới toàn diện đất nước từ năm 1986, Đảng ta đổi mới tư duy, từng bước xác định đúng mô hình đặc trưng của chủ nghĩa xã hội với 6 đặc trưng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (tháng 6/1991) và 8 đặc trưng trong Cương lĩnh xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bổ sung, phát triển (2011). Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục xác định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội;...”. Như vậy, sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội được thể hiện ngay trong đường lối lãnh đạo của Đảng và những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực sau gần 40 năm đổi mới đất nước. Điều đó khẳng định chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thấm nhuần sâu sắc giá trị của lý luận cách mạng, khoa học, Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, đẩy mạnh, xây dựng chỉnh đốn Đảng, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước. Trong những năm qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tổ chức nhiều hội nghị, ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII) về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã có sự bổ sung, đổi mới rất căn bản về phạm vi và nội dung, bao gồm toàn bộ các vấn đề “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Tại các nhiệm kỳ đại hội của Đảng, nhất là Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “...phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Đồng thời, ban hành đồng bộ hệ thống văn bản nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện. Những quy định của Đảng được thực hiện quyết liệt từ Trung ương đến các địa phương với quan điểm kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng được thực hiện kịp thời, nghiêm minh, làm trong sạch bộ máy lãnh đạo của Đảng ở các cấp. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Có thể khẳng định rằng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.
Thứ ba, phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường trong công tác quốc phòng, an ninh. Quán triệt sâu sắc tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ rất quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, làm cơ sở bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”9. Theo đó, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được thực hiện bằng sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước; luôn kiên định nguyên tắc chiến lược, linh hoạt về sách lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ, thực hiện “bốn không”, được cụ thể hóa thông qua hệ thống các văn bản, như: Luật Quốc phòng, Sách Trắng quốc phòng Việt Nam 2019, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, v.v. Hoạt động đối ngoại quốc phòng được thực hiện linh hoạt, mềm dẻo dựa trên nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tăng cường mở rộng hợp tác quốc phòng với tất cả các nước. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng với hơn 100 quốc gia, bao gồm 5 nước là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các cường quốc trên thế giới, khẳng định vị thế, uy tín của đất nước, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc./.
ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét