Thương mại và quyền con người là hai lĩnh vực có mối quan hệ gắn bó mật thiết. Quyền con người ngày càng trở thành một nội dung quan trọng trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của các chính phủ. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới ngày càng ghi nhận doanh nghiệp như là một chủ thể nghĩa vụ quyền con người quan trọng. Do đó, phân tích mối quan hệ giữa thương mại và quyền con người là việc cần thiết nhằm làm rõ trách nhiệm xã hội và bảo đảm quyền con người của doanh nghiệp trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên.
Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và quyền con người
Quyền con người là các quyền vốn có của mỗi người, được ghi nhận là những giá trị, chuẩn mực phổ quát trong pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia. Ngày nay, tất cả 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đều đã có cam kết chính trị, pháp lý trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người thông qua việc ký kết các văn kiện, đặc biệt là các công ước quốc tế về quyền con người. Các quyền này cần được quốc gia ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và thực thi trong mọi bối cảnh, kể cả trong hoạt động thương mại, kinh doanh.
Theo nghĩa chung nhất, hiệp định thương mại tự do (FTA) là thỏa thuận giữa 2 hoặc nhiều quốc gia nhằm đồng ý về một số nghĩa vụ nhất định ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa và dịch vụ, cũng như bảo vệ nhà đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ, cùng các chủ đề khác. Mục tiêu chính của các hiệp định thương mại là giảm hoặc loại bỏ các rào cản thương mại giữa các quốc gia thành viên. Theo thời gian, tính chất thuần túy thương mại của các FTA đã dần được thay thế bằng các “Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Điểm khác biệt cơ bản giữa các FTA truyền thống và FTA thế hệ mới là ở phạm vi và mức độ cam kết toàn điện và sâu rộng hơn, cơ chế thực thi chặt chẽ hơn, cơ chế giải quyết tranh chấp rõ ràng hơn và đặc biệt là sự bổ sung thêm nhiều quy định “phi thương mại”, trong đó có quy định về quyền con người.
Trong những năm gần đây, cùng với quá trình toàn cầu hóa về thương mại, quyền con người là nội dung được thảo luận trong các vòng đàm phán thương mại cũng như được pháp điển hóa trong nhiều FTA song phương và đa phương. Đây được coi là những quy tắc mới của “luật chơi” thương mại toàn cầu và là cách tiếp cận của FTA thế hệ mới. Các quy định cụ thể về quyền con người được xuất hiện trong FTA thế hệ mới, nổi bật là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Các hiệp định này không điều chỉnh tất cả các quyền con người nhưng dựa trên các nguyên tắc cốt lõi của quyền con người và tập trung nhấn mạnh các quyền con người ở một số lĩnh vực liên quan. Cụ thể, bên cạnh các nội dung về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, hàng rào kỹ thuật thương mại thì các hiệp định này còn đề cập đến các nội dung về quyền con người.
Mặc dù hoạt động thương mại quốc tế đã có từ lâu nhưng FTA thế hệ mới chỉ được các quốc gia đàm phán và ký kết trong những năm gần đây. Xét về nguồn gốc, cách tiếp cận về quyền trong thương mại có thể tìm thấy ở các văn kiện của Tổ chức thương mại quốc tế và hiệp định thương mại song phương giữa một số quốc gia. Chẳng hạn, quyền con người được ghi nhận ở Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 1994, qua các vòng đàm phán Doha với việc khẳng định phát triển là mục đích của thương mại. Trong lời nói đầu của Hiệp định thành lập WTO ghi nhận “thương mại phải được thực hiện với mục tiêu nâng cao mức sống, bảo đảm đầy đủ việc làm, một khối lượng thu nhập và nhu cầu thực tế lớn, phát triển ổn định; mở rộng sản xuất, thương mại hàng hóa và dịch vụ, trong khi đó vẫn bảo đảm việc sử dụng tối ưu nguồn lực của thế giới theo đúng mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ và duy trì môi trường…”.
Đến FTA thế hệ mới, quyền con người được đưa vào như là những điều khoản có tính điều kiện hay là thậm chí điều khoản cốt yếu (esstential clauses) và là mục tiêu cuối cùng của tự do thương mại. Quy định này nhằm khẳng định, hoạt động thương mại nói chung, hiệp định thương mại tự do nói riêng cần không gây trở ngại hay thậm chí không được phép vi phạm các chuẩn mực phổ quát về quyền con người. Cụ thể, đó là các thiết chế, thể chế được các quốc gia thành viên FTA thiết lập nhằm bảo đảm quyền con người trong các hoạt động thương mại.
Lời nói đầu của CPTPP khẳng định quyết tâm bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực lao động, cũng như tầm quan trọng của việc thúc đẩy các nguyên tắc về minh bạch, quản trị tốt và nhà nước pháp quyền đồng thời xóa bỏ hối lộ và tham nhũng trong các thương mại và đầu tư. Theo đó, mục đích cuối cùng của CPTPP chính là bảo vệ quyền con người bằng cách “đem lại tăng trưởng kinh tế và lợi ích xã hội, tạo ra những cơ hội mới cho người lao động và doanh nghiệp, góp phần nâng cao mức sống, lợi ích người tiêu dùng, giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng bền vững”.
Đưa quyền con người vào FTA thế hệ mới với các quốc gia là một chủ trương nhất quán của Liên minh châu Âu (EU) trên cơ sở cách tiếp cận coi các quyền con người cơ bản là nguyên tắc chung của pháp luật. Điều khoản về quyền con người là một phần không thể thiếu trong FTA thế hệ mới của EU trong những năm gần đây. Các FTA thế hệ mới mà EU đã ký với các nước, như Hàn quốc, Singapore, Ukraine, Canada, Nhật Bản, Việt Nam… đều tái khẳng định cam kết của các quốc gia phê chuẩn hiệp định với nguyên tắc và chuẩn mực quyền con người được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945, Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948, cũng như quyết tâm tăng cường các mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, trên khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường, theo hướng lưu ý ở mức cao về bảo vệ môi trường, lao động và các thỏa thuận, tiêu chuẩn quốc tế có liên quan. Nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVTFA đều có các quy định trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến nghĩa vụ bảo đảm quyền con người, trong đó có các quyền trực tiếp liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp, như quyền lao động, quyền sở hữu trí tuệ, quyền về môi trường, phát triển bền vững, minh bạch và chống tham nhũng. Tính từ năm 1994 đến năm 2021, đã có 113 hiệp định thương mại song phương, khu vực, đa phương có quy định về quyền lao động. CPTTP hay EVFTA đều có quy định về các quyền lao động. Chương 19 của CPTPP và chương 13 của EVFTA đều cam kết bảo đảm quyền tự do hội họp và quyền thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; xóa bỏ lao động trẻ em và các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp và các vấn đề liên, như việc làm thỏa đáng, mức lương tối thiểu, giờ làm việc, sức khoẻ và an toàn nghề nghiệp, thực thi pháp luật lao động, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đối thoại lao động... Đây là các quy định trực tiếp liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp. Ngoài ra, với mục tiêu thương mại phải bảo đảm phát triển bền vững, các FTA thế hệ mới cũng đưa ra các quy định nhằm ngăn ngừa vi phạm quyền con người trong một số lĩnh vực sau:
Quyền về môi trường: Các FTA thế hệ mới đều có điều khoản riêng về trách nhiệm bảo vệ môi trường và thực thi có hiệu quả pháp luật về môi trường, cũng như tăng cường năng lực của các bên để giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến thương mại. Theo EVFTA, các bên tham gia Hiệp định cần “khuyến khích mức độ bảo hộ cao đối với các lĩnh vực môi trường thông qua nỗ lực cải thiện các quy định luật pháp, chính sách và giải quyết các mối đe dọa cấp bách của biến đổi khí hậu.
Quyền sở hữu trí tuệ: Chương 18 của CPTPP và chương 12 của EVFTA đưa ra các quy định liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có quy định rõ ràng về sự cân đối giữa việc bảo hộ thương mại đối với quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ nền y tế công, đặc biệt là quyền tiếp cận thuốc điều trị. Cụ thể, việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ theo các hiệp định thương mại cần không được gây trở ngại cho việc thực hiện các biện pháp để bảo vệ nền y tế công cộng của các quốc gia theo Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và bảo đảm sự cân đối giữa việc thúc đẩy sự phát triển các loại thuốc chữa bệnh mới cũng như việc phổ biến các thuốc gốc.
Ngoài ra, FTA của một số quốc gia cũng có các điều khoản về một số vấn đề, như minh bạch và chống tham nhũng, bình đẳng giới, xóa đói, giảm nghèo… Chẳng hạn, các hiệp định thương mại của Canada với một số quốc gia, như Hiệp định thương mại tự do Canada - Chile, Hiệp định thương mại tự do Canada - Israel có chương riêng về thương mại và giới.
Các khía cạnh khác của quyền con người cũng được thể hiện thông qua yêu cầu thành lập các cơ quan, cơ chế giám sát theo FTA liên quan đến quyền lao động, môi trường, phát triển bền vững. Theo CPTPP, để thực hiện quyền lao động, các quốc gia thành viên cần thành lập đầu mối liên lạc để giải quyết các vấn đề liên quan việc thực hiện chương 19; thành lập hoặc duy trì nhóm tham vấn với cơ quan tư vấn lao động quốc gia hay bảo đảm để có sự tham gia của công chúng. Hiệp định thương mại tự do Canada và Chile yêu cầu các bên cần thành lập ủy ban về giới và thương mại nhằm thúc đẩy thực hiện hiệu quả bình đẳng giới trong các hoạt động thương mại.
Quá trình ghi nhận trách nhiệm quyền con người của doanh nghiệp trong các hiệp định thương mại thế hệ mới
Văn kiện quan trọng xác lập khuôn khổ quốc tế về kinh doanh và quyền con người là các Nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh và quyền con người năm 2011 (UNGP) khẳng định sự cần thiết phải ghi nhận trách nhiệm quyền con người của doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, đầu tư. Theo UNGP, “nhà nước cần duy trì không gian chính sách trong nước phù hợp để đáp ứng các nghĩa vụ về quyền con người trong khi theo đuổi các mục tiêu chính sách về thương mại và kinh doanh với các quốc gia khác hoặc với doanh nghiệp, ví dụ thông qua các hiệp định hoặc hợp đồng đầu tư”. Nguyên tắc này nhấn mạnh rằng, việc ký kết FTA hay hiệp định đầu tư cần không được gây nên hạn chế, trở ngại trong việc thực hiện nghĩa vụ về quyền con người của các quốc gia. Bên cạnh các quy định về bảo hộ thương mại, đầu tư, thì nhà nước cần bảo đảm và bảo vệ quyền con người. Trên cơ sở nguyên tắc đó, nhiều quốc gia đã tiến hành các biện pháp khác nhau nhằm ghi nhận và thực hiện trách nhiệm quyền con người của doanh nghiệp trong hoạt động thương mại. Một trong những biện pháp được thực hiện là thông qua các kế hoạch hành động quốc gia (NAP). Tính đến tháng 8-2023, 32 quốc gia đã xây dựng kế hoạch hành động quốc gia của mình, trong đó nhiều quốc gia đã đưa ra các hoạt động nhằm bảo đảm trách nhiệm xã hội, quyền con người của doanh nghiệp trong thương mại, đầu tư. Kế hoạch hành động của một số quốc gia còn đưa ra yêu cầu và đề xuất các chương trình hành động để thúc đẩy trách nhiệm của doanh nghiệp trong các hiệp định thương mại.
Một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam
Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Tính đến tháng 8-2023, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKFTA. Các hiệp định mang lại nhiều cơ hội kinh doanh, đặc biệt là hoạt động kinh doanh, xuất - nhập khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam. Sau khi CPTPP được thực thi, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Canada, Mexico và Peru đã tăng lên mức 25-30%/năm. Tại Việt Nam, có 54% các doanh nghiệp cho biết, các FTA đã mang đến tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh trong thời gian qua.
Rà soát nội dung của các FTA của Việt Nam với các quốc gia, khu vực khác cho thấy, các quy định về kinh doanh có trách nhiệm quyền con người chủ yếu được đề cập trong hai văn kiện chính là CPTPP và EVFTA. Mặc dù không có điều khoản trực tiếp về trách nhiệm quyền con người trong kinh doanh và sự viện dẫn trực tiếp UNGP, nhưng cả 2 hiệp định thương mại tự do này đều có điều khoản riêng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và các quy định về quyền con người trong các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất, đầu tư, thương mại của doanh nghiệp, như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, đầu tư. CPTPP có quy định cụ thể về trách nhiệm xã hội tại Điều 19.7 là “Mỗi bên sẽ nỗ lực khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện thông qua các sáng kiến trách nhiệm xã hội về các vấn đề lao động đã được Bên đó xác nhận hoặc hỗ trợ”. Điều 19.10 của Hiệp định này tiếp tục kêu gọi các quốc gia thành viên cần “hợp tác để thúc đẩy doanh nghiệp bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; hợp tác về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”.
EVFTA cũng yêu cầu các bên cam kết bảo đảm “thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, với điều kiện các biện pháp liên quan không được gây ra sự phân biệt đối xử tùy tiện và vô lý giữa các bên hoặc tạo thành một phương thức hạn chế thương mại trá hình”. Hiệp định này cũng yêu cầu các thành viên cần có “các biện pháp thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao gồm các trao đổi về thông tin và thực hành tốt, các hoạt động giáo dục và đào tạo và tư vấn kỹ thuật”; trên cơ sở tuân thủ các văn kiện quốc tế có liên quan đến trách nhiệm quyền con người trong kinh doanh: Hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế cho các doanh nghiệp đa quốc gia, Hiệp ước toàn cầu của Liên hợp quốc và Tuyên bố ba bên của Tổ chức Lao động quốc tế về các Nguyên tắc liên quan đến doanh nghiệp đa quốc gia và chính sách xã hội.
Như vậy, nội dung của CPTPP và EVFTA đề cập đến trách nhiệm quyền con người trong kinh doanh thông qua việc ghi nhận nghĩa vụ của cả hai chủ thể là doanh nghiệp và nhà nước. Đây là cam kết mà Nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ để thực hiện, phù hợp với pháp luật của Việt Nam, bảo đảm an ninh kinh tế và lợi ích quốc gia - dân tộc. Khảo sát năm 2022 của VCCI cho thấy, 46,4% số doanh nghiệp Việt Nam tự nhận thức được lực cản, hạn chế lớn nhất của mình chính là những hạn chế về năng lực cạnh tranh bản thân. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang có nhiều diễn biến mới, việc thực hiện trách nhiệm xã hội và quyền con người được coi là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam là cần có nhận thức và cách tiếp cận toàn diện hơn về trách nhiệm quyền con người, coi đây không chỉ là hoạt động từ thiện, mà là một cam kết, nghĩa vụ pháp lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, cả CPTPP và EVFTA đều đưa ra quy định về cam kết thực hiện quyền về môi trường, quyền tiếp cận thuốc, các tiêu chuẩn lao động quốc tế cho người lao động, việc làm thỏa đáng cho mọi người, bảo trợ xã hội các nhóm yếu. Việc thực hiện các cam kết này đòi hỏi nỗ lực quan trọng từ Nhà nước để đưa ra quy định pháp luật, chính sách, kế hoạch để thực hiện cam kết trách nhiệm quyền con người trong các FTA. Bên cạnh các biện pháp về lập pháp, hành pháp, tư pháp của Nhà nước, thì doanh nghiệp cũng là chủ thể có nghĩa vụ quan trọng. Bởi lẽ, trong bối cảnh thương mại và đầu tư hiện nay, khi các quyền con người bị xâm hại, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp về uy tín, thương hiệu và phát triển.
Có thể khẳng định, FTA thế hệ mới mang lại nhiều cơ hội về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư cho các bên tham gia, đặc biệt là các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định này nhờ việc tiếp cận với cơ hội đầu tư, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đưa ra các điều khoản phi thương mại về trách nhiệm quyền con người, đặc biệt là quyền của người lao động đối với nhà nước và doanh nghiệp. Việc điều chỉnh khuôn khổ chính sách và hành vi kinh doanh theo hướng tôn trọng quyền con người là trách nhiệm mà doanh nghiệp Việt Nam cần cam kết thực hiện, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Chính phủ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết, trong đó có các quy định “phi thương mại” tiến bộ của các FTA thế hệ mới, trên cơ sở hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm an ninh chính trị, an ninh kinh tế và lợi ích quốc gia - dân tộc./.
ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét