Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: HÀNH TRÌNH THEO CHÂN BÁC HỒ!

     “Một Lênin của Đông Dương”.
Cách đây 102 năm, ngày 24/6/1922, tờ “L’ Humanité” (Nhân Đạo) đăng bài “Lời than vãn của Bà Trưng Trắc” của Nguyễn Ái Quốc. Đây là một truyện ngắn hư cấu giấc mơ của Vua Khải Định (lúc này đang “xa giá” đến Pháp) và mượn lời của vị nữ anh hùng dân tộc chống ngoại xâm, tác giả lên án nặng nề chế độ phong kiến Nam triều và chính vua Khải Định đã để mất nước, ươn hèn cam tâm làm tay sai cho ngoại bang.

Liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Pháp trong thư đề ngày 24/6/1931 gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đã đánh giá: “Thực ra từ hơn 10 năm nay, Nguyễn Ái Quốc là một chiến sĩ vô địch vì sự nghiệp độc lập của Đông Duơng. Lúc đầu là một người dân tộc chủ nghĩa, ông ta sớm đi theo chủ nghĩa cộng sản, và từ nhiều năm nay những người cách mạng bản xứ xem ông ta như một Lênin của Đông Dương…”.

Ngày 24/6/1942, leo lên vùng núi Lũng Dẻ thuộc khu núi đá Lam Sơn (Cao Bằng), Bác tức cảnh làm bài thơ “Thướng sơn” (Leo núi): “Lục nguyệt nhị thập tứ/ Thướng đáo thử sơn lai/ Cử đầu hồng nhật cận/ Đối ngạn nhất chi mai” (Tố Hữu dịch: Hai mươi tư tháng Sáu/ Lên ngọn núi này chơi/ Ngẩng đầu: mặt trời đỏ/ Bên suối một nhành mai).

Ngày 24/6/1946, tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp hơn 100 anh em đại biểu Nam bộ đến chào và bày tỏ tinh thần thống nhất quốc gia. Cùng ngày, Bác tiếp Bộ trưởng Hải ngoại M.Moutet và Đô đốc D’ Argenlieu cùng Ban Trị sự Hội Pháp-Việt hữu nghị mới thành lập... Trong số những Việt kiều đến chào Bác, có triết gia Trần Đức Thảo.

Ngày 24/6/1959, Bác đón tiếp Tổng thống Indonesia sang thăm Việt Nam. Trong diễn văn chào đón tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội), Bác chân tình nói: “Được đón tiếp Tổng thống Sukarno, nhân dân Việt Nam có cảm tưởng vui sướng như được ôm ấp vào lòng mình 88 triệu anh em Indonesia anh dũng. Có mối tình thương yêu ấy, vì hai dân tộc ta cùng có một hoàn cảnh giống nhau, cùng có một lịch sử vẻ vang kháng chiến oanh liệt chống bọn thực dân cướp nước, giành độc lập tự do. Hai dân tộc chúng ta đều phải tiếp tục đấu tranh để giải phóng hoàn toàn đất nước và trong cuộc đấu tranh đó, hai dân tộc ta thông cảm lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau”.

Trong tháng 6/1960, nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ các cơ quan dân - chính - đảng Trung ương, Bác phân tích: “Công việc cách mạng cũng như các bộ phận trong một chiếc thuyền, bộ phận nào cũng quan trọng cả. Nếu các bộ phận ấy suy bì với nhau thì không được. Ví như chèo thì luôn luôn vùng vẫy. Lái thì ngâm mình dưới nước... Buồm thì thảnh thơi... Ta đang làm cách mạng, có bộ phận này làm việc này, có bộ phận khác làm việc khác, các công việc đều cần thiết, đều vẻ vang./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét