Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN QUÂN SỰ VIỆT NAM - ĐEM ĐẠI NGHĨA LẤY TRÍ NHÂN THẮNG HUNG TÀN, CƯỜNG BẠO

KHÉP LẠI QUÁ KHỨ, HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI!
(Tiếp theo và hết)
     Lịch sử thăng trầm khiến nhiều người con đất Việt phải bôn ba nơi xứ người. Tuy nhiên, ngoại trừ thiểu số vẫn giữ định kiến, nhận thức và hành động chưa phù hợp với lợi ích của đất nước, còn phần đa với mẫu số chung là tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, họ vẫn luôn hướng về cội nguồn, về với quê hương Tổ quốc!

Hiểu rõ điều đó, chủ trương đoàn kết, hòa hợp dân tộc đã được Đảng và Nhà nước ta xác định ngay từ rất sớm; xác định tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, không để những định kiến, hận thù và bất đồng cản trở con đường phát triển của dân tộc, cũng như nguyện vọng của đông đảo người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Năm 2004, “tướng râu kẽm” của ngụy quân Sài Gòn - Nguyễn Cao Kỳ, người từng lưu bút vào quả bom trước khi máy bay Mỹ giội xuống miền Bắc Việt Nam - nơi có thị xã Sơn Tây là quê hương ông; một Phó tổng thống khét tiếng “chống cộng”, một “biểu tượng” của những người chống đối Nhà nước Việt Nam sau năm 1975… bỗng nhiên trở về cố hương!

Ngoài ra còn có nhiều người khác như cựu Thiếu tướng, Cục trưởng An ninh Quân đội Sài Gòn cũ Đỗ Mậu về thăm quê khi tuổi đã về già, hay như nhạc sĩ Phạm Duy về định cư ở Việt Nam.

"Tướng râu kẽm" Nguyễn Cao Kỳ trở về trong sự tôn trọng, đối xử bình đẳng như một người con xa quê lâu ngày trở lại.

Với nhận thức dân tộc là trường tồn, đất mẹ là thiêng liêng, họ trở về trong sự tôn trọng, đối xử bình đẳng như một người con xa quê lâu ngày trở lại.

Một việc làm tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn khác, đó là vào năm 2005, chính quyền đã chuyển Nghĩa trang Bình Dương, trước đây của quân đội Việt Nam Cộng hòa, thành Nghĩa trang nhân dân Bình An, hoạt động theo quy chế nghĩa trang dân sự, nghĩa là thân nhân có thể đến bất cứ lúc nào để thăm viếng, tu sửa mộ phần....

Câu chuyện về những nhân vật “chóp bu” của chính quyền ngụy Sài Gòn xóa bỏ định kiến để trở về Tổ quốc hay những việc làm nghĩa cử nêu trên như một minh chứng sinh động về chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.

Trên thực tế, vấn đề đó được đặt ra trước ngày 30-4-1975. Trước đó, năm 1972, khi về thăm huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, trong bữa cơm với đồng bào, đồng chí, đồng chí Lê Duẩn đã đặt câu hỏi sau khi thống nhất đất nước, việc gì là lớn nhất? Mỗi người trong bữa cơm trả lời một ý nhưng đồng chí Lê Duẩn nói rằng: “Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm là hòa hợp dân tộc”. Như vậy, có thể thấy, hòa hợp dân tộc đã được người lãnh đạo cao nhất của Đảng lúc ấy nhận thức, trăn trở từ khi chiến tranh còn đang nóng bỏng, chưa hẹn ngày toàn thắng.

Tư duy đó cũng phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng sau này. Trả lời phỏng vấn Báo Thanh niên năm 2015, nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên Đại sứ, thành viên đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại cuộc đàm phán Hiệp định Paris cho biết: Thời kỳ đầu, ta chưa có chủ trương hòa hợp dân tộc mà đấu tranh ở cả 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Năm 1972, tình hình nhiệm vụ đòi hỏi phải liên kết các lực lượng miền Nam thì vấn đề hòa hợp dân tộc được đặt ra, đưa vào dự thảo Hiệp định Paris, sau đó thậm chí ta đã chấp nhận phương án "một chính quyền hòa hợp dân tộc" để khi Mỹ rút, sẽ thực hiện hòa hợp, hòa giải để tổ chức tổng tuyển cử.

Hiệp định Paris năm 1973 có 3 điều nói về hòa giải, hòa hợp dân tộc.
Tinh thần hòa hợp dân tộc còn thể hiện ngay trong văn bản Hiệp định Paris năm 1973 khi Hiệp định này gồm 23 điều thì có tới 3 điều (11,12,13) nói về hòa giải, hòa hợp dân tộc. Theo đó, ngay sau khi ngừng bắn hai bên, miền Nam Việt Nam sẽ: "Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia; hiệp thương trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính nhau để thành lập Hội đồng Quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc…"

Sau này, trong các chiến dịch giải phóng miền Nam, chúng ta đều thực hiện nghiêm túc chính sách nhân đạo đối với tù, hàng binh. Ngay sau ngày toàn thắng 30-4, tối 2-5-1975, ta đã trả tự do cho ông Dương Văn Minh và nội các chế độ Sài Gòn tại Dinh Độc Lập. Theo ông Nguyễn Khắc Huỳnh, những nhân vật cao cấp thuộc chính quyền cũ đầu hàng ở Dinh Độc Lập ta đều tôn trọng, không bắt bớ gì mà để họ được tự do.

Cha ông ta có câu "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này luôn đề cao tinh thần hòa hợp dân tộc, song với Người, không phải hòa hợp theo kiểu cào bằng, dân túy. Trong bài báo "Khoan hồng mà không nhu nhược", Người viết: “Đối với quan lại cũ, trừ những bọn đại gian, đại ác, Chính phủ Cộng hòa ta cũng tỏ ra một độ lượng không để tâm moi ra những tội cũ đem làm án mới làm gì”.

Năm 1946, khi thành lập Chính phủ lâm thời, Bác đã mời những quan chức trong chế độ cũ tham gia điều hành công việc quốc gia, trong đó có cả cựu hoàng Bảo Đại. Người đã chấp nhận 70 đại biểu của các tổ chức đối lập trong Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thông qua bầu cử.

Ngày 31-5-1946, trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ trước khi lên đường sang thăm nước Pháp và dự Hội nghị Fontainebleau, Người viết: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.

Với mục tiêu “thêm bạn bớt thù”, từ Đại hội Đảng VII (năm 1991), Đảng ta đề ra chủ trương: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Bước đột phá tư duy này của Đảng đã hóa giải được những khác biệt về ý thức hệ, giúp Việt Nam không ngừng mở rộng, thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi với hầu hết các nước trên thế giới, kể cả những nước trước đây từng là cựu thù. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 191/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Trong đó, chúng ta có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện với 30 nước trên thế giới bao gồm tất cả các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an và nhiều nước lớn khác trong khu vực.

Quan điểm gác lại quá khứ, hướng tới tương lai trở nên thiết thực và rộng mở với các nước từng gây ra cuộc chiến tranh tại Việt Nam, với hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và hơn 220 thị trường nước ngoài có quan hệ thương mại với Việt Nam.

Không chỉ hóa giải những khác biệt, bất đồng với các nước từng là cựu thù, Đảng, Nhà nước ta còn có nhiều chính sách giúp hàng triệu người Việt Nam ở hải ngoại vượt qua mặc cảm quá khứ, xóa bỏ hận thù, dang rộng cánh tay thân thiện với nhau.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X (năm 2006) chỉ rõ: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; truyền thống nhân nghĩa, khoan dung đề cao tinh thần dân tộc, để tập hợp mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”.

Đảng ta khẳng định “người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Ngày 26-3-2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài - điều này có ý nghĩa chiến lược hết sức to lớn, tạo ra con đường rộng mở cho thực hiện tốt hơn chủ trương lớn hòa hợp dân tộc. Nghị quyết khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”.

Tiếp đó, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định: “Ðại đoàn kết toàn dân tộc lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần, giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”.

Đại hội lần thứ XII của Đảng một lần nữa khẳng định quan điểm về đoàn kết, hòa hợp dân tộc: “Tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước”.

Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19-5-2015 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: “Tiếp tục quan tâm, sớm có giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trên tinh thần cởi mở, chân thành, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Kiên trì vận động, thuyết phục những người còn giữ định kiến, mặc cảm”.

Chủ trương của Đảng về hòa giải, hòa hợp dân tộc ngày càng được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách thiết thực như: Xuất nhập cảnh, cư trú, hồi hương, quốc tịch, hộ tịch, về đầu tư kinh doanh; về quyền được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam; Quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài; Luật Quốc tịch sửa đổi, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở...

Chủ trương của Đảng về hòa giải, hòa hợp dân tộc ngày càng được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách thiết thực.
Nhiều chương trình, cách làm thiết thực giúp nối vòng tay lớn với kiều bào như: Xuân quê hương, người Việt ở nước ngoài với chủ quyền biển đảo; dân sự hóa nghĩa trang Biên Hòa, tổ chức đại lễ cầu siêu… Các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước làm ăn đã tạo ra những doanh nghiệp bản địa mạnh, hàng đầu của đất nước như Vingroup, Sun Group, Techcombank, VPbank, Eurowindow, Masan... Hằng năm, có khoảng 400-500 lượt chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học, công nghệ trong nước.

Trả lời báo chí về công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc vào năm 2023, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu (khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) đã khẳng định quan điểm đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, linh hoạt trong triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó và hướng về quê hương, đất nước.

Đặc biệt là kiên trì vận động những kiều bào còn định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong đó, cần tiếp tục quan tâm giải quyết các vấn đề do lịch sử để lại trên tinh thần đối thoại, lắng nghe, cởi mở, chân thành, khoan dung, sẵn sàng chấp nhận khác biệt...

Rõ ràng, quan điểm hòa giải, hòa hợp, đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta là nhất quán, xuyên suốt. Đất nước ta đang bước vào thời cơ, vận hội mới. Vận hội ấy đòi hỏi sự chung tay của đồng bào ta ở cả trong và ngoài nước, vì một Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất và hùng cường. Để thực hiện mục tiêu đó, trước hết cần có tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau vun đắp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

Đất nước ta đang bước vào thời cơ, vận hội mới. Vận hội ấy đòi hỏi sự chung tay của đồng bào ta ở cả trong và ngoài nước, vì một Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất và hùng cường./.







Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét