Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

Khi hoạt động từ thiện trở thành lớp vỏ cho bạo hành.

 Vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng không chỉ vi phạm pháp luật mà còn làm xói mòn niềm tin vào các hoạt động từ thiện. Vụ việc này một lần nữa chứng minh sự nguy hiểm khi các hoạt động thiện nguyện bị biến tướng, nơi lòng tốt của xã hội bị lợi dụng dưới vỏ bọc từ thiện.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh như trên trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng (TP Hồ Chí Minh) gây xôn xao dư luận những ngày qua.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Ảnh: media.quochoi.vn)

Phóng viên (PV): Qua vụ việc ngược đãi, bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng (thành phố Hồ Chí Minh) gây xôn xao dư luận những ngày qua, ông có nhận định gì về những lỗ hổng trong hệ thống pháp lý hiện tại liên quan đến bảo vệ trẻ em?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi thấy, trong nhiều năm vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đến đời sống văn hóa, chúng ta đã có nhiều hành động tốt để chăm sóc cho trẻ em. Trẻ em hôm nay thực sự đã được hưởng nhiều thành quả từ sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng đã cho thấy một số khoảng trống pháp lý về bảo vệ trẻ em, đặc biệt tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Hiện tại, dường như việc giám sát các cơ sở bảo trợ xã hội vẫn còn chưa tốt. Các cuộc thanh tra định kỳ, vốn dĩ được thiết lập để đảm bảo an toàn cho các em, lại trở nên không đủ. Sự thiếu hụt về kiểm tra đột xuất và giám sát liên tục đã tạo ra những kẽ hở để hành vi bạo hành có thể diễn ra và chỉ được phơi bày khi mọi chuyện đã quá muộn. Điều đó không chỉ khiến trẻ em chịu tổn thương mà còn làm dấy lên câu hỏi: Chúng ta đã làm đủ để bảo vệ các em chưa?

Chúng ta cũng không thể làm ngơ trước thực tế rằng, dù đã có nhiều sự việc tương tự và đã có những chế tài xử phạt nhưng dường như hình phạt pháp lý dành cho những kẻ bạo hành trẻ em vẫn còn quá nhẹ. Sự tha thứ quá dễ dàng không chỉ làm tổn thương thêm nhiều đứa trẻ mà còn làm giảm đi giá trị của sự công lý mà chúng ta luôn theo đuổi.

Nếu chúng ta thực sự muốn thay đổi, không muốn lặp lại những vụ việc đau lòng như tại Mái ấm Hoa Hồng, thì hệ thống pháp lý cần phải có những quy định mạnh mẽ hơn. Hãy nghĩ đến một thế giới nơi mà việc giám sát không bao giờ buông lỏng, nơi mà mỗi hành vi bạo hành đều bị phát hiện ngay tức khắc. Hãy nghĩ đến những biện pháp nghiêm khắc hơn, những quy định rõ ràng hơn về hình phạt dành cho kẻ vi phạm, thì có lẽ có thể sẽ không một đứa trẻ nào phải chịu đựng nỗi đau không đáng có.

Và trên hết, chúng ta cần xây dựng một cộng đồng mà mỗi người làm việc tại các cơ sở bảo trợ trẻ em đều được đào tạo bằng tình yêu thương và trách nhiệm. Chỉ khi mỗi người, mỗi trái tim thực sự thấu hiểu và biết bảo vệ trẻ em mới có thể ngăn chặn được những nỗi đau không đáng có. Bởi vì, bảo vệ trẻ em không chỉ là một nhiệm vụ pháp lý mà còn là sự thể hiện cao nhất của lòng nhân ái và tình yêu đối với tương lai của chúng ta.

PV: Thưa ông, vụ việc cũng làm dấy lên sự phẫn nộ trong dư luận về những hoạt động từ thiện biến tướng, làm xói mòn niềm tin của cộng đồng vào các hoạt động từ thiện chân chính. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng một lần nữa chứng minh sự nguy hiểm của các hoạt động từ thiện bị biến tướng, nơi lòng tốt của xã hội bị lợi dụng dưới vỏ bọc từ thiện. Thay vì mang đến sự an toàn và hy vọng cho trẻ em, những tổ chức như vậy lại trở thành nơi diễn ra các hành vi bạo lực và xâm hại. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn làm xói mòn niềm tin của cộng đồng vào các hoạt động từ thiện chân chính.

Tôi thấy, sự phẫn nộ của dư luận là hoàn toàn hợp lý. Người dân mong muốn các tổ chức từ thiện phải mang lại giá trị thực sự cho xã hội, đặc biệt khi đối tượng được giúp đỡ là những trẻ em yếu thế và dễ tổn thương. Việc lợi dụng danh nghĩa từ thiện để thực hiện các hành vi bạo lực là một tội ác không thể tha thứ.

Vì thế, việc giám sát chặt chẽ các tổ chức từ thiện là cấp bách hơn bao giờ hết. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần thiết lập một cơ chế kiểm tra nghiêm ngặt, không chỉ đối với các tổ chức mới thành lập mà còn với những tổ chức đã hoạt động lâu năm. Xã hội cần đảm bảo rằng mọi khoản quyên góp và hoạt động từ thiện đều minh bạch và hướng đến những giá trị tích cực.

Từ thiện không chỉ là hành động mà còn là cam kết đạo đức. Những người tham gia từ thiện cần nhận thức rằng trách nhiệm của họ không chỉ là trao tặng vật chất, mà còn là bảo vệ và nuôi dưỡng các giá trị nhân đạo sâu sắc. Khi lòng tin bị tổn thương, không chỉ các tổ chức từ thiện biến tướng bị lên án mà còn tạo ra tâm lý hoài nghi, làm khó khăn cho những tổ chức từ thiện thực sự đang làm việc vì lợi ích cộng đồng.

Trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng đã được chuyển vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức và Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Gò Vấp (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN) 

PV: Vậy theo ông, cần phải làm gì để ngăn chặn những biến tướng, đưa hoạt động từ thiện về với giá trị đích thực?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng, để ngăn chặn những biến tướng từ thiện và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của trẻ em, chắc chắn chúng ta cần có những biện pháp quyết liệt hơn.

Trước hết, minh bạch tài chính là yếu tố hàng đầu. Các tổ chức từ thiện phải công khai rõ ràng các khoản thu, chi, đồng thời chịu sự kiểm tra và giám sát của các cơ quan độc lập. Cần thiết lập hệ thống báo cáo tài chính bắt buộc định kỳ, có kiểm toán từ bên thứ ba để đảm bảo rằng các nguồn quỹ được sử dụng đúng mục đích và minh bạch. Điều này không chỉ tạo niềm tin cho cộng đồng mà còn là cơ sở để bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng yếu thế, đặc biệt là trẻ em.

Ngoài ra, cần thiết lập tiêu chuẩn chất lượng cho các cơ sở bảo trợ và đảm bảo rằng mọi cơ sở từ thiện có liên quan đến trẻ em phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về điều kiện vật chất, nhân sự và quản lý. Các quy định này cần phải được kiểm tra thường xuyên và kỹ lưỡng để tránh những hành vi lạm dụng, bạo hành.

Quyền giám sát của cộng đồng cũng cần được khuyến khích, với việc thành lập các kênh phản ánh công khai để cộng đồng có thể dễ dàng báo cáo các sai phạm tại các tổ chức từ thiện. Khi có thông tin về những hành vi sai trái, các cơ quan chức năng cần có cơ chế phản hồi nhanh chóng và xử lý nghiêm minh.

Đặc biệt, cần xây dựng khung pháp lý cụ thể hơn về hoạt động của các tổ chức từ thiện, đảm bảo rằng mọi hoạt động từ thiện liên quan đến trẻ em đều tuân thủ luật pháp và không lợi dụng lòng nhân ái để trục lợi. Việc áp dụng các hình thức xử phạt mạnh mẽ đối với các cá nhân và tổ chức vi phạm sẽ góp phần ngăn chặn những hành vi đội lốt từ thiện, đảm bảo rằng tất cả các tổ chức đều có trách nhiệm với cộng đồng.

PV: Từ vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng, cần chú trọng thực hiện những giải pháp gì để giảm thiểu tối đa những vụ việc tương tự, thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Bảo vệ trẻ em là một nhiệm vụ thiêng liêng và cấp bách nhất trong xã hội hiện đại. Mỗi đứa trẻ chính là hạt giống của tương lai, và cách chúng ta chăm sóc, yêu thương, và bảo vệ các em sẽ quyết định thế giới ngày mai. Trẻ em không chỉ cần một mái ấm, thức ăn, hay giáo dục; quan trọng hơn, các em cần một môi trường an toàn, không có bạo lực, nơi các em có thể phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và ước mơ.

Trong một xã hội còn nhiều phức tạp và đôi khi khắc nghiệt, những vụ việc đau lòng như bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng nhắc nhở chúng ta về những lỗ hổng trong hệ thống bảo vệ trẻ em. Mỗi lần chúng ta lơ là hay thiếu sót trong giám sát có thể gây ra tổn thương không gì có thể bù đắp cho trẻ em. Tuy nhiên, hơn cả những câu chuyện đau thương, đó là một lời kêu gọi khẩn thiết từ lòng nhân ái: chúng ta, từ từng cá nhân, tổ chức đến cơ quan nhà nước, phải đoàn kết để đảm bảo rằng mọi trẻ em đều được sống trong sự bao bọc và bảo vệ tốt nhất.

Từ vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng, chúng ta thấy rõ rằng bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm trên giấy tờ mà cần phải được thực hiện bằng những hành động cụ thể và có hệ thống. Để đảm bảo mỗi đứa trẻ được an toàn và phát triển trong môi trường lành mạnh, chúng ta cần xây dựng một hệ thống giám sát hiệu quả. Điều này không chỉ bao gồm các đợt kiểm tra định kỳ mà còn việc ứng dụng công nghệ hiện đại, như camera giám sát, để theo dõi và phát hiện sớm bất kỳ hành vi bạo hành nào, từ đó tạo ra sự an toàn và yên tâm cho các em.

Những người trực tiếp chăm sóc trẻ em cần được trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Điều này không chỉ là tình thương mà còn là hiểu biết về tâm lý và cách xử lý các tình huống khẩn cấp. Khi những người làm công việc bảo mẫu được đào tạo bài bản, mỗi hành động của họ không chỉ mang đến sự chăm sóc mà còn là niềm hy vọng cho sự phát triển của từng đứa trẻ.

Ngoài các cơ sở bảo trợ, toàn xã hội từ gia đình đến cộng đồng đều có vai trò trong việc bảo vệ trẻ em. Sự nhận thức đúng đắn về quyền trẻ em và cách phòng ngừa, xử lý các tình huống xấu sẽ tạo ra những thay đổi tích cực, giúp ngăn chặn các sự việc đáng tiếc như vụ việc vừa qua.

Chúng ta cũng cần có chính sách pháp lý và thực thi pháp luật cứng rắn và rõ ràng hơn. Mỗi hành vi xâm phạm quyền trẻ em cần được xử lý nghiêm khắc để gửi đi thông điệp rằng trẻ em là tài sản quý giá nhất của xã hội. Khi chúng ta cùng nhau đặt trẻ em lên hàng đầu, không chỉ trong lời nói mà cả trong hành động, chúng ta sẽ xây dựng một tương lai tươi sáng, nơi không còn bóng tối đe dọa những tâm hồn non nớt. Bảo vệ trẻ em chính là gieo mầm cho tương lai, và mỗi giải pháp hôm nay, dù nhỏ bé, đều là bước tiến quan trọng hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chỉ đơn giản là khi hoạn nạn có nhau!.

 Các tỉnh miền Bắc vừa hứng chịu cơn thiên tai với những mất mát, đau thương đến tột cùng. Trong cơn hoạn nạn đó, đã bừng lên tình đoàn kết, nghĩa quân – dân, tình cảm đồng bào.

Những ngày gian khó và đau thương ấy, ở những nơi nguy hiểm nhất, hình ảnh lực lượng quân đội, công an luôn đi đầu, không quản ngày đêm, bất chấp gian khó, hiểm nguy để đưa người dân chạy lũ, tiếp tế lương thực, thực phẩm, tìm kiếm người bị nạn… Trong mọi hoàn cảnh, những người lính ấy luôn có mặt sớm nhất và cũng về sau cùng để giúp dân, chính quyền khắc phục hậu quả bão lũ… Hình ảnh người chiến sĩ sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho dân trong những ngày bão lũ thực sự làm ấm lòng người dân vùng lũ, tiếp thêm niềm tin cho người dân vượt qua khó khăn. Giữa bão giông, nghĩa tình quân dân làm ấm hàng triệu trái tim hướng về đồng bào miền Bắc.

Những đoàn xe từ thiện hướng về Lào Cai - tỉnh có nhiều thiệt hại về người và tài sản trong những ngày mưa bão vừa qua.  Ảnh: HN

Và, cũng trong hoàn cảnh gian khó ấy, bên cạnh sự chăm lo, trợ giúp kịp thời của Ðảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, sự đồng lòng, sẻ chia của người dân cả nước phần nào đã giúp đồng bào miền Bắc thêm vững tâm. Thật cảm động khi nghe tin bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, trên khắp các diễn đàn, người dân cả nước kêu gọi nhau hướng về đồng bào đang gặp khó khăn. Những đoàn thiện nguyện nối dài, hối hả tiến về các tỉnh đang bị thiên tai. Cảm động biết bao là nghĩa tình đồng bào, khi có cả những chuyến xe từ Móng Cái, từ Hạ Long - nơi vừa hứng bão quét qua cũng lên đường tiến lên cứu trợ miền núi. Những người dân vùng ngập lụt của Hà Nội cũng vẫn tình nguyện đi cứu trợ, gửi tiền, gửi hàng tới nơi miền núi khốn khó hơn… Nghĩa tình đồng bào thấm đẫm trong từng chiếc bánh chưng, gói xôi, từng ổ bánh mì, từng chai nước, từng thùng mì tôm, lương khô… được gửi từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam xa xôi. Số tài khoản tiếp nhận ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng lên từng phút từng giờ khi nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Tình người là đây, chẳng cần cầu kỳ, chỉ đơn giản là khi hoạn nạn có nhau.

Giữa sự lo lắng, đau xót, giữa khó khăn chồng chất khó khăn, càng thấy người dân mình thật tốt đẹp, thật yêu thương. Bởi vậy, cũng thật phẫn nộ với những ai lợi dụng lúc khó khăn để trục lợi, mượn nghĩa từ thiện để “đánh bóng tên tuổi”, từ thiện để mưu cầu lợi ích cá nhân chiếm dụng tài sản của người khác dành cho những người cần được cứu giúp… Đó là những câu chuyện bi hài trong việc chuyển tiền hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bão số 3 bị lộ diện sau khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai 12.028 trang sao kê. Chỉ vài giờ sau công bố sao kê số tiền quyên góp từ người dân cả nước, cộng đồng mạng đã nhanh chóng "check var" và phát hiện nhiều trường hợp thiếu minh bạch.  

Bộ đội cùng các lực lượng giúp đỡ tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bà con nhân dân vùng lũ. Ảnh: HN

Với sức mạnh đoàn kết cộng đồng, những kẻ "thổi phồng" tiền ủng hộ để "làm màu" hoặc có hành vi gian dối khi chuyển tiền ủng hộ của tập thể đã bị lên án gay gắt. Nhiều cá nhân, tổ chức làm sai đã phải lên tiếng xin lỗi.

Việc nhiều cá nhân, tổ chức bằng tất cả tấm lòng của mình thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện thiết thực hướng về đồng bào miền Bắc đến việc cộng đồng cùng lên án những hành vi trá hình, thiếu minh bạch, núp bóng từ thiện đã góp phần giữ gìn sự trong sạch và ý nghĩa cao đẹp của việc làm thiện nguyện, hướng đến một xã hội nơi lòng nhân ái được thể hiện một cách chân thành và thiết thực. Đó cũng chính là sức mạnh đoàn kết của nhân dân, đồng bào, dân tộc, nhất là trong những thời điểm khó khăn nhất.

Tình đoàn kết, nghĩa quân – dân, tình cảm đồng bào dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa vẫn luôn thiêng liêng và ngời sáng. Tình đồng bào ấy chính là thứ gắn kết, là sợi dây nối nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam, từ ngàn đời nay, trước giặc ngoại xâm hay bão lũ thiên tai./.


Thắp sáng niềm tin cho em.

 Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt trước đây, dù đất nước còn rất nhiều khó khăn, song Đảng và Bác Hồ, cùng các cấp, các ngành luôn dành sự yêu thương, quan tâm đặc biệt, tổ chức chu đáo Tết Trung thu cho trẻ em.

Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trao tặng các phần quà cho 200 trẻ em khuyết tật tiêu biểu trong chương trình "Thắp sáng niềm tin cho em" lần thứ 8 năm 2023. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành cả trái tim mình cho trẻ thơ. Những bài thơ sâu sắc, nhân văn của Người dành cho trẻ thơ các dịp Rằm Trung thu luôn gợi nhớ những tình cảm thân thương, trìu mến, vẫn lắng đọng với ký ức tuổi thơ ngày nay.

Ngày nay, Đảng và Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em. Sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần không chỉ thể hiện trong chủ trương, chính sách mà còn bằng những hành động thiết thực. Người đứng đầu và các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tham dự Tết Trung thu để động viên, cổ vũ các em phấn đấu rèn luyện, học hành chăm ngoan.

Điều đó luôn đọng lại trong mỗi trẻ thơ những kỷ niệm tươi đẹp nhất. Đặc biệt, những màn múa lân, cùng tiếng trống rộn ràng, rồi những khoảnh khắc rước  đèn Trung thu, trông trăng, mơ màng với thế giới thần tiên của chú Cuội, cây đa, chị Hằng và cùng nhau phá cỗ, vui Tết Trung thu... luôn là những hình ảnh gợi nhớ những ký ức đẹp nhất của tuổi thơ.

Tuy vậy, những hình ảnh đẹp nhất của tuổi thơ mỗi độ Trung thu về dường như lại quá xa xôi với những mảnh đời trẻ thơ kém may mắn. Không được như các trẻ em khỏe mạnh, hàng triệu triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ khuyết tật đang từng ngày, từng giờ phải vật lộn với những đau đớn về thể xác và rất vất vả với cuộc sống mưu sinh.

Hiện nay, nước  ta có khoảng 25 triệu trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 1,7 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (chiếm 6,8%) và hơn 2 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (chiếm 8%, chủ yếu sống trong các gia đình nghèo và cận nghèo). Và tính đến 31/12/2023, cả nước có khoảng 2 triệu trẻ em khuyết tật.

Chúng ta luôn đau đáu, sẻ chia với những nỗi đau của các em. Và hằng năm, nhất là dịp Tết Trung thu, cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, cùng rất nhiều những tấm lòng nhân ái đã, đang và tiếp tục sẻ chia, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật vơi đi những nỗi đau thể xác và tinh thần, để các em được cùng nhau đón Trung thu vui vẻ.

Vào dịp Tết Trung thu, ở các ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương trong cả nước đã xuất hiện rất nhiều mô hình, cách làm thiện nguyện sáng tạo, tổ chức hiệu quả các đợt quyên góp ủng hộ, sẻ chia, giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó, Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam là một trong những địa chỉ thân thương, luôn có nhiều cách làm sáng tạo để chăm lo, tổ chức Trung thu cho trẻ em khuyết tật. Trong nhiều năm qua, để gắn kết yêu thương, kết nối các nhà hảo tâm, sẻ chia những thiệt thòi, khó khăn của các em, Hội đã khơi dậy, thắp sáng niềm tin cho trẻ khuyết tật bằng những việc làm thiết thực, nhân văn, thông qua tổ chức các chương trình “Thắp sáng niềm tin cho em” mỗi dịp Tết Trung thu đến.

Trong dịp Trung thu năm nay, phát huy sức lan tỏa từ tám lần tổ chức, Thắp sáng niềm  tin cho em lần thứ 9 năm 2024 đã được Trung ương Hội và các cấp Hội như Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội, Hội cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Hồ Chí Minh..., cùng Tạp chí Tình thương và Cuộc sống, các  đơn vị trực thuộc tiếp tục khởi động với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả hơn để huy động nhiều nhà hảo tâm tham  gia sẻ chia, chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ khuyết tật.

Theo đó, Chương trình “Thắp sáng niềm tin cho em” lần thứ 9 lần đầu tiên đến với các tỉnh miền Tây nam bộ. Chương trình đặc biệt năm nay được tổ chức ở Cần Thơ sẽ mang đến niềm vui cho 1.300 trẻ em, với 1,3 tỷ đồng và các suất quà tình nghĩa, sẻ chia, giúp đỡ các trẻ khuyết tật chung vui tết Trung thu.

Trao đổi yêu thương - Trung thu ấm tình cũng là một sự kiện đặc biệt có tính điểm nhấn trong khuôn khổ của Chương trình Thắp sáng niềm tin cho em năm nay. Đây là Chương trình thiện nguyện đầu tiên và sẽ hướng tới triển khai thường niên của Tạp chí Tình thương & Cuộc sống trong những dịp Trung thu những năm tới đây. Chương trình được tổ chức vào ngày 16/9/2024, tại huyện Mỹ Đức, Thủ đô Hà Nội. Theo đó, Ban Tổ chức đã trao tiền mặt và các suất quà tình nghĩa cho 300 trẻ khuyết tật Hà Nội với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng.

Kỳ vọng Trung thu năm nay sẽ được các cấp, các ngành, các đoàn thể trên địa bàn cả nước tổ chức với nhiều mô hình thiện nguyện hoạt động hiệu quả, tổ chức cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, nhất là vùng bị ảnh hưởng nặng nề của bão số 3, có một mùa Trung thu ấm tình. Những mô hình tiêu biểu sẽ tiếp tục nhân rộng, tuyên truyền, lan tỏa, nhằm thắp sáng niềm tin cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tự tin, vượt lên những khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng./.


Lòng tham và ma lực của đồng tiền.

 Gần đây có không ít cán bộ, đảng viên bị bắt giam vì tội nhận hối lộ. Thật đáng tiếc, không hiểu do ma lực của đồng tiền hay lòng tham đã khiến một số "quan chức" phải ngã ngựa (!?)

Hình minh họa của Lê Tâm. (Nguồn: cand.com.vn).

Nói đến ma lực của đồng tiền, bỗng tôi sực nhớ đến tác phẩm văn học nổi tiếng “Đồng hào có ma” của Nhà văn Nguyễn Công Hoan. Tác phẩm này đã phản ánh về ma lực của đồng tiền và sự tham lam của người đời, ngay cả khi họ ở tầng lớp trên của xã hội nhưng vẫn tham lam, tranh giành những thứ không phải của mình với những người được cho là tầng lớp hạ đẳng của xã hội đương thời. Đến nay, tác phẩm “Đồng hào có ma” đã ra đời gần 90 năm, nhưng nội dung cốt truyện của tác phẩm này dường như vẫn vẹn nguyên tính thời sự.

Tục ngữ có câu: “Quan nhất thời, dân vạn đại” để nói về thế sự, thời thế xoay vần, để răn dạy người đời về phép đối nhân xử thế trong đạo làm quan, làm dân. Ứng xử với cái nhất thời ấy đã vô cùng khó, ứng xử với cái vạn đại kia còn khó hơn nhiều. Ranh giới giữa danh tiếng và tai tiếng quả là mong manh. Mới hôm qua đây còn là cán bộ, đảng viên mẫu mực, là niềm tự hào của gia đình, dòng tộc về sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, sự gương mẫu đi đầu trong các hoạt động đóng góp cho xã hội… hôm nay đã là tội phạm bị kết án bởi tham ô, tham nhũng… Đúng là “tham thì thâm”. Ôi, trăm cái dại, tại cái tham!

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phòng, chống tham ô, lãng phí trong Đảng, Nhà nước; Người cho rằng tham ô, lãng phí là “bất liêm”, là “những căn bệnh nguy hiểm”, “là giặc nội xâm”, là “tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội”. Người chỉ ra bản chất của tham ô là hành vi "ăn cắp của công, của riêng của người ta, hay của Nhân dân", "lấy của công làm của tư", là gian lận, tham lam", "là không tôn trọng của công". "Của công" chính là "mồ hôi nước mắt của đồng bào làm ra, do xương máu của chiến sĩ làm ra" [1].

Tưởng đâu, chỉ khi người ta nghèo khó đến cùng quẫn thì mới nảy sinh trộm, cướp, có vẻ như câu nói cửa miệng trong dân gian “bần hàn sinh đạo tặc” chưa hẳn đã phản ánh đầy đủ các hiện tượng trộm cắp trong xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lần đặt câu hỏi: "Cứ nghĩ trong cuộc sống mà xem, có những người có thiếu thốn gì đâu, nhưng sao mà tham thế? Chưa làm cái gì đã nghĩ đến chấm mút, nói nhỏ là chấm mút, còn nói to là vi phạm pháp luật, bất chấp cả pháp luật, không còn xứng đáng là đảng viên nữa…”.

Không thiếu những bài học sâu sắc, những cảnh tỉnh về cái giá phải trả rất đắt cho lòng tham và ma lực của đồng tiền, vậy mà vẫn có những cán bộ, đảng viên tiếp tục bị cơ quan công an khởi tố bắt giam. Mới nhất là vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn của “Hậu pháo”, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 1 Bí thư Tỉnh ủy và 2 Chủ tịch UBND tỉnh... Trước đó, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II (Cục II) thuộc Ngân hàng Nhà nước bị bắt về tội nhận hối lộ 5,2 triệu USD; cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị bắt về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền lên tới 35 tỷ đồng…

Thật chua xót, dư luận không phải là không có lý khi cho rằng: “Đồng tiền không dạy ta cách làm người, nhưng nó giúp ta làm rõ bản chất của một số người”. Nhận định này ít nhiều đã phản ánh mặt nào đó về cách ứng xử của con người với tiền bạc. Mặc dù không thiếu thốn gì nhưng không ít người vẫn tham lam vô độ, không có điểm dừng, vì tiền họ sẵn sàng bán rẻ cả nhân cách, phẩm giá, uy tín và danh dự của bản thân. Điều gì đã đem lại sự "hấp dẫn", "sức hút" kỳ lạ đến vậy? Ma lực của đồng tiền hay lòng người vô đáy? Hẳn là đồng tiền có ma thật? Không, chỉ có thể là lòng tham!

Đành rằng, phàm đã là con người, ít nhiều ai chả có tham, sân, si, tuy nhiên cần phải tiết chế lòng tham để bản thân không trở thành nô lệ của những thứ vốn dĩ chưa hẳn đã làm cho con người ta hạnh phúc hơn, ngược lại có khi mang đến khổ đau nhiều hơn. Vì thế, hãy có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, nhân sinh quan: nhìn lên để thấy mình còn thiếu mà cố gắng phấn đấu, nhìn xuống để thấy mình cũng đủ đầy hơn nhiều người. Biết thiếu, biết đủ, âu cũng là hạnh phúc ở đời vậy!

Cổ nhân có câu: Dù cho giàu có đến đâu, cũng như nước dốc qua cầu tràn đi/ Sinh không, tử lại hoàn không - có nghĩa là, con người ta sinh ra không mang theo thứ gì, khi chết đi cũng vậy, cũng chẳng mang theo thứ gì cả. Ngẫm mà thấy thấm thía những điều Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng vẫn nói: "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!".

[1] Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 7, Nxb CTQG, H.2011, tr.296-297.