Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

Khi nào được chấm dứt hợp đồng lao động với người đang nuôi con nhỏ?.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 Mục 3 Chương III Bộ luật Lao động 2019 (Bộ luật số: 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019) nếu người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.

“Tôi đã làm việc tại công ty may được 7 năm (tham gia đầy đủ bảo hiểm) và đang nuôi con nhỏ 4 tháng tuổi. Do kinh doanh kém hiệu quả, công ty đang thực hiện cắt giảm nhân sự và đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu đồng ý sẽ được hỗ trợ 3 tháng lương, trong khi hợp đồng lao động (HĐLĐ) còn 1 năm 7 tháng. Nếu 2 bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ, ngoài việc được hỗ trợ như đề xuất có được nhận chế độ nào khác không? Nếu không đồng ý, công ty vẫn cho nghỉ việc trong thời gian đang nuôi con nhỏ thì có thể khởi kiện ở đâu, thủ tục và chi phí thế nào?” bạn đọc Bùi Hồng Ánh (sống tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) hỏi.

Về nội dung này, luật sư Nguyễn Văn Kỹ (Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh) cho biết, theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 Mục 3 Chương III Bộ luật Lao động 2019 (Bộ luật số: 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019) nếu người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.

 Ảnh minh họa. Nguồn: laodongthudo.vn

Bên cạnh đó, tại Khoản 3 Điều 34 Mục 3 Chương III Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định HĐLĐ được chấm dứt trong trường hợp hai bên đồng ý thỏa thuận chấm dứt trước hạn nhưng phải đảm bảo quyền lợi tối đa cho người lao động.

Với trường hợp bạn Bùi Hồng Ánh, do đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, theo quy định của pháp luật, công ty không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Tuy nhiên, nếu 2 bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì pháp luật công nhận sự thỏa thuận đó. Mức bồi thường cho thời gian còn lại của hợp đồng do hai bên thương lượng, thỏa thuận, thống nhất. Ví dụ: thỏa thuận mức bồi thường 3 tháng lương như công ty đã đề xuất, hoặc thương lượng thỏa thuận mức bồi thường cao hơn như 5 - 7 tháng lương, hoặc bằng tiền lương của toàn bộ thời gian 1 năm 7 tháng còn lại của hợp đồng…

Theo quy định tại Điều 48 Mục 3 Chương III Bộ luật Lao động 2019, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:

a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.

Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây: a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

Nếu công ty đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ với bạn; khi chấm dứt HĐLĐ bạn đã đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động thì bạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Luật sư Kỹ phân tích, trường hợp hai bên không đi đến thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn mà công ty vẫn đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, bạn có quyền khởi kiện lên Tòa án mà không nhất thiết phải thông qua việc hòa giải tại cơ sở.

Hồ sơ khởi kiện gồm: Đơn khởi kiện; Bản sao CCCD hoặc Hộ chiếu; HĐLĐ; Quyết định chấm dứt HĐLĐ hoặc thông báo cho nghỉ việc; Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp (nếu có)…., được nộp tại Tòa án Nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở chính.

Theo quy định tại Điều 12 Chương I Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật; thì được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí./.

Siết chặt quy định để tránh thêm tai nạn đáng tiếc.

 Tối 16/9, Công an huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk) xác nhận đã tạm giữ hình sự ông L.V.N. (32 tuổi, trú xã Ea Sin) để làm rõ việc lái xe trong sân trường đâm tử vong một nữ học sinh lớp 2. Qua điều tra sơ bộ, người này mới có giấy phép lái xe 3 tháng.

Theo đó, khoảng 06h40 cùng ngày, ông N. lái ô tô đưa con đi học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin). Do trời mưa nên đi thẳng xe vào sân trường. Khi lùi xe, do thiếu quan sát, ông N. đã tông vào 3 học sinh đang đội chung ô đi vào sân trường. Hậu quả, một nữ học sinh tử vong tại chỗ, 2 em khác bị xây xát nhẹ và ảnh hưởng tâm lý.

Theo ông Lưu Đức Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bùi Thị Xuân, thời điểm xảy ra vụ việc bảo vệ vừa ra phía sau khu tập thể nhà trường để bơm nước nên không kịp ngăn phụ huynh nói trên và sự việc xảy ra rất nhanh, chỉ khoảng 2 phút.

 Hiện trường vụ tai nạn thương tâm khiến học sinh lớp 2 tử vong (Ảnh: Uy Nguyễn)

Theo quy định, ô tô không được đi vào sân trường để đưa đón học sinh dù trời mưa hay trời nắng. Trong khi đó, gia đình nữ học sinh tử vong có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, 12 người gồm nhiều thế hệ sống trong căn nhà nhỏ.

Hẳn dư luận chưa quên một số sự việc tương tự có thể kể ra như chiều ngày 28/9/2023, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) xác nhận, tại một trường THCS trên địa bàn huyện vừa xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến học sinh lớp 6 tử vong.

Khoảng 11h30 cùng ngày, cô H. (giáo viên trường THPT Nguyễn Sỹ Sách, huyện Thanh Chương) lái ô tô đến trường THCS Thanh Dương (xã Thanh Dương) để đón con. Quá trình vào khu vực sân trường, cô H. lùi xe không may đâm vào xe máy của một người phụ nữ chở con ra về khiến người mẹ bị thương nhẹ, học sinh bị thương nặng được đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.

Hay như ngày 21/4/2018, Công an huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết cô giáo Nguyễn Thị H (SN 1979, trú tại Tiểu khu cơ quan, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) trong quá trình lùi xe trong khuôn viên trường Tiểu học Vân Hồ (thuộc bản Pó Nhàng 1, xã Vân Hồ) đã không làm chủ được tốc độ và tay lái nên đã gây tai nạn khiến 1 học sinh tử vong và 1 học sinh bị thương.

Nhiều bạn đọc muốn biết pháp luật quy định như nào trong trường hợp nêu trên.

Xét về góc độ pháp lý, luật gia Ninh Văn Quang (Công ty Luật TNHH Trường Sơn) cho biết Điều 11 Chương III Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015) nêu rõ vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Do sự việc xảy ra trong khuôn viên trường nên không thuộc nhóm hành vi liên quan đến đối tượng điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ 2008 (Luật số: 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008). Tuy nhiên, việc sử dụng ô tô là nguồn nguy hiểm cao thì người điều khiển phải chịu trách nhiệm tương ứng trước pháp luật về hậu quả gây ra. Nếu vô ý gây chết người thì người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm về tội vô ý làm chết người quy định tại Điều 128 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể:

1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Luật gia Quang phân tích, do có người tử vong nên hành vi phạm tội của ông N, cô H… thuộc trường hợp nghiêm trọng, thực hiện với lỗi vô ý. Nếu gia đình người bị hại tự nguyện hòa giải và có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì ông N, cô H… có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Ngoài hành vi lùi xe gây tai nạn chết người, nếu còn gây thương tích cho người khác mà kết quả giám định thương tích từ 31% trở lên thì người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm về Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác theo Điều 138 Chương XIV Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể:

1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

3. Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Trẻ em là đối tượng được pháp luật ưu tiên bảo vệ. Tính mạng con người là trên hết. Do đó, các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, siết chặt các quy định liên quan việc đưa, đón học sinh, bảo đảm môi trường an toàn cho trẻ đến trường.

“Thực tế cho thấy tâm lý người lái xe, đặc biệt là những người mới được cấp giấy phép lái xe, chắc chắn kinh nghiệm xử lý tình huống chưa thực sự an toàn. Vì vậy, mỗi chúng ta cần luôn luôn ý thức trách nhiệm an toàn với bản thân, gia đình và cộng đồng mỗi khi tham gia giao thông”, luật gia Quang nhấn mạnh./.


Năm học mới, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

 Ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2024-2025 là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương” với nhiều nhiệm vụ quan trọng, điều này đặt ra những thách thức và cơ hội mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến năm học 2023 - 2024, cả nước có 25.900 cơ sở giáo dục phổ thông, với tổng số khoảng 18,5 triệu học sinh.

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Theo đó, toàn ngành Giáo dục đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tích cực hoàn thiện Dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

Bên cạnh đó, công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ, đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 trên phạm vi cả nước. 

Cùng với quá trình đẩy mạnh tự chủ đại học, tuyển sinh đại học có nhiều thay đổi mang lại hiệu quả nhất định thời gian qua. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên.

Ảnh minh họa. Nguồn: TL. 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức thành công đảm bảo nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh.

Triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và đổi mới GDPT, thời gian qua, các địa phương đã quan tâm tăng cường đầu tư mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh và phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung 27.826 biên chế cho năm học 2023-2024. Trên cơ sở đó, các địa phương đã tổ chức tuyển dụng được 19.474 giáo viên. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu....

Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được thì hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo còn hạn chế; tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra khá phổ biến; vẫn có hiện tượng thiếu phòng học tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng miền núi, vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn; chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các ngành kinh tế mới, công nghệ cao…

Trước thềm năm học mới, chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Chưa bao giờ ngành Giáo dục được giao trọng trách, niềm vinh dự lớn và thách thức cũng lớn như hiện nay. Năm học vừa qua, toàn ngành đã nỗ lực rất lớn để vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

Theo Bộ trưởng, chặng đường đổi mới GDPT vừa qua dù có nhiều khó khăn, song cho thấy quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và toàn ngành Giáo dục để từng bước hình thành tư duy đổi mới trong chính những người thực hiện, thụ hưởng đổi mới và thuyết phục xã hội về kết quả tích cực của đổi mới.

Xác định đây là năm học quan trọng, Bộ GD&ĐT đã có những chuẩn bị từ các năm học trước. Năm nay, kế hoạch thời gian năm học và các hướng dẫn năm học mới của từng cấp học được Bộ GD&ĐT ban hành từ sớm, trong đó đề cập cụ thể tới từng nhiệm vụ, công việc cần và phải làm...

“Trước thềm năm học mới, tôi mong mỗi cán bộ quản lý, thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực với cố gắng, quyết tâm, giải pháp mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó”, Bộ trưởng gửi gắm.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, giáo dục đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính nền tảng trong việc hình thành và phát triển con người. Giáo dục đào tạo là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm sự thành công về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong 3 đột phá chiến lược cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng lần thứ 4 tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại những cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho phát triển giáo dục, đào tạo. Năm học 2024 - 2025 kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; đồng thời bắt đầu thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo...".

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới; tổ chức tốt Lễ khai giảng ngày 5/9, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Đặc biệt, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới giáo dục, đào tạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục; tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổ chức kỳ thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh; đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch.

Mặt khác, Thủ tướng lưu ý cần xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp, hài hòa với hoàn cảnh đất nước, các ngành khác; đồng thời thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục.

“Giáo dục đào tạo cần được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Có  thể thấy, để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cũng như chuẩn bị cho một năm học mới hiệu quả, cùng với sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp và ngành Giáo dục; thì rất cần sự quyết tâm, nỗ lực đổi mới và hành động của mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, mỗi phụ huynh, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và toàn xã hội; để tạo dựng nền tảng xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời cho các công dân của Việt Nam.

Trong chặng đường phía trước, điều cần thiết là phải rất kiên trì, nhất quán trong định hướng đổi mới để đạt được các mục tiêu lớn và quan trọng mà Nghị quyết 29 và Kết luận 91 của Bộ Chính trị đã đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.!./.

 Với chủ đề: “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”, năm học 2024 - 2025, Bộ GD&ĐT chỉ thị toàn ngành giáo dục tập trung thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, triển khai Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng; Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; Tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên; Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục...

Mái ấm Hoa Hồng - Sự giả dối của tên gọi.

 Mái ấm Hoa Hồng, với cái tên mĩ miều và đầy hứa hẹn về một nơi ấm áp, đã khiến không ít người đặt niềm tin và lòng tốt vào nơi này. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra tại đây đã làm rúng động dư luận và mở ra một cuộc thảo luận nghiêm túc về vấn đề bảo vệ trẻ em trong các cơ sở trợ giúp xã hội.

Đề nghị đưa vụ bạo hành Mái ấm Hoa Hồng ra xét xử lưu động, công khai

Cơ quan Công an có mặt tại Mái ấm Hoa Hồng sáng 4/9. Ảnh: CAND 

Vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng không chỉ là một cú sốc mà còn là một bài học đau đớn về sự cần thiết phải có sự giám sát chặt chẽ và sự xử lý nghiêm minh đối với các hành vi bạo hành trẻ em.

Mái ấm Hoa Hồng từng được biết đến với hình ảnh một cơ sở chăm sóc trẻ em đầy tình thương và sự tận tâm. Những lần ghé thăm của các nhà hảo tâm, nơi đây đã để lại ấn tượng về sự hiền hòa và chăm sóc tận tụy của các bảo mẫu. Những câu khẩu hiệu "Chăm làm thiện; Gần thánh nhân; Tránh xa ác; Tâm luôn mở..." dán khắp nơi trong "mái ấm" đã tạo ra một hình ảnh hoàn hảo về một nơi lý tưởng cho trẻ em cơ nhỡ và mồ côi.

Tuy nhiên, sự hoàn hảo này đã nhanh chóng bị che mờ bởi những hành vi bạo lực dã man mà các bảo mẫu thực hiện đối với trẻ em. Những đứa trẻ, vốn dĩ phải được yêu thương và bảo vệ, lại bị hành hạ về cả thể xác lẫn tinh thần. Sự hiện diện của những hành vi tàn bạo này đã khiến cho những ai từng đặt niềm tin vào mái ấm cảm thấy đau đớn và bất lực.

Với sự thất vọng và lo lắng, nhiều người đã tự hỏi liệu lòng tốt của mình đã bị lợi dụng như thế nào. Từ những người hảo tâm đóng góp tiền bạc và vật chất, đến các tổ chức, cá nhân đóng góp cho mái ấm, họ đều mong muốn tạo ra một môi trường tốt đẹp cho trẻ em. Nhưng giờ đây, những đóng góp ấy đã bị lạm dụng và những đứa trẻ thì phải chịu đựng đau khổ.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta có lỗi khi lòng tốt của mình bị đặt sai chỗ? Khi các tổ chức và cá nhân mong muốn giúp đỡ nhưng lại trở thành công cụ cho những kẻ xấu lợi dụng? Đây là một bài học nghiêm khắc về việc cần phải có sự giám sát và kiểm tra kỹ lưỡng đối với các cơ sở bảo trợ xã hội.

Công điện số 02/CĐ-BLĐTBXH của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẩn trương chỉ đạo kiểm tra và xác minh vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng. Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc và phục hồi cho những trẻ em bị bạo lực, đồng thời xử lý nghiêm minh các cá nhân và tổ chức vi phạm quyền trẻ em và quy định pháp luật.

Trong bối cảnh vụ việc, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành rà soát và thanh kiểm tra tất cả các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Đây là bước thiết yếu nhằm đảm bảo các cơ sở này tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, đặc biệt là Nghị định số 103/2017/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho thấy, Mái ấm Hoa Hồng là một cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, được cấp phép hoạt động vào tháng 7/2023. Tuy nhiên, việc xác minh cho thấy số lượng trẻ em tại mái ấm vượt quá quy định, với tổng số lên đến 85 trẻ. Điều này cho thấy sự thiếu sót nghiêm trọng trong việc giám sát và quản lý cơ sở này.

Để đảm bảo quyền lợi của trẻ em và ngăn ngừa các vụ việc tương tự, cần phải có các biện pháp quyết liệt và đồng bộ. Việc xử lý nghiêm minh các cá nhân và tổ chức liên quan đến hành vi bạo hành là một trong những bước quan trọng nhất. Hành vi bạo hành trẻ em không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là sự xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm và quyền lợi của trẻ em.

Mặc dù pháp luật hiện hành đã có các quy định rõ ràng về việc xử lý các hành vi bạo hành trẻ em, nhưng thực tế cho thấy việc thực thi các quy định này chưa đủ nghiêm khắc. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi phạm tội đối với trẻ em được quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn nhận mức án nhẹ hơn mong đợi.

Điều cần làm ngay là tăng cường giám sát và kiểm tra các cơ sở bảo trợ xã hội, không chỉ để phát hiện các dấu hiệu bạo hành mà còn để đảm bảo rằng các cơ sở này hoạt động theo đúng quy định. Đồng thời, việc đưa ra các hình phạt nghiêm khắc và công khai xét xử sẽ góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ quyền lợi trẻ em.

Hiện tại, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra và đưa vụ việc ra xét xử. Những đứa trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng đã được chuyển đến các cơ sở bảo trợ xã hội công lập để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, công việc không chỉ dừng lại ở đây. Cần có các biện pháp khắc phục lâu dài để đảm bảo rằng môi trường chăm sóc trẻ em tại các cơ sở tương tự được cải thiện và an toàn hơn.

Vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng là một lời cảnh tỉnh nghiêm khắc về sự cần thiết phải có sự giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm minh các hành vi bạo hành. Lòng tốt của cộng đồng không nên bị lợi dụng, và các cơ quan chức năng cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của trẻ em. Chỉ khi chúng ta thực hiện đầy đủ các biện pháp này, trẻ em mới có thể được sống trong một môi trường thực sự an toàn và yêu thương./.

Làm gì để giảm thiểu những vụ bạo hành trẻ em đau lòng?.

 Để có những giải pháp khắc phục, giảm thiểu tối đa tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trong các cơ sở trợ giúp xã hội, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho hay, việc phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp và tăng cường kiểm tra, thanh tra rất quan trọng.

Góc nhìn pháp lý trong vụ bạo hành trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh như trên khi trao đổi với phóng viên liên quan vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng, sáng ngày 5/9.

Theo ông Đặng Hoa Nam, những hành động bạo lực, xâm hại trẻ em không bao giờ được phép xảy ra trong một cơ sở có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, đặc biệt là nuôi dưỡng các cháu nhỏ. Tuy nhiên, sự việc đáng tiếc đã xảy ra, dù cơ sở này từng được cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra trước đó.

Các lực lượng chức năng kiểm tra Mái ấm Hoa Hồng tại L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12 (Thành phố Hồ Chí Minh) vào sáng 4/9. Ảnh: TTXVN 

Ông Đặng Hoa Nam cho biết, ngay khi tiếp nhận vụ việc, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung có công điện gửi và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh thực hiện khẩn cấp ba nhiệm vụ: Yêu cầu xác minh và xử lý nghiêm các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan; triển khai các biện pháp chăm sóc và đảm bảo an toàn cho các nạn nhân là trẻ em; đề ra các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm và ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở chăm sóc trẻ em.

Ngay ngày 4/9, Cục Trẻ em cũng nhận được báo cáo nhanh của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh về việc việc vào cuộc xác minh, xử lý vụ việc và chăm sóc, hỗ trợ các cháu bé là nạn nhân. Đồng thời, địa phương cũng có văn bản của Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo và đôn đốc các cơ quan chức năng để xử lý, giải quyết vụ việc một cách nhanh nhất

Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng lập đoàn kiểm tra cơ sở mái ấm Hoa Hồng. Tại đây, cơ quan chức năng tiến hành đưa các bé từ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng đến các cơ sở chăm sóc công lập, để đảm bảo an toàn. "Hiện nay các cháu bé đã được đưa tới 13 cơ sở chăm sóc công lập khác để chăm sóc. Đến giờ phút này có thể yên tâm là các cháu đã được chăm sóc tốt, được an toàn", ông Nam nói.

Khuyến khích các cơ sở trợ giúp xã hội lắp camera để giám sát nội bộ

Từ vụ việc cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và các giải pháp để khắc phục, giảm thiểu đến mức tối đa tình trạng tương tự có thể xảy ra.

Theo ông Đặng Hoa Nam, chúng ta thiếu một đội ngũ nhân viên công tác chuyên nghiệp; nhân lực thanh tra, kiểm tra cũng rất hạn chế. “Hằng trăm cơ sở trợ giúp xã hội công lập, ngoài công lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; hàng nghìn cơ sở trợ giúp xã hội trong đó có chăm sóc trẻ em trên phạm vi toàn quốc thì ngành Lao động, Thương binh và Xã hội làm sao đủ cán bộ, công chức để kiểm tra được”, ông nói.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam trao đổi với báo chí 

Ông cũng nhấn mạnh, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, bất luận trẻ em được chăm sóc ở đâu, đều phải có nhân viên công tác xã hội, chăm sóc, kiểm tra thường xuyên. Nếu không có đội ngũ nhân viên công tác chuyên nghiệp hoặc đội ngũ cán bộ các tổ chức chính trị xã hội được đào tạo về công tác xã hội và được giao trách nhiệm như các nhân viên công tác xã hội thì rất khó để giám sát, phát hiện sớm những trường hợp trẻ có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực bởi chính những người có trách nhiệm. 

Nhấn mạnh hành vi bạo hành rất khó phát hiện, có thể diễn ra ở từng ngôi nhà, sau mỗi cánh cửa, trong đêm tối… theo ông, về lâu dài cần đầu tư phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, có trách nhiệm giám sát, theo dõi thường xuyên các trường hợp trẻ em dễ bị xâm hại. 

Để không tái diễn các trường hợp tương tự, Cục trưởng Cục trẻ em cho rằng cần nâng cao trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan quản lý. Đặc biệt là sự giám sát thường xuyên của chính quyền và cơ sở nuôi dạy và chăm sóc trẻ, một trong những giải pháp là có thể qua hệ thống camera nội bộ. Ông Đặng Hoa Nam, cho biết hiện nay quy định pháp luật chưa có quy định bắt buộc các cơ sở trợ giúp xã hội phải lắp camera phục vụ công tác hậu kiểm tránh kiểm tra trên sổ sách. Tuy nhiên, Cục Trẻ em sẽ sớm nghiên cứu tham mưu cho cấp thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật, nhằm phát hiện sớm các trường hợp bạo hành, ngược đãi trẻ em.

“Trong thời đại 4.0, chúng ta sẽ cân nhắc bắt buộc nhưng trước mắt khuyến khích các cơ sở trợ giúp xã hội lắp camera để giám sát nội bộ,” ông Nam nói.

Có cơ sở trợ giúp xã hội giữ trẻ lại để thu hút các nguồn tài trợ

Ở góc độ khác, theo ông Đặng Hoa Nam nêu rõ, Luật Trẻ em, Nghị định số: 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em đã quy định rõ, trẻ được ưu tiên chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình là người thân thích; chăm sóc thay thế bởi cá nhân, gia đình không phải là người thân thích. Còn chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội là giải pháp cuối cùng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở đang không tuân thủ quy định này.

"Có những cơ sở trợ giúp xã hội đang có tình trạng giữ trẻ lại để thu hút các nguồn tài trợ, hỗ trợ từ phía cộng đồng xã hội" - ông nói. 

Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, các cơ sở trợ giúp xã hội cũng thực hiện không nghiêm quy định người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội có trách nhiệm lập hồ sơ của trẻ em đang nuôi dưỡng tại cơ sở có đủ điều kiện chuyển đến cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế, gia đình nhận trẻ em làm con nuôi; đề nghị cơ quan có thẩm quyền tìm cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế cho trẻ em hoặc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi.

Vấn đề khác, theo ông Đặng Hoa Nam cần phải có những biện pháp để khắc phục tình trạng hoạt động vượt phép. Ngay trong vụ việc cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, theo giấy phép hoạt động, cơ sở này chỉ được nhận tối đa 39 trẻ, nhưng thực tế có thời điểm gần gấp 2-3 lần, vượt quá năng lực chăm sóc của cơ sở. Do đó, trẻ không được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường tốt nhất.

Để giải quyết vấn đề, Cục Trẻ em đã đề nghị TP Hồ Chí Minh phải thiết lập được một cơ chế và mạng lưới điều phối chuyển tuyến các dịch vụ, đặc biệt các dịch vụ chăm sóc trẻ tập trung. Đầu mối điều phối có thể là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố hoặc Trung tâm công tác xã hội, nhóm công tác xã hội thuộc cơ sở trợ giúp xã hội được thành phố quản lý.

"Điều này giúp trẻ được sống trong môi trường chăm sóc đủ tiêu chuẩn và an toàn nhất" - ông nhấn mạnh./.