Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

Chủ động phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

 Bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy là quan điểm xuyên suốt của Đảng ta.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt để triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục bổ sung, phát triển thành: “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”.

1. Quan điểm BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy là hoàn toàn đúng đắn, xuất phát từ bài học kinh nghiệm được đúc kết từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đồng thời thể hiện bước phát triển quan trọng từ thực tiễn và lý luận của Đảng về quốc phòng, an ninh (QPAN), đối tác, đối tượng, về BVTQ trong tình hình mới.

Từ xưa đến nay, đất nước ta đã áp dụng nhiều biện pháp, như: Tích cực hoạt động bang giao, giữ hòa khí với các nước láng giềng, tránh chiến tranh khi còn có thể; chăm lo xây dựng, củng cố lực lượng quân đội, tiềm lực quốc gia; giữ vững biên giới; thực hiện kế sách khoan thư sức dân... Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, Việt Nam cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”.

Thực tế cho thấy, BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy là tư tưởng chỉ đạo, hành động xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Kế sách này được vận dụng sáng tạo, linh hoạt thông qua việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và "thế trận lòng dân"; thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với QPAN trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội... Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động không ngừng chống phá kế sách BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều giải pháp để đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn chống phá này. Đặc biệt, ngày 22-10-2018 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Tiếp đó, ngày 4-6-2019, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 53-KL/TW về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên internet, mạng xã hội. Hai văn bản này tạo khuôn khổ phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa các cơ quan làm nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng.

2. Việc đặt ra yêu cầu chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, góp phần BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy xuất phát từ đánh giá, nhận định thấu đáo của Đảng ta về tình hình trong nước, những diễn biến mới và thay đổi nhanh chóng trên thế giới; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch.

Về tình hình trong nước. Tuy đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn mà không ai có thể phủ nhận, như Đảng ta đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”; song vẫn còn tồn tại những hạn chế, khiếm khuyết, như: Sự phân hóa giàu nghèo, khoảng cách chênh lệch về sự phát triển giữa các vùng miền, vẫn còn nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực... Các thế lực thù địch, phản động luôn tận dụng những hạn chế, khuyết điểm này để suy diễn, xuyên tạc, thổi phồng hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết liệt chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Về những diễn biến mới và thay đổi nhanh chóng trên thế giới. Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thay đổi rất mau lẹ, khó đoán định với nhiều xu hướng đáng quan ngại nổi lên (như chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, trào lưu dân túy, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ...) đặt ra hàng loạt thách thức đối với các quốc gia. Không gian lựa chọn chiến lược của Việt Nam bị thu hẹp dưới tác động của thay đổi địa chính trị quốc tế, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các nước lớn. Bối cảnh mới đòi hỏi Việt Nam phải duy trì thế cân bằng chiến lược trong quan hệ với các nước để tránh đối đầu, trở thành nạn nhân của xung đột vũ trang và chiến tranh.

Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra một không gian chiến lược mới-“không gian mạng”. Đây là môi trường chủ yếu, không thể thiếu trong triển khai các chiến lược, quan hệ đối ngoại, củng cố, duy trì hoạt động kinh tế-xã hội của các quốc gia, đưa tới những chuyển biến sâu sắc về mọi mặt, trong đó có những phương tiện và phương thức bảo đảm QPAN, BVTQ, tạo ra những thách thức mới...

Trong thế giới phẳng hiện nay, người dân được tiếp cận thông tin rất nhanh và phong phú, đa chiều, cả mặt thuận và mặt trái, trong đó nhiều thông tin không được kiểm chứng. Những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo trên không gian mạng tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân và sự nghiệp QPAN, BVTQ.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch không ngừng thay đổi, ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đặc biệt là tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ để tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta. Không gian mạng đã được chúng tận dụng triệt để với quy mô, mức độ, đối tượng rộng khắp và rất khó kiểm soát. Các thế lực thù địch, phản động, đối tượng chống đối chủ yếu sử dụng mạng xã hội để tung tin xấu độc, tán phát tài liệu, quan điểm sai trái nhằm tuyên truyền, phá hoại nền tảng tư tưởng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, từng bước thực hiện âm mưu thay đổi chế độ chính trị nước ta. Theo báo cáo của Bộ Công an, chỉ riêng năm 2020 đã phát hiện hơn 3.000 trang mạng có nội dung xấu độc, đăng tải hơn 800.000 bài viết, video clip có nội dung chống phá, hòng làm lung lay niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, các thế lực thù địch, phản động cố tình tung nhiều thông tin không có lợi cho chính sách BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy của Đảng, Nhà nước ta. Ví như chúng thường lợi dụng những sự việc trên Biển Đông để bóp méo, bịa đặt, xuyên tạc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; kích động chiến tranh và gây chia rẽ, bất ổn trong nước; đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta phải xem xét lại chính sách đối ngoại theo hướng tẩy chay nước này, dựa vào nước khác... Đây là những luận điệu phản động rất nguy hiểm, cố tình phá hoại chính sách đối ngoại, quốc phòng của Việt Nam theo nguyên tắc vừa đạt được mục tiêu BVTQ vừa giữ được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

3. Dự báo, hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, chống đối sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát hơn trong thời gian tới. Vì vậy, để chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, gây tổn hại tới chính sách BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy của Đảng, Nhà nước và toàn dân, toàn quân ta; đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi đường lối BVTQ từ sớm, từ xa, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, các cơ quan nghiên cứu lý luận, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần chủ động hơn nữa trong công tác nghiên cứu chiến lược, nắm chắc tình hình, diễn biến trong và ngoài nước, cụ thể như: Các xu hướng vận động của thế giới và khu vực, nhất là khu vực ASEAN, Biển Đông; phân tích kỹ những cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; những diễn biến trên thế giới để chỉ rõ những tác động đối với sự nghiệp xây dựng và BVTQ... Trên cơ sở đó, chuẩn bị các luận cứ khoa học phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái; hoàn thiện chiến lược BVTQ, nhất là kế sách chủ động BVTQ từ trong thời bình; tập trung phát triển, hoàn thiện lý luận BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy trong tình hình mới.

Hai là, tăng cường thông tin, tuyên truyền để đạt được thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy. Để thực hiện được điều này, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cấp, ngành cần thường xuyên cập nhật kiến thức về BVTQ trong tình hình mới; xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên và cập nhật thường xuyên tài liệu tuyên truyền công khai về các vấn đề dư luận trong nước và quốc tế quan tâm theo hướng dễ đọc, dễ hiểu... để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

Ba là, thường xuyên quan tâm nghiên cứu, nắm thật chắc tình hình tư tưởng, các xu hướng xã hội, đặc biệt là những vấn đề, sự kiện nhân dân quan tâm để kịp thời thông tin, định hướng dư luận có nhận thức đúng; không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng "khoảng trống thông tin" để xuyên tạc, kích động; tránh để người dân vì tò mò mà tìm cách tiếp cận thông tin xấu độc, thiếu kiểm chứng... Thực tế cho thấy, đây là việc hết sức quan trọng, bảo đảm giữ vững niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; phòng, chống tư tưởng, tâm lý dao động, mất lòng tin trong nhân dân và dẫn tới “tự diễn biến”, suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng không vững vàng.

Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại; chủ động cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ cho các đối tác, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam để họ hiểu đúng, hiểu toàn diện, tránh cách nhìn phiến diện, thiên lệch về tình hình tại Việt Nam; không để các đối tượng phản động, chống đối lợi dụng cung cấp thông tin một chiều, không đúng thực tế, gây bất lợi cho Đảng, Nhà nước ta, nhất là trong thực hiện kế sách BVTQ từ sớm, từ xa.

Năm là, luôn theo dõi sát, nắm bắt kịp thời các dạng quan điểm sai trái và những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị nhằm chủ động trong đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả. Đồng thời, cần đổi mới phương thức đấu tranh trên các mặt pháp lý, truyền thông, tuyên truyền, đặc biệt là về mặt kỹ thuật. Lực lượng chuyên trách các cấp cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn thông tin sai trái, tội phạm mạng...; tăng cường số lượng, chất lượng thông tin tích cực để đẩy lùi thông tin xấu độc.

Sáu là, chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp, nổi cộm phát sinh, những vấn đề bức xúc trong xã hội; không để các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền chống phá, không để các vụ việc phức tạp kéo dài, phát triển ngoài tầm kiểm soát, gây ra tâm lý hoài nghi, giảm lòng tin trong quần chúng nhân dân đối với các cấp chính quyền và Đảng, Nhà nước ta.

Hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng Nhà nước ta trong thời gian qua

 Đầu tiên có thể thấy rõ ràng rằng, công tác PCTN, TC ở Việt Nam thời gian qua có nhiều bước đột phá mạnh mẽ, mang lại hiệu quả, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Theo thông tin được công bố sau Phiên họp thứ 22 của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC, thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách lớn về xây dựng Đảng và PCTN, TC được ban hành tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được đẩy mạnh. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm, cả cán bộ cấp cao, đương chức và nghỉ hưu bị xử lý nghiêm minh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật cán bộ liên quan đến tham nhũng, tiêu cực ở các cấp, trong đó có 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, có 10 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.

Thời gian qua, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC đã chỉ đạo triển khai khá toàn diện, đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN, TC cả trong Đảng và Nhà nước. Từ nghiên cứu, ban hành mới đến rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định của Đảng và các quy định của pháp luật còn bất cập hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, để kịp thời bổ sung, điều chỉnh; từng bước hình thành khuôn khổ pháp lý vững chắc để cán bộ không thể tham nhũng, tiêu cực. Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC đã từng bước gắn kết đồng bộ giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực. Nếu như ở các nước chỉ có quy định, chế tài xử lý các hành vi tham nhũng, thì tại Việt Nam hiện nay đã có cả quy định, chế tài xử lý các hành vi tiêu cực. Đó là một bước tiến vượt trội!

Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC đã ban hành gần 30 văn bản về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và PCTN, TC. Đặc biệt, việc ban hành Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 6-7-2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm và Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW, ngày 1-8-2022 của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực đã hình thành cơ chế đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Quốc hội đã thông qua 6 dự án luật; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 44 nghị định, 15 quyết định; các bộ, ngành ban hành 216 thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế-xã hội, kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cũng đang chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến việc đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, tài sản công, tài chính công, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp,... theo đề xuất của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC.

Những luận điệu cho rằng chỉ có “đa nguyên, đa đảng”, “tam quyền phân lập” mới chống được tham nhũng thật nực cười. Bởi nếu chỉ đơn giản vậy, sao nhiều quốc gia được gọi là “đa nguyên, đa đảng”, “xã hội dân sự”, “tam quyền phân lập” mà tham nhũng vẫn tràn lan? Tại sao với chế độ một đảng lãnh đạo, Việt Nam vẫn đang thực hiện hiệu quả công tác PCTN, TC? Có thể thấy, thực tế kết quả công tác PCTN, TC tại Việt Nam thời gian qua đã khiến những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch trở nên kệch cỡm.

Bảo đảm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chặt chẽ, thông suốt

Việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC là thực sự cần thiết, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Việc làm này thể hiện rõ quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh PCTN, TC ở mọi cấp, mọi ngành, thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC được thành lập sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác PCTN, TC, thể hiện tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Ban chỉ đạo cấp tỉnh là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo Trung ương nhằm nâng cao sức chiến đấu của Đảng, bảo đảm cho công tác đấu tranh PCTN, TC được liền mạch, chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; kịp thời giải quyết những vướng mắc, bức xúc của nhân dân về tham nhũng, tiêu cực và đưa công tác này tiến lên một bước mới.

Vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, kiều bào ta ở nước ngoài, cộng đồng quốc tế về những thành tựu đạt được trong PCTN, TC ở Việt Nam; về sự cần thiết phải thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC, từ đó củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân. Cùng với đó, cần tỉnh táo nhận diện và bác bỏ các luận điệu sai trái của các thế lực phản động, thù địch, chống phá cách mạng Việt Nam.

PCTN, TC là cuộc đấu tranh lâu dài, gian nan, vất vả để chống “giặc nội xâm”. Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này, không được chủ quan, không nóng vội, không được thỏa mãn và né tránh, cầm chừng mà phải thật kiên trì, đấu tranh không ngừng, không nghỉ; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng; đồng thời phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh PCTN, TC để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

hiệu quả của việc chống tham nhũng của Đảng Nhà nước ta, các thế lực thù địch xuyên tạc trắng trợn, bất chấp thực tế

 Bất chấp hiệu quả của công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực tại Việt Nam thời gian qua được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, các thế lực thù địch, phản động vẫn cố tình đăng tải, chia sẻ nhiều thông tin sai trái, xuyên tạc, suy diễn, quy chụp chủ trương của Đảng thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực. Đặc biệt, các tổ chức phản động như Việt Tân, Hội Anh em dân chủ; các hãng truyền thông nước ngoài và các chương trình có phát sóng bằng tiếng Việt như RFA, VOA, RFI, BBC... tán phát nhiều bài viết, hình ảnh xuyên tạc, công kích, đả phá kịch liệt chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta.

Đài Á Châu Tự Do (RFA), Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA)... đưa ra luận điệu: “Vì sao “lò” chống tham nhũng đang cháy mà hàng loạt cán bộ cao cấp vẫn không sợ?”. Những kẻ thiếu tử tế vu khống rằng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam thực chất là việc các phe phái tranh quyền để triệt hạ nhau dưới vở kịch chống tham nhũng. Họ hồ đồ cho rằng, "trên thế giới này, không có quốc gia nào mà người dân lại phải còng lưng đóng thuế để nuôi nhiều cơ quan chống tham nhũng đến vậy"... Hoặc "hơn 10 năm chống tham nhũng, càng chống thì càng tham nhũng, vụ sau lớn hơn vụ trước cả về số tiền của và quan chức với chức vụ cao hơn, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp...".

Cá biệt, có đối tượng còn đưa ra luận điệu xuyên tạc, suy diễn vô căn cứ rằng, chính quyền sinh ra tham nhũng rồi lại thành lập Ban chỉ đạo PCTN, tiêu cực thì chỉ để làm khổ người dân mà thôi; không cần thiết và tốn tiền, tốn của. Từ đó chúng hô hào, kêu gọi: Muốn chống tham nhũng thì phải thay đổi chế độ, phải “đa nguyên, đa đảng”, phải thực hiện cái gọi là “xã hội dân sự”, “tam quyền phân lập”...

NHÂN ĐẠO, TỪ THIỆN LÀ MỘT TRUYỀN THỐNG QUÝ BÁU CỦA DÂN TỘC TA!

         Thưa các vị đại biểu, cùng toàn thể các đồng chí, Trong không khí cả nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đảng đoàn Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tích cực chỉ đạo chuẩn bị và sẽ tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027 vào ngày 30/8/2022.
     Hôm nay, tại Trụ sở Trung ương Đảng, với tư cách là Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa X, tôi rất vui mừng được gặp các đồng chí đại diện đại biểu về dự Đại hội, được nghe báo cáo của đồng chí Chủ tịch Hội và ý kiến phát biểu tâm huyết của một số đại biểu.
     Tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiệt liệt chào mừng, hoan nghênh các đồng chí đại biểu có mặt tại đây, và qua các đồng chí, cho tôi gửi tới toàn thể các đại biểu về dự Đại hội cũng như toàn thể hội viên hội chữ thập đỏ trong cả nước những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
     Chúc Đại hội XI Hội Chữ thập đỏ của chúng ta thành công tốt đẹp.
     Thưa các đồng chí, chúng ta đều đã biết, nhân đạo, từ thiện là một nét đẹp, một truyền thống quý báu của Dân tộc ta, được trao truyền từ đời này qua đời khác, thể hiện tình yêu thương, sự quý trọng và bảo vệ con người; là sự trợ giúp đầy tình người về vật chất, tinh thần, sức khỏe, trí tuệ,... cho những người gặp nạn hoặc kém may mắn trong xã hội; là chỉ số, thước đo của văn minh và sự tiến bộ xã hội. Giá trị của nhân đạo là giá trị về đạo đức của con người, về sự yêu thương, quý trọng và bảo vệ con người, giá trị của sự cảm thông, chia sẻ, nâng niu, trân trọng, đề cao phẩm giá con người: “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”,... Trong thời đại Hồ Chí Minh, giá trị nhân đạo ấy càng được nhân lên mạnh mẽ ở một tầm cao mới; và Bác Hồ - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc, là một tấm gương mẫu mực.
     Trong kho tàng di sản tư tưởng phong phú và đồ sộ của Người, tư tưởng nhân đạo luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là kim chỉ nam cho mọi sự suy nghĩ và hành động của chúng ta. Bác thường căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm; việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”.
     Trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện đầy ý nghĩa đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giữ một vai trò, vị trí hết sức quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ năm 1946, tức là ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám mới thành công, nước ta mới giành được độc lập, Bác Hồ đã sáng lập ra Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, và chính Người là vị Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội từ năm 1946 đến năm 1969 (khi Người qua đời).
     Chúng ta rất vinh dự và tự hào được thừa hưởng và kế thừa, phát huy truyền thống nhân ái, nhân văn tốt đẹp ấy, và đến nay Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trở thành một tổ chức hoạt động nhân đạo chuyên nghiệp, gắn bó và hòa đồng vào cuộc sống của nhân dân với gần 7,2 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên “Chữ thập đỏ”, hoạt động tại 11.925 tổ chức Hội cơ sở.
     Tôi được biết và đánh giá cao Hội chữ thập đỏ các cấp trong nhiệm kỳ vừa qua trong điều kiện cả nước có nhiều khó khăn, phức tạp do dịch bệnh gây ra, lại phải dồn sức cho công cuộc xây dựng, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời đã tổ chức rất thành công Đại hội Hội cấp mình và góp phần chuẩn bị tốt mọi mặt cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Hội với tinh thần nhất quán: khoa học, dân chủ, đổi mới, thiết thực, bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của Hội Chữ thập đỏ.
     Việc chuẩn bị Văn kiện Đại hội đã được các đồng chí xin ý kiến từ cơ sở, thông qua đó, không chỉ có thêm nhiều ý kiến đóng góp hoàn thiện Văn kiện, mà còn tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các cấp Hội về những nhiệm vụ của Hội trong 5 năm tới, tạo dấu ấn đậm nét trong nhân dân, trong xã hội về vai trò và sự đóng góp, sự phát triển lớn mạnh của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
     Điều đặc biệt, tôi thực sự rất ấn tượng với những kết quả và thành tích mà nhiệm kỳ vừa qua hệ thống Hội đã đạt được, qua nhiều phong trào, với nhiều hình thức, thu hút nghĩa cử cao đẹp, các cấp hội và hàng vạn hội viên với bầu nhiệt huyết vì cộng đồng, với tinh thần “Thương người như thể thương thân” đã trợ giúp hàng chục triệu người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống bằng cả tinh thần và vật chất với số tiền hơn 23 nghìn tỷ đồng.
     Đất nước chúng ta còn nhiều khó khăn, còn nhiều người cần sự trợ giúp. Trong rất nhiều sự trợ giúp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm dành cho người có hoàn cảnh khó khăn thì sự trợ giúp từ Hội luôn là điểm sáng. Kết quả công tác của Hội không chỉ là ở những con số.
     Tôi đánh giá cao và biểu dương tính lan tỏa từ các hoạt động nhân đạo của Hội. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội, kể cả qua nhiều kênh truyền thông nước ngoài, những tấm gương người tốt, việc thiện xuất hiện ngày càng nhiều; các giá trị nhân đạo, những tấm lòng nhân ái ngày càng có sức lan tỏa, làm cho đời sống cộng đồng ấm áp hơn; mọi người sống có trách nhiệm với nhau hơn; lấn át, xua đi những cái xấu, cái chưa tốt, chưa đẹp.Trong thành tựu to lớn đó, có sự đóng góp quan trọng của Hội.
     Tôi một lần nữa đánh giá cao và chân thành cảm ơn những đóng góp to lớn của tổ chức hội và đội ngũ cán bộ cùng lực lượng đông đảo hội viên của Hội trong sự nghiệp nhân đạo của chúng ta.

      Thưa các đồng chí!
  Tôi được biết, trong những ngày Đại hội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tổ chức sự kiện tôn vinh những người hiến máu tiêu biểu toàn quốc. Đúng là niềm vui nối tiếp niềm vui, niềm vui, niềm hân hoan của đại biểu Đại hội được bồi đắp thêm bằng niềm hân hoan của những bông hoa hiến máu tiêu biểu. Tôi đánh giá rất cao những tấm gương hiến máu tiêu biểu của Hội, đây là minh chứng sinh động vì sự hiến dâng của tổ chức hội và các hội viên, những tấm gương có mặt tại Lễ tôn vinh thực sự là những bông hoa đẹp đi đầu trong phong trào của Hội và là 1 dấu ấn tiêu biểu trong 10 dấu ấn của nhiệm kỳ Đại hội X vừa qua. Xin hoan nghênh và nhiệt liệt biểu dương các tấm gương hiến máu tiêu biểu của Hội.
     Về phương hướng công tác của Hội trong 5 năm tới: Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có ý kiến chỉ đạo và ngày mai đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Ở đây, tôi xin được trao đổi với các đồng chí 2 vấn đề:
     Một là, phải luôn luôn quan tâm công tác xây dựng tổ chức và cán bộ, hội viên của Hội. Tổ chức Hội của chúng ta được Bác Hồ sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên. Đó là niềm vinh dự, tự hào và sự động viên, khích lệ hết sức to lớn đối với Hội Chữ thập đỏ của chúng ta. Chúng ta, từ mỗi cán bộ, hội viên đến toàn Hội cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc ý nghĩa đó để ra sức phấn đấu, nỗ lực làm việc, làm việc với tinh thần “thương người như thể thương thân”, đầy lòng nhân ái, nhân tình, vị tha, hết lòng, hết sức. Và như thế thì vai trò và uy tín của Hội càng cao.
     Tôi nghĩ: Uy tín của Hội là nguồn lực to lớn, là nhựa sống, là sức sống của tổ chức Hội. Uy tín của Hội không phải tự nhiên mà có, mà là từ hình ảnh, thái độ, hành vi, hành động, sự rèn luyện, phấn đấu toàn tâm, toàn ý của đội ngũ cán bộ Hội và hội viên đối với sự nghiệp nhân đạo, là từ mỗi kết quả mà hoạt động của Hội mang đến cho người nghèo, đóng góp chung cho xã hội. Mong các đồng chí suy nghĩ thấu đáo để có giải pháp phù hợp cho mục tiêu này trong thời gian tới.
     Hai là, phải làm tốt hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền để tạo ra được nhiều phong trào hoạt động nhân đạo, từ thiện. Tôi đánh giá cao việc các đồng chí tổ chức phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”, qua đó nhân lên những tấm gương về lòng nhân ái trong mỗi cơ quan, tổ chức, cộng đồng. Hội cần tổ chức một cách bài bản hơn, thiết thực hơn, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các đoàn thể chính trị-xã hội để tạo ra các phong trào hoạt động nhân đạo, làm công tác từ thiện. Trong các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhân đạo, nhân ái luôn luôn là giá trị cốt lõi, nổi trội, xuyên suốt. Do đó, sự thành công của Phong trào này sẽ là sự đóng góp to lớn về mặt tinh thần trong xây dựng xã hội giàu tình người và lòng nhân ái.
     Về hành động, tôi đánh giá cao và đề nghị các đồng chí tổ chức thật tốt Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", làm thế nào để mọi người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương, người yếu thế đều nhận được sự trợ giúp từ Hội. Nếu Phong trào "Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái" là sự đóng góp về mặt đạo đức, tinh thần thì Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" là sự đóng góp thiết thực về mặt vật chất dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Mong các đồng chí thường xuyên chăm lo để các phong trào này ngày càng đi vào chiều sâu, có sức sống vững bền trong đời sống xã hội, trong nhân dân.
     Cuối cùng, một lần nữa tôi xin chúc các đồng chí luôn luôn mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác nhân đạo, từ thiện. Cho tôi gửi lời chào thân ái nhất tới các đại biểu về dự Đại hội và toàn thể cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ trong cả nước. Tôi tin chắc rằng: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Chữ thập đỏ Việt Nam của chúng ta nhất định sẽ thành công tốt đẹp; và nhất định phải thành công tốt đẹp!
Xin cảm ơn các đồng chí./.

Theo Báo Nhân dân.
Yêu nước ST.

LIÊN XÔ SỤP ĐỔ VÀ VAI TRÒ CỦA MIKKHAIL GORBACHEV!

         Người dân Liên Xô ngày 17-3-1991 đã bày tỏ ủng hộ 76% việc duy trì Liên bang, mà không hề biết rằng, họ đang bỏ phiếu ủng hộ cho Liên Xô sụp đổ.
     Sắp tới, ngày 17-3, tròn 30 năm ngày Liên Xô tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lịch sử dẫn đến sự sụp đổ của cường quốc này (17-3-1991 – 17-3-2021). Tờ “Pronedra” của Nga mới đây đăng bài viết của tác giả Yulia Yakobson với nhan đề “Liên Xô sụp đổ và vai trò của Mikhail Gorbachev trong việc làm tan rã một nhà nước rộng lớn”. Tác giả viết, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô) tan rã trùng với thời điểm Tổng thống đầu tiên và cũng là duy nhất của quốc gia này, Mikhail Gorbachev, lên nắm quyền. Trước năm 1985, Mikhail Gorbachev là cái tên còn chưa được nhiều người biết đến, nhưng chỉ 5 năm sau đó, ông đã ghi tên mình vào lịch sử và địa chính trị thế giới. Gorbachev gần như được coi là người đã làm tan rã một nhà nước rộng lớn. Sự sụp đổ của Liên Xô không diễn ra ngay lập tức, mà đó là kết quả của một chương trình kinh tế và tư tưởng được lên kế hoạch kỹ càng. Câu khẩu hiệu “Cải tổ - Dân chủ - Công khai” đã thu hút sự quan tâm của giới trí thức, những người lúc đó không thể lý giải được ý nghĩa sâu xa của những từ trong câu khẩu hiệu này.
     Hai năm sau khi lên nắm quyền và chỉnh đốn hàng ngũ đảng viên dưới quyền, Mikhail Gorbachev tuyên bố thay đổi toàn diện nhà nước Xô Viết và cho rằng, “cải tổ là từ mang nhiều nghĩa và đầy hàm ý”. Nhưng trong nhiều từ đồng nghĩa của ông, nếu chọn ra một từ đúng nghĩa nhất, thì có thể nói rằng, “cải tổ chính là một cuộc cách mạng”. Như vậy, Ban lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô đã xác định nhiệm vụ không phải là cải cách dần dần, mà là thay đổi thông qua việc hủy hoại và cắt đứt tính kế thừa. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm đã được lịch sử văn minh hàng thế kỷ qua chứng minh.

Từ năm 1985, Gorbachev bắt đầu kế hoạch 5 năm làm sụp đổ một cường quốc
     Với việc theo chân “kiến trúc sư cải tổ” Liên Xô là Alexander Yakovlev, quá trình hủy hoại này vào cuối những năm 1980 diễn ra không giống như một cuộc xung đột giai cấp, mà là sự thay đổi âm thầm trong nhận thức và tư tưởng của mỗi người. Gorbachev đã cùng với Yakovlev âm thầm phá hoại nền tảng văn hóa con người Xô Viết bằng cách “giết dần giết mòn” từng chút một vào nền tảng đó.
     Ngoài ra, hỗ trợ đắc lực cho quá trình “cải tổ” này còn có các nhóm văn hóa - xã hội của Liên Xô lúc đó như: Một bộ phận các cơ quan Đảng và Nhà nước muốn vượt qua cuộc khủng hoảng “danh chính ngôn thuận” đã chín muồi, mà vẫn giữ được vị thế của mình; một bộ phận giới trí thức mơ tưởng về tự do và chủ nghĩa phương Tây (chính bộ phận này đã thúc đẩy tư tưởng mơ hồ về tự do và dân chủ, cũng như hình ảnh “những quầy hàng chất đầy thực phẩm”); giới tội phạm có liên quan đến kinh tế ngầm.
     Vào thời gian cuối, sự sụp đổ của Liên Xô diễn ra hết tốc lực, trong khi giai đoạn đầu “cải tổ” là một cuộc “cách mạng về nhận thức” được che đậy bằng một thuật ngữ rất mĩ miều là “Công khai hóa”.

Gorbachev và thủ đoạn tinh vi bằng nhận thức
     “Công khai hóa” đã dần dần phá hủy toàn bộ nguyên tắc và nền tảng vốn đã hình thành từ trước đó rất lâu. Báo chí bắt đầu đăng tải những bài viết theo chính sách “ngu dân” về đề tài lịch sử và kinh tế kiểu như: “Cả đời các bạn chỉ được nghe những điều giả dối, nhưng bây giờ chúng tôi sẽ nói ra cho các bạn toàn bộ sự thật”.
     Để cổ vũ cho hành vi phá hoại của Gorbachev và Yakovlev, một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của Liên Xô đã được tổ chức. Chính việc này đã vi phạm tất cả những điều kiêng kỵ từ trước tới nay ở quốc gia này, bởi người dân Liên Xô vốn hàng thập kỷ qua đã sống trong một đất nước rộng lớn, nay lại đưa ra những vấn đề kỳ lạ đối với họ.

Một câu hỏi trưng cầu ý dân đã giúp Gorbachev làm sụp đổ Liên Xô
     Xin nói thêm về câu hỏi được đưa ra trong cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc. Ngay từ đầu, cách diễn đạt câu hỏi ghi trên lá phiếu trưng cầu là rất khó hiểu, cụ thể là: “Theo bạn, Có hay Không nên duy trì Liên Xô như một liên bang đổi mới gồm những nước cộng hòa có chủ quyền bình đẳng, được đảm bảo đầy đủ quyền và tự do của con người thuộc mọi dân tộc?”
     Tuy nhiên tại thời điểm đó, cách diễn đạt này trông có vẻ nghiêm túc và đầy trách nhiệm, điều mà “kiến trúc sư cải tổ” Liên Xô Alexander Yakovlev rất quan tâm. Khi đề xuất mô hình “liên bang đổi mới gồm những nước cộng hòa có chủ quyền”, ông ta tỏ ra mâu thuẫn về mặt logic nhưng đã chủ ý làm việc này - đó là thủ đoạn bằng nhận thức trong hành động.
     Ý tưởng “phá hoại nhà nước Xô Viết” được áp dụng vào nhận thức xã hội trong suốt nhiều năm cuối cùng cũng đã chi phối trong hệ tư tưởng. Tuy nhiên, 76% người dân Liên Xô ngày 17/3/1991 đã bày tỏ ủng hộ việc duy trì Liên bang, mà không hề biết rằng, họ đang bỏ phiếu ủng hộ cho Liên Xô sụp đổ. Mikhail Gorbachev cũng đã lường trước được việc này. Cuối năm đó, bản đồ chính trị thế giới bất ngờ thay đổi, dẫn đến sự tan rã một nhà nước rộng lớn - Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết.

Hé lộ vai trò của Gorbachev đối với sự sụp đổ của Liên Xô
     Trong bài viết đăng trên tờ “Rambler” dẫn lời hãng tin “Deita” cho biết, tháng 10-1980 Milkhail Gorbachev trở thành Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô. Đúng 10 năm sau, vào tháng 10-1990, ông đoạt giải Nobel Hòa bình. Nhà hoạt động chính trị, cựu lãnh đạo một cơ quan tình báo đã hé lộ vai trò của Tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev trong việc làm tan rã cường quốc này. Theo lời kể lại của ông này trên truyền hình ITON.TV, sau cuộc gặp với Gorbachev, điệp viên tình báo đã vô cùng ngạc nhiên rằng: “Tại sao người ta lại để cho một kẻ tiểu nhân như vậy lãnh đạo cả một đế chế? Chính ông ta cũng không thể hiểu được tại sao”. Theo Kedmi, vấn đề của nhà nước là ở chỗ, những người như vậy lại được lên nắm quyền lãnh đạo. Gorbachev còn không hề tham gia chạy đua quyền lực như Khrushev hay Brezhnev, mà chính các đồng chí đã đưa ông ta lên nắm quyền. Andropov và Gromyko dường như là những người thông minh khi hình thành nên giới tinh hoa. Nhưng theo Kedmi, chính giới tinh hoa này đã làm cho nhà nước sụp đổ.
     Theo nhận định, Gorbachev trên cương vị lãnh đạo nhà nước đã cho thấy sự ngây thơ đến kỳ lạ và niềm tin vào âm mưu diễn biến hòa bình của phương Tây. Gorbachev nghĩ rằng, đất nước của ông ta sẽ được để cho yên bình. Ông ta không nghĩ rằng, NATO có thể lừa dối trắng trợn như vậ. Vị cựu lãnh đạo cơ quan tình báo cho biết, dẫn chứng các thỏa thuận miệng không có trong văn bản của Tổng thống Mỹ và Liên Xô về việc không mở rộng liên minh quân sự về phía Đông. Đó là niềm tin của một kẻ ngu ngốc đầy ngây thơ. Mikhail Gorbachev không hề giải quyết một vấn đề nào trong không gian Xô viết, bao gồm cả vấn đề Karabakh, thậm chí còn khơi mào mọi vấn đề trong đó. Và có rất nhiều vấn đề đã bùng phát: từ Pridnestrov và Kyrgyzstan đến Baku, Vilnius và Tbilisi..

Alexander Yakovlev - “kiến trúc sư cải tổ”, “cha đẻ công khai hóa”
     Theo thông tin đăng trên “RIA Novosti”, Alexander Yakovlev (1923-2005) được biết đến với các biệt danh là “kiến trúc sư cải tổ” và “cha đẻ công khai hóa” của Liên Xô. Ông sinh ngày 2-12-1923 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Korolevo, tỉnh Yaroslavl (Liên Xô). Nhờ thành tích chiến đấu trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Liên Xô vào năm 1944.
     Năm 1946, ông tốt nghiệp Khoa lịch sử Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Yaroslavl mang tên K.D. Ushinsky. Trong thời gian đi học, ông phụ trách Bộ môn huấn luyện thể dục quân sự. Ông còn tốt nghiệp Trường Đảng cao cấp trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
     Năm 1958-1959, Alexander Yakovlev được cử sang thực tập tại Đại học Columbia (Hoa Kỳ), sau đó tiếp tục công việc tại Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Từ năm 1965 ông là Phó Trưởng ban tuyên truyền, và từ năm 1969 đến 1973 là Trưởng ban.
     Tháng 11-1972, báo Văn học đăng bài viết của ông có nhan đề “Chống chủ nghĩa phản lịch sử”. Vì bài báo này, năm 1973 ông đã bị cách chức và thuyên chuyển sang Canada làm đại sứ Liên Xô trong 10 năm.
     Công cuộc “cải tổ” đã cho Yakovlev cơ hội trở về Liên Xô hoạt động tích cực trên chính trường. Năm 1983, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev đã khăng khăng đề nghị cho Yakovlev trở về Mátxcơva.
     Từ năm 1983 đến 1985, Alexander Yakovlev giữ chức Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô. Năm 1984, ông được bầu làm đại biểu Hội đồng Tối cao Liên Xô. Mùa Hè năm 1985, ông được cử làm Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
     Năm 1986, Yakovlev được bầu làm Ủy viên, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, phụ trách các vấn đề tư tưởng, thông tin và văn hóa.
     Tại Hội nghị Trung ương diễn ra vào tháng 01-1987, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, đến tháng 6-1987 cũng tại Hội nghị Trung ương, được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô. Từ tháng 9-1987, ông là Ủy viên Ủy ban của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu bổ sung các tài liệu liên quan đến các vụ trấn áp những năm 1930-1940 và đầu những năm 1950, còn từ tháng 10-1988 - là Chủ tịch Ủy ban này.
     Năm 1988, tại Hội nghị Đảng toàn quốc lần thứ XIX đã thành lập Ủy ban soạn thảo nghị quyết về công khai hóa do Alexander Yakovlev đứng đầu. Ủy ban này đã trình bày văn kiện đề cập đến việc cải tổ trong lĩnh vực tự do ngôn luận. Tại Hội nghị Trung ương tháng 9-1988 đã phân công nhiệm vụ cho các Bí thư Trung ương Đảng, và Yakovlev trở thành Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng về các vấn đề quốc tế.

Mùa xuân năm 1989, Yakovlev được bầu làm Đại biểu nhân dân Liên Xô.
     Từ tháng 3-1990 đến tháng 01-1991, ông là Ủy viên Hội đồng Tổng thống Liên Xô. Sau khi được cử giữ chức này một ngày, ông đã nộp đơn xin rút khỏi bộ máy các cơ quan lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, tuy nhiên vẫn tiếp tục giữ chức Bí thư Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị cho đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XXVII.
     Sau khi giải tán Hội đồng Tổng thống, Alexander Yakovlev được cử làm cố vấn cấp cao của Tổng thống Liên Xô. Ngày 27-7-1991, ông nộp đơn xin thôi chức vụ này.
     Ngày 22-7-1991, ông cùng với Alexander Volsky, Nikolai Petrakovy, Gavriil Popovy, Anatoly Sobchak, Ivan Silaevy, Stanislav Shataliny, Eduard Shevardnadze và Alexander Rutsky, ký tuyên bố thành lập Phong trào cải cách dân chủ, sau đó tham gia vào Hội đồng chính trị của Phong trào này.
     Ngày 15-8-1991, Ủy ban kiểm tra Trung ương đề xuất khai trừ Đảng đối với Yakovlev vì những phát biểu và hành động gây chia rẽ nội bộ Đảng. Ngày 16-8-1991, ông tuyên bố rút khỏi hàng ngũ Đảng Cộng sản Liên Xô.
     Ngày 20-8-1991, ông phát biểu tại cuộc mít-tinh bên ngoài tòa nhà Hội đồng thành phố Mátxcơva nhằm ủng hộ chính quyền hợp pháp, chống lại vụ bạo động của Ủy ban Quốc gia về tình trạng khẩn cấp. Cuối tháng 9-1991, ông được cử làm Cố vấn phụ trách các nhiệm vụ đặc biệt kiêm Thành viên Hội đồng cố vấn chính trị của Tổng thống Liên Xô.
     Giữa tháng 12-1991, tại Đại hội thành lập Phong trào cải cách dân chủ, Alexander Yakovlev được bầu làm đồng Chủ tịch Phong trào này.
     Cuối tháng 12-1991, ông tham dự sự kiện chuyển giao chính quyền từ Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev cho Tổng thống Liên bang Nga Boris Eltsin.
     Trong những năm sau khi Liên Xô sụp đổ, Alexander Yakovlev tích cực viết và giảng dạy về lịch sử, chính trị và kinh tế. Ngoài ra, ông còn giữ chức lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Nga và tổ chức Dân chủ quốc tế. Dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin (từ năm 1991 đến 1999), Yakovlev được ví như là “nhà tư tưởng chủ đạo của nền dân chủ Nga”. Ông qua đời ngày 18-10-2005 tại Moscow, thọ 82 tuổi.
     Theo hãng tin Nga RIA Novosti, kết quả thăm dò do Trung tâm nghiên cứu ý kiến dư luận toàn Nga (VTsIOM) thực hiện mới đây cho thấy, 51% người Nga cho rằng, Mikhail Gorbachev lúc đó nghĩ đến lợi ích quốc gia, nhưng đã tính toán sai lầm nghiêm trọng. 22% coi ông là “tội đồ” đã chủ ý làm tan rã một cường quốc vĩ đại, 11% coi ông là “người can đảm”, không sợ chịu trách nhiệm và tiến hành những cải cách cần thiết trong nước./.


Yêu nước ST.

CÁN BỘ, CHIẾN SỸ QUÂN ĐỘI THAM GIA ĐẤU TRANH BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TA!

         Giữ vững trận địa tư tưởng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng là nhiệm vụ quan trọng và hết sức cấp thiết. Nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu lợi dụng không gian mạng đưa thông tin xấu độc, giả mạo chống phá cách mạng Việt Nam.
     Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội ta không để tác động ảnh hưởng tiêu cực của các nhóm thành phần lợi dụng không gian mạng. Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động tham mưu cho cơ quan, đơn vị mình công tác phương án phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các bài viết, hình ảnh, clip có nội dung xấu, phản động đồng thời bố trí thời gian thích hợp để tích cực viết đăng tin, bài, ảnh để khẳng định tính đúng đắn, khoa học, cách mạng trong nền tảng tưởng của Đảng ta, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm tư tưởng sai trái, thù địch, nhằm giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng ta./.


Yêu nước ST.

 Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam


Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 (Ảnh tư liệu).

 

Ở Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp đã diễn ra liên tục, sôi nổi nhưng đều không mang lại kết quả. Phong trào Cần Vương mang theo ý thức hệ phong kiến do giai cấp phong kiến lãnh đạo đã chấm dứt ở cuối thế kỷ XIX. Cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng (năm 1896) rồi sang thế kỷ XX phong trào nông dân tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám kéo dài mấy chục năm cũng thất bại vào năm 1913. Phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo cũng rơi vào bế tắc. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng bị thất bại do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết. Cách mạng Việt Nam chìm trong khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước cho đến khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5-6-1911. Người đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã phát hiện ra chân lý: “Chủ nghĩa tư bản, đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các thuộc địa”.

Năm 1917, Người trở lại nước Pháp và gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Tháng 7-1920, Người đọc “Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lê-nin và từ tư tưởng đó, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp, tháng 2-1920 Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế III tức Quốc tế Cộng sản do V.I.Lê-nin sáng lập và Người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Đó là sự kiện lịch sử trọng đại không những đưa Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến với lý luận cách mạng của thời đại là Chủ nghĩa Mác - Lênin mà còn đánh dấu bước chuyển quan trọng của con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin là tất yếu lịch sử không còn con đường nào khác. Từ đây người thực hiện nhiệm vụ đối với phong trào cộng sản quốc tế, xúc tiến truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin, vạch phương hướng chiến lược cách mạng Việt Nam và chuẩn bị điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930.

Ngày 19-8-1945, khi ấy Đảng Cộng sản Việt Nam mới 15 tuổi đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng 8, chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, xóa bỏ chế độ thực dân và phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mở ra thời đại mới – Thời đại Hồ Chí Minh. Cách mạng Tháng Tám dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là sự kiện quan trọng bậc nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam, đó cũng là thắng lợi đầu tiên của Chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, thắng lợi của Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình của thế kỷ XX. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công là thời kỳ bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng Tháng Tám, tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong suốt 30 năm (1945-1975).

Những năm 1945, 1946, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo vượt qua những khó khăn, thách thức nặng nề chống thù trong giặc ngoài, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân, bầu cử Quốc hội đầu tiên ngày 6-1-1946, xây dựng hiến pháp dân chủ ngày 9-11-1946. Chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới của nhân dân chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp; kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, bảo vệ chính quyền và thành quả Cách mạng Tháng Tám, thực hành sách lược khôn khéo đưa cách mạng vượt qua những thử thách hiểm nghèo. Chúng ta đã chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp trên phạm vi cả nước. Thành công nổi bật của hơn một năm xây dựng chính quyền non trẻ là đã tăng cường được sức mạnh của cách mạng để có thể tự bảo vệ khi chưa có sự giúp đỡ trực tiếp từ bên ngoài. Tháng 12-1946, thực dân Pháp có dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến vào ngày 19-12-1946 với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Với đường lối kháng chiến toàn dân, kháng chiến toàn diện, trường kỳ kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa kháng chiến, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các bạn bè quốc tế, Đảng đã lãnh đạo nhân dân lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy khắp năm châu, chấn động địa cầu”. Thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ và việc ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp tại nước ta. Mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đảng ta lãnh đạo tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đây là đặc điểm mang tính đặc thù của cách mạng Việt Nam cùng với mục tiêu độc lập dân tộc, mục tiêu xã hội chủ nghĩa được đặt ra trực tiếp.

Đế quốc Mỹ phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, hất chân thực dân Pháp độc chiếm miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng. Dân tộc ta lại phải đương đầu với chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Tư tưởng Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã kết thúc cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam thống nhất đất nước là thắng lợi chói lọi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, là sự kiện có tầm quốc tế và có tính chất thời đại sâu sắc.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc từ một nền nông nghiệp lạc hậu tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa đòi hỏi Đảng ta phải vận dụng sáng tạo lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa kết hợp giữa lợi ích dân tộc với thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước đã thu được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Từ năm 1975 đến 1986 sau chiến tranh đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng đã lãnh đạo nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế, vừa tiến hành hai cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Đảng đã tập trung lãnh đạo xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội từng bước hình thành cơ cấu kinh tế mới trong cả nước, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, trước yêu cầu của thời kỳ mới, việc duy trì lâu dài mô hình cơ chế tập trung bao cấp đã không còn phù hợp và bộc lộ những hạn chế, nhược điểm, mắc sai lầm, khuyết điểm, chủ quan duy ý chí. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những năm đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trước những thách thức của thời kỳ mới, Đảng ta đã tổng kết sáng kiến từ thực tiễn của nhân dân, tìm tòi hoạch định đường lối đổi mới qua các mốc: Nghị quyết Trung ương lần thứ 6 khóa IV (tháng 8-1979), Chỉ thị 100-CT/TW ngày 3-1-1981 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, Quyết định 25/CP ngày 21-1-1981 của Chính phủ về đổi mới quản lý kinh tế quốc doanh, Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 khoá V (tháng 6-1985) thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa... Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Từ đó đến nay Đảng ta tiếp tục phát triển tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới được bổ sung và phát triển ngày càng hoàn thiện qua hơn 20 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử. Nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển, đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, vượt qua khủng hoảng về tài chính tiền tệ khu vực, khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu khi đó. Thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ bước đầu thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người năm 2008 đạt trên 1.000 USD, vượt ngưỡng nước nghèo chậm phát triển, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường chính trị, xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững, vai trò và vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng nâng cao.

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng họp tại Hà Nội vào sáng ngày 26-1-2021 có 1.587 đại biểu thay mặt cho hơn 5 triệu đảng viên của toàn Đảng. Đại hội khơi dậy tinh thần và ý chí quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ XII hướng tới những dấu mốc phát triển của đất nước: Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Chúng ta khắc sâu lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta, của nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa. Tư tưởng và hành động đã nhất trí càng nhất trí hơn nữa”.

Những nội dung nêu trên giúp chúng ta cùng nhau nhớ lại lịch sử vẻ vang của Đảng ta, của dân tộc ta. Mỗi đồng chí cán bộ, đảng viên dù tuổi đã cao vẫn luôn phải giữ sức khỏe, làm gương cho con cháu phấn đấu theo tinh thần tràn đầy tâm huyết, quyết tâm giữ vững ngọn cờ của Đảng ta mãi mãi tung bay, Đảng ta mãi mãi trường tồn và phát triển.

Nguồn: NGUYỄN ĐÌNH HẠNH

Chi bộ 2 – Đảng bộ phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

 Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Một buổi sinh hoạt chi bộ mẫu tại Chi bộ Kiểm tra nội bộ (Đảng bộ Cục Thuế tỉnh Lai Châu).


Tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ

Sinh hoạt chi bộ là hoạt động thường xuyên của chi bộ đảng. Bác Hồ viết: “Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái và gương mẫu”(1). Chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những yếu tố quan trong quyết định kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sinh hoạt chi bộ là phương cách để phòng bệnh từ sớm, từ xa; chữa trị bệnh khi căn bệnh đó “còn trong trứng nước”. Sinh hoạt chi bộ là trường học để rèn luyện cấp ủy, rèn luyện bí thư cấp ủy và cũng là trường học để rèn luyện đảng viên. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của mỗi cấp ủy viên, đảng viên đều được biểu hiện và được rèn luyện, chỉnh sửa uốn nắn trong chi bộ. Chi bộ là tổ chức cơ sở, là hạt nhân hệ thống chính trị cơ sở, đồng thời cũng là nơi đảng viên sịnh hoạt nhiều nhất. Thông qua sinh hoạt chi bộ để thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng thời bộc lộ tính cách, sở trường, thế mạnh cũng như thiếu sót, khuyết điểm của đảng viên. Từ chi bộ, đảng viên có điều kiện để rèn luyện, phấn đấu, từng bước giữ gìn, nâng cao phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, lập trường cách mạng.

Còn nhiều băn khoăn

Sinh hoạt chi bộ là công việc định kỳ hằng tháng. Vì cứ mỗi tháng diễn ra một lần và khi so sánh nội dung sinh hoạt giữa các tháng, dường như gần giống nhau nên xuất hiện tình trạng coi nhẹ sinh hoạt chi bộ. Đánh giá chưa đúng mức tầm quan trọng, cũng như tác dụng của sinh hoạt chi bộ không chỉ xuất hiện ở một số đảng viên bình thường mà còn có thể có ở một số cấp ủy viên và đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị, từ đó dẫn đến một số tình trạng: Coi trong công tác chuyên môn hơn sinh hoạt chi bộ, từ đó xếp lịch làm việc “ưu tiên” họp chuyên môn trước, họp chi bộ sau, hoặc “tiện thể” lồng ghép công tác đảng sau khi họp chính quyền. Chi ủy chuẩn bị nội dung không chu đáo, cẩn thận, đến khi họp chi bộ điều hành lúng túng, không rõ trọng tâm, chủ đề buổi sinh hoạt. Đảng viên không được thông tin trước về nội dung cụ thể nên không chuẩn bị ý kiến phát biểu, tham luận. Trong hội nghị chi bộ hoặc là không tham gia ý kiến, hoặc là phát biểu qua loa, chiếu lệ, thậm chí lan man không đúng chủ đề.

Tình trạng họp chi bộ không phát biểu ý kiến, “mũ ni che tai”  đang xảy ra ở mức độ rất đáng lo ngại ở một bộ phận đảng viên, nhất là đảng viên mắc bệnh “cơ hội”, đảng viên trẻ tuổi đời, ít tuổi đảng. Tình trạng không được nói (thời gian họp chi bộ không đủ, lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, hách dịch, thiếu dân chủ), không dám nói (người nói sợ mất lòng cấp trên) thì sinh hoạt chi bộ chỉ là hình thức mà không thực chất. Các “sản phẩm” của cuộc họp đầy đủ nhưng không có chất lượng. Nghị quyết thông qua trong phiên họp thiếu dân chủ, không ai dám nói lên ý kiến quan điểm cá nhân của minh, nhất là ý kiến khác với bí thư chi bộ thì văn kiện đó chỉ là sự “hợp thức hóa” ý chí của thiểu số. Đảng viên không dám nói cũng có nghĩa là không dám đấu tranh phê bình và tự phê bình. Tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng ta. Có tự phê bình và phê bình mới tìm ra những căn bệnh đang phá hoại cơ thể của Đảng, bắt đúng bệnh sẽ tìm được đúng thuốc để chữa trị.

Những giải pháp căn bản

Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, xin đề xuất các cấp ủy quan tâm làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kết luận là cần phải ra sức củng cố các chi bộ, để tất cả các chi bộ trở nên thật sự là hạt nhân lãnh đạo của Đảng ở mọi bộ, mọi ngành, mọi nghề, mọi nơi”(2). Ý thức tốt trong sinh hoạt chi bộ bắt nguồn từ nhận thức về vị trí của chi bộ trong bộ máy tổ chức và cơ chế vận hành của Đảng. Chi bộ là hạt nhân, hạt nhân tốt thì Đảng khỏe mạnh và hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo đất nước. Do đó, cần tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ đảng viên toàn Đảng thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm trong sinh hoạt chi bộ. Thấy rõ tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ để sẵn sàng tâm thế, chuẩn bị nội dung phát biểu, góp ý thật xác đáng vào các quyết định của chi bộ. Nêu cao tinh thần tự giác và chủ động của cấp uỷ viên cũng như từng đảng viên. Việc nhớ lịch họp, chuẩn bị nội dung phát biểu, cân nhắc để biểu quyết tại hội nghị… là những việc bắt buộc phải nhớ, phải làm trước khi bước vào cuộc họp chi bộ.

Hai là, chuẩn bị tốt nội dung cuộc họp. Trước khi sinh hoạt chi bộ, chi ủy cần họp để chuẩn bị nội dung cho cuộc họp chi bộ, thông qua dự thảo nghị quyết của chi bộ. Phiên họp chi ủy thường chỉ có 3 hoặc 5 chi ủy viên, tất cả có thể “đặt lên bàn”, nói thẳng, nói thật; giải quyết những vướng mắc, những chỗ chưa thống nhất giữa các chi ủy viên. Khi chi ủy đã thống nhất, phát ngôn của chi ủy viên phải tuyệt đối chấp hành ý kiến tập thể chi ủy đã kết luận, không được nói, viết ý kiến cá nhân trái với ý kiến tập thể.

Chủ động thông báo lịch họp và chương trình nghị sự phiên họp. Đối với chi bộ lãnh đạo nhiệm vụ chính trị ở những địa bàn ổn định, đảng viên tập trung, đặc biệt là chi bộ “hưu trí” có thể định kỳ một ngày cố định trong tháng để họp chi bộ. Cố định ngày họp chi bộ để đảng viên chủ động công việc chuyên môn và sinh hoạt gia đình để tham gia đầy đủ, đúng giờ và chuẩn bị nội dung phát biểu chu đáo. Đối với những chi bộ mà đối tượng lãnh đạo là những đơn vị công tác hợp thành bởi nhiều chuyên môn khác nhau, địa bàn trải dài nhiều địa phương, thậm chí ở ngoài nước… thì cần lựa chọn ngày “tối ưu” để đảng số cao nhất, nội dung thảo luận kỹ nhất và quyết nghị chuẩn xác nhất.

Ba là, chú trọng công tác điều hành của người đứng đầu chi bộ, bởi điều hành linh hoạt, giải quyết các phần việc gọn gàng, đúng quy định, khơi gợi được nhiều ý kiến cá nhân, thảo luận kỹ lưỡng, kết luận chuẩn xác và biểu quyết thông qua nghị quyết là những nhân tố quyết định thành công tốt đẹp của một cuộc sinh hoạt chi bộ. Quá trình điều hành sinh hoạt chi bộ cần bảo đảm đúng quy định và hướng dẫn của cấp trên, đúng chương trình nghị sự đã thông báo; đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; các quyết nghị của chi bộ phải đúng trình tự, thủ tục. Người chủ trì cần nắm chắc, vững nguyên tắc, có kiến thức về xây dựng Đảng. Đối với những bí thư chi bộ mới được bầu giữ chức vụ thường chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức về Đảng nên dễ lúng túng, bị động trong điều hành cuộc họp. Theo đó, cần tích cực học tập, nghiên cứu và rèn luyện trong thực tiễn.

Bốn là,
 phát huy dân chủ, tôn trọng và bảo lưu ý kiến đảng viên và ý kiến thuộc về thiểu số. Nguyên tắc quan trọng nhất trong tổ chức, sinh hoạt đảng là nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong những nội dung chính yếu của nguyên tắc này có nội dung: “trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình, đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên”(3) . Việc phát biểu ý kiến tại cuộc họp chi bộ vừa quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của đảng viên, nghị quyết của phiên họp, cũng như các quyết định của chi bộ sẽ đúng đắn nhất khi chúng ta phát huy được quyền dân chủ của đảng viên. Chất lượng sinh hoạt chi bộ tốt, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, cộng với tình thương yêu đồng chí lẫn nhau là liều “vắc-xin” hiệu quả để phòng và chống nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong Đảng ta hiện nay.

Nguồn: Phạm Anh

Viện Kinh tế chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP - CỤ HỒ LÀ BẬC THẦY CỦA CÁC BẬC THẦY TRONG CÁCH SỬ DỤNG NGÔN TỪ, LÝ LẼ...

     Cụ Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta là người thông kim, bác cổ, lĩnh hội được cả nền văn hoá phương Đông, phương Tây. Đúng như trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từng tiên đoán trước đó hàng trăm năm:
"Đụn Sơn phân dải
Bò Đái thất thanh
Thủy đáo Lam thành
Nam Đàn sinh thánh"
     Trong bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cụ Hồ đã sắc sảo, tinh tế với nhãn quan của một vị lãnh tụ thiên tài khi tuyên bố thẳng thừng trong Tuyên ngôn độc lập như xác lập một rào cản pháp lý, lý luận rất chặt chẽ, lấy gậy của người Pháp để đánh vào lưng của họ! Chúng ta danh chính ngôn thuận tuyên bố với thế giới về tính chính danh, chính nghĩa của dân tộc ta. Một đất nước xứng đáng được hưởng tự do, độc lập!

Thứ nhất, XÁC LẬP QUYỀN TỰ QUYẾT CỦA DÂN TỘC, CHÚNG TA GIÀNH CHÍNH QUYỀN TỪ TAY NHẬT, THOÁT LI HOÀN TOÀN ĐỐI VỚI SỰ "BẢO HỘ" NGƯỜI PHÁP.
Cụ Hồ viết:
     "Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.
     Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.
     Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam".
     Ấy là sau chiến tranh thế giới, thực dân Pháp âm mưu đòi lại mảnh đất thuộc địa mà chúng đã sở hữu 100 năm với cái mà họ cho là chứng lý: Triều đình nhà Nguyễn đã ký các Hiệp định bán đất cho Pháp. Tuyên ngôn độc lập 1945 đã hủy bỏ toàn bộ cái di sản lịch sử đó để thực hiện chủ quyền trong thời đại mới, thời đại dân chủ, tức dân Việt Nam mới là chủ sở hữu lãnh thổ Việt Nam, không phải là người Pháp hay bất kỳ ngoại bang nào.

Thứ hai, LẤY GẬY ÔNG ĐẬP LƯNG ÔNG.
     Cụ Hồ đã rất khéo léo và tinh tế khi đưa hai bản Tuyên ngôn của người Pháp năm 1789 và người Mỹ năm 1776. Khẳng định chân lý, dân tộc đều bình đẳng. Người viết: 
     "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
     Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. 
     Người Pháp, Mỹ từng tuyên bố với thế giới và quốc dân của họ như thế, vậy họ còn có lý do gì để phản đối quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam? Chắc chắc há miệng mắc quai, tự mình vả vào mồm mình nếu nuốt lời. Vậy nên, mưu đồ của người Pháp là cướp nước ta lần thứ hai đã được Bác Hồ tiên đoán, vạch trần. Vậy nên, kể từ 2/9/1945, trên lãnh thổ Việt Nam chỉ có Chính phủ duy nhất có đầy đủ tính pháp lý, tính chính danh, chính nghĩa; các Chính phủ khác hoặc là bù nhìn hoặc là tay sai bán nước cho ngoại bang; những Chính phủ do ngoại bang lập nên sau này danh không chính, ngôn không thuận và bị nhân dân ta khai tử để có một Việt Nam hoà bình, thống nhất như hôm nay.
     Kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Chúng ta mãi mãi tự hào là con cháu Bác Hồ, tự hào về tầng tầng lớp lớp các thế hệ người Việt Nam đã "xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ" cho dân tộc ta! Trách nhiệm của mỗi người Việt Nam là bảo vệ chế độ, chính quyền nhân dân, độc lập, tự do; những thứ quý giá nhất mà dân tộc này đang được hưởng thụ từ thành quả của cha anh./.


Yêu nước ST.