Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Thực hiện bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì mục tiêu phát triển bền vững ở nước ta hiện nay.

 Bình đẳng giới, trong đó có bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là một trong những nội dung quan trọng để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Bình đẳng giới được hiểu là việc đối xử ngang nhau giữa nam và nữ trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Khoản 3, Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006 ghi rõ: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”. Bình đẳng giới được coi là một trong những tiêu chí quan trọng trong phát triển bền vững. Chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu đến năm 2030 của Liên hợp quốc (tháng 9-2015) đã đưa ra tiêu chí của sự phát triển bền vững là đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10-5-2017, của Thủ tưởng Chính phủ, “Về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” đã đề ra các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam, trong đó có mục tiêu “Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái”. Mục tiêu bình đẳng giới vì sự phát triển bền vững của cả nước chỉ có thể đạt được khi từng khu vực, từng địa phương đạt được, trong đó, bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng.

Chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Lắk_Ảnh: TTXVN

1- Luôn quan tâm đến thực hiện bình đẳng giới, Đảng và Nhà nước thường xuyên chỉ đạo tổ chức triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến việc thực hiện bình đẳng giới, như Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Đất đai; Bộ luật Lao động; Luật Giáo dục; Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững…

Cùng với những chủ trương, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới nói chung, Việt Nam cũng đã quan tâm ngày càng nhiều đến việc thực hiện bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quyết định số 449/QĐ-TTg, ngày 12-3-2013, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020”; Quyết định số 1557/QĐ-TTg, ngày 10-9-2015, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015”; Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14-3-2016, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới”; Quyết định số 1898/QĐ-TTg, ngày 28-11-2017, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025””,… đã tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Kết quả phát triển bền vững từng bước được cải thiện, với những thành tựu đáng ghi nhận. Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật về Chỉ số Cam kết giảm bất bình đẳng, đứng thứ hai trong khu vực ASEAN. Năm 2020, trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam xếp hạng 77/158 quốc gia”(1). Phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia ngày càng nhiều vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; có việc làm, thu nhập và ngày càng độc lập, tự chủ hơn về kinh tế; tham gia các hoạt động xã hội ngày càng nhiều hơn; được chăm sóc sức khỏe; thụ hưởng những giá trị văn hóa, tinh thần; có quyền tự chủ hơn trong quyết định kết hôn, sinh con,… Tỷ lệ phụ nữ người dân tộc thiểu số có công việc hưởng lương; tỷ lệ nữ cán bộ, công chức; tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số làm kinh doanh ngày càng tăng. Ngày càng có nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia hoạt động chính trị, đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo ở các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và hệ thống chính trị của đất nước. Chỉ tính riêng Quốc hội khóa XIV có 133 nữ đại biểu thì 41 nữ đại biểu là người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số đã tăng rõ rệt qua từng khóa (từ 4,5% ở khóa IX lên 8,3% ở khóa XIV) và gần như ngang bằng với số đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số là nam giới (khóa XII có 42 nữ/45 nam, khóa XIII có 39 nữ/39 nam và khóa XIV có 41 nữ/45 nam)(2). Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20-1-2018, của Ban Bí thư, “Về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”, tiếp tục nhấn mạnh việc xây dựng và thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ là người dân tộc thiểu số. Nhờ đó, ở Quốc hội khóa XV, tỷ lệ nữ đại biểu là người dân tộc thiểu số tiếp tục tăng lên 8,8% (44 đại biểu nữ/89 đại biểu người dân tộc thiểu số/ tổng số 499 đại biểu Quốc hội) và gần tương đương với số đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số là nam giới (44 nữ/45 nam, đạt 49,43%)(3). Có thể thấy, vai trò, vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình và xã hội đã ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam năm 2015 và năm 2019(4), tỷ lệ nam và nữ người dân tộc thiểu số tương đối cân bằng (50,1% nam và 49,9% nữ), nhưng nhìn chung, phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, bị đối xử bất bình đẳng so với nam giới trên nhiều lĩnh vực.

Trong lĩnh vực kinh tế, ở các dân tộc không tuân theo chế độ mẫu hệ, do quan niệm đàn ông là người chăm lo gia đình, thờ cúng tổ tiên, nên hầu hết tài sản đều phải do nam giới quản lý, sử dụng, định đoạt, đồng thời được hưởng thừa kế mọi tài sản từ cha mẹ, cho nên có tới 74,2% số hộ gia đình dân tộc thiểu số, nam giới đứng tên độc lập về quyền sở hữu đất đai và tín dụng, trong khi tỷ lệ này ở người Kinh chỉ là 40,6%. Đặc biệt, ở các dân tộc phụ hệ (như dân tộc Hmông, Dao, Brâu, Vân Kiều, Giáy…), thì tỷ lệ phụ nữ được đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ chiếm 11,3%(5). Phụ nữ dân tộc thiểu số phụ thuộc lớn về kinh tế vào người cha, người chồng, thậm chí cả người con trai và do đó, trở nên yếu thế, không được tham gia, quyết định nhiều vấn đề trong gia đình. Việc quản lý tài chính, chi tiêu trong gia đình phần lớn đều do nam giới quyết định.

Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các công việc của hệ thống chính trị các cấp, đảm nhận các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các ban, ngành, đoàn thể còn hạn chế. Các dân tộc thiểu số như Si La, La Hủ, Cống, Mảng, Lự… hiện nay chưa có cán bộ nữ tham gia vào đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị các cấp(6).

Trong lĩnh vực y tế, giáo dục, phụ nữ dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như trong giáo dục, đặc biệt là học tập ở những bậc học cao, như đại học hay trên đại học hoặc được tham gia các khóa đào tạo chuyên môn, tay nghề, kỹ thuật… Chỉ có 5,9% lao động nữ dân tộc thiểu số có việc làm đã qua đào tạo, trong đó, số lao động có trình độ sơ cấp nghề là 0,2%, trung cấp là 2,5%, cao đẳng là 1,4% và đại học trở lên cũng chỉ đạt 1,7%. Một số dân tộc như dân tộc Hmông chỉ có 0,9% nữ lao động có việc làm đã qua đào tạo, 0% sơ cấp nghề, 0,6% trung cấp, 0,2% cao đẳng và 0,1% từ đại học trở lên, trong khi tỷ lệ lao động nam được đào tạo cao hơn nhiều, là 3,4%, 0,2%, 2,0%, 0,5% và 0,7 %(7).

Trong lĩnh vực lao động, việc làm, ở một số dân tộc, tỷ lệ nữ có việc làm thấp hơn so với nam giới, như dân tộc Ngái có tới 76,4% lao động nam có việc làm, trong khi nữ chỉ là 23,6%(8). Hơn thế, phụ nữ dân tộc thiểu số thường chỉ làm các công việc lao động giản đơn (61,64%), lao động nông, lâm nghiệp (16,78%), lao động thủ công (3,52%), bán hàng và dịch vụ (11,25%)…, là những công việc có mức thu nhập thấp. Tỷ lệ phụ nữ người dân tộc thiểu số làm những công việc yêu cầu trình độ kiến thức và kỹ năng cao như chủ doanh nghiệp hay tham gia vào lực lượng lao động kỹ thuật rất thấp(9).

Trong gia đình và trong cộng đồng, phụ nữ dân tộc thiểu số ít có “tiếng nói” quyết định trong nhiều vấn đề, mặc nhiên bị gắn trách nhiệm phải ở nhà lo toan công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình, phụng dưỡng cha mẹ, sinh con. Ở một số nơi, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình dân tộc thiểu số vẫn xảy ra, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số thường xuyên phải chịu sự bạo hành, đánh đập từ người chồng, người cha khi say rượu hoặc thậm chí chỉ là do thấy không vừa ý... Ngay cả việc kết hôn, phụ nữ dân tộc thiểu số nhiều khi không được lựa chọn bạn đời theo tình cảm của mình, mà do cha mẹ gả, ép hôn. Vẫn còn dân tộc thiểu số duy trì tục cướp vợ, bắt vợ.

Có thể thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện bình đẳng giới hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vẫn còn những hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là từ nhận thức, tập quán lạc hậu, tâm lý trọng nam khinh nữ, định kiến giới nặng nề đã ăn sâu, bám rễ từ rất lâu trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khác, như: Điều kiện sống còn nhiều khó khăn, địa hình cách trở, bất đồng ngôn ngữ; phụ nữ dân tộc thiểu số ít có cơ hội tiếp cận thông tin, truyền thông, giao lưu cộng đồng, tâm lý e ngại, tự ti, không biết và không dám đòi hỏi quyền lợi, dễ chấp nhận chịu thiệt thòi, đối xử bất công bằng; việc phát huy vai trò của cấp ủy và chính quyền địa phương, cán bộ thôn, bản trong thực hiện bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số còn hạn chế…

Phụ nữ đồng bào các dân tộc thiểu số dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II_Ảnh: TTXVN

2- Trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện các chính sách theo hướng chú trọng hơn đến đối tượng phụ nữ và trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số.

Cần nghiên cứu, ban hành những chính sách đặc thù đối với phụ nữ vùng dân tộc thiểu số để giảm thiểu những rào cản, khó khăn về điều kiện, cơ hội… của họ so với nam giới và so với phụ nữ ở các vùng, miền khác trên cả nước. Trong từng lĩnh vực cụ thể, cần đề ra những chính sách ưu tiên, ưu đãi, mở rộng thêm các cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số có thể tham gia học tập ở nhiều loại hình, phương thức đào tạo nhằm nâng cao trình độ, năng lực, bao gồm cả trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học… Xây dựng các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn lực để tự chủ làm kinh tế; gia tăng cơ hội có việc làm với thu nhập ổn định; tăng cường đầu tư chăm sóc sức khỏe, bảo vệ sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số… Đặc biệt, trong lĩnh vực chính trị, cần có chính sách thúc đẩy, gia tăng cơ hội tham chính cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở các cấp. Bên cạnh đó, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định bình đẳng giới, có thái độ, hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị, ngược đãi, bạo hành, làm tổn thương phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số.

Thứ hai, nâng cao nhận thức cho cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số về bình đẳng giới.

Chính quyền các cấp, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần tăng cường phổ biến, quán triệt, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong cộng đồng; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu mang tính định kiến giới, coi thường, hạ thấp phụ nữ, đề cao nam giới, thông qua phát thanh, truyền hình, băng rôn, khẩu hiệu, sách, báo…; tích hợp, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào nội dung giảng dạy ở các cấp học, trong các buổi sinh hoạt, giao lưu văn hóa cộng đồng…

Thứ ba, phát huy hơn nữa vai trò của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội.

Các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cần phổ biến, tuyên truyền sâu rộng và triển khai nhanh chóng, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường sự phối hợp, đoàn kết, thống nhất giữa các tổ chức trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới theo đúng chức năng, nhiệm vụ, vai trò của từng tổ chức. Đặc biệt, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ cán bộ thôn, bản, nhất là đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, bởi lời nói, hành động của họ thường được đồng bào dân tộc tin theo, nghe theo và làm theo. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường định hướng, chỉ đạo, động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ thôn, bản, các già làng, trưởng bản nâng cao tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, tích cực phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, không chỉ xóa bỏ những quan niệm lạc hậu, phân biệt đối xử, coi thường phụ nữ, mà còn tích cực hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để phụ nữ được học tập, lao động, đóng góp cho cộng đồng, xã hội như nam giới. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí tổ chức các buổi sinh hoạt, nói chuyện về bình đẳng giới trong cộng đồng; lên án và phê bình, xử lý làm gương trước cộng đồng những hành động phân biệt đối xử, bạo hành, ngược đãi với phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số… Ngoài ra, cần nâng cao ý thức và phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ thôn, bản, các già làng, trưởng bản trong việc thực hiện bình đẳng giới để đồng bào người dân tộc noi theo và làm theo.

Thứ tư, đẩy mạnh phong trào thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng, tăng cường hợp tác quốc tế.

Đẩy mạnh các phong trào đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ, như phong trào nam giới tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích chị em học tập, nâng cao trình độ, tham gia công tác xã hội; phong trào nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; phong trào hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế; xây dựng mô hình “nhà tạm lánh”, “nhà an toàn” phòng, chống bạo lực, bạo hành, xâm hại phụ nữ; thành lập các trung tâm tư vấn về hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản, câu lạc bộ giao lưu tìm hiểu về bình đẳng giới... Tùy vào điều kiện, đặc điểm từng địa bàn, đối tượng người dân tộc để triển khai các phong trào, chương trình phù hợp, hiệu quả, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tự vươn lên làm chủ cuộc sống, thể hiện năng lực và vai trò của mình. Bên cạnh đó, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, cần huy động các nguồn lực, các chương trình, dự án hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới từ các tổ chức, hiệp hội quốc tế, như các dự án cung cấp dịch vụ y tế, các chương trình đào tạo nâng cao trình độ, tăng cường năng lực cho phụ nữ, chương trình hỗ trợ tạo việc làm cho phụ nữ; các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông, bệnh viện, trường học; chương trình giao lưu sinh hoạt văn hóa tinh thần ở các thôn, bản… nhằm gia tăng cơ hội được học tập, được chăm sóc sức khỏe, có việc làm, tham gia các hoạt động xã hội cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số./.

---------------------------

(1) Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10-5-2017, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”
(2) Annie Thériault, Nguyễn Thị Phương Dung: “Chỉ số Cam kết giảm bất bình đẳng (CRII) 2020”, Trang thông tin điện tử Oxfam, ngày 8-10-2020, https://vietnam.oxfam.org
(3) P. Ngọc: “89 người dân tộc thiếu số trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV”, Báo Dân tộc và phát triển điện tử, ngày 11-6-2021, https://baodantoc.vn/89-nguoi-dan-toc-thieu-so-trung-cu-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xv 1623344636045.htm
(4),(5) (7) Các số liệu ở phần này được tổng hợp từ các nguồn: Ủy ban Dân tộc, Irish Aid và UNDP: Tổng quan thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (dựa  trên kết quả phân tích số liệu  điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015), Hà Nội, 2017; Ủy ban Dân tộc: “Thông cáo báo chí: Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019”, Cổng thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc, ngày 3-7-2020, http://www.cema.gov.vn/thong-bao/thong-cao-bao-chi-ket-qua-dieu-tra-thu-thap-thong-tin-ve-thuc-trang-kt-xh-cua-53-dtts-nam-2019.htm
(6), (9) Trung tâm nghiên cứu Giới và Lãnh đạo nữ (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh): Vấn đề bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2017, tr.185, 32, 8
(8) Ủy ban Dân tộc: “Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015”, Cổng thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc, ngày 20-9-2016, http://www.cema.gov.vn/ket-qua-dieu-tra-thuc-trang-kt-xh-53-dan-toc-thieu-so-nam-2015.htm

Hoàn thiện chính sách đối với trí thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ: Thực trạng và một số giải pháp trọng tâm.

 Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những đột phá chiến lược của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam chính là hạt nhân quan trọng của tiến trình này; do đó, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần xây dựng, đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách đối với đội ngũ này trong thời gian tới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan triển lãm các sản phẩm ứng dụng khoa học - công nghệ tại Lễ chào mừng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18-5 với chủ đề "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - động lực phát triển bền vững" _Ảnh: TTXVN

Chính sách về tổ chức khoa học và công nghệ: Thực trạng và những bất cập trong hoạt động khoa học và công nghệ

Ở Việt Nam, theo quy định tại khoản 1, Điều 9, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, loại hình tổ chức khoa học và công nghệ (KHCN)(1) bao gồm: 1- Tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện, trung tâm, phòng thí nghiệm, trạm nghiên cứu, trạm quan trắc, trạm thử nghiệm và hình thức khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định; 2- Cơ sở giáo dục đại học được tổ chức theo quy định của Luật Giáo dục đại học; 3- Tổ chức dịch vụ KHCN được tổ chức dưới hình thức trung tâm, văn phòng, phòng thử nghiệm và hình thức khác. Mỗi loại hình tổ chức KHCN khác nhau sẽ có tính chất và đặc điểm hoạt động KHCN khác nhau, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức KHCN.

Gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1-11-2012, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, “Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Luật Khoa học và Công nghệ (Chương 2: Tổ chức khoa học và công nghệ), mục tiêu của các chính sách về tổ chức KHCN hiện hành được xây dựng và cụ thể hóa theo hướng: Trao quyền tự chủ cho các tổ chức KHCN công lập(2) và hình thành doanh nghiệp KHCN(3); cho phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh KHCN nước ngoài, tổ chức KHCN, doanh nghiệp KHCN liên doanh hoặc 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu; tạo hành lang pháp lý khuyến khích hình thành tổ chức nghiên cứu và phát triển (NCPT) của doanh nghiệp. Quy định mới về cơ chế tự chủ của tổ chức KHCN công lập(4) cho phép các đơn vị KHCN công lập được quyền tự chủ cao trong xác định và thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tài chính, đặc biệt là quyền sản xuất, kinh doanh và hưởng một số ưu đãi như doanh nghiệp. Doanh nghiệp KHCN được quyền ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp, lệ phí trước bạ và quyền sử dụng tài sản, đất đai phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Đánh giá về hiệu lực, hiệu quả của chính sách về tổ chức KHCN đã ban hành và thực thi, Kết luận số 50-KL/TW, ngày 30-5-2019, của Ban Bí thư, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, chỉ rõ, nhiều nội dung của Nghị quyết số 20-NQ/TW chưa được quán triệt và thực hiện đầy đủ; đồng thời, yêu cầu “Rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ, giảm đầu mối trung gian, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu. Nâng cao năng lực, hiệu quả bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Kiên quyết thực hiện cơ chế tự chủ đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập gắn với trách nhiệm giải trình, chịu sự đánh giá độc lập và từng bước thực hiện phương thức Nhà nước đặt hàng, đấu thầu và cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm cuối cùng”. Minh chứng cho những hạn chế của các chính sách đề ra, chưa đạt được kết quả như mong muốn là số liệu và kết quả nghiên cứu dưới đây; cụ thể là:

Thứ nhất, số liệu tại Bảng 1 cho thấy, số lượng tổ chức KHCN do cơ quan Trung ương thành lập được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KHCN là 2.350 tổ chức; số tổ chức KHCN do các tổ chức khu vực ngoài công lập (doanh nghiệp và các hội, liên hiệp hội và các hình thức khác) tại địa phương thành lập là 1.213 tổ chức. Số liệu tổ chức đăng ký hoạt động KHCN cho thấy, tỷ lệ các tổ chức KHCN trong khu vực có sử dụng ngân sách nhà nước là rất lớn (1.987 tổ chức); trong khi đó, số lượng tổ chức KHCN do các doanh nghiệp thành lập trong tổng số 1.213 tổ chức KHCN ngoài công lập ở các địa phương còn rất hạn chế(5), ước tính từ 228 đến 441 tổ chức.

Thứ hai, kết quả điều tra về NCPT của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, cho thấy, Việt Nam có 552 tổ chức NCPT với quy mô khác nhau, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tổ chức NCPT ở Việt Nam tuy nhiều, nhưng quy mô còn nhỏ: Số tổ chức có quy mô nhân lực dưới 30 người là khá cao, chiếm gần 54%, trong khi số tổ chức có quy mô nhân lực trên 100 người chỉ chiếm chưa đến 15%(6).

Thứ ba, báo cáo kết quả nghiên cứu năm 2016 của Chương trình đối tác Việt Nam và Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm phát triển (DEEP) vì tầm nhìn Việt Nam, đưa ra các minh chứng cho thấy, sự thiếu khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế dẫn đến áp lực thấp cho các doanh nghiệp trong nước trong việc áp dụng đổi mới công nghệ. Điều này giải thích tại sao các doanh nghiệp lại ít đầu tư cho NCPT và hầu hết các nhân viên NCPT thuộc khu vực nhà nước. Bởi lẽ, có ít nhu cầu từ doanh nghiệp cho nhân viên NCPT cao cấp, nguồn cung bị hạn chế và không tập trung; kết quả là, phần lớn các nhân viên NCPT chỉ tìm việc làm trong các viện NCPT của Nhà nước.

Từ số liệu và các kết quả nghiên cứu nêu trên, sự mất cân đối về cấu trúc - cơ cấu, số lượng và loại hình tổ chức KHCN ở Việt Nam hiện nay được xác định là một trong những vấn đề thực tiễn bất cập, nổi cộm đặt ra trong hoạt động KHCN, là điểm nghẽn, nút thắt trong việc thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hệ quả từ vấn đề thực tiễn này là sự phân tán nguồn lực xã hội cho các tổ chức KHCN. Nguồn lực xã hội không tập trung cho các nhóm nghiên cứu mạnh, các nhóm nghiên cứu theo lĩnh vực ưu tiên và các nghiên cứu gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm, trọng điểm của quốc gia. Nguồn lực xã hội, trong đó có nguồn lực từ doanh nghiệp, đầu tư cho hoạt động KHCN còn hạn chế. Đây chính là nguyên nhân cơ bản của việc mất cân đối cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu của đội ngũ nhân lực KHCN trong các doanh nghiệp. Trong khi đó, ở các quốc gia phát triển, đội ngũ nhân lực KHCN, trí thức KHCN trong doanh nghiệp mới là nhân tố chủ đạo, quyết định, có vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển KHCN của quốc gia.

Nghiên cứu giống cây trồng mới _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Chính sách về nhân lực khoa học và công nghệ: Thực trạng và vấn đề thực tiễn đặt ra trong hoạt động khoa học và công nghệ

Gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, mục tiêu của các chính sách, pháp luật về nhân lực KHCN hiện hành được xây dựng và cụ thể hóa theo hướng: Ưu đãi trong tuyển dụng đầu vào, bổ nhiệm chức danh, nâng lương vượt bậc, thăng hạng chức danh không qua thi và không phụ thuộc vào thâm niên công tác, đào tạo, bồi dưỡng..., mà dựa trên những thành tích và kết quả cụ thể của cá nhân hoạt động KHCN. Các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng và nhà khoa học trẻ tài năng được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước hằng năm theo đề xuất, để thực hiện các hoạt động của nhóm nghiên cứu xuất sắc thuộc lĩnh vực chuyên môn; được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, xuất bản công trình khoa học có giá trị cao về khoa học và thực tiễn; được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để tham dự hội thảo khoa học chuyên ngành ở trong nước và nước ngoài, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành... Ngoài ra, các nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng được quyền tự chủ về tài chính trong thực hiện nhiệm vụ KHCN, quyền chủ động bố trí và sử dụng nhân lực để thực hiện nhiệm vụ KHCN, được bố trí phương tiện đi lại, nhà ở công vụ...; nhà khoa học trẻ tài năng (là cá nhân hoạt động KHCN dưới 35 tuổi, trình độ tiến sĩ trở lên và có thành tích xuất sắc trong hoạt động KHCN) được ưu tiên xét cấp học bổng nghiên cứu sau tiến sĩ, thực tập, làm việc có thời hạn ở các tổ chức KHCN uy tín ở nước ngoài, được tuyển thẳng vào làm việc trong các tổ chức KHCN công lập(7). Cá nhân hoạt động KHCN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KHCN tại Việt Nam, khi đáp ứng các tiêu chí cần thiết về kết quả hoạt động KHCN, về trình độ đào tạo, về kinh nghiệm... sẽ được hưởng các ưu đãi về xuất, nhập cảnh và cư trú; về tuyển dụng, lao động và học tập; về tiền lương, nhà ở; về khen thưởng, vinh danh...(8).

Đánh giá hiệu lực, hiệu quả của chính sách về nhân lực KHCN đã ban hành và thực thi, Kết luận số 52-KL/TW, ngày 30-5-2019, của Ban Bí thư, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, chỉ rõ: “Quá trình thực hiện Nghị quyết còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều nội dung của Nghị quyết chậm được cụ thể hóa, thể chế hóa, việc tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, ít đột phá. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với đội ngũ trí thức chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển. Đội ngũ trí thức sáng tạo, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt. Bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài chưa được quan tâm phát huy đúng mức. Cơ chế hành chính quan liêu và tình trạng trì trệ, hình thức, hiệu quả hoạt động thấp trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nghiên cứu khoa học, các hội trí thức chậm được khắc phục”. Số liệu và kết quả nghiên cứu dưới đây góp phần phản ánh và chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế trên.

Thứ nhất, sự phân bổ nhân lực KHCN trong các lĩnh vực không cân xứng. Tỷ lệ phân bố lực lượng cán bộ nghiên cứu theo lĩnh vực nghiên cứu không thay đổi nhiều trong giai đoạn 2015 - 2019, với khoảng 1/3 cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ (35,37% năm 2019), tương tự là số cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn (32,6% năm 2019). Khoảng 1/3 tổng số cán bộ nghiên cứu còn lại gồm khoa học y, dược chiếm gần 14%, khoa học tự nhiên và khoa học nông nghiệp mỗi lĩnh vực có khoảng 9%. Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp với 67% dân số sống ở khu vực nông thôn. Việc sản xuất từ các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có quy mô lớn nhất, nhưng những ngành này chỉ có 13.226 nhân viên NCPT, chiếm 9% tổng số nhân viên NCPT ở Việt Nam.

Thứ hai, năng lực nghiên cứu và sáng tạo của đội ngũ trí thức KHCN Việt Nam còn hạn chế trong việc công bố các ấn phẩm quốc tế và sáng chế đã cấp bằng. Giai đoạn 2015- 2020, tổng số bài báo của Việt Nam đăng trên tạp chí quốc tế là 56.558 bài, trong đó năm 2020 số lượng đã tăng gấp bốn lần so với đầu giai đoạn, từ 4.510 bài lên 18.197 bài, đặc biệt tăng mạnh trong 2 năm vừa qua(9). Trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), giai đoạn 2015 - 2020, Việt Nam đứng thứ 5 về tổng số công bố quốc tế, nhưng đã rút ngắn khoảng cách với các quốc gia khác trong khu vực(10). Bên cạnh đó, số đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam hằng năm có xu hướng tăng dần đều, từ 560 đơn năm 2016 lên 1.020 đơn năm 2020, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình hằng năm của cả giai đoạn là 17%. Tuy nhiên, đa số đơn đăng ký vẫn là của người nước ngoài, số đơn của người Việt Nam chỉ bằng 13,26% trong tổng số 7.694 đơn đăng ký sáng chế ở Việt Nam. Trong gần 10 năm qua, tỷ lệ số đơn đăng ký sáng chế hằng năm của người Việt Nam duy trì trong khoảng 11% tổng số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế ở Việt Nam(11). So với các nước hàng đầu trong ASEAN, số lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam (720 đơn năm 2019) vẫn còn khá thấp, đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN và khoảng cách so với tốp đầu là khá lớn. Cụ thể, trong năm 2019, số lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam chưa bằng một phần tư của In-đô-nê-xi-a (23%) và bằng 42% đơn đăng ký sáng chế của Xin-ga-po. Tương tự như các nước khác trong khu vực, số lượng đơn xin đăng ký sáng chế tại Việt Nam chủ yếu vẫn là của người nước ngoài(12).

Thứ ba, đa số các nhân lực NCPT hiện đang làm việc trong lĩnh vực công. Theo khu vực thực hiện, nhân lực NCPT tập trung nhiều ở các tổ chức giáo dục đại học, chiếm 51,99%, tiếp theo là các tổ chức NCPT với 17,85%. Nhân lực NCPT trong khu vực doanh nghiệp chiếm 15,28%(13). Thực trạng trong các trường đại học ở nước ta hiện nay cho thấy, chỉ có một tỷ lệ nhỏ giảng viên thường xuyên tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học; sự mất cân đối giữa việc dành thời gian chủ yếu cho giảng dạy với việc ít dành thời gian tham gia vào quá trình NCPT là hiện tượng phổ biến; vấn đề đạo đức khoa học, liêm chính học thuật và tinh thần hợp tác trong nghiên cứu và kỹ năng làm việc theo nhóm của nhân viên KHCN không cao, rất khó để hình thành các nhóm nghiên cứu liên ngành. Các tổ chức KHCN đã thất bại trong việc tuyển mộ sinh viên xuất sắc cho nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn, dẫn đến sự thiếu hụt sinh viên giỏi cho đào tạo nguồn để trở thành nhà khoa học tài năng trong tương lai.

Có thể khẳng định, năng lực nghiên cứu yếu kém và hệ thống NCPT của Việt Nam bị “phân mảnh” nghiêm trọng (sự rời rạc, thiếu liên kết) giữa các viện nghiên cứu với trường đại học và các doanh nghiệp được xác định là một trong những vấn đề thực tiễn bất cập đặt ra hiện nay trong hoạt động KHCN, là điểm nghẽn, nút thắt trong việc thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hệ quả là, năng suất nghiên cứu và hiệu quả phát huy vai trò của đội ngũ trí thức KHCN không cao. Nhu cầu và đề xuất đặt hàng thực hiện sản phẩm KHCN từ các doanh nghiệp còn rất hạn chế, nếu có thì cũng không phù hợp, hoặc không tìm đến được với các tổ chức KHCN; ngược lại, do năng lực nghiên cứu yếu kém dẫn đến khả năng phát triển công nghệ trong các tổ chức KHCN trong nước còn hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Điều này dẫn tới những nỗ lực trong thực hiện chính sách kết nối viện nghiên cứu với trường đại học và các doanh nghiệp không thành công. Sự phân mảnh như vậy làm cho giáo dục và nguồn cung cấp nhân lực KHCN khó khăn hơn so với kế hoạch, bởi vì nguồn cung không thể đáp ứng nhu cầu một cách hiệu quả.

Nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội _Nguồn: hanoimoi.com.vn

Hoàn thiện chính sách đối với trí thức hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ - Một số giải pháp trọng tâm

Thứ nhất, nâng cao nhận thức trong việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành và thực thi chính sách đối với trí thức KHCN nói riêng và chính sách hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển KHCN nói chung.

Trước hết, trí thức KHCN hay nhân lực KHCN là một thành tố trong hệ thống của hoạt động KHCN. Mục tiêu và đối tượng tác động của hệ thống chính sách đối với trí thức KHCN không giới hạn trong phạm vi ở khu vực có sử dụng ngân sách nhà nước, mà cả ở khu vực không sử dụng ngân sách nhà nước. Việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành và thực thi chính sách đối với trí thức KHCN cần bảo đảm tính phù hợp, khả thi, đồng bộ với các chính sách trong hệ thống của hoạt động KHCN. Để xây dựng, ban hành được chính sách đối với đội ngũ trí thức KHCN hiệu lực và hiệu quả, yêu cầu đầu tiên được xác định là phải nhận thức đúng và đầy đủ về quan điểm và chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động KHCN, bao gồm:

 - Phát triển đội ngũ trí thức KHCN thực chất là phát triển đồng bộ cả về chất lượng, số lượng và cơ cấu của đội ngũ trí thức KHCN; phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp và năng lực là những thuộc tính cơ bản của đội ngũ trí thức KHCN; năng suất và hiệu quả hoạt động là thước đo chất lượng của đội ngũ trí thức KHCN. Phát triển đội ngũ trí thức KHCN được thực hiện thông qua công tác đào tạo và trong hoạt động thực tiễn. Các nội dung nêu trên cần được cụ thể hóa trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, ban hành và thực thi chính sách đối với trí thức KHCN.

- Bảo đảm các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của đội ngũ trí thức theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đó là: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; có quyền nghiên cứu KHCN, sáng tạo văn học, nghệ thuật. Trong nghiên cứu, xây dựng, ban hành và thực thi chính sách đối với trí thức KHCN, trước hết cần nhận thức đúng về tính chất và đặc điểm của từng loại hình tổ chức KHCN; tôn trọng và bảo đảm quyền của tổ chức và cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học là quyền đề xuất ý tưởng nghiên cứu, vấn đề nghiên cứu; quyền xác định tên, mục tiêu và nội dung nghiên cứu.

- Thực hiện trách nhiệm của Nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đó là: Ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu KHCN; bảo đảm quyền nghiên cứu KHCN; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động KHCN. Cần nhận thức đầy đủ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo lập môi trường hoạt động KHCN lành mạnh, đánh giá và ghi nhận đúng kết quả lao động khoa học của các tổ chức và cá nhân. Để phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển KHCN, đòi hỏi phải có “ba đúng”; đó là: Nhận thức đúng nhiệm vụ KHCN; tổ chức, thực hiện đúng nhiệm vụ KHCN; đánh giá đúng kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN.

Hai là, quán triệt nhận thức trong việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành và thực thi chính sách đối với trí thức KHCN nói riêng và chính sách hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển KHCN nói chung, đó là: Dứt khoát chuyển đổi quy trình ra quyết định trong xây dựng chính sách, pháp luật từ chỗ còn sơ hở, tạo nhiều “mảnh đất” cho tình trạng chủ quan, duy ý chí sang mô hình ra quyết định dựa trên các bằng chứng thực tiễn và khoa học. Trước mỗi quyết sách trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, nhất thiết phải có các nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, làm tốt công tác phân tích, đánh giá chính sách để xác định rõ vấn đề cần giải quyết, nguyên nhân của vấn đề, phương án giải quyết vấn đề, đánh giá tác động và chọn lựa phương án tối ưu. Tuân thủ quy định và quy trình thực hiện đánh giá tác động chính sách, bao gồm: 1- Đánh giá tác động kinh tế; 2- Đánh giá tác động của thủ tục hành chính (nếu có); 3- Đánh giá tác động về xã hội của chính sách; 4- Đánh giá tác động về giới của chính sách (nếu có); 5- Đánh giá tác động về bảo đảm dân chủ, thực hiện trách nhiệm và tuân thủ đạo đức trong hoạch định và thực thi chính sách.

Thứ hai, rà soát, đánh giá hệ thống chính sách, pháp luật về KHCN.

Các cơ quan quản lý nhà nước về KHCN cần có giải pháp thực hiện việc rà soát, đánh giá hệ thống chính sách, pháp luật về KHCN hiện hành; từ đó, xác định các chính sách không còn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn phát triển KHCN; xác định được các chính sách có tác động tiêu cực, kìm hãm, cản trở việc thực hiện mục tiêu của các chính sách khác trong hệ thống hoạt động KHCN; đặc biệt là, xác định được những “khoảng trống” chính sách cần sớm được nghiên cứu, xây dựng, ban hành và thực thi, để khắc phục kịp thời những hạn chế và bất cập trong hoạt động KHCN. Do vậy, ở đây, một số kiến nghị, giải pháp cụ thể cần thực hiện là:

- Đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ theo hướng: Sửa đổi Điều 26, Luật Khoa học và Công nghệ; theo đó, điều chỉnh tên Điều 26 (thành Đặt hàng nhiệm vụ KHCN), đồng thời quy định: Về đề xuất đặt hàng và đặt hàng thực hiện sản phẩm KHCN; về công bố định hướng nghiên cứu và sản phẩm KHCN để tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KHCN; bổ sung một điều quy định, giao Chính phủ quy định về hoạt động đặc thù trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; về mua kết quả nghiên cứu để giải quyết, ứng phó với vấn đề khẩn cấp phát sinh trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội; bổ sung một khoản tại Điều 51, giao Chính phủ quy định chi tiết về việc xây dựng kế hoạch KHCN.

- Đề xuất xây dựng nghị định riêng về nhiệm vụ KHCN trình Chính phủ thay thế Chương III và Chương IV, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP, ngày 27-1-2014, của Chính phủ, “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ”. Nghị định về nhiệm vụ KHCN sẽ quy định chi tiết về ý tưởng khoa học, về ý tưởng nghiên cứu do tổ chức và cá nhân đề xuất, về ý tưởng nghiên cứu do bộ, ngành, địa phương đề xuất, về việc xác định nhiệm vụ, về tuyển chọn, về đánh giá nghiệm thu, về sản phẩm khoa học, về hợp đồng nghiên cứu khoa học, về hội đồng khoa học, về quyền và trách nhiệm của các bên,...

Thứ ba, đa dạng hóa các hình thức và phương thức đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức KHCN.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định các đột phá chiến lược, trong đó nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”(14). Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII và từ những hạn chế, bất cập trong chính sách về nhân lực KHCN, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ trí thức KHCN phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; bảo đảm hài hòa về cơ cấu trình độ chuyên môn, cơ cấu tuổi giữa các thế hệ cán bộ nghiên cứu, cơ cấu giới; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức KHCN, đặc biệt là đội ngũ trí thức KHCN trẻ. Ngoài đào tạo trí thức KHCN trực tiếp thông qua hình thức với các chương trình, khóa học ở trong nước và nước ngoài, cần đặc biệt coi trọng đào tạo gián tiếp cán bộ nghiên cứu thông qua hình thức hướng dẫn, truyền nghề giữa các thế hệ trí thức KHCN trong từng tổ chức KHCN và giữa các tổ chức KHCN để tạo ra mô hình kế cận giữa các thế hệ.

Hai là, từng bước tích hợp các hình thức và phương thức đào tạo theo chuẩn quốc tế từ bậc tiểu học đến đại học cả ở khu vực công và khu vực tư, để bảo đảm sự phù hợp, nâng cấp hệ thống giáo dục, đào tạo đội ngũ trí thức hiện tại và trong tương lai.

Ba là, xây dựng hệ sinh thái trọng dụng, đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức KHCN theo nguyên tắc giáo dục, đào tạo phải gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ. Các cơ quan quản lý nhà nước cần hoạch định, quy hoạch, điều tiết mạnh nguồn nhân lực được đào tạo trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại và trong tương lai, cả ở trong nước và nước ngoài.

Bốn là, xây dựng lộ trình đầu tư các nguồn lực để phát triển đội ngũ trí thức KHCN theo hướng giảm dần nguồn kinh phí đầu tư từ Nhà nước sang tăng dần các nguồn lực của xã hội; tăng đầu tư cho hoạt động NCPT của đội ngũ trí thức KHCN để có được sản phẩm với hàm lượng tri thức cao, như sáng chế, sáng kiến, giải pháp hữu ích, giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ các ngành thâm dụng tri thức./.

-------------------------

* TS Nguyễn Việt Hòa, Vụ Khoa học và Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, ThS Đỗ Văn Cương, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ

(1) Tổ chức KH&CN là tổ chức có chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ, hoạt động dịch vụ KH&CN, được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật
(2) Nghị định số 115/2005/NĐ-CP, ngày 5-9-2005, của Chính phủ, “Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập”
(3) Nghị định số 80/2010/NĐ-CP, ngày 14-7-2010, của Chính phủ, “Quy định về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ”
(4) Nghị định số 54/2016/NĐ-CP, ngày 14-6-2016, của Chính phủ, “Quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập”
(5) Trong số hơn 1.000 tổ chức KH&CN đăng ký hoạt động tại các sở Khoa học và Công nghệ, có 521 tổ chức công lập và 546 tổ chức ngoài công lập trực thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp ở địa phương (318 tổ chức), các doanh nghiệp và do cá nhân thành lập (228 tổ chức), (Xem: Bộ Khoa học và Công nghệ: Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2013, Nxb. Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2014, tr. 117)
(6) Xem: Bộ Khoa học và Công nghệ: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2020, Nxb. Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2021, tr. 47
(7) Nghị định số 40/2014/NĐ-CP, ngày 12-5-2014, của Chính phủ, “Quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ”
(8) Nghị định số 87/2014/NĐ-CP, ngày 22-9-2014, của Chính phủ, “Quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam”
(9), (10), (11), (12) Xem: Bộ Khoa học và Công nghệ: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2020, Sđd, tr. 67, 73, 74, 77
(13) Xem: Bộ Khoa học và Công nghệ: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2020, Sđd, tr. 51
(14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 338

Bộ đội Trường Sơn “chia lửa” trong Tết Mậu Thân 1968

Đêm 29-1-1968, các binh trạm phát động tổng công kích đợt 2 của Bộ đội Trường Sơn. Sau này, chúng tôi mới biết, trên tổ chức tổng công kích nhằm phục vụ chủ trương Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên toàn chiến trường miền Nam vào Tết Mậu Thân 1968. Bằng cách riêng của mình, Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành nhiệm vụ "chia lửa" với chiến dịch. Năm 1967, tôi được bổ nhiệm làm Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 52, Binh trạm 14 thuộc Bộ tư lệnh 559. Giai đoạn này, hoạt động của Tiểu đoàn 52 diễn ra khá thuận lợi. Ở các trọng điểm như: Cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, đèo Cốc Mạc, Lùm Bùm, Văng Mu... địch đều đánh chặn. Nhưng pháo phòng không của ta không để cho máy bay địch "làm mưa làm gió" như trước. Khi bom địch ném trúng đường, công binh kịp thời ứng cứu, giải tỏa ngay. Từ tắc ngày, tắc đêm trước đây, nay trường hợp đặc biệt công binh mới để tắc giờ, còn lại tắc đường là giải phóng ngay. Lái xe chúng tôi chủ động tiếp cận trọng điểm, khi thông đường là mật tập vượt trọng điểm. Cùng với những Kim Ngọc Quản, Nguyễn Xuân Lục, Hoàng Văn Bản của tiểu đoàn tôi, thời gian này, các tay lái Lê Quang Biện (Tiểu đoàn 102), Hà Văn Tơ (Tiểu đoàn 51)... cũng nổi lên như những "chiến mã" Trường Sơn được anh em rất mến phục. Kết thúc tổng công kích đợt 1 vào ngày 28-12-1967, Binh trạm 32 dẫn đầu toàn tuyến, được Bộ tư lệnh tặng danh hiệu Binh trạm vạn tấn. Những điển hình mà các đại đội, tiểu đoàn chọn xây dựng, qua tổng công kích đợt đầu đều được tặng danh hiệu Dũng sĩ lái xe vạn tấn. Riêng những tay lái của Tiểu đoàn 52 chúng tôi được Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên gọi với cái tên trìu mến "Đại bàng Trường Sơn". Đêm 29-1-1968, các binh trạm trên toàn tuyến phát động tổng công kích đợt 2. Sau này, chúng tôi mới biết, trên tổ chức tổng công kích liên tục nhằm phục vụ chủ trương Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên toàn chiến trường miền Nam vào Tết Mậu Thân 1968. Nhưng khi đó, chúng tôi chỉ được quán triệt chủ trương của Bộ tư lệnh 559 là vừa đón Tết vừa ra quân lập thành tích mừng Xuân, mừng Đảng. Ngay từ khi nhận lệnh phát động, các đơn vị vận tải Trường Sơn đã hừng hực khí thế, nhất là cánh lái xe không ai bảo ai nhưng đã phát động phong trào “vượt cung tăng chuyến” ở tất cả các tổ đội. Khi nhiệm vụ hoàn thành, bấy giờ chúng tôi mới được thông báo cụ thể là bảo đảm phục vụ chi viện cho các lực lượng tham gia Tổng tiến công. Niềm vui như được nhân lên gấp bội. Bằng cách riêng của mình, Bộ đội Trường Sơn đã chia lửa với chiến dịch. Tôi nhớ khi ấy mệnh lệnh được phát ra đúng dịp Tết nguyên đán đang đến rất gần. Lại thêm một cái Tết cổ truyền của dân tộc nữa chúng tôi ở lại với Trường Sơn. Nhưng cái Tết này quả là đặc biệt. Thông thường toàn tuyến sẽ nghỉ, hoặc giảm cường độ hoạt động để đón Tết, để có những phút giây lắng đọng sau một năm công tác. Mọi người có thể ngồi lại suy ngẫm, nhớ nhung gia đình, quê hương... Nhưng những ngày cuối năm ấy, tất cả chúng tôi bị cuốn vào không khí hối thúc khẩn trương và rạo rực vô cùng. Cánh lái xe Trường Sơn tổ chức ăn Tết "Quang Trung", nghĩa là ăn Tết trước - Tết "thần tốc" để sau đó ngay lập tức cùng xe trên những cung đường ra phía trước. Ngày xuất kích, hàng quân và 39 xe của Đại đội 1 chúng tôi, hàng hóa bốc xếp cẩn thận, đội hình nghiêm ngắn hùng dũng, khí thế bừng bừng. Thay mặt Ban chỉ huy đại đội, Đại đội trưởng Trần Quốc Vịnh phát biểu động viên anh em ra quân giành chiến thắng, thực hiện thắng lợi chỉ tiêu tổng công kích đợt 2 mà Bộ tư lệnh phát động. Trong khi ấy, tôi nhìn sang cánh rừng phía bên kia, đội hình xe của Đại đội 5 cũng trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh. Chứng kiến không khí ra quân của các đại đội, Chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Tiến Du và Trợ lý chính trị Nguyễn Văn Thủy (người Sơn Đông, Sơn Tây) - bạn đồng ngũ với tôi không nén nổi xúc động. - Tuấn ơi, cứ đà này, Binh trạm ta không chỉ dừng ở vạn tấn đâu, mà còn hơn thế nữa. - Chúng em cũng tin như vậy! - Tôi trả lời. Chuyến này, tôi và anh Liệu - Chính trị viên phó được phân công ở nhà tổ chức đón giao thừa cho số anh em trong đại đội còn lại và chuẩn bị cứu kéo khi lực lượng vận chuyển gặp sự cố. Đêm ấy, khi mọi việc cơ bản đã xong xuôi, tôi cho tập trung số anh em ở nhà tại hầm chỉ huy đại đội để đón Giao thừa. Hầm có cấu trúc hình vuông ở giữa, hai đầu có hai hầm chữ A khá kiên cố, có thể hạn chế được sát thương nếu trúng rốc-két của địch. Giao thừa đến, cả hầm lắng lại nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết: "Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!". Lời căn dặn của Người đến với chúng tôi giữa đại ngàn Trường Sơn. Tiếng thơ của Bác làm ấm lòng chiến sĩ, động viên cổ vũ chúng tôi quyết giành thắng lợi. Cũng thời khắc này, qua làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam, chúng tôi mới biết, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, chuyển cách mạng miền Nam sang giai đoạn mới, giai đoạn giành thắng lợi quyết định, quân và dân ta đã tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp miền Nam, đồng loạt tiến công vào Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và hầu hết các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam. Lúc ấy, từ sâu thẳm lòng mình, tôi cảm thấy xúc động tự hào. Ngay lúc này đây, những "chiến mã" Trường Sơn mang nặng hàng đang vượt suối, băng đèo, băng băng ra phía trước. Chúng tôi đã góp một phần nhỏ bé của mình cho sự kiện "Tết Mậu Thân 1968" ở miền Nam. Theo kế hoạch, chúng tôi đi cung hai đêm một chuyến, từ Lùm Bùm vào Đường số 9, nhưng mờ sáng hôm sau - mùng Một Tết, vừa thức giấc, tôi đã nghe tiếng động cơ xe ầm ì. Và ba chiếc xe đang tiến vào bãi gửi xe. Lúc đầu tôi giật mình, ngỡ là có sự cố gì mà anh em phải quay lại. "Năm mới xuất quân thế này thì rủi ro quá! - tôi bấm bụng thầm nhủ. Nhưng khi thấy Kim Ngọc Quản, Hoàng Văn Mần, Phạm Ngọc Khôi từ trên ca bin bước xuống, mặt mũi tươi rói, thì tôi biết anh em đã thắng trận trở về. Chỉ trong một đêm các chiến sĩ ta đã vào giao hàng ở Đường 9 và trở về an toàn… Đến đầu tháng 3-1968, Bộ tư lệnh Trường Sơn phát động tổng công kích đợt 3 trên toàn tuyến và cũng như các đợt trước, trong đợt 3, Binh trạm 32 và binh trạm tôi đều giành thắng lợi giòn giã. Lúc này không chỉ là "Binh trạm vạn tấn", mà trong một tháng, chúng tôi đã chuyển một vạn ba, rồi một vạn rưỡi tấn hàng vào khu vực đường số 9. Tất nhiên có tình trạng xe hỏng cầu, két nước, lột biên hay sục dầu vì hoạt động liên tục với cường độ cao, trong điều kiện đường xấu, lại bị địch đánh chặn quyết liệt là không thể tránh khỏi. Rất may là do chủ động tổ chức, sẵn sàng thay thế khi phát sinh tình huống nên chúng tôi đã kịp thời sửa chữa, khôi phục đủ đầu xe để thực hành tổng công kích giành thắng lợi. Là một người lính trưởng thành từ chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn và nay đã nghỉ công tác nhiều năm nhưng trong tôi kỷ niệm những ngày thử lửa cách đây 55 năm chưa bao giờ phai nhạt. Trong khả năng của mình, chúng tôi đã nỗ lực cố gắng thực hiện nhiệm vụ: Chi viện sức người, sức của; vận chuyển vật chất hậu cần, vũ khí trang bị... cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu với kẻ thù. Bộ đội Trường Sơn năm xưa, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hôm nay nguyện mãi mãi tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ - bộ đội của dân.

Phê phán luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam

Những năm gần đây, bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, diễn biến phức tạp như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt hơn; chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy. Đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng và để lại hậu quả nặng nề trên mọi mặt của đời sống xã hội ở hầu hết quốc gia hơn hai năm qua. Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine cũng tác động nhiều mặt đến đời sống chính trị và an ninh quốc tế. Môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông của một số quốc gia Đông Nam Á tiếp tục diễn biến phức tạp. Lợi dụng bối cảnh đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ráo riết tung ra những luận điệu xuyên tạc nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam; trong đó, đường lối đối ngoại là một mặt trận mà họ quyết liệt chống phá nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với ngành ngoại giao Việt Nam. Thời gian qua, trên một số trang mạng xã hội, nổi cộm như: “Chân trời mới media”, “Hội anh em dân chủ”... đã xuất hiện những quan điểm, ý kiến của cái gọi là “luật sư độc lập”, “nhà báo tự do”, “nhà dân chủ”, “nhà nghiên cứu”, “người Việt yêu nước”... dưới các hình thức “thư góp ý”, “lời kêu gọi”, “tư vấn cho Nhà nước Việt Nam”, “phản biện”, “kiến nghị”... nhằm phê phán, xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Một số hãng truyền thông nước ngoài có phiên bản tiếng Việt như: RFA, VOA, RFI, BBC... còn bịa đặt rằng “đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay là “đu dây”, “tự sát”, bị lệ thuộc, chi phối bởi các cường quốc. Rồi họ đưa ra "lời khuyên" Việt Nam nên bỏ chính sách quốc phòng “4 không” để nghiêng về phương Tây, gắn với thực hiện “dân chủ hóa Việt Nam”... Sự nguy hại của những luận điệu phản động nêu trên dễ gây ra sự hoang mang, dao động, chia rẽ từ bên trong, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước, khiến dư luận trong và ngoài nước hiểu sai lệch về Việt Nam. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn nhất quán tư duy độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ hoạt động đối ngoại, tạo dựng nên truyền thống và bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao và đường lối đối ngoại Việt Nam “đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định. Trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống và bản sắc ngoại giao đó càng được bồi đắp, phát huy, tỏa sáng. Đảng ta không ngừng bổ sung, hoàn thiện quan điểm, phương châm của đường lối đối ngoại, đó là: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” (Đại hội VII); “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế” (Đại hội IX); “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” (Đại hội XI, Đại hội XII). Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Những năm qua, trước các diễn biến phức tạp của thời cuộc, quan hệ ngoại giao của Việt Nam đã góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước. Quan hệ ngoại giao của Việt Nam với một số nước lớn tuy có lúc trải qua thăng trầm nhưng hợp tác hữu nghị vẫn là dòng chảy chính. Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết sử dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời quyết tâm, kiên trì, kiên quyết giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Điều này luôn được cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ. Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng, Nhà nước ta nói chung, trong đó có chính sách đối ngoại quốc phòng “4 không” nói riêng là kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đường lối đó có cơ sở lý luận, khoa học, thực tiễn, cơ sở pháp lý vững chắc, có sự tham khảo ý kiến của các tầng lớp nhân dân một cách dân chủ, công khai. Những luận điệu cho rằng việc “đi theo”, “liên minh” với nước này để chống nước khác nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo không những phản động, sai lầm mà còn thể hiện tư tưởng yếu hèn, trái với phương châm đối ngoại thêm bạn, bớt thù của Đảng ta. Để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước, trước hết cần bảo đảm tuyệt đối vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công tác ngoại giao. Đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là mở rộng quan hệ đối ngoại với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị-xã hội, được thể hiện sâu sắc trong các văn kiện đại hội của Đảng thời kỳ đổi mới. Thực tiễn đã minh chứng, đường lối, chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa giúp Việt Nam tạo dựng một mạng lưới quan hệ rộng khắp, tranh thủ được nhiều yếu tố thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Ký ức ngày nhập ngũ

Bố tôi là con cả trong gia đình có 4 anh em ở xã Hương Thủy (Hương Khê, Hà Tĩnh). Những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, huyện Hương Khê được ví như “chảo lửa, túi bom” vì có tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, mạch máu giao thông vào chiến trường miền Nam nên kẻ thù ném bom bắn phá ác liệt. Chứng kiến cảnh quê hương bị tàn phá, gây bao đau thương nên lớp thanh niên như bố tôi ai cũng khát khao lên đường đánh Mỹ. Một ngày cuối tháng 7-1971, đang là học sinh cuối cấp 3, bố tôi nhận được giấy báo của UBND xã gọi nhập ngũ. Nhưng oái oăm thay, đúng lúc ấy, bà nội tôi ngã bệnh. Bác sĩ chẩn đoán bệnh của bà phải xuống bệnh viện tỉnh phẫu thuật may ra mới cứu được. Chính quyền xã biết chuyện đến thăm hỏi, động viên gia đình. Ông nội tôi lúc ấy dù thương con, lại lo lắng cho bệnh tình của bà nhưng vẫn một mực động viên bố giữ vững chí khí lên đường nhập ngũ. Ông tôi quả quyết, nhiệm vụ Tổ quốc phải đặt lên hàng đầu, mọi việc ở nhà đã có ông và họ hàng chăm lo. Bà tôi nhập viện ngay trước ngày bố lên đường nhập ngũ. Chiều hôm ấy, ông tôi làm một mâm cơm mời vài người thân đến tiễn bố lên đường. Bữa cơm có đĩa cá trích, bát canh rau tập tàng, vài quả cà pháo mà thường ngày bố tôi vẫn thích. Vậy mà bố chỉ ngồi cầm chén cơm, nước mắt lưng tròng không ăn nổi vì thương bà tôi đang thập tử nhất sinh. Không khí bữa cơm trầm lắng đến thê lương. Vài người họ hàng động viên và cho bố 27 đồng tiền mặt. Biết gia đình đang lúc khó khăn, tối hôm đó, bố lặng lẽ gói toàn bộ số tiền, cất trên nóc tủ. Mãi đến khi lên đường vào đơn vị, bố mới gửi thư về báo gia đình lấy số tiền đó để điều trị cho bà. Năm ấy, bố tôi vừa tròn 19 tuổi. Đúng như dự báo, bà tôi bước lên bàn mổ tiên lượng xấu. Phải huy động hết người thân trong nhà đi thử và truyền máu mới cứu được bà. Sau ca mổ, bà tôi dần hồi phục. Sau này, nhận được thư của bà gửi vào chiến trường, bố tôi thấy cả những trang giấy nhòe chữ vì nước mắt của bà. Cũng qua thư nhà, bố tôi mới biết chỉ sau vài ngày lên đường nhập ngũ, UBND xã gửi giấy báo nhập học cho bố vào Trường cán bộ tài chính kế toán ngân hàng Trung ương (nay là Học viện Tài chính). Thế nhưng đất nước đang chiến tranh, bố tôi bảo, lên đường nhập ngũ vào nơi bom đạn, chẳng ai dám hẹn ngày về nên việc học hành phải tạm gác lại, chờ ngày đất nước thống nhất. Cuối năm 1971, cả đơn vị hành quân vào miền Nam, bố tôi được cử đi đào tạo lái xe ở Quân khu 4. Học xong, bố được điều về một đại đội xe thuộc Binh trạm 1, Quân khu 4 rồi vào chiến trường làm nhiệm vụ vận chuyển quân lương, vũ khí. Mùa mưa chạy bên Đông Trường Sơn, mùa khô chạy bên Tây Trường Sơn. Suốt cuộc đời 38 năm quân ngũ, có lúc đối diện với bom đạn hiểm nguy, đến khi hòa bình đứng trên bục giảng nhưng nhắc đến ký ức ngày ra trận năm ấy, bố tôi vẫn chẳng thể nào quên. Bố vẫn thường nhắc nhở chúng tôi: "Dù bất cứ hoàn cảnh nào, nhiệm vụ Tổ quốc giao phó vẫn phải đặt lên hàng đầu. Môi trường quân ngũ dù khó khăn, gian khổ nhưng là trường đời để rèn đức, luyện tài, không bao giờ được nản chí".

Bác Hồ trong trái tim tôi

Mỗi mùa sen thơm ngát đến với đất trời Thủ đô Hà Nội, tôi lại chọn những bông sen tươi còn lóng lánh sương mai thành kính dâng lên Bác Hồ. Người là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc nói chung và cho chính bản thân tôi nói riêng. Thuở ấu thơ, khi còn là học sinh lớp 4 ở khu phố Hai Bà Trưng (Hà Nội), tôi vinh dự được chọn là một trong những thành viên của đoàn thiếu niên, nhi đồng Thủ đô tham dự buổi liên hoan văn nghệ do Đoàn Ca múa Tân Cương (Trung Quốc) biểu diễn tại Hội trường Ba Đình vào chiều 17-3-1964. Kết thúc buổi biểu diễn, Bác Hồ lên sân khấu bắt tay, tặng hoa các diễn viên đoàn bạn và Bác nói chuyện: Các cô, các chú từ Tân Cương xa xôi đến đây, mang cho Bác cháu ta lời ca, điệu múa để Bác cháu ta hiểu thêm đất nước và nhân dân Trung Hoa anh em, thắt chặt hơn tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, thiếu nhi hai nước. Người căn dặn: Bác được biết các cháu đã cố gắng học tập tốt, lao động tốt, đoàn kết tốt. Bác mong các cháu sẽ cố gắng học tập, lao động và đoàn kết tốt hơn nữa để xứng đáng là thiếu nhi Thủ đô nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cuối cùng, Bác bắt nhịp cho cả hội trường hát bài “Kết đoàn”. Kỷ niệm về lần gặp Bác luôn là niềm tự hào trong câu chuyện tôi thường kể cho các bạn nghe. Chính vì vậy, khi được vinh dự đại diện tuổi trẻ Thủ đô Hà Nội đến viếng, dự Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 9-9-1969 tại Quảng trường Ba Đình, trái tim tôi như nghẹn lại, tôi òa khóc cùng các cô, các chú, các anh chị vì sự đau thương, mất mát của dân tộc và trong chính lòng mình... Tôi nguyện sẽ quyết tâm học tập và dấn thân theo con đường của Bác. Gần một năm sau (năm 1970), tôi viết đơn tình nguyện và nhập ngũ vào Tiểu đoàn 38, Bộ tư lệnh Thủ đô. Sau một thời gian ngắn huấn luyện bộ binh, khi vào đến chiến trường, tôi được huấn luyện thêm và biên chế về Tiểu đoàn 84, Sư đoàn 968, Bộ tư lệnh Trường Sơn. Trong cuộc đời quân ngũ, tôi luôn khắc ghi lời Bác dạy và cùng đơn vị lập được nhiều chiến công trên tuyến vận tải chiến lược Tây Trường Sơn. Sau khi miền Nam được giải phóng, tôi theo đội hình Đại đội 21, Trung đoàn 39, Đoàn 565 Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hỗ trợ các LLVT của nước bạn Lào phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở các tỉnh Nam Lào. Năm 1973, gia đình tôi được Thủ tướng Chính phủ khen tặng “Bảng vàng danh dự” do gia đình có 3 con trai tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước và đều được kết nạp Đảng trong quân ngũ. Đó là các cựu chiến binh: Lê Võ Định Tường, sinh năm 1945, nhập ngũ năm 1968; Lê Võ Tiên Hưng, sinh năm 1949, nhập ngũ năm 1966 và Lê An Khánh, sinh năm 1953, nhập ngũ năm 1970. Gần 60 năm đã trôi qua kể từ ngày được gặp Bác, nhưng những hình ảnh hiền từ, tình cảm ấm áp và những lời dạy bảo ân cần của Bác luôn là hành trang, động lực để bản thân tôi thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và từng bước trưởng thành trên con đường trọn lòng với Đảng, với Bác.

Ấm áp "Đêm nghĩa tình đồng đội"

Với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, “Một nắm khi đói bằng một gói khi no”, buổi quyên góp nhằm nêu gương, nhân rộng những tấm gương vượt khó trong học tập, công tác; vận động giúp đỡ các quân nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các chiến sĩ mới, thể hiện tình đồng chí, đồng đội, sẵn lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như khi khó khăn. Buổi quyên góp ủng hộ gia đình chiến sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tổ chức trong không khí ấm áp, đầy nghĩa tình. Sau lời kêu gọi của chỉ huy tiểu đoàn, người hảo tâm, tấm lòng vàng của cán bộ, chiến sĩ, các đơn vị trong toàn trung đoàn, lãnh đạo chính quyền, đoàn thể xã Thổ Châu và lãnh đạo, địa phương, doanh nghiệp, gia đình các chiến sĩ mới thuộc huyện Chợ Mới và Phú Tân (An Giang) ra dự lễ tuyên thệ đều nhiệt tình hưởng ứng. Từng hàng người nối tiếp nhau lên bỏ tiền vào thùng, người nhiều nhất góp 500.000 đồng, người ít nhất chỉ vài chục ngàn đồng nhưng tất cả đều thể hiện nghĩa cử cao đẹp. Trung sĩ Tô Huỳnh Phi Hổ, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 7, Trung đội 5, Đại đội 2, ủng hộ 100.000 đồng tâm sự: “Trên cương vị tiểu đội trưởng nhận thấy nhiều đồng chí còn gặp khó khăn nên tôi trích tiền phụ cấp để giúp đỡ. Tôi thấy đây là hoạt động rất thiết thực nhằm tăng cường tình đoàn kết, yêu thương nhau trong đơn vị”. Còn anh Nguyễn Văn Minh, xã Kiến An, huyện Chợ Mới (cha của Binh nhì Nguyễn Văn Hoài Linh) ra tham dự lễ tuyên thệ đã ủng hộ 500.000 đồng bộc bạch: “Thấy nhiều hoàn cảnh gia đình các cháu rất tội nghiệp, nên khi đơn vị phát động phong trào tôi nhiệt tình ủng hộ”. Chỉ huy Tiểu đoàn 1 trao số tiền quyên góp tượng trưng cho chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ huy Tiểu đoàn 1 trao số tiền quyên góp tượng trưng cho chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn. ội 4, Trung đội 2, Đại đội 1 (quê xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, An Giang) một trong 6 chiến sĩ được nhận tiền từ “Đêm nghĩa tình đồng đội” cho biết: “Hiện tại, cha tôi bị bệnh sỏi thận, mẹ bị hở van tim không làm được việc nặng, cuộc sống chủ yếu nhờ đánh bắt cá trên sông và làm mướn. Lúc chưa nhập ngũ, tôi và em gái phải nghỉ học sớm để đi làm phụ giúp gia đình. Được nhận số tiền giúp đỡ từ các tấm lòng vàng, tôi rất xúc động, đây là số tiền lớn đối với gia đình. Thời gian tới tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa cùng các đồng đội, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”. Trong chương trình, Ban tổ chức trình bày hoàn cảnh gia đình của 6 chiến sĩ, từ đó động viên cán bộ, chiến sĩ và những người tham dự trên tinh thần tự nguyện, ai có nhiều khả năng thì giúp nhiều, ai có ít thì giúp ít. Chương trình “Đêm nghĩa tình đồng đội” đã quyên góp được 30 triệu, toàn bộ số tiền được chia ra cho 6 đồng chí có hoàn cảnh khó khăn. Theo chia sẻ của Thiếu tá Vũ Đình Quang, Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 152, những năm qua, công tác chính sách, hậu phương Quân đội luôn được Đảng ủy, Chỉ huy Tiểu đoàn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện bằng nhiều việc làm thiết thực bằng cả vật chất và tinh thần để tăng cường tinh thần đoàn kết gắn bó. Tối hôm nay, chúng tôi rất xúc động và tự hào vì đơn vị có nhiều cán bộ, chiến sĩ giàu lòng nhân ái, luôn sẵn lòng san sẻ để góp phần cho đồng, chí đồng đội mình vượt qua khó khăn. Tấm lòng và tình cảm này rất đáng quý và trân trọng, là nguồn động viên kịp thời để các đồng chí khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Được biết, từ năm 2020 đến nay, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 152 đã tổ chức “Đêm nghĩa tình đồng đội” và giúp đỡ được 27 cán bộ, chiến sĩ với số tiền 103.400.000 đồng. Đoàn kết, tương thân tương ái, giúp nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn là nét đẹp truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, truyền thống đó đã và đang được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 152 nói riêng và cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 9 nói chung phát huy cao độ, trở thành nét đẹp văn hóa tiêu biểu trong nhiều năm qua.

NHẬN DIỆN MỘT SỐ THỦ ĐOẠN XUYÊN TẠC, BÓP MÉO LỊCH SỬ ĐẢNG!

     Lịch sử càng lùi xa, các chứng nhân lịch sử dần không còn; với ngày càng nhiều những sự kiện quan trọng xảy ra trong thực tiễn, ký ức, nhận thức, tư tưởng con người có thể bị phai mờ về một số nội dung, sự kiện lịch sử. Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch, phản động thường ra sức cắt xén, thêm bớt, đánh tráo khái niệm, xét lại lịch sử, “đổi trắng thay đen”, bôi nhọ lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong bối cảnh công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, cùng với những thuận lợi cơ bản, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã đạt được, đất nước ta cũng phải đối diện với những khó khăn và trở lực không nhỏ. Các thế lực thù địch trong nước và ngoài nước không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” hòng gây bạo loạn, lật đổ, chống phá cách mạng Việt Nam. Một trong những thủ đoạn thâm độc, tinh vi của chúng là tấn công vào nền tảng lịch sử của Đảng, hòng xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam.

Thông qua các bài viết, nhân danh cái gọi là các “công trình khoa học”, các diễn đàn, hội thảo,... viện lý do nghiên cứu làm rõ lịch sử, các thế lực thù địch, phản động ra sức tấn công vào lịch sử Đảng. Chúng xoáy vào một số sự kiện lịch sử, một số thời đoạn của lịch sử, với những đánh giá sai lệch, hoặc thổi phồng sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, bịa đặt, bôi nhọ các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử,... hòng phủ nhận những thành quả cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.

Các thế lực thù địch, phản động ra rả mấy luận điệu mang tính chủ quan, khiên cưỡng, như Đảng Cộng sản Việt Nam dựa trên nền tảng tư tưởng “du nhập”, “vay mượn” từ bên ngoài; Việt Nam đã “độc lập từ tháng 3-1945”, những người cộng sản Việt Nam và Việt Minh “cướp công” trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945; thổi phồng những sai lầm của Đảng trong cải cách ruộng đất; đánh giá sai lệch về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968; phê phán Việt Nam đưa quân sang “xâm lược Cam-pu-chia” năm 1979 (!?),...

Bám vào sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các thế lực thù địch, phản động rêu rao rằng: chủ nghĩa Mác - Lê-nin là sai lầm từ trong bản chất chứ không phải do nhận thức và vận dụng sai(?!); chủ nghĩa Mác - Lê-nin không phải là sản phẩm của thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam là “một sai lầm của lịch sử”, “đã kìm hãm sự phát triển của đất nước”(!?),...

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện một số cách nhìn, nghiên cứu sai trái, thiển cận, cả những dấu hiệu của căn bệnh lười học tập, nghiên cứu lý luận, điển hình như biện luận rằng dân tộc Việt Nam không cần thiết tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để giành nền độc lập trọn vẹn, tiến tới thống nhất đất nước, mà Việt Nam vẫn có thể thực hiện được sự thống nhất đất nước theo mô hình của Đức ở châu Âu...; có hiện tượng đáng ngại là xuất hiện những ý kiến “đánh giá lại lịch sử”; ngại viết, ngại nói về lịch sử Đảng, cho rằng viết về Đảng là “không khách quan”, “không khoa học”; đòi xem xét, đánh giá lại những vấn đề lịch sử, thậm chí còn hàm hồ cho rằng những nhân vật phản diện cũng là những “người yêu nước”(!?)... Những luận điệu xuyên tạc, những nhận định lệch lạc, sai lầm, ấu trĩ về lịch sử Đảng, lịch sử đấu tranh cách mạng, lịch sử dân tộc diễn ra liên tục, lặp đi lặp lại, kéo dài với nhiều hình thức, nhiều biểu hiện, vừa ráo riết, vừa âm thầm; đáng quan ngại nhất là được che đậy dưới chiêu bài “khách quan”, “khoa học”.

Hiện nay, tận dụng lợi thế của các phương tiện truyền thông xã hội có hiệu ứng rất lớn, rất nhanh; sự kiểm duyệt thông tin khó khăn; có thể thực hiện từ xa, ít bị định chế bởi các biên giới cứng, các thế lực phản động, thù địch, phần tử định kiến triệt để lợi dụng kênh thông tin này để phát tán, tuyên truyền sai sự thật nhiều vấn đề lịch sử hòng gây hoang mang, dao động, hoài nghi, ngả nghiêng trong nhận thức, tư tưởng; kích động sự hận thù giữa nhóm người này với nhóm người kia, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hơn ai hết, các thế lực thù địch, phản động thừa biết rằng, xuyên tạc, bóp méo, bôi đen lịch sử Đảng chính là đánh phá trực tiếp vào cơ sở thực tiễn, cơ sở chính trị, vào nền tảng lịch sử của Đảng. Lịch sử thuộc về những gì đã qua, ngày càng ít người biết đến, nên việc bịa đặt, dàn dựng, đưa ra các “thuyết âm mưu”,... dễ dàng hơn rất nhiều so với tấn công vào các vấn đề hiện tại - những vấn đề mà tự kết quả, hiệu quả, các con số thống kê có thể lập tức phản bác những ý đồ, âm mưu đen tối. Do đó, các thế lực thù địch, phản động coi lịch sử là một địa hạt, mặt trận quan trọng để tấn công trực tiếp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài học từ sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu cho thấy, việc nhận thức không đúng về lịch sử, hoài nghi về lịch sử, xem xét lại lịch sử có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Nhận thức sâu sắc những vấn đề đó, trong giai đoạn hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam kịp thời đề ra đường lối, chủ trương và có sự chỉ đạo hành động đúng đắn, quyết liệt, là “kim chỉ nam” cho công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng. Quan điểm của Đảng khẳng định rõ, việc củng cố, tăng cường nhận thức về lịch sử Đảng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân luôn là đòi hỏi thường xuyên, cấp bách, tất yếu trong công tác tư tưởng của Đảng; đồng thời, có vị trí rất quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư, “Về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, khẳng định: Nghiên cứu sâu sắc lịch sử Đảng là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm làm rõ các chặng đường lịch sử và hoạt động đấu tranh của Đảng, tổng kết thực tiễn lịch sử dân tộc. Nghiên cứu lịch sử Đảng không chỉ nêu bật những thắng lợi, những thành tựu của cách mạng, mà còn phải chỉ ra, không tránh né, cả những sai lầm, khuyết điểm, làm sáng tỏ những bài học, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam, giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, bồi dưỡng tình cảm yêu nước, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, các cấp ủy từ Trung ương đến địa phương và toàn thể đảng viên nâng cao nhận thức, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Nghiên cứu, tổng kết lịch sử Đảng làm cho mọi cán bộ, đảng viên và toàn dân hiểu về Đảng, là giáo dục về Đảng; là tổng kết thực tiễn lịch sử, làm rõ lý luận về con đường cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm rõ bài học và lý luận về xây dựng Đảng là góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử các đảng bộ địa phương và một số ngành và đoàn thể ở Trung ương do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban thường vụ các cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo về mọi mặt.

Trước tình hình mới, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng và bối cảnh cuộc đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử ngày càng quyết liệt, công tác nghiên cứu, tuyên truyền lịch sử Đảng đứng trước những yêu cầu, thử thách mới. Ngày 18-1-2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW, “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” với những yêu cầu mạnh mẽ, đặc biệt nhấn mạnh phải đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, trước hết là của người đứng đầu, về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; chủ động đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng./.
Yêu nước ST.