Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Ký ức ngày nhập ngũ

Bố tôi là con cả trong gia đình có 4 anh em ở xã Hương Thủy (Hương Khê, Hà Tĩnh). Những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, huyện Hương Khê được ví như “chảo lửa, túi bom” vì có tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, mạch máu giao thông vào chiến trường miền Nam nên kẻ thù ném bom bắn phá ác liệt. Chứng kiến cảnh quê hương bị tàn phá, gây bao đau thương nên lớp thanh niên như bố tôi ai cũng khát khao lên đường đánh Mỹ. Một ngày cuối tháng 7-1971, đang là học sinh cuối cấp 3, bố tôi nhận được giấy báo của UBND xã gọi nhập ngũ. Nhưng oái oăm thay, đúng lúc ấy, bà nội tôi ngã bệnh. Bác sĩ chẩn đoán bệnh của bà phải xuống bệnh viện tỉnh phẫu thuật may ra mới cứu được. Chính quyền xã biết chuyện đến thăm hỏi, động viên gia đình. Ông nội tôi lúc ấy dù thương con, lại lo lắng cho bệnh tình của bà nhưng vẫn một mực động viên bố giữ vững chí khí lên đường nhập ngũ. Ông tôi quả quyết, nhiệm vụ Tổ quốc phải đặt lên hàng đầu, mọi việc ở nhà đã có ông và họ hàng chăm lo. Bà tôi nhập viện ngay trước ngày bố lên đường nhập ngũ. Chiều hôm ấy, ông tôi làm một mâm cơm mời vài người thân đến tiễn bố lên đường. Bữa cơm có đĩa cá trích, bát canh rau tập tàng, vài quả cà pháo mà thường ngày bố tôi vẫn thích. Vậy mà bố chỉ ngồi cầm chén cơm, nước mắt lưng tròng không ăn nổi vì thương bà tôi đang thập tử nhất sinh. Không khí bữa cơm trầm lắng đến thê lương. Vài người họ hàng động viên và cho bố 27 đồng tiền mặt. Biết gia đình đang lúc khó khăn, tối hôm đó, bố lặng lẽ gói toàn bộ số tiền, cất trên nóc tủ. Mãi đến khi lên đường vào đơn vị, bố mới gửi thư về báo gia đình lấy số tiền đó để điều trị cho bà. Năm ấy, bố tôi vừa tròn 19 tuổi. Đúng như dự báo, bà tôi bước lên bàn mổ tiên lượng xấu. Phải huy động hết người thân trong nhà đi thử và truyền máu mới cứu được bà. Sau ca mổ, bà tôi dần hồi phục. Sau này, nhận được thư của bà gửi vào chiến trường, bố tôi thấy cả những trang giấy nhòe chữ vì nước mắt của bà. Cũng qua thư nhà, bố tôi mới biết chỉ sau vài ngày lên đường nhập ngũ, UBND xã gửi giấy báo nhập học cho bố vào Trường cán bộ tài chính kế toán ngân hàng Trung ương (nay là Học viện Tài chính). Thế nhưng đất nước đang chiến tranh, bố tôi bảo, lên đường nhập ngũ vào nơi bom đạn, chẳng ai dám hẹn ngày về nên việc học hành phải tạm gác lại, chờ ngày đất nước thống nhất. Cuối năm 1971, cả đơn vị hành quân vào miền Nam, bố tôi được cử đi đào tạo lái xe ở Quân khu 4. Học xong, bố được điều về một đại đội xe thuộc Binh trạm 1, Quân khu 4 rồi vào chiến trường làm nhiệm vụ vận chuyển quân lương, vũ khí. Mùa mưa chạy bên Đông Trường Sơn, mùa khô chạy bên Tây Trường Sơn. Suốt cuộc đời 38 năm quân ngũ, có lúc đối diện với bom đạn hiểm nguy, đến khi hòa bình đứng trên bục giảng nhưng nhắc đến ký ức ngày ra trận năm ấy, bố tôi vẫn chẳng thể nào quên. Bố vẫn thường nhắc nhở chúng tôi: "Dù bất cứ hoàn cảnh nào, nhiệm vụ Tổ quốc giao phó vẫn phải đặt lên hàng đầu. Môi trường quân ngũ dù khó khăn, gian khổ nhưng là trường đời để rèn đức, luyện tài, không bao giờ được nản chí".

1 nhận xét: