Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Đổi mới trong tư duy của Đảng

 

Sau hơn 35 năm đổi mới, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, được mọi tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ và ngày càng phát huy hiệu quả trên thực tế. Để thực sự phát huy quyền làm chủ của Nhân dân hơn nữa, Đại hội XIII đã bổ sung nội dung “dân giám sát”, “dân thụ hưởng”. Đây là sự phát triển tư duy lý luận, hoàn thiện chủ trương của Đảng về dân chủ. Sự phát triển, hoàn thiện đó có ý nghĩa thiết thực, quan trọng trong xây dựng và phát huy nguồn lực con người, là động lực, yếu tố sống còn, có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước giai đoạn tiếp theo. Theo đó, ngày 25-10-2021, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, trong đó nhấn mạnh phải thực hiện có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

“Dân giám sát” là Nhân dân theo dõi, xem xét, đánh giá quá trình thực hiện, kết quả thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án, công việc thực hiện. Giám sát cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình có đúng, có tuân thủ đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật không bằng hình thức trực tiếp, hoặc gián tiếp. Xuất phát từ thực tế, khó phân biệt rõ ràng, rành mạch giữa hoạt động kiểm tra với hoạt động giám sát; lúc nào, việc gì thì kiểm tra và lúc nào, việc gì thì giám sát. Trong đó, Nhân dân “giám sát” có phạm vi rộng bao gồm chủ thể quản lý giám sát việc làm của khách thể quản lý trong phạm vi cơ quan, tổ chức, đơn vị; “kiểm tra” có phạm vi hẹp hơn chỉ diễn ra quá trình chủ thể quản lý xem xét việc làm của chủ thể quản lý và tự kiểm tra trong nội bộ, trong bản thân mỗi người theo một cơ chế, quy định nhất định. Như vậy, khi thực hiện “dân kiểm tra” không chỉ xem xét việc thể chế vấn đề dân trực tiếp giám sát, kiểm tra hoạt động của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, cán bộ, công chức, viên chức mà phải xem xét một cách đồng bộ cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra hệ thống chính trị, xã hội. Chính vì thế, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung khâu “dân giám sát” vào phương châm để tạo thuận lợi cũng như có cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện hiệu quả nhất.

“Dân thụ hưởng” tức là Nhân dân được nhận, hưởng thụ thành quả, kết quả của quá trình phát triển về đời sống vật chất, tinh thần mà các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật mang lại sau quá trình tổ chức, thực hiện. Đồng thời, Nhân dân thấy được mục đích, động lực thực sự, cuối cùng của chủ trương, chính sách, pháp luật mà Đảng, Nhà nước đề ra và tổ chức thực hiện đều vì Nhân dân, bảo đảm quyền con người được thực hiện một cách triệt để, lan tỏa những giá trị nhân văn, tiến bộ đúng với bản chất chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là sự phát triển tư duy lý luận, hoàn thiện chủ trương của Đảng về quyền dân chủ của người dân; qua đó, tiếp tục khẳng định Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

1 nhận xét: