Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

 

Chữ ký số chuyên dùng công vụ cần được quản lý chặt chẽ, 

bảo mật

Chữ ký số chuyên dùng công vụ có mức độ an toàn kỹ thuật, tính bảo mật rất cao, dùng cho người, cấp có thẩm quyền nên mỗi văn bản giao dịch đều ảnh hưởng đến nhân dân, quốc gia, dân tộc. Vì vậy, theo các đại biểu Quốc hội, loại chữ ký số này cần phải được quản lý đặc biệt và phải được rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm bí mật và an toàn.
Cho ý kiến liên quan đến quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số công cộng, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) chỉ rõ, thực tiễn từ năm 2007 đến nay đã tồn tại 2 hệ thống chữ ký số riêng biệt là chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số công cộng được Chính phủ giao cho 2 cơ quan quản lý.
Trong đó, Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ, còn Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công cộng.
Trong khi đó, chữ ký số chuyên dùng công vụ là hoạt động có tính đặc thù, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân bảo lưu. Đây là thực thi công vụ của Nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị đòi hỏi cấp độ an toàn, bảo mật cao hơn.

Đối với chữ ký số chuyên dùng công cộng do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý và cấp phép cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có thu phí.

Bản chất của chữ ký số chuyên dùng công vụ là dùng công nghệ mật mã để xác thực thông tin dữ liệu và được triển khai sử dụng trong hoạt động công vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng nếu như dự thảo Luật quy định Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước cả 2 loại chữ ký số nêu trên khi có vấn đề mất an toàn xảy ra thì việc xác định trách nhiệm là không rõ ràng.

Do vậy, đại biểu đề nghị quy định Bộ trưởng Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định pháp luật về cơ yếu và giao dịch điện tử.

Nhấn mạnh chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được quản lý chặt chẽ, bảo mật, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Hà Nội) nêu rõ, bản chất của chữ ký số chuyên dùng công vụ là dùng công nghệ mật mã để xác thực thông tin dữ liệu và được triển khai sử dụng trong hoạt động công vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội.

Kinh nghiệm thế giới cũng như Việt Nam coi mật mã như một “vũ khí” đặc biệt để bảo vệ an ninh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và do cơ quan thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, quân sự, quốc phòng, đối ngoại của đất nước quản lý nghiêm ngặt và phải được mã hóa. Nếu như xác định như vậy thì Bộ trưởng Quốc phòng sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc này.

Mặt khác, chữ ký số chuyên dùng công vụ là chữ ký của người có thẩm quyền. Mỗi văn bản, mỗi giao dịch công vụ đều có tác động rất lớn và ảnh hưởng đến nhân dân, đến quốc gia, lợi ích của dân tộc.

Vì vậy, đại biểu nhấn mạnh chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được cung cấp, quản lý chặt chẽ, bảo mật và phải giao cho cơ quan về quốc phòng, an ninh quản lý.

1 nhận xét:

  1. chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được cung cấp, quản lý chặt chẽ, bảo mật và phải giao cho cơ quan về quốc phòng, an ninh quản lý

    Trả lờiXóa