Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

BÁC HỒ VÀ BÀI HỌC "VIẾT CHO AI XEM?"

 Đặt câu hỏi “Viết cho ai xem?” là nhằm giải quyết nhu cầu của quần chúng đông đảo; nhằm giác ngộ, tuyên truyền, đưa quần chúng vào trường cách mạng, vào một cuộc sống đầy ắp các hoạt động biến cải...

Báo Quân đội Nhân dân thật vinh dự, tự hào là tờ báo được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên. Trên số báo đầu tiên ra ngày 20-10-1950, Người căn dặn: “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”.
Lời chỉ bảo sâu sắc đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dành cho các thế hệ nhà báo-chiến sĩ mà còn là kim chỉ nam cho những người làm báo cách mạng của Việt Nam, và hơn thế nữa...
Trong hành trình 50 năm viết của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, kể từ Yêu sách của nhân dân An Nam (1919) đến Di chúc (1969), những kinh nghiệm làm báo, viết báo, Bác đã nhiều lần nói đến với giới nghề nghiệp; và bài học làm báo, viết báo được Bác quan tâm trước hết, đó là bài học: “Viết cho ai xem?”.
Bài nói đầu tiên của Hồ Chí Minh về câu chuyện này là bài Cách viết tại Trường Chỉnh Đảng Trung ương, ngày 17-8-1952; rồi được trở lại, lần thứ hai, trong Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, tháng 9-1962.
“Kinh nghiệm của Bác là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi:
- Viết cho ai xem?
- Viết để làm gì?
- Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”.
Điều cần lưu ý, tuy chỉ là bài nói với giới báo chí nhưng rồi do sự cần thiết, chúng ta chủ trương vận dụng ý kiến của Hồ Chí Minh cho mọi dạng viết, mọi “binh chủng” chữ nghĩa, trong đó có văn chương-học thuật.
Và khi đặt lên vị trí số 1 câu chuyện “Viết cho ai xem?”, chúng ta hiểu đấy là sự đánh dấu bước chuyển quan trọng nhất của nền báo chí cách mạng ở Việt Nam. Bởi, mối quan tâm đến công chúng, trước hết là công chúng cần lao, đó là biểu hiện của sự tiến bộ trên con đường dân chủ hóa đời sống con người. Đặt câu hỏi “Viết cho ai xem?” là nhằm giải quyết nhu cầu của quần chúng đông đảo; nhằm giác ngộ, tuyên truyền, đưa quần chúng vào trường cách mạng, vào một cuộc sống đầy ắp các hoạt động biến cải. Và quần chúng, trong một giai đoạn lịch sử nào đó còn thất học hoặc còn đang thanh toán nạn mù chữ, họ liên tục là đội quân hùng hậu, đóng vai trò chủ lực trong các cuộc cách mạng và chiến tranh cách mạng.
Một sự nghiệp làm báo, viết báo có thể nói là vĩ đại, đối với dân tộc Việt Nam ngay trong bóng đêm của chế độ thuộc địa, bắt đầu từ Le Paria (Người cùng khổ) trên địa bàn Paris, là động thái đầu tiên trên hành trình viết của Nguyễn Ái Quốc, nhằm cảnh tỉnh thế giới phương Tây và thức tỉnh thế giới phương Đông, trong đó có hai nhân vật trung tâm: Những tên chủ thực dân ở chính quốc và các thuộc địa, và những người nô lệ không riêng ở An Nam mà trên khắp thế giới da màu. Cùng với việc làm tờ Le Paria, Nguyễn Ái Quốc còn viết cho nhiều tờ báo ở Paris như: Nhân đạo, Dân chúng, Đời sống thợ thuyền… và hoàn thành tác phẩm lớn, đầu tay mang tên Bản án chế độ thực dân Pháp (năm 1925). Viết bằng tiếng Pháp, đối tượng đọc chủ yếu của Nguyễn Ái Quốc là người chính quốc. Nhưng một đối tượng đọc khác mà Nguyễn Ái Quốc không lúc nào không khao khát hướng tới, đó là những người Việt xa xứ trên đất Pháp, vào thời Nguyễn Ái Quốc ở Paris đã lên đến 10 vạn người; và 25 triệu đồng bào quê hương còn đắm chìm trong đói khổ. Đó là lý do để cùng với tờ Le Paria bằng tiếng Pháp, Nguyễn Ái Quốc còn muốn có thêm tờ Việt Nam hồn bằng tiếng Việt: “… Cũng vì nghĩ thế,/ tôi muốn làm ra/ một báo tiếng ta,/ cho đồng bào đọc...”.
Cũng như trước đó, vào năm 1919, sau khi gửi Hội nghị Versailles bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm, bằng tiếng Pháp, Nguyễn Ái Quốc còn soạn một bản Việt Nam yêu cầu ca bằng tiếng Việt dài 56 câu, bằng thể lục bát và song thất lục bát quen thuộc, để bí mật phân phát trong các giới công nhân và binh sĩ An Nam ở Marseille, năm 1922.
Ý thức về người đọc, viết cho ai đọc luôn là niềm canh cánh trong hành trình 50 năm viết của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh.
Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc), sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và cho xuất bản tờ báo Thanh niên (năm 1925), đồng thời sáng lập Hội Liên hiệp Các dân tộc bị áp bức ở Đông Á. Đầu năm 1941, sau khi về nước, ông Ké cách mạng-già Thu, rồi lấy tên Hồ Chí Minh, đã sáng lập và chủ trì tờ báo Việt Nam độc lập ở căn cứ địa Cao-Bắc-Lạng. Đó là tờ báo có sứ mệnh giáo dục, tuyên truyền quần chúng hướng tới cao trào Tổng khởi nghĩa đang sắp đến gần. Một tờ báo nhằm vào công chúng, đa số là đồng bào các dân tộc thiểu số, thất học, đang khao khát đến với cách mạng-tất nhiên nội dung phải được chuyển tải dưới một hình thức giản dị, phổ cập, dễ hiểu. Và đó là lý do để chỉ trong một thời gian ngắn (khoảng vài năm), Bác đã làm hơn 30 bài thơ-những bài với tên gọi rất giản dị như: Công nhân, Dân cày, Ca binh lính, Phụ nữ, Ca sợi chỉ… đăng trên Việt Nam độc lập. Những bài như: Hòn đá để nói lên sức mạnh đoàn kết; như Nhóm lửa để nói phương thức làm cách mạng… trong dạng thức cô đúc và dễ hiểu nhất. Thậm chí đến cả tên báo là Việt Nam độc lập, Bác còn chủ trương rút ngắn, chỉ còn là Việt Lập, để cho quần chúng dễ nhớ, dễ thuộc. Còn tên Việt Nam Độc lập Đồng minh (tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay) thì được gọi tắt là Việt Minh.
Điều cần lưu ý: Người viết những bài thơ giản dị, dễ hiểu như vậy chính là Người đã viết nhiều phóng sự, văn chính luận và các truyện, ký rất sắc sảo, theo phong cách hiện đại bằng tiếng Pháp ở Paris ngót 20 năm về trước; và chỉ vài năm sau, Người viết 135 bài thơ bằng chữ Hán trong Ngục trung nhật ký.
Có thể nói, câu chuyện “Viết cho ai xem?” là mối quan tâm hàng đầu của nhà cách mạng, nhà báo cách mạng Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời mình. Và đó là lý do tạo nên mối giao cảm lớn, sự đồng tâm nhất trí trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam gồm 54 dân tộc anh em với lãnh tụ kính yêu của mình, trong suốt thế kỷ 20-thế kỷ đứng trước hai yêu cầu lớn: Cách mạng hóa và hiện đại hóa mà Nguyễn Ái Quốc là người có vai trò khởi xướng và kết hợp một cách trọn vẹn nhất.
Cùng với câu hỏi “Viết cho ai xem?” còn là câu hỏi “Viết để làm gì?” và “Viết như thế nào?” để làm nên một bộ ba quan trọng cho một sự nghiệp viết có độ dài 50 năm của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Một sự nghiệp viết rất linh hoạt, đa dạng, gồm nhiều chủng loại, trong đó có một sự nghiệp báo chí vĩ đại và một sự nghiệp văn chương đặc sắc, để tạo nên nền móng và tinh hoa cho nền văn hóa mới Việt Nam thế kỷ 20./.
ST


1 nhận xét: