Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG HỒ CHÍ MINH!

     Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc” xuất bản năm 1947 khi nói về đạo đức cách mạng, Bác Hồ đã viết: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Như vậy, đạo đức cách mạng là gốc của người cách mạng.

Đạo đức mà Bác Hồ nói trên là thứ đạo đức mới: Đạo đức cách mạng dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, chứ không phải là thứ đạo đức cũ, thứ đạo đức chung chung. Bác Hồ ví đạo đức như nguồn nước với dòng sông, như gốc cây với thân cây. Đạo đức được coi như là một yêu cầu căn bản đối với tư cách của người cách mạng. Bác Hồ cũng chỉ rõ mối quan hệ biện chứng giữa đạo đức và tài năng. Đạo đức phải là gốc vì “không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Xem như thế, chúng ta thấy đạo đức cách mạng là điều kiện căn bản nhất mà mỗi người nhất thiết phải có thì mời hoạt động cách mạng được.

Có đạo đức cách mạng mới gánh vác được nhiệm vụ cách mạng nặng nề. Bác nói: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu trạnh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.

Có đạo đức cách mạng thì mới giúp ta đứng vững được trước những biến cố, những thử thách to lớn trên đường cách mạng. Người có đạo đức cách mạng thì không chán nản, không lùi bước khi phải gặp khó khăn hay thất bại. Khi gặp thuận lợi, thành công thì không chủ quan, thỏa mãn, vẫn giữ được tinh thần, vượt qua gian khổ để chiến đấu, luôn luôn tỉnh táo, khiêm tốn. Có đạo đức cách mạng mới được nhân dân yêu mến, giúp đỡ, tin tưởng, mới vận động, tổ chức, lãnh đạo được nhân dân làm cách mạng. Bác Hồ còn nói rằng: “quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người khác bắt chước”.

Có đạo đức cách mạng thì sẽ có quyết tâm và nghị lực học tập, rèn luyện, tu dưỡng và sẽ có trí tuệ, có tài năng, ngược lại, nếu không có đạo đức thì tài năng sẽ không dùng được, thậm chí có hại và nhất định cũng sẽ mai một đi.

Cách mạng nước ta đang bước vào một thời kỳ mới: thời kỳ hội nhập với nền văn hóa, nền kinh tế thế giới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong hoàn cảnh đó, lại càng đòi hỏi những phẩm chất cao về đạo đức mới.

Nội dung cơ bản của đạo đức cách mạng mà chúng ta cần phải rèn luyện hiện nay bao gồm: phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng, với nhân dân, suốt đời đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, mục tiêu của Đảng theo từng thời kỳ lịch sử. Luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân. Sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung, dũng cảm chiến đấu, hăng hái lao động, tích cực công tác vì lợi ích của Đảng, của nhân dân.

Đảng ta đang lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, trong tư thế hội nhập, để biến nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nên đạo đức cách mạng mà chúng ta cần xây dựng là đạo đức cách mạng tư tưởng Hồ Chí Minh với những phẩm chất như: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, khiêm tốn, giản dị, có tinh thần đoàn kết hợp tác, hội nhập; với tinh thần tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

“Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Đó là quan niệm của Bác Hồ về việc rèn luyện đạo đức cách mạng. Đó là một công việc hết sức công phu. Phải kiên trì, bền bỉ tu dưỡng tư tưởng, rèn luyện đạo đức trong các hoạt động: lao động, đấu tranh, công tác và học tập hàng ngày. Và lấy hoạt động cách mạng để kiểm tra đạo đức cách mạng của bản thân. Phải thường xuyên dùng vũ khí tự phê bình và phê bình để đấu tranh quét sạch những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân và mọi tàn tích tư tưởng lạc hậu khác; đồng thời củng cố và phát triển những đức tính tốt đẹp của đạo đức xã hội chủ nghĩa; phải không ngừng nỗ lực học tập toàn diện, chăm lo nâng cao năng lực công tác của cách mạng. Đặc biệt, phải chú ý và ra sức học tập lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để củng cố đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết về trình độ chính trị để làm tốt công tác mà Đảng và nhân dân giao, để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.

Trau dồi đạo đức cách mạng để đẩy mạnh các hoạt động cách mạng, đem lại lợi ích cho Tổ quốc, cho nhân dân là một điều sung sướng và hạnh phúc. Muốn có đạo đức cách mạng, chúng ta hãy học tập và rèn luyện, tu dưỡng theo gương Bác Hồ vĩ đại./.
Yêu nước ST.

1 nhận xét: