Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

TÂM SỰ ĐẢNG VIÊN: SAO VẪN HAM CHUỘNG HÌNH THỨC?

     Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần phê phán thói khoa trương, ham chuộng hình thức trong đội ngũ cán bộ. Theo Người, những căn bệnh sinh ra từ chủ nghĩa cá nhân, trong đó có “bệnh hình thức”, gây ra nhiều tác hại.
     “Bệnh hình thức” biểu hiện dưới nhiều dạng “bệnh” khác, như “bệnh hữu danh vô thực”, “bệnh khai hội”, “thói ba hoa”... Chính vì cán bộ xa rời quần chúng, không xuất phát từ lợi ích của quần chúng nên mới dẫn đến tình trạng trên.
     Khi đất nước càng phát triển, xã hội càng tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao thì dường như "bệnh hình thức" cũng theo đó mà tịnh tiến tăng lên. Chỉ riêng việc tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác ngành, địa phương, không ít nơi tiến hành linh đình, trống giong cờ mở, băng rôn, khẩu hiệu treo khắp nơi. Nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức tổng kết, hội thảo, tọa đàm, gặp mặt ở những khu du lịch nổi tiếng, ở khách sạn đắt tiền, khách mời được đón rước chu đáo. Hội họp nhưng không chú trọng chất lượng, nặng về phần hội, nặng về báo cáo thành tích, rồi thuê mướn ca sĩ đến múa hát, văn nghệ rình rang, tiệc tùng tốn kém...
     Tại những hội nghị lớn hay những dịp kỷ niệm dù lớn, dù nhỏ của cơ quan, đơn vị, địa phương, lẵng hoa to, lẵng hoa nhỏ bày biện chật kín hội trường; rồi hoa tươi trên bục phát biểu, hoa tươi bày trên bàn đại biểu... Nếu làm một phép tính nhanh, mỗi hội nghị như thế, chỉ ước tính kinh phí cho tiền hoa có lẽ cũng đủ để xây một căn nhà tặng người nghèo, từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Tiếc rằng, sau hội nghị, không có căn nhà nào được xây tặng người nghèo, còn hàng chục, hàng trăm lẵng hoa cũng nhanh chóng được vận chuyển ra bãi tập kết rác, và người công nhân vệ sinh môi trường lại thêm một nỗi nhọc nhằn.
     Lẽ dĩ nhiên, việc tổ chức những hội nghị theo lối tư duy sính lễ nghi, nặng phô trương hình thức như thế còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí từ các cơ quan, đơn vị, địa phương và ý chí người đứng đầu. Nhưng xét cho cùng, nguồn kinh phí ấy nếu không phải từ ngân sách trên cấp thì cũng từ ngân sách địa phương, mà tất cả những nguồn ấy đều từ tiền thuế của người dân, tiền thuế của doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách mà có. Đáng lẽ ra, học và làm theo Bác là phải thấu triệt, thực hành, vận dụng ngay tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí của Bác. Nhưng tệ phô trương hình thức, lãng phí tiền của, nhân lực từ những hội nghị như thế vẫn cứ tiếp diễn năm này qua năm khác, rồi cơ quan này học theo cơ quan khác, địa phương này học theo địa phương kia.
     Tại một hội nghị cán bộ chủ chốt toàn quốc quán triệt, thực hiện nghị quyết Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu những ví dụ sinh động của căn bệnh hình thức: “Ra thăm đồng gì mà dân thì lội bùn cày cấy ở dưới ruộng, cán bộ đứng trên bờ mặc com-lê, đi giày, có người che ô, chướng quá. Bác Hồ làm thế à? Thế mà cứ hô khẩu hiệu là học tập, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ”!
     Những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đẩy mạnh hơn, triển khai sâu rộng hơn trong hệ thống chính trị các cấp và toàn xã hội. Dẫu vậy, hiệu quả thực chất ở một số nơi vẫn là điều đáng bàn, mà biểu hiện cụ thể là bệnh ham chuộng hình thức dường như không thuyên giảm, thậm chí có xu hướng tăng lên. Thực tế trên đặt ra cho mỗi cán bộ, đảng viên cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc về thái độ, trách nhiệm trong việc học tập và làm theo Bác./.
Môi trường ST.

1 nhận xét: