Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

 TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ DỰNG NƯỚC VÀ GIỮ NƯỚC

Ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, tại đền thờ các Vua Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 trước khi về tiếp quản Thủ đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đây là tư tưởng chỉ đạo rất quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với quân và dân cả nước.
Thực tiễn đã chứng minh: Thời đại nào gắn chặt dựng nước đi đôi với lo giữ nước, xây dựng đất nước theo quan điểm dân giàu nước mạnh, quốc phú binh cường, thì độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ được giữ vững. Thời đại nào không gắn chặt giữa dựng và giữ nước, không lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy, để nước nghèo dân đói, xã hội lạc hậu, quốc phòng và an ninh không được củng cố... sẽ tạo điều kiện thuận lợi để kẻ thù tiến công xâm lược dẫn tới mất nước.
Bài học dựng nước đi đôi với giữ nước trong lịch sử dân tộc được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển lên một bước mới: Thành tư tưởng chỉ đạo chiến lược, kết hợp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được tiến hành trong cả hòa bình cũng như khi đất nước có chiến tranh. Ngay sau khi đất nước vừa giành được độc lập tháng 9/1945, Đảng ta và Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân hăng hái lao động sản xuất, chăm lo xây dựng và củng cố quốc phòng. Do đó, đất nước đã nhanh chóng vượt qua nạn đói khủng khiếp năm 1945, hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương được củng cố, LLVT ngày càng trưởng thành vững mạnh, tạo nền tảng quan trọng để quân và dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ đất nước. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa chặn đánh làm chậm tốc độ tiến công của kẻ thù ở phía Nam đất nước, vừa xây dựng tiềm lực và chuẩn bị hậu phương kháng chiến. Mục tiêu chiến lược của cách mạng lúc này là phải diệt cho được cả ba loại giặc là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Vận dụng thành công bài học kết hợp dựng và giữ nước trong lịch sử, Đảng ta và Bác Hồ đã phát huy được sức mạnh toàn dân, sự ủng hộ và giúp đỡ của quốc tế đánh thắng thực dân Pháp, giải phóng Tổ quốc. Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, tư tưởng chỉ đạo dựng nước đi đôi với lo giữ nước lại được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển lên một bước cao hơn thành hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng miền Bắc đi lên CNXH và giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ: Xây dựng miền Bắc là cái nền, cái gốc để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nhờ có tư tưởng, đường lối và nhiệm vụ chiến lược đúng đắn của Đảng, quân và dân ta đã xây dựng miền Bắc vững bước đi lên CNXH. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, quốc phòng và an ninh ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được xây dựng chính quy, có trang bị ngày càng hiện đại, các công trình quốc phòng được xây dựng và củng cố, tạo sức mạnh bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam. Ở miền Nam, quân và dân ta anh dũng đấu tranh đòi địch thi hành hiệp định hòa bình, mặc dù bị kẻ thù đàn áp rất dã man nhưng nhân dân vẫn tin theo Đảng, tiến hành thành công cuộc Đồng khởi và chiến tranh cách mạng. Có sự chi viện to lớn về sức người, sức của của nhân dân miền Bắc, sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, quân và dân cả nước đã đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Là nước đất không rộng, người không đông, kinh tế chưa phát triển, nhưng đã đánh thắng hai đế quốc to, có tiềm lực kinh tế và quốc phòng lớn mạnh hơn ta nhiều lần. Thực tế đó đã chứng minh rõ đường lối và tư tưởng chỉ đạo: Kết hợp chặt chẽ giữa dựng và giữ nước của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất sáng tạo và vô cùng độc đáo, sát với thực tiễn tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế.
Ngày nay, tình hình quốc tế và khu vực luôn biến đổi khó lường. Trong nước, hệ thống chính trị được xây dựng và củng cố ngày càng vững chắc. Kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ đã có bước phát triển, quốc phòng và an ninh được củng cố, quan hệ đối ngoại và hợp tác không ngừng được mở rộng... Đây là điều kiện thuận lợi để ta xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cương lĩnh, đường lối và chiến lược của Đảng đã xác định bài học thành công trong lịch sử và tư tưởng chỉ đạo của Bác, được Đảng, Nhà nước ta phát triển lên một bước mới, cụ thể hóa thành hai chiến lược là: Chiến lược xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội; Chiến lược bảo vệ Tổ quốc XHCN ở thời kỳ mới. Trong đó, Đảng ta xác định rõ: Đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH, xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại. Đây là cơ sở để làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; điều kiện để ta tăng cường sức mạnh QP- AN, bảo vệ vững chắc hòa bình và độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ và Tổ quốc XHCN.
Để thực hiện thành công chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước ở thời kỳ mới, Đảng ta đã xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp, phương pháp tổ chức thực hiện. Tuy vậy, trong thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, ta cần nhận thức đúng, tổ chức thành công phương châm chỉ đạo phát triển nhanh gắn với bền vững. Kết hợp chặt chẽ phát triển KT-VH-XH với tăng cường sức mạnh quốc phòng, giữ vững an ninh. Thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, ta cần có kế sách, kế hoạch và phương án phòng, chống cả thiên tai và địch họa. Chủ động đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia và dân tộc ở trong nước cũng như trên trường quốc tế. Đặc biệt trong phòng, chống địch họa, các cấp cần coi trọng tăng cường sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, đẩy mạnh xây dựng LLVT, nhất là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Vận dụng sáng tạo nhiều loại hình và phương thức đấu tranh, nhằm đập tan chiến lược diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ, xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, kể cả chiến tranh xâm lược của kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Mặc dù vậy, cho tới nay vẫn có một số quan điểm nhấn mạnh về vị trí địa chiến lược quan trọng của đất nước, nên nước ta bị chiến tranh tàn phá và thiên tai nhiều, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, ảnh hưởng đến QP-AN và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; trong khi đó, lại chưa nhận rõ vai trò của nhân tố tinh thần, sự nỗ lực của toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-VH-XH cũng như quốc phòng và an ninh-đây là yếu tố quyết định tạo ra sức mạnh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Thực tế trong khu vực cũng như trên thế giới, nhiều nước cũng có vị trí địa chiến lược quan trọng, tài nguyên và điều kiện tự nhiên, cũng như chiến tranh thiệt hại còn nặng nề và khó khăn hơn ta, nhưng dân tộc đó có quyết tâm và sự nỗ lực rất cao, xây dựng quốc gia có tiềm lực kinh tế, văn hóa, khoa học phát triển nhanh, mạnh và bền vững, nên họ đã bảo vệ vững chắc đất nước.
Đây là những vấn đề đặt ra cần đi sâu nghiên cứu để vận dụng sáng tạo và thực hiện có hiệu quả bài học dựng nước đi đối với lo giữ nước. Giải quyết tốt những vấn đề ấy chính là chúng ta đã thực hiện đúng lời căn dặn của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét