Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Cần khắc phục bệnh sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay

Thời gian gần đây, tình trạng sợ trách nhiệm, không dám hành động vì lợi ích chung trong một bộ phận cán bộ, công chức là rất đáng lo ngại, gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với đội ngũ cán bộ, công chức về trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao. Trong di sản tư tưởng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến căn nguyên của căn bệnh này rất cụ thể: “Có lợi cho tôi thì tôi tích cực; không có lợi cho tôi thì tôi tiêu cực. Tôi muốn có địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm”. Theo Bác, những người mắc bệnh sợ trách nhiệm là những người: “Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn”. Theo dòng lịch sử, chúng ta thấy có một sự nhất quán về tư tưởng của các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam về nội dung này. Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng cho thấy điều đó. Biểu hiện của bệnh sợ trách nhiệm là: Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ. Người sợ trách nhiệm thường rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình. Vì muốn trốn tránh trách nhiệm cá nhân của mình, các đồng chí này thường vin vào lý do chưa có chỉ thị của cấp trên để ỷ lại và chờ đợi một cách thụ động. Người sợ trách nhiệm cũng thường lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể. Người sợ trách nhiệm còn ngại “va chạm” trong quan hệ với các đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới. Hậu quả có bệnh sợ trách nhiệm là: một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời, và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao. Từ việc chỉ ra các biểu hiện của bệnh sợ trách nhiệm, tác giả cũng chỉ rõ: Nguồn gốc chủ yếu của bệnh sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân. Chính vì luôn luôn tính toán cho lợi ích cá nhân, bo bo “bảo vệ” lấy cái cá nhân của mình mà mất cả dũng khí đấu tranh, thiếu hẳn “tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính kiên quyết, tính nguyên tắc trong khi giải quyết các vấn đề”, không dám đương đầu trước khó khăn, không dám nghĩ, không dám làm, chỉ tránh khó ngại phiền. Vì vậy, khắc phục bệnh sợ trách nhiệm trước hết là phải chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên, làm cho mỗi người đều có tinh thần xả thân vì sự nghiệp cách mạng, đều thật sự “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” như Hồ Chủ tịch đã dạy. Mặc dù căn bệnh sợ trách nhiệm đã được các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam chỉ rõ nhưng thời gian vừa qua căn bệnh này lại tiếp tục diễn ra trên phạm vi rộng. Căn bệnh sợ trách nhiệm gây ra nhiều hậu quả rất nghiêm trọng. Điển hình nhất là kích thích tâm lý ỷ lại, dựa dẫm và hình thành một bộ phận cán bộ núp bóng, không vì lợi ích chung, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, có biểu hiện thờ ơ, vô cảm với trách nhiệm được giao và trách nhiệm với nhân dân. Trong khi đó, người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh đôi khi lại bị hiểu sai, thậm chí rất dễ bị quy chụp và xử lý trách nhiệm.

1 nhận xét: