Đặc biệt, trong những năm gần đây các thế lực thù địch tập trung tiến hành hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Đáng chú ý, cứ “đến hẹn lại lên”, mỗi khi Đảng ta tiến hành Đại hội thì sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng quyết liệt, trắng trợn hơn. Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch đang lợi dụng mạng internet nhằm đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước với một số thủ đoạn sau.
Một là, sử dụng không gian mạng để chống phá trực diện, thông qua các trang web, blog, các trang mạng xã hội facebook, youtube…, diễn đàn, báo điện tử khuếch trương thanh thế, cổ súy các tư tưởng lệch lạc. Tạo lập các trang blog để thu hút lượng truy cập, như “Quan làm báo”, “Dân làm báo”, “Biển Đông’’, “Ba Sàm”, “Chân dung quyền lực”, “Tạp chí sự thật”, “Lỗi hệ thống”… để tuyên truyền, lôi kéo, tập hợp dư luận xã hội. Các đối tượng thường núp dưới vỏ bọc các tổ chức “xã hội dân sự”, “diễn đàn dân chủ”... để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, quan điểm, cương lĩnh, nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là những vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”. Lợi dụng một số cá nhân thoái hóa, biến chất về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hoặc có tham vọng chính trị cao, thành lập các hội, fanpage... làm cơ quan ngôn luận, địa chỉ hoạt động cho tổ chức “dân chủ” trên mạng. Lợi dụng mạng xã hội phát tán rộng rãi các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung xấu, độc, phản động, từ đó kích động hình thành các hoạt động như tuần hành, biểu tình, rải truyền đơn, tụ tập kêu gọi chống đối cán bộ địa phương, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá chính quyền, chia rẽ khối đoàn kết giữa Đảng và nhân dân.
Hai là, lập những tài khoản giả mạo trên mạng xã hội, các website giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, những người có uy tín, nhân vật nổi tiếng trong xã hội…; qua đó tung tin bịa đặt, gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm.
Ba là, sử dụng các trang mạng xã hội kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép, phá rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn. Các thế lực thù địch tạo lập và huy động những tài khoản giả mạo kêu gọi, lôi kéo, kích động người dân tụ tập, biểu tình và có các hành vi vi phạm pháp luật. Chúng sử dụng hàng loạt tài khoản đã được xây dựng trước, lấy 2-3 tài khoản làm trung tâm thường xuyên đăng tải bài viết, thông tin xuyên tạc về một chủ đề, lĩnh vực nhất định và hàng trăm tài khoản vệ tinh thực hiện nhiệm vụ chia sẻ trên các nhóm, diễn đàn phản động hoặc các nhóm có số lượng thành viên lớn. Một trong những biểu hiện của thủ đoạn này là tổ chức “cách mạng màu trực tuyến” bằng cách huy động, kêu gọi tất cả các tài khoản trên mạng xã hội gắn các biểu ngữ phản đối tạo ra hiệu ứng đám đông, trong đó người dùng mạng xã hội thường xuyên nhìn thấy các biểu ngữ phản đối hoặc những người không có lập trường tư tưởng vững vàng sẽ bị tác động thay đổi tư tưởng theo chiều hướng tiêu cực.
Bốn là, sử dụng các website, dịch vụ thư điện tử (e-mail) và các trang mạng xã hội (Facebook), Zalo (các dịch vụ chat, nhắn tin, hội thoại), truyền thoại (VoIP), diễn đàn (forum), Twitter, Youtube, MySpace... để đưa thông tin xuyên tạc, chống phá. Cách thức tiến hành của chúng thường là tổng hợp tin tức từ các báo chính thống để tạo ra sự khách quan, sau đó cài dần các thông tin xấu, độc, theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật, luận điệu sai trái. Người dùng truy cập thông qua đường dẫn (link) của bạn bè trên mạng xã hội dễ dàng “mắc mưu”, bị dẫn dắt và bị động trong việc tiếp nhận thông tin đó. Thực tế cho thấy, đã có những người do nhẹ dạ, cả tin, thiếu bản lĩnh chính trị nên đã tin theo những luận điệu của các thế lực thù địch, từ đó bị chúng dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo và khống chế để làm việc phục vụ cho mưu đồ của chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét