Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

Ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ ”Tự diễn biến”, ”Tự chuyển hoá” để xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh

 Thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” (DBHB) chống phá cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động đã và đang đẩy mạnh nhiều hoạt động thâm độc, nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gây chia rẽ, mất đoàn kết từ bên trong nội bộ Đảng và Nhà nước ta; khi thời cơ đến chúng sử dụng tổng hợp các biện pháp cả vũ trang và phi vũ trang; kết hợp “nội công, ngoại kích”, trong đánh ra, ngoài đánh vào, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), chuyển hoá Việt Nam theo con đường tư bản. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, khi Đảng ta đang tiến hành các bước triển khai thực hiện xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) thì các thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” càng được chúng thực hiện ráo riết hơn.


Bài học từ sự tan rã của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu cho thấy, nếu không chủ động phòng ngừa, không ngăn chặn, phòng chống ngay tư tưởng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” thì cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân sẽ bị tác động, bị phân hóa, tạo ra những hiệu ứng tiêu cực về mặt tư tưởng chính trị, tâm lý và hệ quả của việc chủ quan, mất cảnh giác với những thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyến hoá” là không lường hết được. Trong những năm qua, tùy từng đối tượng và phạm vi tác động mà chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch phản động trong và ngoài nước đã sử dụng thủ đoạn, nội dung, hình thức và phương pháp thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” khác nhau, nhưng chúng luôn đặt trọng tâm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các lực lượng vũ trang. Bởi đó là nơi hoạch định ra đường hướng, chủ trương, chính sách, pháp luật của nước ta. Khi đường hướng không chuẩn thì sự chệch hướng XHCN của đất nước là khó tránh khỏi. Khi đường lối, chủ trương không vì cuộc sống, lợi ích của nhân dân thì niềm tin của quần chúng đối với Đảng, với Nhà nước, với chế độ sẽ bị xói mòn.

Như chúng ta đã biết: “DBHB” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có mối quan hệ khăng khít, không tách rời; trong đó, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là thủ đoạn và cũng là mục tiêu của chiến lược “DBHB” mà các thế lực thù địch đang tiến hành đối với cách mạng Việt Nam. Bởi vậy, phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là vấn đề có ý nghĩa quyết định để làm thất bại chiến lược “DBHB” của các thế lực thù địch. Đồng thời đó cũng là nhiệm vụ cấp bách về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng mà Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đặt ra.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về bản chất là một quá trình suy thoái từ bên trong của lực lượng cách mạng; một mặt, do tác động khách quan, như: mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và do âm mưu, thủ đoạn “DBHB” của các thế lực thù địch vẫn tiếp tục đi sâu vào từng tổ chức, con người; mặt khác, là từ nguyên nhân chủ quan do một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong hai nguyên nhân đó, thì nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Thực tiễn ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu những thập kỷ cuối thế kỷ XX cho thấy: nếu ban lãnh đạo các Đảng cộng sản không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, giữ vững vai trò lãnh đạo xã hội; quần chúng nhân dân và lực lượng vũ trang kiên quyết bảo vệ đảng, nhà nước và chế độ XHCN thì các thế lực thù địch không thể xóa bỏ được chế độ XHCN. Đúng như V.I. Lênin đã căn dặn: không ai có thể đánh đổ được chúng ta, trừ chính những sai lầm của chúng ta. Như vậy, cần phải thống nhất nhận thức: phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực chất là phòng ngừa, triệt tiêu nguyên nhân chủ quan dẫn đến thoái hóa, biến chất là vấn đề có ý nghĩa sống còn.

Hiện nay, tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, rơi vào chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, cá nhân ích kỷ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc… như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI chỉ ra, là những biểu hiện cụ thể của một bộ phận cán bộ, đảng viên bị thoái hóa, cũng là những biểu hiện cụ thể của nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong nội bộ của Đảng. Do đó, cuộc đấu tranh phòng, chống “DBHB” và ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó chặt chẽ với nhau; trong đó, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta giữ vai trò quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh phòng chống “DBHB”.

Nhận thức rõ điều đó, Đảng ta chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng… Trong nội bộ những biểu hiện xa rời mục tiêu của CNXH, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có những diễn biến phức tạp”(1). Bởi vậy, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, không những đã tập trung phân tích làm rõ nguyên nhân của tình trạng đó, mà còn xác định mục tiêu, phương châm, giải pháp để khắc phục. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những biểu hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên, thể hiện ở chỗ: Phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN; dao động, thiếu niềm tin, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức sai, quan điểm lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng... Sự suy thoái về đạo đức, lối sống gắn liền với tư tưởng thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; phong cách quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân; lối sống xa hoa, hưởng lạc… trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đó là, sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân; ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm; bất chấp đạo lý, dư luận; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm của một bộ phận cán bộ, đảng viên; nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý không gương mẫu, nói không đi đôi với làm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét