Chuyện của
Trần Dân Tiên kể: Đầu năm 1911 ở Sài Gòn, anh Thành nói với người bạn là anh
Lê: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ
làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Sau đó anh Thành lấy
tên là Văn Ba xin làm phụ bếp cho tàu của hãng “Vận tải hợp nhất” từ cảng Sài
Gòn đi sang Pháp và các nước - Ngày ấy là 5/6/1911.
Hành trình
của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh suốt 58 năm về sau
là hành trình lịch sử tìm con đường cứu nước cho dân tộc và viết tên đất nước
Việt Nam trên bản đồ thế giới, xây dựng nền dân chủ cộng hòa và kháng chiến bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc;
nhưng Bác Hồ không có một lần thứ hai trở lại Nam bộ - miền Nam. Nhà thơ Tố Hữu
trong bài thơ Bác ơi viết năm 1969, đã nói hộ tấm lòng của Bác đối với miền
Nam, cũng là tấm lòng của đồng bào miền Nam đối với Bác: “Bác nhớ miền Nam, nỗi
nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”.
Mười năm
bôn ba với khát vọng cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc
tôi”; rồi 10 năm truyền bá con đường cách mạng vô sản về Việt Nam; lãnh tụ Nguyễn
Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng Cộng sản Việt Nam phải 15 năm chuẩn bị
lực lượng và điều kiện để chớp thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay
nhân dân, “Tự ta giải phóng cho ta” và tái sinh dân tộc để khai sinh ra nước Việt
Nam dân chủ cộng hòa.
Nước được
độc lập, dân được tự do, nhưng thực dân đế quốc gây chiến tranh xâm lược, phá
hoại hòa bình, chia cắt đất nước, buộc nhân dân Việt Nam phải đứng lên kháng
chiến, đồng bào miền Nam phải liên tục 30 năm đấu tranh… Chủ tịch Hồ Chí Minh
trăn trở: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một
ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.
Ngày
31/5/1946, trước khi lên đường sang Pháp tìm giải pháp cứu vãn hòa bình ở Việt
Nam, Bác Hồ gửi thư cho đồng bào Nam bộ khẳng định: “Đồng bào Nam bộ là dân nước
Việt Nam” và tin tưởng: “Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể
nhân dân, Nam bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc”. Tại
Hội nghị Việt - Pháp ở Fontainebleau, Người tuyên bố: “Nam bộ là máu của máu Việt
Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy
không bao giờ thay đổi”.
Trong cuộc
kháng chiến trường kỳ, Người kêu gọi nhân dịp kỷ niệm 6 năm Ngày Nam bộ kháng
chiến (1952) và bày tỏ: “Dù ở xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam bộ.
Tôi theo dõi từng giờ, từng phút cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào, chiến sĩ
và cán bộ ta”. Kết thúc cuộc kháng chiến lần thứ nhất, đất nước lại bị chia cắt,
Bác viết thư gửi bộ đội và gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc (9/1954)
phác ra tiến trình: “Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện,
độc lập dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó rất có
thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”.
Cuộc kháng
chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ và gian khổ, đồng bào miền Nam vẫn là người
“Đi trước về sau”. Bác chúc mừng năm mới ngày 1/1/1956 và khen: “Miền Nam yêu
quý của chúng ta luôn xứng đáng là “Thành đồng Tổ quốc””. Các cán bộ tập kết
đem theo cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác trồng
cây vú sữa ngay cạnh ngôi nhà ở góc vườn Phủ Chủ tịch. Khi chuyển về ở và làm
việc tại nhà sàn, Người cho chuyển cây vú sữa về trồng cạnh nhà sàn để hàng
ngày Bác chăm sóc và luôn cảm thấy gần đồng bào chiến sĩ miền Nam.
Chủ tịch Hồ
Chí Minh luôn nghĩ: "Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi
đau khổ riêng. Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành
nỗi đau khổ của tôi". Bác tâm sự: "Quê mình ở Nam Đàn, Nghệ An, nhưng
mẹ mình mất ở xứ Huế, cha mình mất ở Cao Lãnh. Quê mình trải dài đất nước, ở những
nơi như Phan Thiết, Sài Gòn trước lúc ra nước ngoài, mình đã từng sống và từng
đến nơi. Nhưng nay về nước đã bao nǎm rồi, mà mình vẫn chưa về đến chốn"..
Năm 1962,
Bác vui mừng được gặp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam do
giáo sư Nguyễn Vǎn Hiếu dẫn đầu ra thǎm miền Bắc. Bác nhận quà quý của đồng bào
miền Nam và Người đặt bàn tay lên ngực trái rồi cảm động nói: "Bác chẳng
có gì tặng lại cả, chỉ có cái này: Miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim
tôi".
Năm 1963,
Quốc hội quyết định trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Sao Vàng; Bác đã
cảm ơn Quốc hội và đề nghị cho phép chưa nhận phần thưởng cao quý, “Chờ đến
ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc - Nam sum
họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương
cao quý. Như vậy thì toàn dân sẽ sung sướng, vui mừng”. Năm đó, trong bữa cơm với
Thượng tướng Trần Văn Trà trước khi vào Nam chiến đấu, Bác gửi hộp xì-gà quà
quý của Chủ tịch Phiđen Caxtơrô tặng và nói: “Bác gửi chú món quà này mang về
cho anh em trong đó hút để nhớ Bác và nhớ đến Cu Ba anh em. Cố gắng giải phóng
nhanh để Bác được vào thăm đồng bào miền Nam”.
Nǎm 1965,
gặp đoàn anh hùng dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, cả đoàn đều khóc vì sung
sướng, cảm động và vây quanh Bác; Người xúc động nói: “Bác mong các cháu lắm,
Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm”. Bác hỏi chuyện chiến trường và được biết tâm tư
của đồng bào cán bộ chiến sĩ miền Nam “không sợ gian khổ, không sợ chết mà chỉ
sợ một điều… sau này không được nhìn thấy Bác”. Vừa nghe xong, Bác trào dâng nước
mắt, khóc vì thương nhớ miền Nam.
Bác tự rèn
luyện sức khỏe và đề nghị Bộ Chính trị thu xếp cho Bác đi vào miền Nam với quyết
tâm “Nếu không có đường nào khác thì tổ chức cho tôi đi bộ. Các chú đi được thì
tôi đi được. Đi mỗi ngày một ít”. Chiến tranh ác liệt và đường đi khó khăn,
nhưng Bác thuyết phục “Đi thǎm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm
anh em...”. Cán bộ chiến sĩ miền Nam ra Bắc đều được vào nhà sàn và ăn cơm với
Bác. Người dặn xúc cơm cho thật đầy bát và ăn cho hết thức ăn; riêng Bác cũng cố
gắng ăn hai bát cơm để mọi người tin rằng Bác vẫn khỏe và đồng bào miền Nam yên
tâm. Ngày 5/8/1969 Đoàn liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền
Nam do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch ra Bắc vào thăm Chủ tịch Hồ Chí
Minh, Bác rất vui mừng nêu rõ ý chí: “Phải tiếp tục đánh mạnh, đánh đau, đánh đến
khi Mỹ - Nguỵ thất bại hoàn toàn, cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng”.
Tháng
8/1969, Bác trên giường bệnh nhưng vẫn nghe báo cáo tình hình chiến trường, vẫn
theo dõi bản đồ chiến sự miền Nam. Chiếc đài bán dẫn là chiến lợi phẩm thu được
ở trận Phước Thành tháng 9/1961 gửi ra biếu Bác, hàng ngày là người cung cấp
tin tức trong nước, tin thế giới và tin chiến trường miền Nam. Có hôm Bác mệt
và muốn uống nước dừa từ cây dừa giống ở miền Nam gửi ra, đồng chí phục vụ hái
dừa từ cây dừa được Bác chăm bón, Bác nhấp chút nước dừa ngọt mát và như cảm thấy
ấm lành hơn. Mỗi khi tỉnh dậy sau cơn mệt nặng, bao giờ Bác cũng hỏi tin tức về
miền Nam.
Làm Chủ tịch
nước, Bác càng nặng lòng và dành cho đồng bào miền Nam những tình cảm thiêng
liêng, cao quý, luôn mong muốn đất nước thống nhất với ý định “đến ngày đó tôi
sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc”, được vào thăm nhân dân miền Nam. Nhưng ngày đó
không bao giờ đến được với Bác, vì lúc 9:47 phút ngày 2/9/1969 Người đã vĩnh biệt
cõi trần để “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”.
Nghe tin
Bác mất, cả nước cuộn niềm đau thương, cả miền Nam cồn cào thương tiếc. Người
dân Nam bộ bất chấp bom đạn, hiểm nguy đã lập bàn thờ để tưởng nhớ Bác ngay
trong các vùng địch tạm chiếm; giữa đô thành Sài Gòn có các anh em xích lô sắp
hàng ngồi mặc niệm tưởng nhớ Bác. Nhân dân vùng giải phóng lập bàn thờ ngay tại
mỗi gia đình để dành cả tấm lòng cho Bác; đồng bào Pa Kô, Vân Kiều ở Thừa Thiên
- Huế làm lễ để tang Bác, rồi theo gương Anh hùng Hồ Đức Vai lấy họ của Bác Hồ
đặt họ cho mình…
Bác từng mong ước: “Bao giờ Nam - Bắc một nhà/ Dân giàu nước mạnh thì ta vui lòng”. Ngày 30/4/1975 cả dân tộc cùng hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Và mỗi tháng Năm kỷ niệm ngày sinh của Bác từ ấy đến nay, cả đất nước lại trào dâng lòng thành kính nhớ Bác khôn nguôi./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét