Trong
suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, Chủ tịch Hồ
Chí Minh luôn quan tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư
tưởng, tổ chức và đạo đức. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng phải là đạo đức, là
văn minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi
mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn đề cao ý thức tự giác
tự phê bình, phải chủ động, tự giác kiểm thảo, tự nhận trách nhiệm của tập thể
và cá nhân trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, gắn trách nhiệm của cá
nhân với trách nhiệm của tập thể. Người nói: Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên hằng
ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt.
Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng. Hồ
Chí Minh là tấm gương sáng ngời về thực hành tự phê bình và phê bình. Mọi suy
nghĩ và hành động của Người, trong đó có việc phê bình và tự phê bình, đều xuất
phát từ mục tiêu giản dị: tất cả vì con người và vì hạnh phúc của mọi người.
Trong quá trình công tác, có một số cán bộ, đảng viên, kể cả người
giữ cương vị cao mắc phải sai lầm, khuyết điểm, thậm chí phạm phải những khuyết
điểm, vi phạm nghiêm trọng. Điều quan trọng là khi mắc phải sai lầm, khuyết
điểm đó, cấp ủy, tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên phải nêu cao ý thức tự giác
nhận rõ sai lầm, khuyết điểm, vi phạm, chủ động tự giác nhận trách nhiệm của
tập thể, cá nhân, đề ra cách sửa chữa, khắc phục phù hợp, phấn đấu vươn lên.
Khi cần thiết phải công khai xin lỗi, sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm
đó trước quốc dân, đồng bào để mong đồng bào tha thứ. Trong cải cách ruộng đất,
Đảng, Chính phủ đã mắc phải những sai lầm, khuyết điểm, Trung ương tự phê bình,
đồng chí Trường Chinh từ chức Tổng Bí thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh với cương vị là
người đứng đầu Đảng, Chính phủ tự giác nhận khuyết điểm, sai lầm đó và đã được
quốc dân, đồng bào tha thứ. Vì thế, uy tín của Đảng, của Chính phủ, của cán bộ,
đảng viên không những không giảm sút mà còn được nâng lên.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, còn một bộ phận cấp ủy, tổ chức
đảng và một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sa vào chủ nghĩa cá nhân vị
kỷ, cơ hội thực dụng, tham nhũng, lãng phí, “tư duy nhiệm kỳ và bệnh thành
tích”, “lợi ích nhóm”, quên đi bổn phận với Đảng, với nhân dân, với dân tộc.
Tình trạng tham nhũng chính trị, tham nhũng cơ chế, chính sách, tham nhũng
quyền lực thông qua việc tác động, can thiệp để “chạy”, hoặc “bắc thang cho
trèo”, hoặc “nâng đỡ không trong sáng” vào những chức vụ, những vị trí quan
trọng, có nhiều thuận lợi, cơ hội thăng tiến và thu được nhiều lợi ích, bất
chấp tiêu chuẩn, điều kiện không đúng, không đủ quy trình, sai thủ tục, không
bảo đảm diễn ra ngày càng tinh vi. Dẫn đến hậu quả chỉ tìm được người thân,
người nhà, người chịu “chạy”, "người có bề dày cung tiến", người
thiếu đức, kém tài; gây nhiều hậu quả trong công tác tổ chức, cán bộ, công tác
lãnh đạo, quản lý, điều hành; làm cho công tác cán bộ là khâu then chốt của
then chốt đang là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế
độ, làm giảm sút niềm tin của nhân dân.
Điều đáng lo ngại là khi mắc phải những khuyết điểm, vi phạm, đã
chót “nhúng chàm” đã có những cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên không tự
giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm và không chủ động có biện pháp sửa
chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên. Thậm chí còn tìm mọi cách để tiêu hủy, hợp
pháp hóa chứng cứ, hồ sơ, tài liệu, bưng bít thông tin, che giấu khuyết điểm,
vi phạm, tìm cách mua chuộc, đe dọa, trả thù và trù dập người đấu tranh phê
bình, tố cáo đúng, hoặc nhờ can thiệp, tác động tổ chức, cá nhân có thẩm quyền
kiểm tra, thanh tra,… xem xét, xử lý. Khi cấp ủy, ủy ban kiểm tra có thẩm quyền
qua kiểm tra đã kết luận có khuyết điểm, vi phạm, yêu cầu kiểm điểm, tự phê
bình, tự kiểm tra, tự nhận hoặc đề xuất hình thức kỷ luật thì còn không ít cấp
ủy, ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên không tự giác nhận
khuyết điểm, vi phạm, chưa tự nhận trách nhiệm. Một số cấp ủy, ban thường vụ
cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên còn quanh co, đổ lỗi cho khách quan,
cho người khác, cho cấp dưới hoặc cấp trên; chỉ nêu ưu điểm, kết quả, thành
tích, quá trình cống hiến hoặc chỉ nhận những khuyết điểm, vi phạm nhỏ, thứ
yếu, chối bỏ khuyết điểm, vi phạm chính, gây hậu quả rất nghiêm trọng... để đề
nghị được minh oan, xem xét giảm mức độ, hình thức xử lý. Tổ chức đảng có
khuyết điểm, vi phạm cũng không tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm
của tập thể và gắn với trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của từng cá nhân, trong
đó có cả người đứng đầu, cán bộ chủ chốt có khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm
trọng, phải xử lý ở mức độ, hình thức cách chức hoặc khai trừ ra khỏi Đảng.
Và
còn tình trạng tổ chức đảng quản lý nhận thức chưa đúng, không nêu cao ý thức
phê bình, góp ý chân thành, thẳng thắn để giúp cho tổ chức đảng hoặc cán bộ,
đảng viên có khuyết điểm, vi phạm kiểm điểm, tự phê bình nghiêm túc, cầu thị,
tự giác nhận trách nhiệm, hình thức xử lý kỷ luật phù hợp, từ đó bỏ phiếu quyết
định hoặc đề nghị hình thức kỷ luật theo thẩm quyền được chính xác. Có cấp ủy,
tổ chức đảng không thấy được trách nhiệm của tổ chức mình trong việc động viên,
thuyết phục tổ chức đảng cấp dưới, cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm tự
giác kiểm điểm, nhận trách nhiệm, hình thức xử lý phù hợp, mà còn bao biện, che
giấu, xin hoặc đề nghị không xử lý, xử lý kỷ luật nhẹ hơn; sợ ảnh hưởng đến
truyền thống, đến phong trào chung và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của
địa phương, đơn vị... Đó là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” của tổ chức đảng và của một bộ phận cán bộ, đảng
viên với các hình thức, mức độ khác nhau.
Các vụ việc vi phạm, sai phạm thời gian qua ở một số bộ, ngành,
tập đoàn và địa phương cấp tỉnh, hầu hết các tổ chức đảng, đảng viên được kiểm
tra, kể cả cán bộ cao cấp chưa tự giác kiểm điểm, tự kiểm tra, nhận trách nhiệm
và hình thức kỷ luật đúng với nội dung, tính chất, mức độ, tác hại và nguyên
nhân vi phạm. Tổ chức đảng tính chiến đấu kém, không đề nghị hoặc đề nghị hình
thức kỷ luật đối với đảng viên được kiểm tra thấp, chưa đúng với mức lỗi phạm,
gây bức xúc trong dư luận. Song, cũng đã xuất hiện một số trường hợp cán bộ
được kiểm tra đã tự giác kiểm điểm, tự nhận trách nhiệm về khuyết điểm, vi phạm
và nhận hình thức kỷ luật. Tổ chức đảng nơi đảng viên công tác, sinh hoạt cũng
đã nhận thức đúng, nêu cao trách nhiệm trong việc phê bình, góp ý kiến về
khuyết điểm, vi phạm của đồng chí mình và bỏ phiếu đề nghị hình thức kỷ luật
đúng với kết luận của tổ chức đảng có thẩm quyền.
Về vấn đề này, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú
Trọng đã nhiều lần đề cập trong bối cảnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời
gian qua, bên cạnh kết quả, thành tích đã đạt được, cũng còn những khuyết điểm,
hạn chế, yếu kém, thậm chí là vi phạm của một số cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy,
tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Cần phải chủ động giám sát, kiểm tra để phát
hiện, phòng ngừa, ngăn chặn từ khi còn manh nha, không để xảy ra khuyết điểm,
vi phạm là quan trọng nhất để vừa không mất cán bộ, vừa không hỏng công việc,
không ảnh hưởng đến sự phát triển của Đảng, của đất nước. Còn việc phải kiểm
tra, xử lý kỷ luật một số cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ,
đảng viên có khuyết điểm, vi phạm thì không “thích thú gì”, là việc “cực chẳng
đã”. Tuy nhiên, để đề cao sự cảnh tỉnh, răn đe, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật,
sự trong sạch, vững mạnh sự phát triển của Đảng thì cần phải xử lý kỷ luật “một
vài người để cứu muôn người” là việc cần thiết nhằm khắc phục tình trạng “trên
nóng, dưới lạnh”, “trên khởi động, dưới chậm chuyển động”. Điều quan trọng
không phải xử lý kỷ luật “thật nhiều, thật nặng” đối với tổ chức đảng và cán
bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm, mà xử lý phải “thấu tình, đạt lý”, khiến
đối tượng bị kiểm tra, xử lý phải phải thực sự “tâm phục, khẩu phục”, phải bảo
đảm “công minh, chính xác, kịp thời”, có tính giáo dục, phòng ngừa, răn đe
chung và có “tính nhân văn cao” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Sau thành công tốt đẹp của Đại hội XIII, để nêu cao tinh thần tự
phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh và tiến tới thực hiện văn hóa tự giác tự phê
bình, “tự soi”, “tự nhận khuyết điểm vi phạm”, “tự nhận trách nhiệm”, “tự xử”
của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên qua kiểm tra
có khuyết điểm, vi phạm, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số nội
dung sau:
Thứ nhất, tăng
cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho cấp ủy, tổ chức
đảng, cán bộ, đảng viên thấy được trách nhiệm của mình cả khi là chủ thể kiểm
tra, khi là đối tượng kiểm tra và khi là đối tượng có liên quan (phối hợp, tham
gia, chỉ đạo...) trong quá trình kiểm tra để thực hiện đúng trách nhiệm và thẩm
quyền hoặc trách nhiệm và quyền của mình. Từ đó giúp cho quá trình kiểm tra trở
thành tự kiểm tra, tự phê bình và phê bình sâu sắc để bảo đảm chất lượng, hiệu
lực, hiệu quả của kiểm tra. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến tư tưởng Hồ Chí
Minh về tự phê bình và phê bình trong Đảng nói chung, trong công tác kiểm tra,
giám sát, kỷ luật nói riêng. Đồng thời, tuyên truyền tính nhân văn theo tư tưởng
Hồ Chí Minh trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật để cán bộ, đảng viên học
tập, thấm nhuần, thực hiện đúng quy định cả khi là chủ thể, cả khi là đối tượng
kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả
kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững
mạnh, là đạo đức, là văn minh.
Thứ hai, chủ thể kiểm tra phải có biện
pháp khơi gợi, động viên, thuyết phục, cảm hóa đối tượng kiểm tra tin tưởng vào
sự kiểm tra của tổ chức đảng để chủ động cộng tác, phối hợp, chấp hành nghiêm
yêu cầu kiểm tra, quá trình thực hiện quy trình, thủ tục thi hành kỷ luật khi
có khuyết điểm, vi phạm để bảo đảm nâng cao tính chủ động tự giác kiểm điểm, tự
phê bình, tự kiểm tra, tự nhận trách nhiệm và hình thức xử lý thích hợp (tức là
nâng cao văn hóa tự xử).
Thứ ba, tổ chức đảng phải nêu cao
trách nhiệm trong việc động viên, thuyết phục, tạo điều kiện cho tổ chức đảng
cấp dưới, đảng viên chấp hành nghiêm yêu cầu của chủ thể kiểm tra; đồng thời,
phải nêu cao trách nhiệm trong việc tự phê bình, góp ý cho tổ chức đảng cấp
dưới, cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm. Qua đó, giúp cho tổ chức đảng
cấp dưới, cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm chuyển biến nhận thức, biến
quá trình kiểm tra thành tự kiểm tra, tự phê bình, tự nhận trách nhiệm và hình
thức xử lý kỷ luật phù hợp.
Thứ tư, từng
cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt,
đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy khi có khuyết điểm, vi phạm, phải có nhận
thức đúng, nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động tự giác kiểm điểm, tự kiểm tra,
tự phê bình về khuyết điểm, vi phạm, từ đó tự nhận trách nhiệm, mức độ, hình
thức xử lý thích hợp. Khắc phục tình trạng thiếu tự giác, thiếu trung thực,
không thành khẩn, quanh co, chối tội, đổ lỗi cho khách quan, cho người khác,
cho tập thể, cho cấp dưới hoặc cho cấp trên.
Thứ năm, tăng cường tuyên truyền,
phổ biến những vụ việc, trong đó cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có
khuyết điểm, vi phạm đã chủ động tự giác kiểm điểm, tự phê bình, tự kiểm tra,
tự nhận trách nhiệm và hình thức xử lý thích hợp, khắc phục khuyết điểm, vi
phạm, hậu quả đã gây ra. Đôn đốc, tạo điều kiện cho đối tượng có khuyết điểm,
vi phạm thực hiện đúng kết luận kiểm tra, quyết định xử lý kỷ luật, khắc phục
hậu quả, phấn đấu vươn lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét