Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

NÂNG CAO CẢNH GIÁC, KỊP THỜI NGĂN CHẶN ÂM MƯU CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LỢI DỤNG MẠNG INTERNET KÍCH ĐỘNG PHÁ HOẠI AN NINH TRẬT TỰ XÃ HỘI

 Những năm qua, sự phát triển nhanh chóng của internet, mạng xã hội đã đem lại những lợi ích không thể phủ nhận; từng bước khẳng định vai trò thiết yếu trong đời sống xã hội, trở thành môi trường cung cấp, chia sẻ, trao đổi, khai thác sử dụng thông tin cho mọi người và đang thâm nhập vào cuộc sống của con người trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, internet, mạng xã hội cũng bộc lộ những mặt trái và hệ lụy của nó đối với sự phát triển của đất nước ta, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, lực lượng chống cộng cực đoan ở nước ngoài,… triệt để lợi dụng internet và các trang mạng xã hội để tán phát các tin, bài, videoclip có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước ta với sự gia tăng cả về cấp độ, mật độ, tần suất và lưu lượng tin, bài,… nhằm tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, chống phá ta một cách quyết liệt.

Nổi lên một số thủ đoạn mới đáng chú ý là: Thực hiện Live stream trực tiếp để kêu gọi cộng đồng mạng can thiệp vào nội bộ hoặc tham gia bình luận trái chiều trên mạng xã hội. Chúng phát videoclip trực tiếp về một sự việc do chúng dựng lên hoặc “lên sóng” trực tiếp trên mạng xã hội để tạo “diễn đàn” kêu gọi mọi người tham gia bình luận về một vấn đề “nóng” liên quan đến các cuộc biểu tình, khiếu kiện của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan công quyền được dư luận xã hội quan tâm. Chủ đề chúng chọn thường là các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi thiết thực, bức xúc của người dân. Qua đó, chúng kêu gọi sự can thiệp của quốc tế và các tổ chức phản động vào Việt Nam, hoặc chúng lồng ghép quan điểm cá nhân, bình luận xuyên tạc, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, kêu gọi sự “phụ họa” của các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị tham gia bình luận, chia sẻ, xuyên tạc dựng chuyện Đảng ta đang bất ổn, Nhà nước bị chia rẽ cục bộ, một hình ảnh quân đội yếu đuối, công an tham nhũng, v.v.

Sử dụng “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng. Chúng lợi dụng việc báo chí chính thống trong nước đưa tin một số vấn đề cụ thể nào đó, có thể bị chậm trễ, để phát tán ồ ạt, trực tiếp những tin, bài xuyên tạc, bóp méo sự thật, thông qua những tiêu đề “giật gân”, “câu khách” về vấn đề dư luận đang quan tâm, nhất là vấn đề liên quan đến nội bộ Đảng, Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực dưới các dạng như: thông tin sự việc, đặt câu hỏi, bỏ ngỏ vấn đề để bạn đọc suy ngẫm, với những thông tin trộn lẫn thật giả, gây tâm lý hoang mang, bán tín, bán nghi, v.v.

Làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới để chống phá. Thông tin cũ được lựa chọn để “làm mới” và “thông tin mới được lựa chọn để bịa đặt” thường là những đoạn videoclip hoặc hình ảnh có liên quan đến các vấn đề liên quan đến dân chủ… do chúng tạo dựng nên hoặc các vụ việc đã được xử lý, giải quyết từ lâu nhưng chúng đưa ra “làm mới”; hoặc những thông tin mới, mặc dù đã có kết luận của các cơ quan chức năng nhưng chúng bịa đặt, xuyên tạc, bình luận một chiều. Qua đó, chúng đánh vào tâm lý lo lắng, sợ hãi trong nhân dân qua đó, gây dư luận trái chiều trong xã hội.

Để ngăn chặn, hạn chế tác động tiêu cực của những thủ đoạn trên cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trước các thông tin xấu độc của các thế lực thù địch. Tập trung tuyên truyền làm rõ thực chất đằng sau luận điệu của các thế lực thù địch; đâu là thủ đoạn mới, tính chất nguy hại của nó là gì? để đấu tranh ngăn chặn, hạn chế tác động tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân cần tiến hành các biện pháp gì, v.v. Qua đó, tạo sức “đề kháng”, khả năng “tự miễn dịch” đối với các tổ chức và cá nhân trước các thông tin xấu độc của các thế lực thù địch; trang bị cho họ những kỹ năng nhận biết và các giải pháp cơ bản để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn.

Phát huy vai trò của các cơ quan chức năng cung cấp thông tin có định hướng rõ ràng. Các cơ quan tuyên giáo, thông tin truyền thông từ Trung ương đến cơ sở cần phát huy tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí trong cung cấp, định hướng thông tin, bảo đảm thông tin một nguồn, một chiều, nhanh, chính xác, kịp thời; khắc phục “khoảng trống” hoặc sự chậm trễ trong cung cấp thông tin,… làm sao để thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước thường xuyên, kịp thời đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, luôn giữ vai trò chủ đạo, “dòng chủ lưu” trong định hướng dư luận xã hội.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, lực lượng trong đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp, phân rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp. Đồng thời, có chính sách động viên, khích lệ phù hợp, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ, công cụ, phương tiện phù hợp để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh.

Kết hợp chặt chẽ các nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức đấu tranh phù hợp với thực tiễn tình hình. Cần kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh công khai trên báo chí với đấu tranh trực diện trên internet, mạng xã hội; giữa đấu tranh ngăn chặn sự tác động chuyển hóa từ bên ngoài với giữ vững sự ổn định từ bên trong nội bộ; giữa đấu tranh chính trị với sử dụng các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để ngăn chặn, bóc gỡ, vô hiệu hóa một số trang mạng, blog, Facebook phản động,… nhằm tạo ra một thế trận vững chắc trong tổ chức đấu tranh trên không gian mạng hiện nay.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét