Như chúng ta đã biết, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày
1-1-2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát
triển kinh tế xã-hội (KT-XH) và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 đã xác
định: “Tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu
kép", vừa phòng, chống dịch (PCD) bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục
hồi và phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới...”. Đây
là nội dung thể hiện phương châm hành động và trọng tâm chỉ đạo, điều hành của
Chính phủ trong năm 2021, là quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Trước
và trong thời gian diễn ra Đại hội XIII của Đảng, không ít phương tiện truyền
thông phát tiếng Việt ở hải ngoại và trang cá nhân của nhiều đối tượng cực đoan
trên mạng xã hội (MXH) rộ lên những thông tin nhiễu loạn, xuyên tạc về nhân sự,
các nội dung văn kiện, Điều lệ Đảng và công tác tổ chức đại hội... nhằm mưu đồ
phá hoại. Đến nay, cơn “bão” thông tin xấu độc nhằm vào Đại hội XIII của Đảng
gần như tắt ngấm. Sự thành công rất tốt đẹp Đại hội XIII của Đảng chính là bằng
chứng thuyết phục nhất đẩy lùi, chặn đứng những luận điệu xuyên tạc của các thế
lực thù địch và phần tử cơ hội, phản động. Qua đó giúp chúng ta thêm một lần
nữa thấy rõ hơn âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Với chiêu
bài bám vào dòng thời sự chủ lưu, diễn biến tình hình đời sống KT-XH trong nước
và những biến động trong môi trường quốc tế, các thế lực thù địch tạo cớ theo
kiểu “mượn gió để gây bão”. Khi “gió” đã thành “bão” thì nhân cơ hội “bẻ măng”.
Chiêu bài không mới nhưng luôn tỏ ra đắc dụng trong không ít trường hợp, vì vậy
nó luôn được áp dụng ở những mức độ, phạm vi, quy mô khác nhau, tùy theo diễn
biến của tình hình.
Đại hội XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp tạo nên bầu không khí phấn khởi,
lạc quan, tin tưởng bao trùm lên đời sống xã hội của toàn dân và kiều bào yêu
nước khắp nơi trên thế giới. Khí thế thi đua mừng xuân, mừng Đảng, mừng Đại hội
XIII thành công diễn ra sôi nổi, rộng khắp, tạo nên xung lực mới cho toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân ta. Hiện thực sống động ấy khiến những phần tử cơ hội,
chống đối không khỏi cay cú, nên lập tức chuyển hướng tuyên truyền, kích động
chống phá. Dịch Covid-19 tái bùng phát ở một số địa phương thời điểm giáp Tết
Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến nay chính là cái cớ để các thế lực thù địch bám
vào. Bắt đầu là việc tung tin thất thiệt về dịch bệnh nhằm gây tâm lý hoang
mang, lo ngại trong cộng đồng; tiếp đó, thông qua các hình thức như “đối
thoại”, “phỏng vấn”, “bàn tròn”, “trực tuyến”, “luận bàn”... nhiều đối tượng và
nhóm đối tượng ra sức thực hiện các sản phẩm truyền thông xuyên tạc. Những clip
được thực hiện với cái gọi là “sự thật”, “khách quan”... thực chất chỉ là trò
đánh tráo khái niệm, bóng gió, ám chỉ, lấy các sự việc, sự kiện liên quan đến
dịch bệnh và những khó khăn của một số lĩnh vực trong nền kinh tế để công kích,
xuyên tạc nghị quyết của Chính phủ, đường lối, chủ trương của Đảng.
Để tăng độ "nóng" cho các luận điệu xuyên tạc, một bộ phận truyền
thông phát tiếng Việt ở hải ngoại tiếp tục lôi kéo, sử dụng các đối tượng bất
mãn, có tư tưởng chống đối trong nước và tâng bốc họ bằng các loại danh xưng tự
phong, như: “Nhà nghiên cứu”, “nhà dân chủ”, “nhà bất đồng chính kiến”, “nhà
đấu tranh dân chủ, nhân quyền”, “nhà hoạt động môi trường”, “chuyên gia của dân
oan”... Thông qua miệng lưỡi của các loại “nhà” này, họ cố tạo ra uy tín giả để
xuyên tạc luận điểm, ngụy tạo luận chứng, bịa đặt luận cứ... vẽ ra bức tranh
đen tối, tiêu cực về đời sống KT-XH để lèo lái dư luận. Tuy nhiên, khi vào
trang cá nhân trên MXH của một số loại “nhà” này thì thấy, không ít đối tượng
đã lợi dụng chiêu trò để đánh bóng tên tuổi, bán hàng online, kinh doanh kiếm
tiền. Mục tiêu của nhiều đối tượng dạng này là trở thành những “Kols” (Kols là
từ viết tắt của Key Opinions Leaders, nghĩa là những người có tầm ảnh hưởng lớn
trên cộng đồng mạng, thường được mời tham gia các chiến dịch truyền thông để
tạo sức lan tỏa). Lợi dụng quyền dân chủ và tự do ngôn luận, họ không ngừng
đánh bóng tên tuổi để trở thành “Kols”, xâm hại lợi ích quốc gia, ám chỉ, bịa
đặt, gây tổn hại uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân... Đây là chiêu trò rất
nguy hiểm. Một số đối tượng hoạt động vi phạm pháp luật, bị khởi tố, bắt tạm
giam để điều tra theo Điều 331 Bộ luật Hình sự thời gian gần đây, như: Trương
Châu Hữu Danh, Nguyễn Thị Bích Thủy (Bích Thủy TV), Phan Bùi Bảo Thi... chính
là những “Kols” dạng này. Sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng và
tính nghiêm minh của pháp luật đã có tác dụng răn đe, thức tỉnh nhiều người.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít đối tượng, vì nhiều lý do, vẫn tiếp tục bị lôi kéo,
dụ dỗ, thực hiện các hoạt động trên không gian mạng theo kiểu lấp lửng, giả giả
thật thật, u u minh minh, nhằm ám chỉ, bịa đặt, xâm hại quyền lợi, danh dự tổ
chức, cá nhân và lợi ích quốc gia, dân tộc. Đáng tiếc, từ những thông tin kiểu
dẫn dụ ấy, một số cá nhân, trong đó có cả một số người trong giới trí thức, văn
nghệ sĩ, hưu trí... lại cả tin hùa theo, phát ngôn thiếu suy nghĩ kiểu ngẫu
hứng. Không khó nhận ra chân tướng của những chiêu trò này để phân biệt đâu là
vàng, đâu là thau, đâu là hàng xi mạ bóng bẩy. Trong đối tượng có đối tác và
trong đối tác có đối tượng. Hãy nhìn cách họ thể hiện thái độ, bày tỏ quan điểm
cá nhân trên không gian mạng để chúng ta có cách ứng xử phù hợp. Cách tốt nhất
là cùng nhau tẩy chay, đấu tranh thẳng thắn với những đối tượng có hành vi lệch
lạc về tư tưởng, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời góp ý chân
thành, thẳng thắn với những cá nhân có biểu hiện dao động, bị lôi kéo, dụ dỗ.
Bảo vệ môi trường văn hóa tư tưởng lành mạnh, nhất là trên không gian mạng,
phải bắt đầu từ những việc làm mang tinh thần xây dựng, theo phương châm lấy
xây để chống.
Nghị
quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành đầu năm
2021 thể hiện quyết tâm cao, hành động quyết liệt, nhất quán thực hiện hiệu quả
mục tiêu kép, vừa PCD bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát
triển KT-XH. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ,
đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để
kích thích tổng cầu phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc
đẩy tăng trưởng; đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát,
bảo đảm các cân đối lớn. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô
hình tăng trưởng. Theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, kịp
thời dự báo và chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó hiệu
quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh. Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người
dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu
cực của dịch Covid-19. Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu năm 2021 là: Tốc độ tăng
tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người khoảng
3.700USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng
đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng
45-47%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%... Từ kinh nghiệm và
kết quả ứng phó, khống chế dịch Covid-19 trong năm 2020, toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân ta luôn có niềm tin vững chắc vào sự thành công trong nhiệm vụ PCD
Covid-19 từ đợt tái bùng phát này. Hiện chỉ còn tỉnh Hải Dương tình hình dịch
đang diễn biến phức tạp, còn ở những địa phương khác, hầu hết các ổ dịch đã
được khống chế hiệu quả. Thực hiện mục tiêu kép, các hoạt động sản xuất, kinh
doanh luôn được duy trì, phát triển trong trạng thái bình thường mới. Ở những
địa phương và những lĩnh vực kinh tế (nhất là khu vực nông nghiệp-nông thôn) ít
chịu tác động của dịch bệnh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh không những được giữ
vững mà còn tăng tốc phát triển mạnh mẽ. Hiệu quả vượt bậc của chiến lược tái
cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm, gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực
quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương
là một điển hình. Chiến lược tái cơ cấu này đã và đang tạo nên những bước đột
phá vượt bậc, đưa hàng loạt sản phẩm và vùng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tiếp
cận thị trường quốc tế, nâng cao năng suất, hiệu quả và đặc biệt là giá trị sản
phẩm cao gấp hàng chục lần so với sản xuất truyền thống trước đây.
Có
thể thấy, bên cạnh những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19
như: Kinh doanh du lịch, dịch vụ giải trí... nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh
tế đã biến khó khăn thành cơ hội để bứt phá vượt lên. Hoàn toàn không có chuyện
đời sống xã hội sẽ “toang”, nền kinh tế sẽ “sập” như những luận điệu xuyên tạc,
chống phá của các phần tử cực đoan, thế lực thù địch đã và đang rêu rao. Chúng
ta tin tưởng dịch Covid-19 ở Hải Dương và một số địa phương sẽ sớm được khống
chế. Những mục tiêu về KT-XH Chính phủ đề ra trong năm 2021 sẽ trở thành hiện
thực bằng sự kiên định, quyết liệt, đoàn kết, thống nhất thực hiện mục tiêu kép
trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và kiều bào yêu nước trên toàn cầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét