Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

Không thể xuyên tạc công tác nhân sự vì nỗi ám ảnh "vùng miền"




Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc được gần một tháng, nhưng đâu đó trên mạng xã hội vẫn có/còn những người bị ảm ảnh bởi câu chuyện “vùng miền” trong công tác nhân sự. Cũng giống như một số người khác, trong bài viết “Đại hội 13 đảng CSVN và trọng tội kỳ thị Nam-Bắc” của mình đăng trên Danlambao ngày 23/2/2021, luật sư Đào Tăng Dực (ĐTD) lại xuyên tạc công tác nhân sự của Đảng và bôi nhọ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi cho rằng: “Trình độ lý luận của Ông Nguyễn Phú Trọng là một vấn đề rất có thể tranh cãi”, “Tâm tư của TBT Nguyễn Phú Trọng đã phản ảnh một tâm trạng vô cùng nguy hiểm và mang tính hủy diệt cho dân tộc. Đó là tâm trạng kỳ thị Nam Bắc, tiềm tàng không phải riêng trong cá thể của TBT Nguyễn Phú Trọng mà trong toàn đảng CSVN”…


Không dừng ở đó, ĐTD còn thông qua số liệu của Trang Mạng WWW.Thanh Niên.VN để cho rằng: “Trong Đại hội 13, bản chất kỳ thị Nam Bắc này thể hiện rõ ràng qua thành phần lãnh đạo trong Ban Chấp hành Trung ương (BCHTU), Bộ Chính trị (BCT) và Tứ trụ triều đình mới của Đảng CSVN. Tứ trụ bao gồm các chức vụ Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch Nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội” và quy kết nào là “Một con số quá chênh lệch thiên về miền Bắc trong BCHTU vốn là cơ quan quyền lực cao nhất Đảng”; nào là “trong số các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII thì đa số cũng đến từ miền Bắc và miền Trung”; nào là “người miền Nam bị kỳ thị nặng nề và loại khỏi trung tâm quyền lực trong Đảng và nhà nước”…


Với bài viết này, cũng cần phải nói với ĐTD đôi điều thế này:


Thứ nhất: Thật ra câu chuyện “vùng miền” không mới và cũng chưa bao giờ cũ, bởi nó thường xuất hiện trước, trong và sau mỗi kỳ Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam những nhiệm kỳ gần đây; bởi căn bệnh/nỗi ám ảnh “vùng miền” này vốn là một dạng tâm thần mà người mắc không biết mình đã bị tâm thần giống như ĐTD và những anh hùng bàn phím “chém như đúng rồi”.


Công tác nhân sự của Đảng nói chung, nhân sự của Đại hội XIII nói riêng và tính đại diện, cơ cấu “vùng miền” vốn thu hút sự quan tâm của dư luận, thậm chí là từ rất sớm (từ khi Hội nghị Trung ương 8 khóa XII quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII, tháng 10/2018…). Hơn nữa, sự phát triển của mạng xã hội cho thấy việc “nhân sự” quan trọng này thu hút sự quan tâm của cả xã hội; trong đó có cả các thế lực thù địch, cơ hội.


Tuy nhiên, hẳn nếu có đọc và nghiên cứu về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam thì chắc ĐTD và những người có cùng chung nỗi ám ảnh “vùng miền” sẽ nhận thức được rằng:


1) Công tác nhân sự là một nội dung trọng yếu của Đảng/của mỗi kỳ Đại hội nên luôn được chú trọng, chuẩn bị, triển khai bài bản, đúng lộ trình, đúng quy định, cẩn trọng, công tâm, khách quan, khoa học nhằm không bỏ sót người tài, đức cũng như không để lọt vào các cơ quan lãnh đạo những người cơ hội, bợ đỡ, chạy chọt…


2) Công tác nhân sự không phải là ý muốn chủ quan của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mà là kết quả của một quá trình chuẩn bị chu đáo từ quy hoạch đến bầu cử; được tiểu ban nhân sự chuẩn bị kỹ lưỡng; được tiến hành từ Đại hội Đảng bộ các cấp đến Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Bộ Chính trị về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và Kết luận số 55-KL/TW ngày 15/8/2019 của Ban Bí thư về việc “Tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ, chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng”…


3) Việc bầu ra cơ quan lãnh đạo các cấp được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ nhằm tạo môi trường thực sự dân chủ trong quá trình chuẩn bị nhân sự và trong bầu cử tại Đại hội. Kết quả Đại hội XIII chính là minh chứng cho thấy trong công tác cán bộ, Đảng không chỉ chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương mà còn luôn tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để đổi mới công tác cán bộ và tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống và ngăn chặn để đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực.  


4) Việc bầu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và sau đó là 4 vị trí lãnh đạo chủ chốt/”Tứ trụ” được thực hiện đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trên tinh thần coi trọng chất lượng, số lượng và cơ cấu hợp lý. Đội ngũ cán bộ cấp cao này được sàng lọc kỹ qua nhiều cấp, nhiều vòng và những ai đủ tài, đức/hay nói cách khác là đủ tín nhiệm sẽ được các đại biểu dự Đại hội bầu và được nhân dân đồng tình ủng hộ, chứ không phải như ĐTD suy diễn là “phân tách rõ thành phần nhân sự trong các cơ cấu quyền lực trọng yếu này, tính kỳ thị Nam Bắc không thể chối cãi”.


Thứ hai: ĐTD khi viết “những tập thể hoặc cá nhân lãnh đạo biết vượt lên trên những kỳ thị thấp hèn, phe chiến thắng bao dung cho phe chiến bại, thì dân tộc của họ sẽ vươn lên. Những tập thể hoặc cá nhân lãnh đạo chìm đắm trong những kỳ thị và hận thù thấp hèn, thì dân tộc họ sẽ trôi lăn trong nghèo khổ và chết chóc” có khi nào tự hỏi mình đã làm được gì, đóng góp được gì cho Tổ quốc và nhân dân chưa mà hết hồ đồ nhận định đến nông nổi quy kết. Trong khi đó, chẳng thấy đồng bào miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”/anh dũng “đi trước về sau” trong những năm dài chiến tranh ác liệt và đang góp sức lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói gì/ca thán gì về công tác nhân sự của Đại hội mà chỉ thấy những người “thương vay khóc mướn” như ĐTD lên tiếng kêu la.


Hơn nữa, trong chức danh “tứ trụ” cũng mới có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được Đại hội tiếp tục bầu là Tổng Bí thư nhiệm kỳ XIII. Còn các chức danh Thủ tướng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội chưa bầu vậy mà ĐTD đã vội “làm nhân sự” như sau: “Thủ tướng Phạm Minh Chính (sinh quán Thanh Hóa) và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (sinh quán Nghệ An) đều đến từ miền Bắc. Riêng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (sinh quán Quảng Nam) từ miền Trung”…Rồi từ đó, ĐTD cho rằng đó là “hiện tương lạ lùng” trong Đại hội XIII.


Không chỉ dừng ở vấn đề nhân sự, âm mưu sâu xa của ĐTD vẫn là:


  1) Chống Đảng Cộng sản Việt Nam khi xuyên tạc sự thật rằng Đảng “chưa bao giờ danh chánh ngôn thuận nắm quyền qua một cuộc phổ thông đầu phiếu dân chủ thực sự công khai và công bằng” mà là “cướp chính quyền bằng bạo lực và dối trá. Sau đó duy trì quyền lực cũng bằng bạo lực và dối trá”.


2) Chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh khi viết “đảng CSVN đặt nền tảng trên một ý thức hệ ngoại lai, từ đầu óc bệnh hoạn của những tư tưởng gia Tây phương như Karl Marx và Engels, được nhồi nắn bởi Lênin, hoàn toàn nằm ngoài văn hóa và tình tự dân tộc Việt”.


 3) Kích động tâm lý cục bộ địa phương, “vùng miền”, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ sự thống nhất Bắc – Nam trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân khi viết: “Trong tâm thức của người CSVN họ là kẻ chiến thắng. Miền Bắc là công cụ đem lại cho họ chiến thắng, tức phe ta. Miền Nam là kẻ địch và kẻ chiến bại, phải bị cai trị qua sức lao động và thuế khóa” và “xé Hiệp định Paris và cướp được miền Nam năm 1975, họ xem nhân dân miền Nam và sự phồn thịnh nơi đây là những chiến lợi phẩm mà kẻ cướp có quyền tịch thu và hưởng dụng”.


 4) Thâm độc và đầy định kiến, ĐTD đã vin vào kết quả công tác nhân sự của Đại hội XIII mà bẻ cong ngòi bút, bẻ cong sự thật khi viết: “Chưa hề xem nhân dân miền Nam là thân thuộc của họ” và “chính vì thế ngoài sự kiện người miền Nam bị loại ra khỏi cấu trúc quyền lực, thì chính sách thuế khóa của CSVN luôn có mục tiêu chuyển nhượng tài sản nhân dân miền Nam qua miền Bắc. Tính mất cân bằng trong chính sách đầu tư hạ tầng cơ sở thiên lệch cho miền Bắc nhưng sử dụng tiền thuế của miền Nam là một ví dụ điển hình”.


Thật ra, bản chất của vấn đề không phải chỉ là vấn đề nhân sự mà vẫn cứ là đòi đa nguyên, đa Đảng đối lập ở Việt Nam, bởi: Dân chủ như ở Việt Nam không thể làm thỏa mãn cái tôi của ĐTD. Hệ thống pháp luật luôn được bổ sung và hoàn chỉnh ở Việt Nam nhằm đảm bảo cho mọi người dân ngày càng được thụ hưởng đầy đủ hơn về quyền con người và quyền công dân cũng vẫn không phải là nền dân chủ tư sản mà ĐTD mong muốn. Một ban lãnh đạo mới/những người đủ tiêu chuẩn đức, tài được Đại hội XIII tín nhiệm bầu ra, được nhân dân tin tưởng, trọn lòng ủng hộ cũng không làm vừa lòng được ĐTD.


Cho nên, cuối cùng thì ĐTD cũng lòi cái “đuôi cáo” của mình khi viết: “Chia rẽ đại khối dân tộc là một trọng tội mà Nguyễn Phú Trọng và bè lũ sẽ phải trả giá thật đắt khi lịch sử sang trang, trước một tòa án công khai và công bằng, trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên của dân tộc”.


Không chỉ chống phá Đảng, những luận điệu phản động này của ĐTD còn đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của dân tộc cần được mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao cảnh giác để nhận diện đúng, để không sa vào tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Phượng Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét