Ngày 24/2/1848, “Tuyên
ngôn của Đảng Cộng sản” - một văn kiện mang tính cương lĩnh, có giá trị
lịch sử quan trọng do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo theo sự ủy nhiệm của Liên
đoàn những người cộng sản được công bố lần đầu tiên tại Luân Đôn, giúp cho giai
cấp vô sản toàn thế giới và các chính đảng nhận thức rõ vị trí, vai trò, sứ
mệnh lịch sử và mục đích cao cả trong cuộc đấu tranh nhằm lật đổ giai cấp tư
sản và chủ nghĩa tư bản, đồng thời thiết lập địa vị thống trị của mình và xây
dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của Tuyên ngôn là C.Mác và Ph.Ăngghen đã
tiến hành luận chứng cho sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản. Theo
các ông, trong thời đại ngày nay, với tư cách là “sản phẩm của bản thân nền đại
công nghiệp”, giai cấp vô sản không chỉ trở thành “giai cấp đang nắm tương lai
trong tay”, mà còn là “giai cấp thực sự cách mạng” nhất và chính nền sản xuất
TBCN đã đưa họ lên địa vị đó, lên vũ đài lịch sử với tư cách lực lượng cách
mạng hùng hậu và không điều hòa với toàn bộ chế độ lao động làm thuê. Sự nghiệp
giải phóng giai cấp vô sản phải do chính giai cấp vô sản thực hiện. Song, giai
cấp vô sản tiến hành cách mạng nhằm lật đổ giai cấp tư sản và CNTB không chỉ vì
sự nghiệp giải phóng mình, mà còn thực hiện một sứ mệnh cao cả nữa, mang đậm
tính nhân văn cộng sản chủ nghĩa là giải phóng toàn thể nhân loại cần lao vĩnh
viễn thoát khỏi mọi ách áp bức, bóc lột.
Lịch sử phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã
cho thấy, những quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về sứ mệnh lịch sử của giai
cấp công nhân trong Tuyên ngôn thực sự là “vũ khí lý luận” sắc bén để giai cấp vô sản từng
bước bước lên vũ đài chính trị và khẳng định sứ mệnh lịch sử của mình, từng
bước hiện thực hóa lý tưởng chủ nghĩa xã hội trong đời sống xã hội và đạt được
những thành tựu to lớn. Mặc dù đã ra đời cách đây 173 năm nhưng Tuyên ngôn vẫn thể hiện ý nghĩa thời
đại rất sâu sắc.
Thời gian qua, trước những biến
động của lịch sử, các thế lực phản động và thù địch với nhiều thủ đoạn và luận
điệu khác nhau để hướng phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, như:
Họ cho rằng: trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, “trí
tuệ nhân tạo” khiến người máy đang dần thay thế con người, người lao động vốn
từ chỗ là chủ thể của quá trình sản xuất đang bị gạt ra bên lề quá trình sản
xuất ấy, trở thành nhân tố đóng vai trò thứ yếu. Do đó, họ cho rằng đã đến lúc
cần xem xét lại quan điểm của C.Mác về vai trò, vị trí trung tâm, có ý nghĩa
quyết định của người lao động trong hoạt động sản xuất vật chất.
Hoặc có quan điểm cho rằng, giai
cấp công nhân đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong thời kỳ cách mạng giải phóng
dân tộc. Ngày nay, trong điều kiện hòa bình, hội nhập, thời kỳ của các cuộc
cách mạng khoa học và công nghệ, vai trò đó phải thuộc về đội ngũ trí thức,
những nhà khoa học.
Có quan điểm cho rằng, trong xã
hội tư bản hiện đại, đời sống của giai cấp công nhân không còn cơ cực như
trước. Ở nhiều công ty, người công nhân đã có cổ phần, cổ phiếu nên họ không
còn là giai cấp vô sản nữa. Vì thế, mẫu thuẫn giữa giai cấp công nhân với giai
cấp tư sản cũng không còn mang tính chất đối kháng như trước đây. Vì thế, giai
cấp công nhân cũng không còn cần đến sứ mệnh lịch sử của mình là xóa bỏ chủ
nghĩa tư bản như C.Mác và Ph.Ăngghen đã từng khẳng định trong Tuyên ngôn…
Có thể
nhận thấy, các quan điểm trên đều căn cứ vào sự phát triển của xã hội hiện đại
mà thời của C.Mác và Ph.Ăngghen chưa có được để phủ nhận sứ mệnh lịch sử của
giai cấp công nhân.
Không thể phủ nhận những thành tựu của khoa
học công nghệ hiện đại đã giúp giải phóng người lao động không chỉ khỏi những
công việc nặng nhọc, những hoạt động cơ bắp, mà còn có thể thay thế cho cả
những hoạt động tinh vi, phức tạp. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người
lao động trở thành yếu tố thứ yếu, đứng bên ngoài quá trình sản xuất. Về thực
chất, khoa học công nghệ là sản phẩm của sự phát triển trí tuệ của con người.
Do con người sáng tạo và quyết định sử dụng theo mục đích của mình, dù năng
động và cách mạng đến mấy thì kỹ thuật, công nghệ hiện đại cũng chỉ là sản phẩm
do bàn tay và khối óc của con người làm ra và chịu sự điều khiển, giám sát của
con người, phụ thuộc vào những chương trình mà con người đã lập ra nên trong
bất cứ thời đại nào, kể cả thời đại của khoa học công nghệ hiện đại, người lao
động hay nói cụ thể hơn là giai cấp công nhân vẫn đóng vai trò quyết định hoạt
động sản xuất vật chất.
Ngày nay, mặc dù trí thức đang gia tăng nhanh
chóng về số lượng, ngay cả bản thân giai cấp công nhân cũng diễn ra xu hướng
trí thức hóa ngày càng mạnh mẽ nhưng điều đó không có nghĩa là tầng lớp trí
thức thay thế sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Bởi trí thức không đại
biểu cho một phương thức sản xuất, không phải là lực lượng kinh tế, chính trị
độc lập trước các giai cấp và tầng lớp xã hội khác, không có hệ tư tưởng độc
lập mà phụ thuộc vào hệ tư tưởng của giai cấp mà họ phục vụ. Và thực tiễn lịch
sử, trí thức chưa bao giờ là lực lượng lãnh đạo thành công một cuộc cách mạng
xã hội nào. Đúng như V.I.Lênin nhận xét: “Nếu không nhập cục với một giai cấp
thì giới trí thức chỉ là một con số không mà thôi”.
Hơn nữa, trong lòng xã hội tư
bản, đời sống của người lao động tuy có được cải thiện, nhưng số người bị “hất”
ra hè phố, số người nghèo khổ vẫn ngày càng tăng, sự điều chỉnh thích nghi của
chủ nghĩa tư bản không thể khắc phục được những mâu thuẫn vốn có của nó mà còn
có biểu hiện ngày càng sâu sắc hơn.
Điều đó cho tháy, đến nay quan điểm của C.Mác
và Ph.Ăngghen về sứ mệnh lịch sử của giai cấp được nêu trong “Tuyên ngôn
của Đảng Cộng sản” vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Nó vẫn là vũ khí lý luận sắc
bén cho giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản để
giải phóng giai cấp mình và toàn xã hội, là cơ sở lý luận quan trọng để chúng
ta đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch góp phần bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng; vững tin vào con đường mà Đảng và Nhân dân ta đã chọn, vì
mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dan chủ, công bằng, văn minh”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét