Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI ĐỐI VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC CHO THẾ HỆ TRẺ VIỆT NAM HIỆN NAY


         Lịch sử nhân loại không bao giờ quên Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại. Cách mạng Tháng Mười là bước đột phá lịch sử, chặt đứt một mắt xích quan trọng của chủ nghĩa đế quốc, lật đổ giai cấp bóc lột ở một quốc gia rộng lớn, thiết lập Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng chế độ mới xã hội chủ nghĩa, đánh dấu bước ngoặt căn bản trong tiến trình phát triển của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Mười đã chặt đứt xiềng xích của chủ nghĩa đế quốc, phá tan cơ sở của nó và giáng cho nó một đòn chí mạng. Cách mạng Tháng mười như tiếng sét đã đánh thức nhân dân châu Á tỉnh giấc mê hàng thế kỷ nay. Cách mạng Tháng Mười đã mở ra trước mắt họ thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc”(1)

          Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Chiến công chói lọi đập tan chủ nghĩa phát xít, bảo vệ quê hương Cách mạng Tháng Mười càng làm ngời sáng chủ nghĩa yêu nước và truyền thống tốt đẹp của nhân dân Xô viết. Giáo dục truyền thống yêu nước luôn là bài học quý, có ý nghĩa to lớn không chỉ với hôm nay mà còn mãi mãi về sau.

          Đối với thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, những người được sinh ra trong chế độ mới, lớn lên trong khung cảnh hòa bình, được thừa hưởng thành quả và những giá trị chân chính từ Cách mạng Tháng Mười Nga, từ Cách mạng Tháng Tám và đại thắng mùa xuân 1975 mang lại, luôn mang trong mình truyền thống yêu nước được hun đúc từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc và được nhân lên trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.

         Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định: “giáo dục chính trị,tư tưởng, lý tưởng, truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức lối sống lành mạnh,ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật cho  thế hệ trẻ”(2).

          Nhớ lại thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, Nhân dân Việt Nam nói chung, tuổi trẻ Việt Nam nói riêng, càng nhận rõ hơn vinh dự tự hào, niềm tin và trách nhiệm được sống và cống hiến ở Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hiện nay có ý nghĩa to lớn, là sự giữ gìn, tiếp lối và phát huy giá trị to lớn, mang tầm thời đại của cách mạng Tháng Mười, khơi dậy và phát huy chủ nghĩa yêu nước, hình thành và phát triển nhận thức, tình cảm, thái độ, niềm tin, ý chí quyết tâm và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ biểu hiện ra hành động đúng đắn, tích cực, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ là hoạt động có mục đích, có tổ chức, mang tính chủ động, tự giác, của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, cần quán triệt những quan điểm chỉ đạo dưới đây:

         Một là, vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

          Hai là, giáo dục truyền thống yêu nước phải gắn liền với tổ chức những hoạt động sáng tạo, xung kích của tuổi trẻ

          Ba là: Giáo dục truyền thống yêu nước phải đi đôi với phát huy tinh thần quốc tế vô sản cho thế hệ trẻ

          Bốn là , phát huy vai trò các tổ chức, lực lượng trong hệ thống chính trị giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

          Hiện nay trong quá trình hội nhập, mở cửa, giao lưu quốc tế, tham gia vào sân chơi chung của thế giới, chúng ta phải vươn lên khẳng định được sức mạnh của mình đồng thời phải luôn luôn giữ được bản sắc, truyền thống dân tộc Việt Nam anh hùng. Trách nhiệm đó đòi hỏi thế hệ trẻ phải được đào tạo, giáo dục một cách toàn diện đáp ứng tốt mục tiêu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đó cũng chính là làm cho truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam được lưu truyền và luôn tỏa sáng trong thời kỳ mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét