Báo chí ở nước ta ra đời trước hết là phục vụ lợi ích công, lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích xã hội. Thể chế chính trị ở nước ta hoạt động, vận hành theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Do đó, báo chí rất nên xoay quanh trục cơ chế này để bảo đảm mọi thông tin đều hướng tới và phục vụ tốt nhất cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và phát huy vị thế, vai trò là chủ, làm chủ của nhân dân.
Tránh những biểu hiện “nhạt Đảng, xa chính trị”
Làm báo không chỉ là một nghề để có việc làm, thu nhập và thể hiện một địa vị trong xã hội, hơn thế là một sứ mệnh. Sứ mệnh quan trọng hàng đầu của báo chí là thông tin, phản ánh đúng sự thật, bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý, lẽ phải, qua đó góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp, lan tỏa những giá trị niềm tin tốt đẹp cho xã hội và nhân lên những năng lượng tinh thần lành mạnh, tích cực cho công chúng.
Ở nước ta, với sự ra đời của Báo Thanh Niên ngày 21-6-1925, báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần thức tỉnh tinh thần dân tộc và khai sáng, giác ngộ ý chí cách mạng cho các giai cấp, tầng lớp trong xã hội cùng hướng về những mục tiêu cao cả của dân tộc ta đứng lên đấu tranh chống lại thực dân đế quốc, thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Như vậy, từ trong bản chất, báo chí cách mạng nước ta luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, phục vụ sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đó là một trong những giá trị làm nên truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng Việt Nam.
Công tác tuyên truyền, cổ động trực quan hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, TP Hà Nội đã thực hiện trang trí trên các tuyến phố trọng điểm. Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân. |
Từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới năm 1986 đến nay, cùng với những chuyển đổi toàn diện, sâu sắc của xã hội, báo chí nước nhà cũng có những bước tiến, phát triển vượt bậc về cả quy mô, lực lượng, loại hình, công nghệ làm báo và ngày càng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.
Tuy vậy, những năm gần đây, báo chí Việt Nam đứng trước một nguy cơ không nên xem nhẹ vì đã có biểu hiện “nhạt Đảng, xa chính trị” ở một số cơ quan báo chí và người làm báo. Những biểu hiện đó là: Ít quan tâm đến tuyên truyền lịch sử cách mạng và đời sống chính trị của đất nước, không chú trọng thông tin tuyên truyền, cổ vũ người tốt việc tốt, những cá nhân, tập thể hết lòng cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc, cộng đồng và xã hội; mà chủ yếu phản ánh những mặt trái của xã hội, sa đà vào những thông tin tầm thường, câu khách. Cách thức thông tin này vô hình trung làm lu mờ những giá trị truyền thống lịch sử của dân tộc, từ đó khiến một bộ phận công chúng, nhất là công chúng trẻ dễ thờ ơ với quá khứ hào hùng của các thế hệ ông cha.
Phát biểu tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 tổ chức ngày 31-12-2020 tại Quảng Ninh, đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: “Tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan báo chí vẫn tiếp diễn; xuất hiện một số biểu hiện thông tin không phù hợp tư tưởng chỉ đạo, định hướng báo chí, xa rời nhiệm vụ chính trị, hạ thấp chức năng tuyên truyền, giáo dục”. Nguyên nhân được chỉ ra là do một số lãnh đạo cơ quan báo chí, cán bộ, phóng viên bản lĩnh chính trị yếu, còn mơ hồ trong nhận thức về chính trị, tư tưởng, về vị trí, vai trò, sứ mệnh người làm báo cách mạng và thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện.
Báo chí góp sức bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước
Luật Báo chí 2016 quy định: Báo chí không chỉ có nhiệm vụ “thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”, “Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”; mà nhà báo cần có trách nhiệm tham gia “Bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Tuy nhiên, thời gian qua, một số cơ quan báo chí và người làm báo chưa nhận thức đúng đắn, thấm nhuần sâu sắc nhiệm vụ, trách nhiệm chính trị của mình nên chưa chủ động, tích cực tham gia bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, hiện có hơn 350 trang truyền thông điện tử, trang mạng xã hội của các thế lực phản động, thù địch thường xuyên chống phá Đảng, Nhà nước ta. Chỉ tính hai năm qua (2019-2020), các lực lượng chức năng ở nước ta đã phát hiện, bóc gỡ 35.000 tin, bài có nội dung xấu, độc, tuyên truyền xuyên tạc về tình hình thực tiễn ở Việt Nam trên mạng xã hội và các nền tảng công nghệ số. Số lượng tin, bài này phần nào phản ánh một sự thật: Hằng ngày, hằng giờ, thậm chí hằng phút luôn có những đối tượng tìm mọi cách “chĩa mũi nhọn” vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta, thực chất là muốn phá hoại và làm mọt ruỗng nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Mục tiêu chống phá không bao giờ thay đổi, hoạt động ngày càng tinh vi, thủ đoạn ngày càng xảo quyệt-đó là âm mưu xuyên suốt mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị muốn thông qua mặt trận thông tin, truyền thông xã hội để làm lung lay, rệu rã nền tảng tư tưởng của Đảng trong xã hội.
Báo chí ở nước ta ra đời trước hết là phục vụ lợi ích công, lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích xã hội. Thể chế chính trị ở nước ta hoạt động, vận hành theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Do đó, báo chí rất nên xoay quanh trục cơ chế này để bảo đảm cho mọi thông tin đều hướng tới và phục vụ tốt nhất cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và phát huy vị thế vai trò là chủ, làm chủ của nhân dân.
Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông để góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch”. Yêu cầu này đặt ra cho các cơ quan báo chí và những người làm báo phải quan tâm hơn nữa đến công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Để thực hiện tốt định hướng đó, một mặt, tùy vào yêu cầu, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mỗi cơ quan báo chí để xây dựng các sản phẩm, tác phẩm báo chí về chủ đề xây dựng Đảng cho phù hợp; mặt khác, các cơ quan báo chí, trước hết là các cơ quan báo chí của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội, cơ sở giáo dục, cơ sở khoa học... không bao giờ được phép sao nhãng, bỏ trống trận địa thông tin tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bởi vì, đây chính là lực lượng nòng cốt, tinh nhuệ trong cuộc “bút chiến” nhằm bảo vệ thanh danh, uy tín cho Đảng, Nhà nước và bảo vệ công lý cho nhân dân.
Đối với các cơ quan báo chí khi bám sát, tuân thủ, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và đối tượng phục vụ, không để xảy ra sai sót về chính trị trong tác phẩm, sản phẩm báo chí, cũng là việc làm thiết thực góp phần tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cùng với đó, các cơ quan báo chí cần chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền của các cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản, bảo đảm cân đối nội dung tuyên truyền theo hướng “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực để cho dòng chảy thông tin tốt đẹp ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội.
Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, để làm tròn sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng, đội ngũ những người làm báo cần được tôi luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có ý thức đạo đức nghề nghiệp, ý thức phục vụ Đảng, phục vụ đất nước và nhân dân; có dũng khí đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng; thực sự tâm huyết, công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân và danh dự của cá nhân trên từng trang viết.
Khi các cơ quan báo chí và những người làm báo nhận thức rõ sứ mệnh, thực hiện tốt vai trò của mình là góp phần bảo vệ chân lý, lan tỏa niềm tin và nhân lên những giá trị tích cực cho công chúng, xã hội. Không những vậy, việc các cơ quan báo chí cùng chung tay góp phần xây dựng một môi trường thông tin thật sự lành mạnh sẽ giúp cho các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện công tác lãnh đạo, quản lý xã hội được thuận lợi, hiệu quả hơn, góp phần làm cho “ý Đảng lòng dân” được củng cố bền chặt hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét