Thứ Hai, 8 tháng 2, 2021

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, cân bằng chiến lược


     Nhiều nước nơi "Mùa xuân Arab" đi qua, chính quyền đều quá phụ thuộc vào nước ngoài hoặc giải quyết không tốt cân bằng quan hệ với các nước lớn. “Gót chân Asin” đó khiến nhiều nơi dù có tiềm lực kinh tế, quốc phòng rất mạnh nhưng vẫn không thể trụ vững khi mất đi sự độc lập, tự chủ, bị rơi vào vòng xoáy của những chiến lược từ bên ngoài hoặc rơi vào các cuộc xung đột, chiến tranh ủy nhiệm. Có lúc, do không nhận diện kịp thời đối tượng-đối tác hay gặp sai lầm trong xử lý những tình huống chiến lược có thể đẩy vấn đề “sai một ly đi một dặm”, khiến cả dân tộc, cả đất nước phải trả cái giá quá đắt. 

     "Mùa xuân Arab" với diễn biến 2.0 còn cho thấy tính chất phức tạp ngay cả với những quốc gia từng ngăn chặn thành công sự xâm chiếm của nó ở giai đoạn 1.0, nay vẫn có thể đổ vỡ bởi những cuộc “thập tự chinh” kéo dài với nhiều thủ đoạn tinh vi. Có nhà nghiên cứu đã đánh giá: Bản chất của “Mùa xuân Arab” chính là những biến động chính trị-xã hội nhằm thực hiện hóa đề án “Đại Trung Đông” của một số thế lực phương Tây. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, khi các cường quốc can thiệp vào các nước khác thì họ sẽ sử dụng rất nhiều chiêu bài chứ không thể tường minh rằng đó là chiến tranh xâm lược hay chiến tranh kinh tế, núp bóng dưới các hình thức một cách tinh vi, phức tạp nên cần có sách lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

     Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ngài Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, cho biết: "Bài học kinh nghiệm rút ra qua gần 10 năm của "Mùa xuân Arab" cho ta thấy trước hết, không để ai từ bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nước mình. Chúng ta phải tự giải quyết các vấn đề của mình, luôn luôn đề cao chủ trương bảo vệ độc lập, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong dân tộc mình, tìm đến lợi ích của dân tộc mình thì mới phát triển thành công. Quá trình giành độc lập dân tộc của Việt Nam không phải là một quà tặng của ai đó, mà là thành quả của cuộc đấu tranh trường kỳ, lâu dài, nhiều hy sinh, thử thách. Do đó, giá trị của độc lập dân tộc đối với người Việt Nam có khác so với những quốc gia được Liên hợp quốc hoặc các nước lớn trao tặng cho độc lập. Vì vậy theo tôi, việc bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ là điều mà mỗi người dân Việt Nam từ trước đến nay luôn coi trọng. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, điều này càng được đề cao, để Việt Nam tiếp tục là một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế". 

     Thực tế ấy một lần nữa là bài học sinh động để Đảng, Nhà nước ta tiếp tục khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ”; “có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”.

     Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 nêu rõ: Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế... Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét