Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2021

Cần chủ động đấu tranh, chống luận điệu sai trái của các thế lực thù địch

Sự chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta là tấn công vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tuy nhiên thủ đoạn mỗi ngày một độc hại và tinh vi hơn, chúng lợi dụng sự lan truyền nhanh chóng của mạng xã hội để tung những thông tin sai trái, bịa đặt, bóp méo sự thật; lợi dụng những vụ án của các quan chức suy thoái để xuyên tạc gây hoang mang và làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Xu hướng tác động từ những thông tin xấu, độc qua mạng truyền thông sẽ tăng lên khi một bộ phận không nhỏ người sử dụng mạng xã hội thích “like”, “share” những thông tin giật gân, tiêu cực hơn là những thông tin tích cực. Một người nếu nhận thức không đầy đủ, thiếu hiểu biết, thiếu thông tin chính thống, cùng với sự bất cập, hạn chế trong quản lý của các cơ quan chức năng thì việc cố ý hay vô tình tiếp tay, cổ suý cho cái xấu, cái sai càng trở nên dễ dàng và nguy hiểm, bất chấp hậu quả của nó đối với xã hội và đối với sự phát triển của đất nước. Để tỉnh táo, sáng suốt làm tốt nhiệm vụ đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, các quan điểm xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực phản động, thù địch thì chúng ta phải kết hợp giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả. Báo chí và các cơ quan tuyên truyền là lực lượng nòng cốt, phản bác kịp thời những thông tin xấu, độc, nhất là trên mạng internet. Trên thực tế, các thế lực thù địch thường rêu rao cho rằng Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Một số phần tử bất mãn chế độ, được các thế lực phản động cung cấp tiền, lợi ích vật chất để lên mạng xưng danh “nhà báo độc lập” viết bài xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, kích động chống phá chính quyền. Theo quy định của pháp luật, Việt Nam không có báo chí tư nhân. Các cơ quan báo chí đều là cơ quan ngôn luận của các tổ chức do dân bầu hoặc đại diện cho tiếng nói của một tầng lớp, một giai cấp. Thông tin trên báo chí luôn gắn với lợi ích của quốc gia, dân tộc, tập thể và là diễn đàn phản ánh ý kiến của nhân dân. Do đó, nhiệm vụ quan trọng của báo chí và các cơ quan tuyên truyền là đấu tranh phản bác trực diện với những luận điệu sai trái, thù địch; đồng thời thường xuyên đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng thông tin, lấy “cái tốt” đẩy lùi “cái xấu”. Mỗi nhà báo là những chiến sĩ trên mặt trận thông tin tuyên truyền, không chỉ đấu tranh bằng những bài viết trên báo chí chính thức, các phát ngôn, bình luận hàng ngày hay chia sẻ trên mạng xã hội của mỗi nhà báo cũng có thể là “mũi tiến công” vào những luận điệu sai trái, thù địch, nhất là những thông tin bịa đặt, bôi nhọ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét