Mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Tel Aviv (Israel) phát hiện khí ozone có thể khử khuẩn bề mặt có virus SARS-CoV-2.
Các nghiên cứu sinh đến từ đại học Tel Aviv tại Israel, được dẫn đầu bởi tiến sỹ Ines Zucker, đã chứng minh hiệu quả của ozone trong việc làm sạch bề mặt tồn tại của virus SARS-CoV-2. Các thực nghiệm đã chỉ ra: Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên các bề mặt khác nhau đến nhiều ngày tùy thuộc vào điều kiện môi trường. Thực nghiệm của nhóm đã chỉ ra ozone có thể làm sạch bề mặt trong một thời gian ngắn (dưới 30 phút), với tỷ lệ nhiễm virus giảm đến 95% chỉ sau nhiều nhất 40 phút. Đặc biệt hơn, các thực nghiệm phức tạp cũng được tiến hành để chứng minh rằng ozone không chỉ có tác dụng tốt để khử khuẩn bề mặt đơn, mà có thể có tác dụng đến từng khu vực nhỏ trong một căn phòng.
Ứng dụng quan trọng trong ngành y tế
Là một loại oxit được tìm thấy trong tự nhiên được sinh ra bởi sấm chớp và bức xạ ánh sáng cực tím, ozone bao gồm 3 nguyên tử oxi, trong đó có một liên kết đôi bền vững và một liên kết đơn không bền vững. Nhờ đặc tính này, ozone có tính oxi hóa rất cao và đã được ứng dụng phổ biến ở trong y tế trị liệu.
Bên cạnh trị liệu y tế, ozone có thể được sử dụng để chống virus, đặc biệt là SARS-CoV-2, bằng cách can thiệp vào giai đoạn sao chép của virus. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự hiệu quả của ozone trong việc phòng chống và điều trị SARS-CoV-2.
Theo nghiên cứu của Rowen và các cộng sự vào năm 2020, virus SARS-CoV-2 cần rất nhiều tồn dư cysteine nguyên vẹn để có thể tồn tại và phát triển. Ozone thực hiện can thiệp vào giai đoạn sao chép của virus nhờ khả năng ôxy hóa dư lượng cysteine thông qua việc hình thành các cầu nối đi-sun-fua có trong cấu trúc của chính virus với số lượng cao.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Ontario, Canada ngày 17-3-2020. Ảnh: TTXVN. |
Việc điều trị SARS-CoV-2 bằng ozone không chỉ được tiến hành qua các nghiên cứu, mà còn qua các trường hợp thực tế. Một nghiên cứu gần đây của tiến sỹ Hernández đến từ bệnh viện Policlinica Ibiza – Tây Ban Nha, đã tiến hành đo độ hiệu quả của trị liệu bằng ozone trên các bệnh nhân có triệu chứng trầm trọng. Kết quả của nghiên cứu là các bệnh nhân đã có thể được về nhà sau từ 3-4 ngày với liệu trình trị liệu bởi ozone. Tuy vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu và vẫn cần rất nhiều chứng thực về độ an toàn, thực nghiệm của Tiến sĩ Hernández cũng đã phần nào đó chứng tỏ độ hiệu quả và tiềm năng của ozone trong việc điều trị Covid-19.
Trên tạp chí Antioxidants, Tiến sĩ Bernardino và các cộng sự đến từ Tây Ban Nha cũng đã chứng tỏ được sự hiệu quả của việc dùng ozone trong việc khử trùng thiết bị, đặc biệt là trên bề mặt quần áo bảo hộ và khẩu trang. Nghiên cứu được thực nghiệm với các nồng độ ozone khác nhau, đã chỉ ra virus SARS-CoV-2 không còn hoạt động hiệu quả trên quần áo bảo hộ trong khoảng chỉ 30 giây.
Các nhà khoa học tại trường đại học Fujita - Nhật Bản cũng đã đề xuất đưa ozone vào sử dụng trong bệnh viện để làm sạch các phòng xét nghiệm và khu vực chờ. Thực nghiệm của họ đã chứng minh rằng, ozone với nồng độ 0.05 đến 0.1 ppm có thể diệt được virus mà không gây nguy hại đến con người. Việc sử dụng ozone nồng độ thấp trong liên tục 10 giờ còn có thể làm giảm khả năng xuất hiện của virus đến 90%. Tiến sỹ Takayuki – trưởng nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh thêm rằng việc sử dụng ozone cũng có thể áp dụng hiệu quả trong điều kiện độ ẩm cao – điều kiện cho virus phát triển.
Hi vọng tích cực trong điều trị Covid-19
Tại Việt Nam, công nghệ ozone đã được ứng dụng rất nhiều trong đời sống như khử mùi không khí, nuôi trồng thủy hải sản, xử lý nước thải. Nước ozone được dùng để khử trùng tay của các bác sĩ và y tá trước khi chữa trị cho bệnh nhân và có thể loại bỏ tất cả các vi khuẩn. Công nghệ này còn được dùng để điều trị các căn bệnh nguy hiểm như: Ung thư, bệnh sản khoa, phụ khoa, thần kinh học, tiết niệu, da liễu, chu nha… Người ta còn sử dụng khí mát ozon để khử trùng dụng cụ y tế, khử trùng môi trường, từ đó ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua không khí hay ăn uống.
Tại Việt Nam, công nghệ ozone được ứng dụng rất nhiều trong ngành y tế. Ảnh: bnews.vn |
Theo ông Đỗ Kiên Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Dược Kiên Giang, ứng dụng sát khử khuẩn ozon trong y tế không phải là điều gì mới mẻ. Trước đó, đơn vị đã tài trợ cho Công ty cơ y hóa Bình Dương nghiên cứu và sản xuất thành công máy khử khuẩn bằng ozone cho các phòng khám, đơn vị y tế. Mới đây, trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh đã test thử và đạt kết quả rất khả quan.
“Hiện chúng tôi đã tài trợ một máy cho Bệnh viện thành phố Hà Tiên để hỗ trợ các y bác sĩ trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Việc sản xuất máy khử khuẩn bằng ozone được ứng dụng cho các phòng khám, cơ sở y tế với nồng đồ thích hợp với sức khỏe của con người, không chỉ giúp tận dụng các nguồn lực hiện có mà còn góp phần giảm giá nhập khẩu thiết bị đắt đỏ ở nước ngoài”, ông Cường cho biết thêm.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thế giới ghi nhận hơn 110,7 triệu ca mắc Covid-19, trong đó khoảng 2,45 triệu ca đã tử vong. Các nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể bám trên các bề mặt hàng giờ, thậm chí hằng ngày tùy vào điều kiện bề mặt và môi trường. Do đó, khử trùng bề mặt vẫn được coi là một trong các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus trong cộng đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét