Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

 

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA

Ngày 21 tháng 02 năm 1956

“Các cô, các chú là những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi, thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu”.

Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói chuyện tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn ngành giáo dục, ngày 21 tháng 2 năm 1956: “Các cô, các chú đã thấy trách nhiệm to lớn của mình, đông thời cũng thấy khả năng của mình cần được nâng cao thêm lên mãi mới làm tròn nhiệm vụ được. Vì thế, các cô, các chú là những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi, thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu ”.

Vào đầu năm 1956, khi miền Bắc vừa mới bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đầy khó khăn gian khổ, lời căn dặn trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định ý nghĩa của việc học tập kinh nghiệm các nước anh em là rất cần thiết mà còn nhắc nhở, động viên đội ngũ giáo viên và cán bộ ngành giáo dục phải nêu cao trách nhiệm, phải thấy rõ trách nhiệm lớn lao của mình đối với Đảng, với Chính phủ và với nhân dân. Đồng thời, thấy rõ khả năng của mình để phấn đấu nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ mọi mặt cả trình độ lý luận chính trị, cả chuyên môn nghiệp vụ thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, nếu không sẽ tụt hậu. Đặc biệt là học tập kinh nghiệm của các nước anh em để ứng dụng theo yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng. Thực hiện lời dạy của Bác, nhân dân cả nước nói chung, ngành giáo dục nói riêng đã ra sức học tập, trau dồi những kinh nghiệm để phục vụ cho sự nghiệp giáo dục và kiến thiết nước nhà.

Ngày nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lời dạy “Các cô, các chú là những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi, thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu” vẫn còn vẹn nguyên giá trị, là tư tưởng chỉ đạo để thực hiện thắng lợi việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ quân đội nói chung, cán bộ giảng dạy trong các học viện, trường quân đội nói riêng càng phải tích cực phấn đấu học tập, nghiên cứu, tiếp thu cái mới, ra sức rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

__________

Được tin Phan Châu Dật, con trai cụ Phan Châu Trinh mới qua đời, Nguyễn Ái Quốc đang điều trị tại bệnh viện “Cochin” đã chuyển lời chia buồn tới người đồng bào đáng kính của mình.

Ngày 21/02/1931, Nguyễn Ái Quốc viết “Thư gửi Ban phương Đông” báo tin Lý Tự Trọng sau khi bắn chết mật thám Lơgrăng (Legrand) ở Sài Gòn đó bị bắt và khó thoát khỏi án tử hình và yêu cầu Đảng Cộng sản Pháp “tổ chức biểu tình đòi thả đồng chí ấy ra” và đề nghị Quốc tế Cộng sản, Quốc tế Công hội Đỏ lên tiếng tỏ tình đoàn kết với cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Dương.

Ngày 21/02/1946, Bác chủ trì phiên họp của Chính phủ bàn việc chuẩn bị thành lập Chính phủ Liên hiệp dựa trên nguyên tắc có 10 bộ chia cho 4 đảng phái, mỗi đảng 2 ghế, riêng Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng sẽ do 2 người không đảng phái giữ. Cùng ngày, Bác ký sắc lệnh thống nhất các Sở Cảnh sát và Sở Liêm phóng trên toàn quốc thành “Việt Nam Công an vụ” nằm trong Bộ Nội vụ.

Ngày 21/02/1947, Bác Hồ ghé vào đồn điền Chi Nê (Hòa Bình) của nhà điền chủ Đỗ Đình Thiện nơi đang đặt nhà máy in tiền của Bộ Tài chính. Bất ngờ, máy bay địch đến oanh tạc, Bác phải xuống hầm tránh bom nhưng sau đó lại tiếp tục hành trình. Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến kể lại: Ngày 21/02/1947, Cụ trở lại Chi Nê hồi 3 giờ sáng sau cuộc kinh lý Thanh Hóa. Cụ đi thăm nhà máy và lùng khắp nhà. Nơi nào bẩn thỉu bị phê bình ráo riết. Nói chuyện với anh em công nhân và tự vệ chiến đấu ở đây, Cụ đã làm cho ai nấy đều thêm tin tưởng và nỗ lực làm việc để sản xuất kháng chiến. Cụ cũng đi thăm các làng thổ (đồng bào Mường ở địa phương), vào từng nhà một và vui vẻ, thân mật nói chuyện với tất cả mọi người. Đối với lũ trẻ thơ, Cụ càng làm cho chúng rất quyến luyến. Hỏi trẻ con nào biết chữ, Cụ vui vẻ khen ngợi. Em nào không biết chữ, Cụ bảo phải bắt đầu học ngay và gọi mấy thanh niên giao trách nhiệm dạy dỗ cho đến ngày nào Cụ trở lại thì ai nấy đều phải biết chữ.

Cùng ngày Bác viết “Thư gửi đồng bào thiểu số Thanh Hóa” nêu vấn đề: “Việc dìu dắt đồng bào Thượng du, tôi trông cậy lòng ái quốc và sự hăng hái của các vị lang đạo”.

Hồi ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng nhắc đến sự kiện: Ngày 21/02/1958, Bác chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị thông qua kế hoạch xây dựng quân đội và củng cố quốc phòng... Bác nhắc lập kế hoạch phòng không nhân dân, một vấn đề rất mới và phải nói là sớm, đó là nghiên cứu kế hoạch phòng không nhân dân. Sự kiện này cho thấy tầm nhìn xa của Bác, vì 6 năm sau (1964), Mỹ đã ném bom miền Bắc; rồi từ cuối năm 1962, Bác đã yêu cầu Tư lệnh Phòng không - Không quân phải nghiên cứu về loại máy bay B52, ba năm trước khi Mỹ sử dụng trên chiến trường miền Nam (1965) rồi đánh ra miền Bắc. Nhờ dự báo tốt mà ta chủ động đánh thắng.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét