"Tổ Covid-19 cộng đồng" là một mô hình phát huy sức mạnh toàn dân phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện và hoạt động hiệu quả từ các đợt chống dịch năm 2020. Hiện nay, mô hình này tiếp tục được áp dụng hiệu quả ở Hải Dương và nhiều địa phương khác.
CHỐNG DỊCH NHƯ CHỐNG GIẶC, CẦN PHÁT HUY SỨC MẠNH TOÀN DÂN
Với tinh thần chống dịch như chống giặc mà muốn chống "giặc" hiệu quả thì phải dựa vào sức mạnh của nhân dân, tại Gia Lai, ngay từ ngày 4-2, UBND tỉnh Gia Lai ra Công văn khẩn số 171/UBND về việc thành lập các tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trực thuộc thành lập ngay các tổ phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng (gọi tắt là Tổ Covid cộng đồng) ở tất cả các khu dân cư trên địa bàn, thành phần là: Cán bộ thôn, làng, tổ dân phố, các đoàn thể, tình nguyện viên tại khu dân cư. Mỗi tổ bảo đảm từ 2-3 người phụ trách 40-50 hộ gia đình.
Tại Hải Dương, ngày 15-2-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vừa ban hành Chỉ thị số 1-CT/TU về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trong 10 nội dung biện pháp mà chỉ thị nêu ra, ngay ở nội dung biện pháp đầu tiên đã nhấn mạnh: "Tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch thần tốc; đồng thời, thực hiện tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất người tử vong. Khắc phục ngay những hạn chế, khó khăn bộc lộ trong quá trình tổ chức phòng, chống dịch. Tăng cường hoạt động của các tổ Covid-19 cộng đồng; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, thường xuyên, liên tục, chính xác cho người dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19".
Tại Hà Nội, ngày 18-2, UBND Thành phố Hà Nội đã có Thông báo Kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, TP Hà Nội, theo đó Hà Nội tiếp tục kiện toàn, duy trì triển khai các tổ "Giám sát và truyền thông chống Covid-19 tại cộng đồng", gọi tắt là “Tổ Covid cộng đồng” với mỗi tổ có ít nhất 3 thành viên, phụ trách không quá 70 hộ, cơ cấu bảo đảm; xây dựng hoạt động phương thức, thông tin của các Tổ Covid cộng đồng, kịp thời cập nhật đến Ban Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đến cấp, huyện, thị xã; có phân công cụ thể với chức năng yêu cầu giám sát chặt chẽ, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người; hỗ trợ các đơn vị chức năng trong việc cập nhật sự biến động, đi lại của người dân trong khu vực.
Với dân số ước tính 1,2 triệu người, Cần Thơ dự kiến sẽ thành lập hơn 3.000 Tổ Covid-19 cộng đồng, nhằm quản lý thông tin người dân để phòng dịch bệnh...Với dân số ước tính 1,2 triệu người, Cần Thơ dự kiến sẽ thành lập hơn 3.000 Tổ Covid-19 cộng đồng, nhằm quản lý thông tin người dân để phòng dịch bệnh...
Ngày 19-2, Tỉnh ủy Hải Dương tiếp tục có văn bản về việc rà soát hoạt động của Tổ Covid cộng đồng trước bối cảnh hiện nay tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca bệnh mắc mới tiếp tục phát sinh.Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, rà soát đánh giá hoạt động của tổ "Covid cộng đồng", bảo đảm mỗi tổ phụ trách từ 60- 70 hộ dân.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến biến phức tạp, cùng với nhiều địa phương khác trong tỉnh, lãnh đạo huyện Cẩm Giàng đã thành lập 764 "Tổ Covid-19 cộng đồng" với 1.537 thành viên. Nhiệm vụ của họ là đến từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện các quy định phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, trong những lần đến nhà dân, "Tổ Covid-19 cộng đồng" còn thường xuyên theo dõi, giám sát ai có biểu hiện ho, sốt để báo lại cho cán bộ y tế ngay lập tức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Không ít các trường hợp bệnh nhân Covid-19 đã được phát hiện thông qua việc sàng lọc ho, sốt do "Tổ Covid-19 cộng đồng" phát hiện.
BÍ THƯ CHI BỘ U70 NGÀY ĐÊM CANH CHỐT
6 giờ sáng tại khu dân cư thôn Đào Xá, xã Cao An, huyện Cẩm Giàng, 5 "Tổ Covid-19 cộng đồng" chia làm nhiều ngả. Tại thôn Đào Xá có 420 hộ, đều đặn ngày 3 lần, dấu chân của những người trong "Tổ Covid-19 cộng đồng" vẫn in khắp các con đường, ngõ nhỏ, không quản ngày nắng hay ngày mưa. Sau khi hoàn thành ca trực mỗi sáng, các thành viên "Tổ Covid-19 cộng đồng" quay trở về nhà văn hóa, phát bản tin trên loa phát thanh, đồng thời nêu tên nhắc nhở những trường hợp người dân vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Hùng, 70 tuổi, dân cư thôn Đào Xá đã thuộc lòng những quy tắc phòng dịch. Ông Hùng cho biết, trước đây, mỗi buổi sáng chúng tôi thường đi ngoài đồng tập thể dục, nhưng khi được nghe tuyên truyền về dịch Covid-19, ai nấy bảo nhau không dám ra ngoài tập thể dục nữa, chỉ loanh quanh trong nhà. Ngay cả thực phẩm rau củ, gà vịt cũng chuẩn bị đầy đủ trong nhà để hạn chế ra ngoài”.
Ông Đào Văn Hoàng, Trưởng khu Thống nhất Thị trấn Lai Cách và hai thành viên khác đang kiểm tra người dân ra vào khu vực chia sẻ: “Chúng tôi là lực lượng không chuyên của khu dân cư, ở trong tâm dịch rất vất vả. Ngoài việc tuyên truyền bằng loa phát thanh của khu dân cư, loa kéo đến từng ngõ nhỏ, chúng tôi đến từng hộ gia đình để nhắc mọi người cùng chung tay phòng, chống Covid-19, nhắc nhở mọi người ở trong nhà, không ra ngoài tập thể dục thể thao, khai báo y tế thường xuyên”.
Với 200 hộ dân, Khu Thống Nhất có 4 "Tổ Covid-19 cộng đồng", 2 người phụ trách một tổ, chia làm hai lần sáng và chiều tối lúc dân hay nghỉ ngơi hoặc thể dục thể thao để đi tuần tra giám sát.
Khi trời đã nhá nhem tối, nhà nhà đang chuẩn bị bữa cơm chiều thì "Tổ Covid-19 cộng đồng" thôn Thu Lãng, Ngọc Liên, Cẩm Giàng vẫn miệt mài đi đến từng ngõ, nhắc nhở người dân tuân thủ quy định giãn cách, tự theo dõi sức khỏe cho nhau.
Ông Nguyễn Quang Huy, Bí thư chi bộ thôn Thu Lãng năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong cộng đồng, thậm chí ông còn xung phong trực ca đêm tại chốt kiểm soát.
Thông tin về tình hình trên địa bàn ông Huy cho biết, thôn Thu Lãng hiện nay có 6 "Tổ Covid-19 cộng đồng" với 12 thành viên phụ trách 314 hộ gia đình. Khu dân cư này có rất nhiều công nhân đi làm tại các khu công nghiệp. Vì vậy chúng tôi phải liệt kê danh sách để theo dõi, kiểm tra giấy tờ. Ngoài việc nhắc nhở từng người dân trong nhà, thăm các gia đình có biểu hiện ốm đau, tổ Covid-19 còn dùng loa phát thanh của huyện xã, tuyên truyền bằng bản tin của thôn. Nhân dân đều nhận thức được việc chống dịch như chống giặc, thậm chí còn giám sát chéo nhau, nếu có trường hợp không chấp hành còn báo cáo lại Tổ Covid-19 cộng đồng để nhắc nhở.
Tại một chốt kiểm soát khác trên địa bàn xã Ngọc Liên, chúng tôi thấy đa phần các thành viên trong đều là các cô chú đã ngoài 60 tuổi, tóc đã bạc, thế nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát họ không quản ngại ngày đêm tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Cổn (thành viên tổ công tác) chia sẻ, một ca làm việc của chúng tôi có 3 người. Một người kiểm soát ra vào và 2 người đi vận động, tuyên truyền. Tất cả người dân ở đây đều chấp hành tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đề xuất của người dân trong xóm, đến 10 giờ tối Tổ Covid-19 cộng đồng sẽ đóng cửa khóa chặt khu dân cư”.
CÁCH LÀM SÁNG TẠO CỦA VIỆT NAM, THẾ TRẬN LÒNG DÂN ĐẨY LÙI "GIẶC COVID-19"
Thông tin thêm về những chiến binh thầm lặng trong "Tổ Covid-19 cộng đồng", ông Nguyễn Văn Công, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cẩm Giàng cho biết, trong quá trình tuyên truyền vận động người dân làm tốt công tác phòng, chống dịch, "Tổ Covid-19 cộng đồng" xã Cao Ban đã phát hiện được một số ca có biểu hiện ho, sốt, nhưng qua quá trình lấy mẫu xét nghiệm và cách ly may mắn cho ra kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. "Tổ Covid-19 cộng đồng" là những người làm việc không quản ngày đêm, bất cứ khi nào người dân gặp vấn đề về sức khỏe hay có ca nghi nhiễm, họ sẵn sàng lên đường không màng tới thời gian”.
Theo PGS, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, người có mặt tại hầu hết các ổ dịch, từ Sơn Lôi, Hạ Lôi, Bình Thuận và nhất là tại Ðà Nẵng và một số tỉnh miền trung khi ca bệnh Covid-19 xảy ra trong cộng đồng năm 2020, trong các đợt chống dịch vừa qua, tại các tỉnh miền trung, chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền các địa phương đã thành lập được hàng chục nghìn tổ Covid-19 cộng đồng trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống dịch tại thực địa (Ðà Nẵng lập 2.200 tổ; Quảng Nam lập 5.500 tổ; Quảng Ngãi lập 2.300 tổ; Quảng Trị lập 4.434 tổ). Đây chính là những hạt nhân của phong trào toàn dân tham gia phòng, chống dịch. Việc thành lập các tổ Covid-19 cộng đồng trong phòng, chống dịch chính là sự sáng tạo của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19, đã góp phần tạo thành thế trận lòng dân hiệu quả trong cuộc chiến chống Covid-19.
Theo Báo QĐNDVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét