Thứ Ba, 2 tháng 2, 2021

Sự lựa chọn nội các “đa dạng nhất” trong lịch sử nước Mỹ, có làm thay đổi chính sách của Mỹ trên thế giới không? Chúng ta hãy chờ xem

Tờ Washington Post, ngày 17/12 (giờ địa phương) đưa tin, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ đề cử hạ nghị sỹ Deb Haaland nắm giữ chức Bộ trưởng Nội vụ. Bà Deb Haaland, một nghị sỹ đảng Dân chủ của bang New Mexico từ năm 2019, sẽ trở thành người Mỹ bản địa đầu tiên điều hành Bộ Nội vụ Mỹ. Nếu đề cử này được thông qua, bà Deb Haaland sẽ có quyền điều hành hơn 70.000 nhân viên của Bộ Nội vụ và giám sát hơn 20% bề mặt nước Mỹ, bao gồm các vùng đất bộ lạc và các công viên quốc gia như Yellowstone và Yosemite. Hôm 8/12 khi ông đề cử tướng Lục quân đã nghỉ hưu Lloyd Austin, 67 tuổi, làm Bộ trưởng Quốc phòng tiếp theo của nước Mỹ. Việc ông Lloyd Austin được lựa chọn vào vị trí này ngoài mục đích “đa dạng hóa nội các” còn cho thấy ông Joe Biden quyết tâm định hình một chiến lược quốc phòng mới theo hướng củng cố quan hệ với các nước đồng minh, đối tác khu vực nhằm kiềm chế Trung Quốc, đồng thời lựa chọn cách tiếp cận ít đối đầu với Trung Quốc hơn. Nếu được Thượng viện phê chuẩn, ông Lloyd Austin sẽ trở thành nhà lãnh đạo da đen đầu tiên của Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, để ngồi vào được vị trí cao nhất trong Lầu Năm Góc, ông Lloyd Austin sẽ cần phải nhận được sự miễn trừ của Quốc hội vì luật pháp Mỹ cấm các cựu quân nhân trở thành Bộ trưởng Quốc phòng trừ khi họ đã ra khỏi quân đội được 7 năm. Một số thành viên nội các đã được chọn cũng đã cho thấy ông Joe Biden đang thực hiện lời hứa của mình. Bà Janet Yellen sẽ là người phụ nữ đầu tiên làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ; ông Xavier Becerra sẽ là Bộ trưởng Y tế gốc Mỹ Latinh đầu tiên; ông Alejandro Mayorkas sẽ là lãnh đạo gốc Mỹ Latinh đầu tiên của Bộ An ninh Nội địa và bà Cecilia Rouse sẽ trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế. Ông Biden cũng bổ nhiệm bà Linda Thomas-Greenfield, một nhà ngoại giao da đen dày dạn kinh nghiệm, làm Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc. Và tất nhiên là không thể không kể đến bà Kamala Harris, nhân vật đứng đầu trong số các lựa chọn của ông Joe Biden, sẽ trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên và là người gốc Ấn Độ đầu tiên giữ chức Phó Tổng thống Mỹ. Trong bài phát biểu chiến thắng hôm 7-11 của ông Joe Biden rằng “Cộng đồng người Mỹ gốc Phi đã đứng lên ủng hộ tôi một lần nữa, khi mà chiến dịch tranh cử đang ở thời điểm khó khăn nhất. Các bạn đã luôn ủng hộ tôi và tôi sẽ ủng hộ các bạn”, và rằng, chính quyền của ông sẽ “đa dạng giống như nước Mỹ”. Do đó, ở hậu trường, các nhóm người Mỹ gốc Phi hiện đang tìm cách thúc đẩy ông tôn trọng cam kết đó qua việc bổ nhiệm những người thuộc cộng đồng thiểu số vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền. Trong khi ông đang bận rộn với việc ra quyết định lựa chọn nhiều chức vụ trong nội các, mục sư Al Sharpton, một nhà lãnh đạo dân quyền nổi tiếng của Mỹ, hôm 8/12 đã nhắc lại tuyên bố hùng hồn đó và nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng ông Biden sẽ thực hiện những lời hứa của mình”. Trong khi đó, trong một cuộc họp báo trực tuyến, ông Marc Morial, Giám đốc điều hành của Liên đoàn Thành thị Quốc gia (NUL), cho biết ông Joe Biden đã tái khẳng định “cam kết lịch sử của mình đối với vấn đề công bằng chủng tộc”. Ông nói: “Chúng tôi nhấn mạnh rằng công việc của chúng tôi với tư cách là những nhà lãnh đạo dân quyền bao gồm giúp đỡ ông ấy và buộc ông ấy phải thực hiện những cam kết đã đưa ra”, đồng thời cho biết thêm rằng trong quá trình thảo luận, ông Joe Biden đã chấp nhận những đề nghị này. Quyết định của Tổng thống đắc cử Mỹ về những nhân vật đã được đề cử, những người mà cũng sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2021 như ông, sẽ cơ bản phản ánh lời hứa đó. Giới chuyên gia đánh giá rằng, có vẻ như đây sẽ là một nội các đa dạng nhất trong lịch sử nước Mỹ, theo đó các ứng cử viên là người thiểu số đang nắm giữ các vị trí quan trọng, trong đó vị trí Bộ trưởng Quốc phòng “có lẽ là vị trí nội các quan trọng nhất” do Lầu Năm Góc là cơ quan có ngân sách lớn và tầm ảnh hưởng rộng. Sự lựa chọn nội các “đa dạng nhất” trong lịch sử nước Mỹ, có làm thay đổi chính sách của Mỹ trên thế giới không? Chúng ta hãy chờ xem…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét