Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

MƯU ĐỒ THÚC ĐẨY “XÃ HỘI DÂN SỰ” ĐỂ CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ ĐẤT NƯỚC

     Thời gian gần đây, vấn đề “xã hội dân sự” được nhiều cá nhân, tổ chức, nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài quan tâm, bàn luận. Đặc biệt, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí và âm mưu đen tối đã tán phát các bài viết và thực hiện nhiều hoạt động nhằm hình thành “xã hội dân sự” ở Việt Nam hòng hướng tới mục tiêu lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa bằng biện pháp “bất bạo động”, “phi vũ trang”. Trong bài “Viển vông khi nói về xã hội dân sự”, với cái nhìn thiếu thiện cảm, Nguyenngocgia đã cố tình xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước khi cho rằng “dưới cái nhìn của nhà cầm quyền CSVN, mọi cuộc tụ họp đều trở nên bất hợp pháp”, “mọi quan hệ dân sự đều bị hình sự hóa”. Điều này hoàn toàn là bịa đặt, xuyên tạc, trái ngược với thực tế ở Việt Nam. Bởi vì:

Thứ nhất, Quyền lập hội ở Việt Nam đã được thể hiện trong các văn kiện của Đảng, quy định trong Hiến pháp và được bảo đảm trên thực tế. Với mục tiêu phát triển con người, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân, Đảng và Nhà nước ta nhất quán quan điểm tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền lập hội. Văn kiện của Đảng xác định: Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội. Hiến pháp 2013 đã Hiến định quyền tự do hội họp, lập hội: công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Mặc dù luật về quyền lập hội theo Hiến pháp 2013 đang trong quá trình xây dựng, song quyền đó được bảo vệ bằng nhiều đạo luật và văn bản dưới luật. Nhiều tổ chức xã hội tự nguyện, tự chủ về mọi mặt đã ra đời và có đóng góp tích cực trên các lĩnh vực xã hội, nhất là về nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội. Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 400 hội, có phạm vi hoạt động toàn quốc. Thực tiễn này hoàn toàn trái ngược với sự vu khống, xuyên tạc của Nguyenngocgia khi cho rằng ở Việt Nam không được tự do lập hội, tự do hội họp. Tôn trọng và trân trọng mọi tổ chức xã hội tự nguyện hướng vào mục tiêu xây dựng xã hội ta trở thành một xã hội văn minh, trong đó quyền con người và quyền công dân được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Nhưng chúng ta không chấp nhận cá nhân hay tổ chức xã hội nào lợi dụng quyền được thành lập và hoạt động của tổ chức xã hội để nhằm mục đích chống phá Nhà nước, chế độ chính trị, thành quả cách mạng và đi ngược lại với lợi ích của nhân dân.

Hai là, không có chuyện mọi quan hệ dân sự đều bị hình sự hóa. Mặc dù vụ án “giết người”, chống người thi hành công vụ xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội được xác định là vụ án hình sự nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, bất chấp pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, đặc biệt là những người đang thi hành công vụ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vụ án đã gây nên sự bất bình, phẩn nộ trong quần chúng nhân dân. Phiên tòa xét xử đảm bảo công minh, nghiêm khắc và tính nhân văn cao, những kẻ phạm tội đã phải cúi đầu và nhận những bản án thích đáng, kết quả xét xử được đa số người dân ủng hộ và đồng tình. Vậy mà, không biết do thiếu hiểu biết về pháp luật đến nỗi Nguyenngocgia không thể phân biệt được đâu là hình sự, đâu là dân sự, hay cố tình không hiểu thế nào là hình sự để vu khống rằng chính quyền Việt Nam đã hình sự hóa quan hệ dân sự, hòng bao biện cho hành vi sai trái của những kẻ phạm tội.

Trước những âm mưu, hoạt động thúc đẩy hình thành “xã hội dân sự” hòng chống phá Đảng, nhà nước, chế độ và đất nước ta của các lực lượng thù địch, phản động, chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận rõ âm mưu và thủ đoạn của chúng. Cùng với việc nghiêm túc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tổ chức, hoạt động của các hội; cần tăng cường quản lý các tổ chức xã hội, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để chống phá sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những hành vi vu khống, xuyên tạc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi hoạt dộng vi phạm pháp luật, đi ngược lại với lợi ích của đất nước và nhân dân./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét