Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

HÒA HỢP DÂN TỘC ĐỂ HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

Với mỗi một quốc gia, khát vọng hòa bình, độc lập và thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ luôn hiện hữu. Cũng giống như nhiều quốc gia, dân tộc khác, nhân dân Việt Nam cũng mong ước được sống trong một đất nước hòa bình, độc lập và thống nhất.

Song khác một số quốc gia như Hàn Quốc và Triều Tiên, thì Việt Nam từ sau ngày 30/4/1975 đã là một đất nước hòa bình, độc lập và thống nhất.


   Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi mùa Xuân năm 1975 đã giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở đầu một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc: Thời kỳ cả nước đồng lòng, chung sức hàn gắn những vết thương của bao năm chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…và cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.


   Trong hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đó, vấn đề hòa hợp dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, được thực hiện nhất quán và cũng đã được nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế công nhận. Đó là một sự thật lịch sử và sự thật đó là không cần bàn cãi, không một thế lực nào, thủ đoạn tuyên truyền nào có thể xuyên tạc, phủ nhận.


   Tuy nhiên, cứ đến mỗi dịp lễ, Tết và nhất là ngày 30/4 hằng năm, thì trên mạng xã hội lại “rộn ràng” các bài viết khơi dậy, tuyên truyền sai sự thật về khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, nhất là sự chi viện về sức người và sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam. Thông qua đó, một mặt phủ nhận lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; mặt khác, kích động tâm lý thù hận của những người đã từng ở bên kia chiến tuyến, nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại chủ trương hòa hợp dân tộc.


   Thực tế, cần phải nhìn thẳng vào sự thật và khẳng định thế này:


   Một là, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn. Núi có thể mòn. Song chân lý đó không bao giờ thay đổi. Vì thế, dù là với chính sách chia để trị, thực dân Pháp đã chia nước ta làm ba miền Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ (trước năm 1945), hay là miền Bắc, miền Nam (thường gọi sau này) thì mỗi người dân đất Việt cũng đều là con Rồng cháu Tiên, đều cùng chung một Quốc Tổ Hùng Vương. Từ bao đời nay, hằng năm cứ đến ngày 10/3 âm lịch là con cháu ở khắp mọi miền đất nước lại hành hương về Đền Hùng – nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước – nơi chính là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó của dân tộc Việt Nam để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng.


   Từ xa xưa, ngày 10/3 - Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt: “Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi”… Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tiếp tục truyền thống hiếu nghĩa của cha ông, nhất là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” – hướng về cội nguồn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL – CTN ngày 18/2/1946 về những ngày nghỉ Tết, Kỷ niệm lịch sử và tôn giáo; trong đó, quy định công sở, viên chức được nghỉ ngày 10/3 âm lịch hằng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương.


   Ngày Giỗ Tổ hằng năm cũng là một dịp để mỗi con dân đất Việt “dọn lòng mình”, cùng hướng về, tụ về nơi linh thiêng để kính nhớ tổ tiên tại nơi thờ Quốc Tổ, ước mong cùng đoàn kết, xây dựng và phát triển đất nước xứng đáng với các bậc tiền nhân.


   Hai là, các văn kiện Đảng qua 13 kỳ Đại hội và Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều thể hiện rõ và nhất quán mục tiêu một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội… Trong đó, Điều 1, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời” và Điều 5 cũng ghi rõ: “1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”.


   Vì thế, những tổn thất và mất mát đau thương, đầy gian khổ và hy sinh của nhân dân cả nước trong những năm dài chiến tranh nói chung; trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là không thể phủ nhận.


   Vì thế, những luận điệu xuyên tạc kiểu như cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là “chiến tranh ý thức hệ, huynh đệ tương tàn”, là “miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam”, là “sau ngày 30/4, có biết bao số phận bi thương của người ra đi và số phận bất hạnh của người ở lại?”… rất cần được nhận diện đúng để nâng cao cảnh giác.


   Và cũng vì thế, trân trọng quá khứ, trân trọng lịch sử và hiểu đúng lịch sử để cùng đoàn kết vươn mình hướng đến tương lai mới là cần thiết; mới tạo lên nguồn sức mạnh nội lực của toàn dân tộc để xây dựng và phát triển đất nước, chứ không phải là tung tin xấu độc, tuyên truyền sai sự thật.


   Nhắc lại những điều trên để thấy, từ xa xưa trong lịch sử dựng nước và giữ nước cảu dân tộc cho đến ngày nay, thì vẫn cứ là khát vọng, niềm tin và quyết tâm của cả dân tộc nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.


   Thế nên, khi chiến tranh đã lùi xa, khi khát vọng về một nước Việt Nam phát triển hùng cường, hạnh phúc đã trở thành ý chí và quyết tâm của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, thì bất cứ ai, thế lực nào, dùng chiêu bài nào để bịa đặt, bôi đen và kích động lòng thù hận từ trong quá khứ, để phá vỡ khối đoàn kết toàn dân tộc thì đó đều là có tội với non sông, đất nước; có tội với tương lai của dân tộc Việt Nam.


   Ba là, từ sau ngày 30/4/1975, trên cơ sở lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm điểm tương đồng, hòa hợp, hòa giải dân tộc luôn là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, kiều bào ta định cư ở nước ngoài, không phân biệt ý thức hệ, xuất thân, kể cả những người còn định kiến, mặc cảm với chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam… cũng đã được tạo điều kiện để về thăm và góp sức xây dựng quê hương, đất nước.


   Đảng và Nhà nước luôn trân trọng lòng yêu nước chân chính, tinh thần đoàn kết và sự đóng góp về mọi mặt của mỗi người dân Việt Nam dù đang sinh sống ở trong hay ngoài nước. Song Đảng và Nhà nước cũng kiên quyết xử lý nghiêm khắc đúng theo Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam đối với những cá nhân, tổ chức có hành động nhằm xuyên tạc chính sách hòa hợp dân tộc, gây rối và phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc như có những hành vi đăng, phát thông tin có nội dung gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân; gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam… (Điều 9, Luật Báo chí năm 2016).


   Vì thế, những luận điệu mị dân, mập mờ, lẫn lộn như: cứ đến tháng 4 là lại nhớ đến nỗi trăn trở hối hận của “người lính Việt Nam Cộng hòa không “bảo vệ được quê hương”; cứ đến tháng 4 là lại nhớ đến cảnh “hỗn loạn, chết chóc đau thương và tủi nhục” hoặc “ngay trong lúc đi tìm sự hòa hợp, chúng ta vẫn chỉ đi tìm từ phía “kẻ thắng”, nên khó mà tìm ra sự đồng thuận”; chỉ có xóa bỏ chế độ “độc đảng” mới có hòa giải dân tộc, mới đem lại độc lập, chủ quyền, hạnh phúc cho nhân dân,v.v.. được đăng trên Danlambao, RFA tiếng Việt, Việt Tân… những ngày gần đây chính là sự phá hoại chủ trương hòa hợp dân tộc.


   Yêu nước thì rất quý nhưng phải yêu nước chân chính và đúng cách. Yêu nước mà bị tác động bởi tâm lý ảo vọng quá khứ, thù hận đầy tim thì sẽ dẫn đến sai lầm và phá hoại…!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét