Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

KHÔNG THỂ CÓ "QUÂN ĐỘI TRUNG LẬP" VÀ "ĐỨNG NGOÀI CHÍNH TRỊ"!"

Khi tình hình chính trị ở Myanma diễn biến phức tạp, các thế lực phản động cho rằng cần phải thực hiện ngay vấn đề quân đội đứng ngoài Đảng, lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “đổi mới đất nước...” thông qua các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc các phần tử phản động lưu vong nước ngoài và phần tử cơ hội, bất mãn trong nước được sự hỗ trợ, hà hơi tiếp sức của chủ nghĩa đế quốc đã dùng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, triệt để sử dụng internet, mạng xã hội, các kênh truyền thông để thực hiện mưu đồ của mình. Trong đó, có kẻ đã lên tiếng kiến nghị với Đảng rằng “quân đội phải duy trì tính trung lập về chính trị, đặt lợi ích của nhân dân lên trước bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào", "quân đội phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức chính trị nào, đảng phái nào"; "quân đội chỉ cần tuân theo pháp luật"; "quân đội cần đứng ngoài chính trị"...Theo đó, một số kẻ ngạo mạng, công khai bản chất chống phá "ở Việt Nam, quân đội không phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam". 


Trước hết, khẳng định quan điểm “quân đội trung lập”, “đứng ngoài chính trị” là một quan điểm hoàn toàn sai trái cả về mặt lý luận và thực tiễn. Thực chất nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội, làm Quân đội mất mục tiêu, phương hướng chính trị, nhằm vô hiệu hóa và làm lạc hướng Quân đội cách mạng để thực hiện hiệu quả mưu đồ xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đây là một trong những thủ đoạn nham hiểm, thâm độc trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đây là luận điểm vô chính trị, phản khoa học, lừa bịp, thực chất là một mũi tiến công chủ yếu nhằm làm cho quân đội xã hội chủ nghĩa mất phương hướng, rơi vào quỹ đạo chính trị phản động mà các thế lực tư bản, đế quốc đã thực hiện thành công trong lịch sử. 


Về mặt lý luận, thực chất chúng ta đều biết rằng chính trị của quân đội là vấn đề bản chất giai cấp của nó, để trả lời các câu hỏi: Một quân đội cụ thể do giai cấp nào tổ chức, nuôi dưỡng, sử dụng và lãnh đạo? Nó phục vụ cho giai cấp nào, bảo vệ quyền lợi của ai? Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội ấy cho ai, vì ai? Xét về bản chất, quân đội bao giờ cũng là công cụ bạo lực, phục vụ cho mục đích chính trị của một giai cấp, nhà nước nhất định. Tính chất chính trị của quân đội thể hiện tập trung và rõ nét ở mục tiêu chiến đấu, tổ chức lực lượng, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy và chức năng, nhiệm vụ của quân đội; phụ thuộc vào quan điểm, đường lối chính trị của giai cấp, nhà nước, đảng chính trị tổ chức ra quân đội.


Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ: “Chiến tranh là một hiện tượng chính trị - xã hội có tính lịch sử, đó là cuộc đấu tranh vũ trang có tổ chức giữa các giai cấp, nhà nước nhằm thực hiện mục đích chính trị nhất định” hay “chiến tranh là sự kế tục của chính trị”. Một khi đã thừa nhận “chiến tranh là sự kế tục của chính trị” thì tất yếu phải thừa nhận: không thể có và không ở đâu có thứ quân đội “đứng ngoài chính trị”, hoặc “không dính đến chính trị”. 


Bởi vì, bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng có mục tiêu chính trị, thể hiện lập trường chính trị của các bên tham chiến, quân đội của các bên tham chiến đều được lực lượng chính trị cầm quyền tổ chức, giáo dục để thực hiện mục tiêu chính trị đó. Do vậy, bất cứ quân đội nào cũng đều được chú ý xây dựng về chính trị. Lênin đã đề ra các nguyên tắc cơ bản về xây dựng quân đội kiểu mới, trong đó, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nguyên tắc quan trọng nhất và quyết định: “Hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân như chăm lo đến con ngươi trong mắt mình”. 


Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng nhân tố chính trị trong xây dựng quân đội: Người đặt lên hàng đầu vấn đề xây dựng quân đội về chính trị: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam là sức mạnh tổng hợp, trong đó, yếu tố con người với trình độ giác ngộ chính trị cao giữ vai trò quyết định, định hướng toàn bộ hoạt động của quân đội phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử. Chính trị còn có khả năng thẩm thấu, liên kết chặt chẽ các yếu tố tạo thành sức mạnh chiến đấu tổng hợp của quân đội ta. Trong quan điểm xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng ta xác định: “Lấy chất lượng là chính, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở” cho ta thấy rõ vai trò của chính trị trong quân sự và trong chiến tranh.


Về mặt thực tiễn, trong xây dựng quân đội của bất kỳ quốc gia, dân tộc nào, bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, vấn đề chính trị luôn được đặt lên vị trí cao nhất. Chính trị là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự tồn tại, phát triển của quân đội ấy, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ chính trị - xã hội và vận mệnh của quốc gia dân tộc. Lịch sử thế giới và trong nước đã chứng minh rất rõ ràng, nếu quân đội của một quốc gia nào mất bản chất giai cấp, đứng ngoài sự lãnh đạo của đảng và trung lập về chính trị thì đồng nghĩa với việc đất nước bị thay thế bởi một chế độ xã hội mới. Bài học từ Liên Xô, Đông Âu là một minh chứng rất sinh động. Trở lại vấn đề của Myanma ta thấy rõ quân đội này do giai cấp tư sản chi phối, do được xây dựng trên nền tảng thuyết “vũ khí luận”, vấn đề xây dựng về chính trị xếp sau việc không ngừng hiện đại hóa vũ khí trang bị. Nhưng không vì thế mà họ không chú ý đến xây dựng về chính trị cho quân đội. Chính trị được truyền bá vào quân đội của họ là hệ tư tưởng tư sản, là công tác tổ chức và lối sống, đạo đức theo quan điểm của giai cấp tư sản. Vì thế, khi quyền lợi của một nhóm người trong giai cấp tư sản bị ảnh hưởng họ sẽ triển khai quân đội của mình thực hiện đảo chính. Do đó, thường gây bất ổn chính trị trong nước. 


Đối với Quân đội ta, đã trải qua gần 77 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành là một Quân đội thống nhất mang bản chất của giai cấp công nhân, chính trị của Quân đội ta là thực hiện chính trị của Đảng Cộng sản, phục vụ Đảng, Tổ quốc, phục vụ nhân dân; biểu hiện tập trung vì độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Một lần nữa khẳng định, ai đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xem nhẹ, buông lỏng vấn đề xây dựng quân đội về chính trị, tất yếu sẽ dẫn đến kết cục làm cho quân đội mất phương hướng chính trị, xa rời bản chất giai cấp công nhân, từ bỏ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Quân đội ấy sẽ trở nên vô dụng, có hại cho dân, cho nước. Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, tình hình bất ổn chính trị ở các nước trên thế giới, gần nhất là Myanma đã chứng minh điều đó./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét