Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

NGƯỜI NÂNG NIU TẤT CẢ, CHỈ QUÊN BẢN THÂN MÌNH

Suốt đời Người chỉ luôn trăn trở với mục tiêu: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.


“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam...”, đó là những lời ca trong bài hát Bác Hồ một tình yêu bao la của cố nhạc sĩ Thuận Yến. Những lời ca ấy như thay lời muốn nói cho hàng triệu trái tim của bao thế hệ người Việt Nam đối với Người cha già của dân tộc. Bác đã đi xa nhưng hình ảnh một con người vĩ đại suốt đời tận tâm, tận tụy vì dân, vì nước sẽ luôn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người con Việt Nam.


Tình yêu nước, thương dân ấy của Bác không chỉ thể hiện ở những quyết sách lớn lao mà có thể nhìn thấy rõ ở từng câu nói, từng việc làm, cử chỉ vô cùng gần gũi và giản dị của Người. Mang trọng trách lớn trên vai, dù bận trăm công ngàn việc, Người vẫn luôn dành thời gian để thường xuyên đi cơ sở, tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Từ đó, hiểu đúng tình hình và đưa ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp với lòng dân. Mỗi lần đi làm việc xa, đi thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ, Người thường đem theo cơm nắm, muối vừng để khỏi làm phiền cán bộ, nhân dân địa phương, để khỏi “vì thết đãi Bác mà thịt cả con bò”.


 Bác còn nhiều lần viết thư thăm hỏi, tặng quà cho các cụ già nhân dịp mừng thọ, viết thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu, vào năm học mới...


Trước nạn đói xảy ra, Bác rất đau xót và đã kêu gọi đồng bào cả nước cứ mười ngày thì nhịn ăn một bữa, một tháng nhịn ăn ba bữa, lấy gạo đó để cứu giúp dân nghèo và Người xin thực hành trước. Khi tham dự cuộc vận động Mùa đông binh sĩ, Người đã cởi ngay chiếc áo len đang mặc để gửi cho các chiến sĩ ngoài mặt trận...


Trong buổi lễ long trọng, khi Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2-9-1945 với sự tham gia của hàng chục vạn đồng bào, Bác giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn. “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc...”. Bác dừng lại đột ngột và hỏi người nghe: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Quần chúng hô vang đáp lại: “Rõ!”.


Câu hỏi giản dị ấy của Người giữa giây phút long trọng của lịch sử là biểu hiện cao độ của lòng yêu nước thương dân, là kết tinh của phẩm giá và tư tưởng của Người.


Cho đến lúc cuối đời, Bác vẫn đau đáu tâm nguyện phục vụ đất nước, nhân dân. Trong Di chúc, Bác viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.


“Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.


Bác Hồ kính yêu của chúng ta là vậy, không chỉ xuất phát từ tinh thần bác ái, từ nỗi lo toan của vị Chủ tịch nước với nhân dân, mà còn là tình thương yêu vô hạn con người với con người, đó cũng là văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh. Nhà sử học người Mỹ Stenson đã viết: “Hồ Chí Minh là con người bình thường sống hòa đồng trong cuộc sống của xã hội, Người thương yêu tất cả chỉ quên mình, Hồ Chí Minh mãi là tấm gương sáng về nhân cách một con người thời đại cho mọi thế hệ tiếp sau”.


Trước lúc ra đi, trong Di chúc, Người không quên dặn dò: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét