Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

XIN ĐỪNG ĐỂ SỰ RA ĐI CỦA NỮ NHÂN VIÊN Y TẾ AN GIANG TRỞ NÊN VÔ NGHĨA…

Đây có lẽ là thông tin mang đến sự trĩu nặng đối với người dân cả nước khi Bộ Y tế thông báo về ca tử vong do sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid sau khi  tiêm vaccine của nữ nhân viên y tế 35 tuổi đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu, tỉnh An Giang.

Sự ra đi của chị chắc chắn đã mang lại sự đau buồn và tiếc thương vô vàn đối với hàng trăm nghìn đồng nghiệp là các nhân viên y tế, các y bác sĩ và cả người dân trên đất nước chúng ta. 

Thế nhưng, sự ra đi đó không hề vô nghĩa, mà ngược lại còn mang ý nghĩa rất lớn, về những giá trị mà dân tộc này đã chiến đấu với cơn đại dịch suốt gần 2 năm qua. Và về những hoài bão mà đất nước chúng ta đang hướng đến, đó là sự miễn dịch cộng đồng.

Chắc chắn, trước khi tiêm vaccine, nhân viên tiêm chủng đã khám sàng lọc và giải thích cặn kẽ về các phản ứng sau tiêm và những nguy cơ có thể xảy ra đối với mình. Với một người có kiến thức về y học, hiểu rất rõ những gì có thể xảy ra, chị đã đón nhận mũi tiêm vì mục tiêu cao cả.

Thế nhưng, điều không may đã xảy ra!

Nhưng trên hết, chị đã giúp cho chúng ta, những người thiếu kiến thức y khoa hiểu một điều rằng. Tỷ lệ rủi ro là có nhưng rất thấp. Đến ngay cả việc nhổ một chiếc răng khôn cũng có thể dẫn đến biến chứng gây tử vong thì không việc gì là hoàn toàn an toàn cả.

Và sự dũng cảm đó của chị là minh chứng rõ nét nhất cho hình ảnh hàng trăm nghìn nhân viên y tế đã, đang và sẽ tiếp tục nhận những mũi tiêm chủng vaccine. Nguy cơ này, họ đều hiểu rất rõ, nhưng để đối chọi với kẻ thù nguy hiểm, họ sẵn sàng đón nhận...họ rất xứng đáng nhận được từ chúng ta lời trân trọng cảm ơn và sự vinh danh kịp thời nhất. 

Theo bản tin 6h ngày 10/5 của Bộ Y tế, các bệnh nhân ghi nhận trong nước tại Bắc Ninh (27), Vĩnh Phúc (19), Đà Nẵng (13), Bắc Giang (5), Hà Nội (9), Hòa Bình (2), Đắk Lắk (1), Điện Biên (1), Lạng Sơn (1) với tổng cộng 78 ca mắc mới. Đây được coi là ngày có số ca mắc cộng đồng kỷ lục từ trước đến nay.

Như vậy cho thấy rằng cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta đang tiếp tục bước vào giai đoạn cam go, nóng bỏng. Để tuyến đầu chống dịch thành công lúc này rất cần một hậu phương vững chắc. 

Ngay thời điểm này chỗ dựa lớn nhất, vững chắc nhất của những “chiến binh áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch là sự đồng sức, đồng lòng cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.

Với những đóng góp thầm lặng của đội ngũ cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch, sự động viên kịp thời của các cấp, các ngành, và với một hậu phương vững chắc, các y, bác sĩ, nhân viên y tế  sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chiến thắng dịch bệnh...

Báo chí, mạng xã hội, dư luận thời gian qua đã có rất nhiều bài viết nhân văn, khách quan, cổ vũ tinh thần lực lượng chống dịch nói chung và những “ chiến binh áo trắng” nói riêng nhưng cũng xuất hiện một số bài, status mang tính vùi dập, phủ nhận công lao và đổ lỗi cho ngành Y mỗi khi tình hình biến động. Xin đừng độc ác một cách nhẫn tâm như vậy. Nên nhớ rằng đa phần các số liệu, hình ảnh và thông tin chúng ta có được để lên bài đều phải được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt với những đêm thức trắng của các Y bác sĩ và lực lượng truyền thông Y tế.

Chính quyền đang triển khai tất cả các biện pháp với nhiệm vụ cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân, cho cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội, đưa đất nước tiếp tục tiến về phía trước nhưng tuyệt đối không bỏ công dân mình ở lại phía sau. Để chiến thắng đại dịch chúng ta có rất nhiều việc phải làm, trước mắt, thay vì ngồi hoang mang run sợ thì mỗi người dân hãy thực hiện thật tốt 5K và các quy định phòng chống dịch tại nơi làm việc, nơi ở thì chắc chắn cuộc chiến này chúng ta nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn. 

Hậu phương có vững chắc thì tiền tuyến mới vững vàng để chiến thắng đại dịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét