Thứ Hai, 27 tháng 12, 2021

ĐẠI TÁ TÌNH BÁO PHẠM NGỌC THẢO

 CÓ NHỮNG NGƯỜI LÍNH ĐI GIỮA QUÂN THÙ MẶT KHÔNG BIẾN SẮC, ĐẠI TÁ TÌNH BÁO CÓ MỘT KHÔNG HAI PHẠM NGỌC THẢO

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có những người lính đi giữa kẻ thù mà không biến sắc, tung hoành ngang dọc trong hàng ngũ đối phương. Họ là những chiến sĩ tình báo sống trong những vỏ bọc khác nhau để hoạt động. Là những người lính tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam dẫu phải đối diện với cái chết cũng không hé răng khai báo với quân thù. Một chiến sĩ tình báo có sức chiến đấu như một Quân đoàn thậm chí như một Tập đoàn quân (lời Stalin) nhưng có thể hàng chục năm sau khi hy sinh chiến sĩ tình báo vẫn chưa được trả lại thân phận thực sự của mình hoặc không bao giờ được trả lại vì nguyên tắc đơn tuyến, bí mật. Phạm Ngọc Thảo là một trường hợp như vậy.
Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Đại tá, Liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo nguyên mẫu hình tượng Đại tá Nguyễn Thành Luân trong tác phẩm "Ván bài lật ngửa" của nhà văn Trần Bạch Đằng (Nguyễn Trường Thiên Lý). (Tiểu thuyết "Giữa biển giáo rừng gươm" của nhà văn Trần Bạch Đằng được dựng thành phim với tựa đề "Ván bài lật ngửa". Bộ phim thành công tới mức sau đó nhà văn Trần Bạch Đằng đã lấy nhan đề này đặt lại cho tiểu thuyết). Xuất thân từ một gia đình Công giáo toàn tòng "trâm anh thế phiệt" dưới chế độ thực dân ở Nam Bộ. Gia đình ông có tới hơn 4000 mẫu đất và gần 1000 căn nhà rải rác ở khắp các tỉnh Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Giá, Sa Đéc, Vĩnh Long. Cả gia đình được nhập quốc tịch mẫu quốc - là công dân của Cộng hòa Pháp. Khác với anh em trong gia đình ông đều du học Pháp, Chín Thảo (Phạm Ngọc Thảo còn có tên là Albert Phạm Ngọc Thảo, còn gọi là Albert Thảo nhưng mọi người thường gọi là Chín Thảo vì ông là con thứ 8 trong gia đình) ra Hà Nội theo học trường Kỹ sư Công chính Hà Nội. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, những người anh em của ông theo Việt Minh tham gia Chính quyền Nhân dân. Khi thực dân Pháp quay lại với âm mưu tái chiếm Việt Nam, Phạm Ngọc Thảo tuyên bố hủy bỏ quốc tịch Pháp quay về miền Nam theo Việt Minh. Trên đường tìm đến với Cách mạng ở Miền Nam noi theo dấu chân của anh em trong gia đình ông bị dân quân Việt Minh trói ném xuống sông để thủ tiêu do hiểu nhầm ông là mật thám Pháp. Nhờ may mắn ông sống sót nhưng vẫn quyết tâm tìm về với Cách mạng. Năm 1946, ông cùng 12 chiến sĩ Nam Bộ khác được cử ra Bắc theo học trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) khai giảng khóa đầu tiên. Mãn khóa ông được điều về Phú Yên nhận công tác, trong một lần ông được giao nhiệm vụ bảo vệ một cán bộ vào Nam đó chính là đồng chí Lê Duẩn - người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tình báo sau này của Đại tá Thảo.
Trong tác phẩm "Anh hùng Phạm Ngọc Thảo" của Phạm Tường Mạnh đã miêu tả có những đoạn đường Đại tá Thảo phải cõng đồng chí Lê Duẩn trên vai vì sức khỏe đồng chí Lê Duẩn vẫn còn yếu (do 5 năm bị thực dân Pháp tù đày ở Côn Đảo lần thứ 2, sau Cách mạng Tháng Tám thành công mới được đón về đất liền), giữa tình cảm đồng chí mà cũng như chú - cháu trong gia đình. Trở về Nam Bộ, Phạm Ngọc Thảo được giao nhiều nhiệm vụ tiểu đoàn trưởng, trung đoàn phó, trưởng phòng mật vụ, sĩ quan tham mưu... trong những lần chống địch càn mọi người vẫn thấy một tiểu đoàn trưởng quần vải, lưng trần, chân đất cầm súng lăn xả trên tuyến đầu đánh địch.
* BẮT ĐẦU SỰ NGHIỆP TÌNH BÁO
Sau hiệp định Genève, ông được đích thân Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Lê Duẩn giao nhiệm vụ ở lại miền Nam hoạt động tình báo, để hình thành "lực lượng thứ ba" trong trường hợp Hiệp định Geneve không được đối phương thi hành. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nhận xét "anh Ba Duẩn rất tin cậy Phạm Ngọc Thảo và đã giao cho đồng chí Thảo một nhiệm vụ đặc biệt", "anh Phạm Ngọc Thảo đã nhận một nhiệm vụ đặc biệt, chưa từng có tiền lệ trong công tác cách mạng của chúng ta". Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn cũng đã nhận xét trong cuốn "Điệp viên hoàn hảo": "Nhiệm vụ được giao cho Phạm Ngọc Thảo khác với nhiệm vụ của tôi... Nhiệm vụ của ông Phạm Ngọc Thảo nguy hiểm hơn nhiệm vụ của tôi rất nhiều". Sự đặc biệt của nhiệm vụ của Đại tá Thảo không giống những sĩ quan tình báo khác là "chui sâu leo cao" ẩn mình trong hàng ngũ đối phương để khai thác thông tin tình báo mà nhiệm vụ của Đại tá Thảo là "tung hoành ngang dọc" trong hàng ngũ kẻ thù, đánh chúng ngay từ bên trong, gây bất ổn chính trị và "thay đổi chế độ tại miền Nam". Vì không chịu ký tên vào giấy "hồi chánh" nên Phạm Ngọc Thảo bị An ninh quân đội ngụy lùng bắt nhiều lần nhưng đều trốn thoát. Là một người Công giáo nên ông được Giám mục Phêrô Ngô Đình Thục (anh trai của Ngô Đình Diệm, vốn quen biết gia đình ông từ lâu) nâng đỡ và tiến cử với Diệm - Nhu. Sau đó ông tham gia vào hàng ngũ ngụy quân Sài Gòn nhờ khôn khéo tận dụng chính sách "đả thực bài phong" của địch với cấp bậc Đại úy "đồng hóa" rồi tiến thân bằng cách gia nhập "Đảng Cần lao nhân vị" mà theo Đỗ Mậu (từng là "công thần" tâm phúc của Ngô Đình Diệm nhưng cũng là một trong những người cầm đầu ngụy quân làm đảo chính lật đổ Diệm - Nhu năm 1963) phải gọi là "Cần lao Công giáo" theo đó những người theo Công giao gia nhập Đảng này đều được anh Diệm - Nhu nâng đỡ và thăng tiến trong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn. Chính Nguyễn Văn Thiệu cũng cải đạo từ Phật giáo sang Công giáo rồi gia nhập "Cần lao Công giáo" để hương ơn mưa móc từ anh em họ Ngô. Phạm Ngọc Thảo được Ngô Đình Diệm tin tưởng giao cho nhiều công tác trong đó có cả làm việc tại cơ quan tình báo, phản gián trực thuộc phủ Tổng thống ngụy - như một sự khôi hài của lịch sử, một sĩ quan tình báo phía bên kia lại là chỉ huy tình báo của đối phương. Trong một lần ông được trùm mật vụ Trần Kim Tuyến giao nhiệm vụ đi vây bắt chính người thầy của mình - Lê Duẩn ông đã ra lệnh binh sĩ hú còi inh ỏi từ nơi cách xa địa điểm bắt hàng cây số. Và đấy là lần duy nhất ngụy quân đã có thể bắt được đồng chí Lê Duẩn. Ông hết sức ủng hộ Diệm - Nhu với "quốc sách" Khu Trù Mật (Ấp chiến lược) vì ông biết chắc cách làm đó sẽ gây thất nhân tâm sẽ gây oán than trong Nhân dân và rõ ràng với nhiều việc gây thất nhân tâm khác của "Ngô Triều" với chế độ gia đình trị (như nhận xét của Đỗ Mậu) thì việc sụp đổ của chế độ đó chỉ là vấn đề thời gian.
* "HỌC SINH BIỆT ĐỘNG" ÁM SÁT HỤT TRUNG TÁ TIỂU KHU KHU TRƯỞNG, KIÊM TỈNH TRƯỞNG KIẾN HÒA PHẠM NGỌC THẢO
Chiếm được sự tin tưởng của Ngô Đình Diệm, ông được Diệm thăng Trung tá bổ nhiệm chức vụ Tỉnh trưởng Kiến Hòa (nay là tỉnh Bến Tre). Phạm Ngọc Thảo đã rất khôn khéo khi ra điều kiện với Ngô Đình Diệm: Một là ổn định tình hình Bến Tre không phải bằng bạo lực mà là chính trị, vì ông không thể hành động như những quân nhân võ biền khác. Hai, nếu bắt được Việt Cộng, có đủ bằng chứng, cho lập phiên tòa xét xử. Ba, Tỉnh trưởng Bến Tre được đặc cách chỉ báo cáo với Tổng thống, không qua một ban, bộ nào. Ông giải thích với Ngô Đình Diệm rằng ông muốn làm như vậy như một cách thí điểm một chính sách cầm quyền mới nhằm tranh thủ nhân tâm, thân dân, ông muốn có một sự mềm dẻo với dân chúng. Và ông được Diệm đồng ý với các điều kiện mà ông đặt ra. Ngay sau khi nhậm chức, Trung tá tỉnh trưởng đã cho thả hơn 2.000 người yêu nước đang bị địch giam cầm, liên hệ với đồng chí Nguyễn Thị Định để tạo điều kiện cho khởi nghĩa Bến Tre. Chính vì được toàn quyền xét xử nếu bắt được "Việt Cộng", đồng chí Phạm Ngọc Thảo đã trừng trị những tên phản bội, chỉ điểm, "chiều hồi", đầu hàng địch. Và vì điều kiện không bạo lực nên binh lính ngụy quân không được đàn áp nhân dân và đây là hành động "bật đèn xanh" cho phong trào "đồng khởi" sau này. Và nhờ vào chỉ phải báo cáo với "Tổng thống Diệm" nên không phải chịu sự chi phối của Bộ, Ban hay Tư lệnh Vùng chiến thuật do đó Trung tá Tỉnh trưởng đã biến Kiến Hòa thành một vùng tự trị với những chính sách riêng.
Tuy nhiên, với vỏ bọc tình báo là một quan chức cấp cao của ngụy quân, ngụy quyền nên ông trở thành mục tiêu ám sát của biệt động Bến Tre. Vào dịp Quốc khánh ngụy quyền Sài Gòn, 26/10/1961 một cuộc biểu dương lực lượng do Tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo chủ trì tại Quảng trường An Hội thì có 2 trái lựu đạn MK2 quăng lên lễ đài. Trái đầu tiên cách Phạm Ngọc Thảo khoảng mét rưỡi, đồng chí Thảo chụp trái lựu đạn đang xì khói, lúng túng không biết xử lý làm sao, nếu ném ra bên ngoài thì chết dân, ném bên phải bên trái thì chết dàn thiếu nhi nhà thờ. Đang không biết làm sao thì thấy khói dần dần mỏng ra, biết lựu đạn lép, nên nắm chặt luôn. Trái thứ 2 cách Phạm Ngọc Thảo tầm chục mét và cũng không nổ. Sau đó, Đặng Quốc Tuấn (Sáu Tuấn) và Ngô Văn Thiều hai "học sinh biệt động" thực hiện vụ ám sát hụt trên khi đang là học sinh đệ tam (lớp 10) bị địch bắt. Phạm Ngọc Thảo đã đến thăm gặp và khuyên: "Các em còn nhỏ, phải lo chuyện học hành, chính trị là chuyện của người lớn, sau này lớn lên muốn làm gì thì làm". Sau ngày giải phóng, ông Đặng Quốc Tuấn cho rằng 2 trái lựu đạn không nổ có nội gián của địch trong công binh xưởng và sau này có bắt được một tên địch cài cắm trong công binh xưởng của ta. Bà Phạm Thị Nhiệm (vợ Đại tá Thảo, hiện định cư tại Hoa Kỳ) thỉnh thoảng về nước, đều thăm ông Sáu Tuấn, bà nói: “Ngày xưa anh Thảo vẫn nhắc đến tụi mày”.
*"TƯ LỆNH " "KHÔNG QUÂN" - CHUYÊN GIA ĐẢO CHÍNH
Trong những năm 1962 - 1963, phong trào Đồng khởi lan rộng. Đồng thời với chế độ gia đình trị của "Ngô Triều" (theo cách gọi của Đỗ Mậu) đã làm thất nhân tâm, lòng dân oán thán, tướng lãnh binh sĩ của ngụy quân bè phái và nảy sinh bất mãn với sự cai trị của anh em Diệm - Nhu.
Đấu tranh của quần chúng nổ ra ở nhiều nơi, Phật tử xuống đấu tranh đòi bình đẳng, tự do tôn giáo; sinh viên cũng bãi khóa, biểu tình tham gia đấu tranh chống ngụy quyền; nhiều nhóm sĩ quan ngụy quân âm mưu đảo chánh... Và đặc biệt, Mỹ đã muốn "thay ngựa giữa dòng", Mỹ cần một viên "thái thú" mới biết nghe lời hơn Diệm. Biết trước sau gì tổng thống Ngô Đình Diệm cũng bị người Mỹ lật đổ để dựng lên một chính quyền nguy hiểm hơn, Phạm Ngọc Thảo cùng kết hợp Trần Kim Tuyến cũng đang bất mãn anh em họ Ngô lên một kế hoạch đảo chính với mục tiêu đổi chế độ nhằm vô hiệu hóa ý đồ của người Mỹ. Không may kế hoạch bị bại lộ, Trần Kim Tuyến bị lưu đày đi làm đại sứ ở Ai Cập nhưng Phạm Ngọc Thảo lại bình yên vô sự. Vì Ngô Đình Nhu - được xem là "bộ não của chế độ" không tin Phạm Ngọc Thảo tham gia kế hoạch này, thứ nhất là ông Nhu không tin Thảo phản bội, thứ hai là Thảo “không có quân” (vì Phạm Ngọc Thảo không có thực quyền quản lý một đơn vị chiến đấu nào cả). Thực ra Nhu đã nhầm, lúc đó Phạm Ngọc Thảo đã kêu gọi được một số đơn vị như Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, Biệt động quân, Bảo an,... hậu thuẫn. Vài tháng sau, vào ngày đầu tiên của tháng 11/1963, được sự "bật đèn xanh" của Mỹ một cuộc đảo chính khác do nhóm sĩ quan khác nổ ra và cầm đầu là Dương Văn Minh với sự góp mặt của đông đảo tướng tá trong đó có cả Đỗ Mậu, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ. Nhanh chóng, Phạm Ngọc Thảo đã tham gia cuộc đảo chính này, ông đã chỉ huy quân đảo chính chiếm được Đài Phát thanh Sài Gòn. Sau khi chiếm Đài Phát thanh, quân đảo chính thông báo danh sách những tướng lĩnh tham gia đảo chính, hầu hết các tướng lĩnh đều có trong danh sách này. Quân đảo chính cũng phát lời hiệu triệu đại ý gồm có lời tuyên bố lý do quân đội phải đứng lên lật đổ chế độ, lời kêu gọi ông Diệm đầu hàng, lời hứa sẵn sàng để cho ông Diệm xuất ngoại và lời hiệu triệu quốc dân đồng bào đoàn kết làm hậu thuẫn cho cuộc đảo chính. Nhưng ngày hôm sau, hai cái xác của anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu đã bị bắn, bị đâm bấy nhầy nằm trong một chiếc thiết vận xa M113 đậu trong Bộ tổng tham mưu ngụy quân Sài Gòn. Chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Đỗ Mậu, Nguyễn Văn Thiệu được thăng Thiếu tướng còn Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Ngọc Thảo được thăng Đại tá. Kết thúc một chế độ độc tài nhưng bọn ngụy quân, ngụy quyền lại bước sang một giai đoạn mới đó là xâu xé, hạ bệ lẫn nhau... chia nhiều phe "tướng trẻ", "tướng già" rồi kết bè phái, "thổi" quân hàm cho vây cánh nên thời này dân chúng còn gọi là "thời loạn tướng". Nguyễn Khánh làm một cuộc đảo chính khác mang danh nghĩa “chỉnh lý” để hạ bệ Dương Văn Minh và nhóm “tướng già” vì lý do “trung lập”, thân Pháp. Đại tá Phạm Ngọc Thảo được Nguyễn Khánh mời làm phát ngôn viên báo chí trong “Hội đồng quân nhân Cách mạng”. Tháng 10 năm 1964, khi Trần Thiện Khiêm được bổ nhiệm làm Đại sứ ngụy quyền Sài Gòn tại Mỹ, ông được cử làm tùy viên báo chí và quân sự của Sứ quán Việt Nam Cộng Hòa. Ông đưa luôn vợ con sang (họ định cư ở Mỹ cho đến ngày nay). Tuy nhiên đến đầu năm 1965, Đại tá Phạm Ngọc Thảo bị ngụy quyền nghi ngờ nên Nguyễn Khánh (khi ấy đang ở đỉnh cao quyền lực bằng “Hiến chương Vũng Tàu” với chức vụ Quốc trưởng) triệu hồi ông về nước với ý định bắt ông ở ngay tại phi trường Tân Sơn Nhất. Đại tá Thảo đã khôn khéo không về nước bằng chuyến bay đã định nên đã thoát khỏi sự vây bắt của Nguyễn Khánh. Ông đã bí mật liên lạc với các lực lượng đối lập để tiến hành đảo chánh lật đổ chế độ độc tài của Nguyễn Khánh và cũng để ngăn kế hoạch ném bom miền Bắc giữa Nguyễn Khánh và Mỹ vào ngày 20/2/1965. Vì vậy, ngày 19/2/1965 cuộc đảo chánh được tiến hành với tên gọi “Chiến dịch Nguyễn Huệ”. Phạm Ngọc Thảo cùng Thiếu tướng Lâm Văn Phát, Đại tá Bùi Dzinh và Trung tá Lê Hoàng Thao đem quân (gồm các đơn vị thiết giáp với 45 xe tăng và thiết giáp, các đơn vị địa phương quân, lực lượng của Trường bộ binh Thủ Đức và chủ lực là trung đoàn 46 thuộc Sư đoàn 25 bộ binh) tiến vào chiếm trại Lê Văn Duyệt, đài phát thanh Sài Gòn, bến Bạch Đằng và phi trường Tân Sơn Nhất. Nguyễn Khánh được Nguyễn Cao Kỳ cứu thoát bằng máy bay ra Vũng Tàu (điều này được Nguyễn Cao Kỳ trình bày khá chi tiết trong hồi ký).
Mục tiêu quan trọng hàng đầu là bắt sống Nguyễn Khánh đã không thực hiện được, nội bộ phe đảo chính có nhiều chia rẽ, tranh giành nhau nên cuộc đảo chính thất bại. “Hội đồng các tướng lĩnh” ngụy quân đã cử tướng Nguyễn Chánh Thi làm Tư lệnh “Quân đoàn Giải phóng Thủ đô” đưa quân về Sài Gòn chống đảo chính và ra lệnh cho Phạm Ngọc Thảo, Lâm Văn Phát và 13 sĩ quan khác phải ra trình diện trong 24 giờ. Tuy cuộc đảo chính của Đại tá Thảo tham gia chỉ huy bị thất bại nhưng đã góp phần hạ bệ Nguyễn Khánh, các tướng lĩnh trẻ đứng đầu là Thiệu - Kỳ nhân sau khi dẹp được đảo chính đã buộc Nguyễn Khánh giải nhiệm mọi chức vụ chỉ huy và đưa Khánh đi lưu đày ở nước ngoài với danh nghĩa “đại sứ lưu động” (một chức danh không có thực quyền gì cả).
*ANH DŨNG HI SINH
Sau đảo chánh thất bại, Phạm Ngọc Thảo phải rút vào hoạt động bí mật, lẩn tránh sự truy bắt của chính quyền, nhưng vẫn còn nắm được 1 tiểu đoàn. Ông tiếp tục chuẩn bị tư tưởng cho các hoạt động cách mạng bằng cách xuất bản tờ báo "Việt Tiến", mỗi ngày phát hành trên 50.000 tờ, tuyên truyền tinh thần yêu nước. Ông có cả một hàng rào bảo vệ rộng lớn từ các xứ đạo Biên Hòa tới Hố Nai, Thủ Đức; có nhiều linh mục giúp đỡ in ấn, phát hành tờ Việt Tiến. Lúc này, ông bị chính quyền Thiệu - Kỳ kết án tử hình và treo giải 3 triệu đồng cho ai bắt được nhưng vẫn liên lạc với cơ sở cách mạng trực tiếp là Sáu Dân (bí danh của Võ Văn Kiệt) để hoạt động tiếp.
Đồng chí Võ Văn Kiệt kể lại: "tôi thấy Phạm Ngọc Thảo quá khó khăn nên đi tìm anh để đưa về chiến khu. Nhưng anh bảo vẫn còn khả năng đảo chính thành công quyết tâm ngăn chặn bàn tay đế quốc Mỹ định đưa quân viễn chinh vào miền Nam, cản trở kế hoạch ồ ạt đổ quân vào Đà Nẵng cuối tháng 5/1965...". Đại sứ quán Mỹ cũng đề nghị đưa ông ra nước ngoài an toàn nhưng ông từ chối. Sau khi nhậm chức Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia (Quốc trưởng), Nguyễn Văn Thiệu quyết định tìm bắt và giết Phạm Ngọc Thảo để trừ hậu họa. Tướng Lâm Văn Phát đã ra trình diện và chỉ bị cách chức, nhưng đại tá Phạm Ngọc Thảo phải trốn nhiều nơi, cuối cùng đến trốn trong Đan viện Phước Lý ở xã Vĩnh Thanh, Nhơn Trạch, Biên Hòa. Lúc 3 giờ sáng ngày 16 tháng 7 năm 1965, khi ông vừa ra khỏi Đan viện Phước Lý thì bị an ninh quân đội mai phục sẵn bắt rồi đưa về một suối nhỏ gần Tam Hiệp, Biên Hòa, định thủ tiêu (có một số tài liệu cho rằng có một tên phản bội đã chỉ điểm cho An ninh quân đội ngụy bắt Đại tá Thảo). Tuy nhiên Phạm Ngọc Thảo không chết mà chỉ bị ngất vì viên đạn chỉ trúng cằm. Tỉnh dậy, ông cố lết về một nhà thờ. Ông được linh mục Cường, cha tuyên úy của Dòng Nữ tu Đa Minh, Tam Hiệp cứu chữa. Sau đó ông chủ động xin chuyển tới chỗ khác phòng khi An ninh quân đội tới truy tìm, nhưng bị phát giác và ông lại bị an ninh quân đội bắt về Cục an ninh quân đội, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn.
Dù vết thương ở cằm vẫn còn đang rỉ máu và bị cực hình của kẻ thù tra tấn dã man như đồng chí Phạm Ngọc Thảo vẫn thản nhiên trả lời: “tiếp tục hoạt động theo con đường đã chọn, có đồng đội hợp tác để làm việc lớn, không phải để khai báo”. Đại tá Phạm Ngọc Thảo bị Nguyễn Ngọc Loan (người đã làm cả thế giới phẫn nộ vì hành quyết chiến sĩ đặc công trên đường phố Sài Gòn năm 1968) và thuộc hạ tra tấn tàn khốc, siết cổ và bóp hạ bộ ông cho đến chết vào đêm 17/ 7/ 1965. Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã anh dũng hy sinh khi mới 43 tuổi. Đồng chí đã giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng cho đến hơi thở cuối cùng, giữ vừng lời thề danh dự của người lính bộ đội cụ Hồ dù bị quân địch bắt, dù phải chịu cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, không bao giờ phản bội xưng khai.
Năm 2012, trong một lần trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên trước câu hỏi: "Hồi đó mọi người đều nói tướng Nguyễn Ngọc Loan tự tay giết chết Phạm Ngọc Thảo. Mà tướng Loan từng là người thân cận của ông?”.
Nguyễn Cao Kỳ đã trả lời: “Tôi không biết ông Loan có giết ông Thảo hay không, nhưng mọi quyết định đều do ông Thiệu”. Có ý kiến cho rằng Đại tá Phạm Ngọc Thảo bị Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh giết hại là bởi ông ta không tin Phạm Ngọc Thảo là Đảng viên cộng sản, nếu tin Phạm Ngọc Thảo là đảng viên Đảng cộng sản thì Nguyễn Văn Thiệu sẽ không giết Phạm Ngọc Thảo. Bởi kinh nghiệm từ cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu không cảm thấy lo sợ những người cộng sản bằng một người không cộng sản được Mỹ và Giáo hội Công giáo hậu thuẫn để làm đảo chính lật đổ ông ta. Và một điều quan trọng là Thiệu thấy nếu để Đại tá Thảo còn tồn tại quá nguy hiểm cho ngôi vị của ông ta vì rằng Đại tá Thảo không hề nắm trong tay một binh quyền thực sự nào nhưng vẫn làm được các cuộc đảo chính.
*YÊN NGHỈ
Sau ngày thống nhất đất nước, rất ít người biết thân phận thực sự của đồng chí Phạm Ngọc Thảo, nhiều đồng đội đã vô cùng chua xót khi thấy mộ ông vẫn chỉ là nấm mồ vô danh và đồng đội ông đã sưu tầm tư liệu, đề nghị Nhà nước vinh danh, truy tặng. Năm 1987, được Nhà nước truy phong quân hàm Đại tá, được công nhận là Liệt sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 30/8/1995, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Lê Đức Anh đã trao Quyết định số 557/KTCTN truy tặng đồng chí Phạm Ngọc Thảo danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Và như đồng chí Mười Hương (Trần Quốc Hương - người thầy của những nhà tình báo huyền thoại) đã từng nói: “Phong anh hùng 10 lần cho Phạm Ngọc Thảo cũng xứng đáng”. Hiện nay, mộ phần của Đại tá Phạm Ngọc Thảo được đưa về nghĩa trang tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh và được tôn tạo. Mộ phần của Đại tá Thảo nằm gần các tên tuổi các nhà tình báo lỗi lạc khác như Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, Thiếu tướng Đặng Trần Đức, Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc…
Ngày 28 tháng 8 năm 2015, Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức trọng thể lễ công bố quyết định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về xếp hạng di tích quốc gia, đối với nơi ở và hoạt động của Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo (dinh tỉnh trưởng cũ, sau là nhà bảo tàng tỉnh), tọa lạc tại số 146 Hùng Vương, Phường 3, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét