Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

Giá trị của Lịch sử “không có chỗ cho quan điểm xét lại lịch sử”

 

Lịch sử Việt Nam có những trang bi hùng. Nhiều lần đất nước bị kẻ thù xâm chiếm, tàn phá, rồi bằng nỗ lực của toàn dân mà đất nước lại hồi sinh. Bối cảnh đó làm cho nhiều giá trị văn hóa, nhiều tư liệu lịch sử bị hủy hoại, dẫn đến thực tế là không phải giai đoạn nào cũng có tư liệu lịch sử phong phú, và lịch sử giai đoạn đó được chép một cách đầy đủ, chính xác. Ðó cũng là lý do mà lịch sử cần phải nhận thức từng bước, các bộ sử cần được tu chỉnh, thậm chí viết lại. Việc làm này trước hết là phụ thuộc vào người viết sử - những người nhận trọng trách trước xã hội về sự chân thực, chính xác khi tái hiện quá khứ. Việc nghiên cứu và viết sử cần ở người viết một tầm nhìn rộng hơn ngoài chuyên môn sâu của mình để phân định điều gì của lịch sử đã được khẳng định, điều gì còn là tồn nghi, điều gì bị chi phối bởi "tâm lý xã hội".

Ở Việt Nam, huyền sử nhiều khi lẫn với lịch sử và ngược lại - những chi tiết lịch sử được "thiêng hóa" trở nên mờ ảo lung linh, khó có thể kiểm định, xác minh bằng chứng cứ. Có những nhân vật từ huyền sử bước vào những trang lịch sử. Chuyện này đã có nhiều trong quá khứ và vẫn có cả trong thời hiện đại. Trong một số tình huống, việc đòi hỏi "bạch hóa" hoặc "thiêng hóa" một chi tiết hoặc một nhân vật lịch sử đều là thái quá, trở nên siêu hình về phương pháp, khi không đặt các chi tiết hoặc nhân vật trong cả bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn - tại nơi được sinh ra. Câu chuyện truy nguyên "lý lịch" của Kinh Dương Vương gần đây trên một tạp chí và được một số trang mạng dẫn lại là một thí dụ. Theo tác giả, dường như hình tượng huyền thoại Kinh Dương Vương có nguồn gốc sai lạc so với sự tôn kính. Ðáng chú ý là luận điểm này đã được một vị Giáo sư, Tiến sĩ người nước ngoài nêu ra. Ông cho rằng, từ thời trung đại, Việt Nam đã có việc "kiến tạo truyền thống" mặc dù chính các sử gia và chính trị gia thời phong kiến cũng đã phê phán việc "kiến tạo" này. Nhưng kể cả khi hình tượng có thể có sai lệch theo quan điểm mà nhà nghiên cứu đòi thực chứng, thì thực tế nhân vật ấy vẫn "thiêng" trong cả đền đài và tâm thức nhân dân. Khi dân tộc cần đoàn kết, nhân tâm cần "quy về một mối" thì sẽ (và đã) xuất hiện một, và chỉ một "Quốc tổ". "Quốc tổ" bước từ huyền thoại vào lịch sử với diện mạo của một con người. Dù chứng cứ, hiện vật khảo cổ học đã chứng minh sự tồn tại của một nền văn minh khá rực rỡ trong thời đại đó, thì việc cố truy tìm đầy đủ, rõ ràng lý lịch cá nhân, chính xác như thời nay là điều không thể. Nhưng dù không thể có một "lý lịch" thật cụ thể, vị thủ lĩnh đó vẫn thiêng liêng tồn tại trong tâm thức dân gian, không ai đòi phải chứng minh bằng kỹ thuật xác minh ADN hiện đại! Chưa nói tới xu hướng "xét lại lịch sử" bằng giả định "nếu như thế này thì sẽ thế kia" như ngầm bác bỏ sự lựa chọn xu hướng phát triển dân tộc. Cho nên phẫn nộ với ý kiến cho rằng: "Không cần phải phát động chiến tranh làm tốn phí cả bốn hay năm triệu sinh linh, thì rồi đến lúc nào đó, Pháp cũng phải trả lại chủ quyền độc lập cho dân ta", nhà sử học là người Mỹ gốc Việt Nguyễn Mạnh Quang đã viết rất rành mạch: "Trừ phi không biết hoặc thuộc loại phản quốc, khi có một nước khác đến ngồi trên đầu làm chủ, không có một người dân tử tế nào bằng lòng chờ cho có ngày bọn thực dân tự động trả lại cơ đồ ông cha mình cả. Nếu theo luận điệu ươn hèn như trên, thì những công lao và sự hy sinh của hàng triệu anh hùng nghĩa sĩ trong các lực lượng nghĩa quân kháng chiến của nhân dân ta trong đại cuộc đánh đuổi giặc Pháp ngoại xâm từ năm 1858 đến năm 1954 đều là vô ích hay sao! Và hàng triệu anh hùng nghĩa sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến 1954 - 1975 để đòi lại miền Nam trong tay Mỹ, đem lại thống nhất cho đất nước cũng là vô ích hay sao! Ðưa ra luận điệu này là tỏ ra vô ơn với hàng triệu anh hùng nghĩa sĩ đã ngã xuống cho Tổ quốc Việt Nam được trường tồn".

Nhu cầu hiểu biết về quá khứ luôn là một đòi hỏi của con người. Nhà sử học Nga O Va-in-xten cho rằng: "Lịch sử là sự tập hợp những tấm gương để cho người ta bắt chước những hành vi tốt và tránh đi những hành vi xấu" (Sử học Tây Âu thời Trung đại, Matxcova, 1962). Các bài học, kinh nghiệm từ quá khứ lịch sử vẫn mang những giá trị to lớn đối với xã hội hiện tại, để động viên nhân dân trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. Năm 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng, cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi,... yêu dân trị nước tiếng để muôn đời"; "Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn..." (Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, H. 2011, tr 255 - 256). Sự khách quan, tính trung thực chính là điều làm cho sử học hấp dẫn. Hứng thú khi đọc và học lịch sử cũng bắt nguồn từ đó. Nghiên cứu để thấu suốt, nhận biết lịch sử ngày càng đúng đắn, sâu sắc hơn là yếu tố đầu tiên quyết định giá trị của nghiên cứu, điều đó cần thiết cho hôm nay và cho cả con cháu mai sau. Nhưng lịch sử cũng không cần và không chấp nhận việc "xét lại lịch sử" với tầm nhìn hẹp, hoặc từ cái tâm thiếu trong sáng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét