Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

tìm hiểu Vấn đề nhân quyền trong pháp luật Việt Nam

 


Hiến pháp 2013 có 11 chương, 120 Điều. Trong đó, chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là chương có Điều luật nhiều nhất, gồm 36 Điều (từ Điều 14 đến Điều 49). Đây là chương quan trọng vì nói đến lập hiến là nói đến mối quan hệ giữa công dân và các cơ quan Nhà nước. Quyền con người được quy định trong chương II của Hiến pháp 2013, được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại chương V của Hiến pháp năm 1992 (Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân). So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 bổ sung nhiều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều này được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu như:

Một là, đưa vị trí chương "Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân" từ chương V trong Hiến pháp năm 1992 về chương II trong Hiến pháp 2013. Việc thay đổi vị trí nói trên không đơn thuần là sự thay đổi về bố cục mà là một sự thay đổi về nhận thức. Với quan niệm đề cao chủ quyền nhân dân trong Hiến pháp, coi nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước, thì quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phải được xác định ở vị trí quan trọng hàng đầu trong một bản Hiến pháp. Việc thay đổi này là sự kế thừa Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp của nhiều nước trên thế giới, thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Hai là, Hiến pháp mới bổ sung một số quyền mới, thể hiện bước tiến mới trong việc mở rộng và phát triển quyền, phản ảnh kết quả của quá trình đổi mới gần 30 năm qua ở nước ta. Đó là Quyền sống (Điều 19), Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 20), Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, Quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43). Việc ghi nhận các quyền mới này hoàn toàn phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, thể hiện nhận thức ngày càng rõ hơn về quyền con người và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện quyền con người.

Ba là, kỹ thuật lập hiến có nhiều đổi mới. Cách thể hiện có những điều riêng quy định về nguyên tắc như Điều 14, Điều 15. Các nhà lập hiến đã tham khảo các Điều ướcquốc tế mà Nhà nước ta là thành viên để nội dung các cách diễn đạt đảm bảo sự tương thích. Ngoài ra, quyền con người không chỉ đề cập ở chương II mà ở nhiều chương khác như chương về Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân. Như vậy, bộ máy nhà nước được lập ra để bảo vệ quyền con người. Cách tiếp cận quyền con người này thể hiện sự kế thừa và tiếp thu quan điểm tiến bộ của các nước trên thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét