Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

Lê Đức Thọ: Nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy

 

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ đã đem hết tâm sức, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Đồng chí là nhà lãnh đạo tài năng với những phẩm chất nổi bật, là tấm gương sáng về lòng trung thành tận tụy với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, tinh thần cách mạng dũng cảm, kiên cường, bất khuất, đức tính cần, kiệm, liêm, chính chí công vô tư.
Đồng chí Lê Đức Thọ (tên thật là Phan Đình Khải) là một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí sinh ngày 10-10-1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là xã Nam Vân, TP Nam Định, tỉnh Nam Định). Đồng chí hoạt động cách mạng từ năm 1926, tham gia phong trào bãi khóa và lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh. Tháng 10-1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, làm bí thư chi bộ học sinh và phụ trách công tác thanh niên học sinh. Từ tháng 11-1930 đến 9-1944, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tù khổ sai, đày ra Côn Đảo, sau đó là các nhà tù tại Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình...

Tháng 8-1945, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, đồng chí được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí phụ trách công tác tổ chức của Đảng. Năm 1948, đồng chí được cử thay mặt Trung ương Đảng trong đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ vào miền Nam trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ. Đồng chí được giao trọng trách Phó bí thư Xứ ủy Nam Bộ (năm 1949) và sau đó làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam (1949-1954); đồng chí luôn hiểu rõ vai trò của công tác cán bộ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Ngay sau khi tới căn cứ của Xứ ủy Nam Bộ ở Đồng Tháp Mười, đồng chí Lê Đức Thọ đã cùng Thường vụ xứ ủy chăm lo xây dựng kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo của xứ ủy, củng cố và thành lập mới các ban chuyên môn, như: Tổ chức, dân vận, công vận, nông vận, thanh vận, tôn giáo, Hoa vận, Khmer vận...; cử nhiều cán bộ của Xứ ủy trực tiếp xuống các khu, tỉnh để nắm rõ tình hình và chỉ đạo phong trào; bảo đảm giữ mối liên hệ trực tiếp và thông suốt với Thường vụ Trung ương Đảng và Bác Hồ.

Sau khi rời khỏi căn cứ của Xứ ủy Nam Bộ từ Đồng Tháp Mười xuống miền Tây Nam Bộ, đồng chí chủ động đặt vấn đề với Thường vụ Xứ ủy xây dựng Trường Trường Chinh, mở lớp huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của cán bộ tỉnh, khu và là một trong những giảng viên chủ yếu của các lớp huấn luyện, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Nam Bộ vừa có trình độ lý luận chính trị, vừa có thực tiễn đấu tranh cách mạng. Nhờ đó, các hoạt động chỉ đạo của Đảng có sự thống nhất, thông suốt, chặt chẽ, hiệu quả, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ phát triển, giành được những thắng lợi vẻ vang, xứng đáng với danh hiệu vẻ vang "Thành đồng Tổ quốc". Sau Hội nghị Geneva năm 1954, đồng chí Lê Đức Thọ được điều ra miền Bắc công tác và được bổ sung vào Bộ Chính trị (cuối năm 1955), được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương (năm 1956).

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và trực tiếp của đồng chí Lê Đức Thọ, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức của Đảng. Hội nghị đã phân tích sâu sắc tình hình công tác tổ chức, xác định chuyển hướng công tác tổ chức và cán bộ theo yêu cầu cách mạng: Xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Trong bối cảnh tình hình nhiệm vụ và yêu cầu mới của cách mạng, cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị và tập thể Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Đức Thọ đã tập trung sức lực, trí tuệ vào việc xây dựng, kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Đảng; xây dựng, quản lý và bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng ở cả hai miền Nam-Bắc.

Tại Đại hội III của Đảng, đồng chí thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình bày Báo cáo về xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng. Báo cáo xây dựng Đảng và Điều lệ Đảng thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ III (năm 1960) xác định nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác-Lênin, ghi nhận một bước phát triển của Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng. Đồng chí rất quan tâm đến công tác tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, nghiên cứu lịch sử Đảng. Đặc biệt, trên cương vị Trưởng Tiểu ban nhân sự (Đại hội III đến Đại hội IV), đồng chí đã có nhiều đóng góp giúp Bộ Chính trị chuẩn bị tốt việc bầu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại đại hội.Trên cương vị là người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Lê Đức Thọ luôn nhắc nhở và yêu cầu cán bộ làm công tác tổ chức phải đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu từng cán bộ thuộc trách nhiệm quản lý, hiểu rõ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức cán bộ thông qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. Đồng chí nhắc nhở cán bộ tổ chức phải trung thực, công tâm, khách quan, không được cậy quyền thế, không lộng quyền. Năm 1967, đồng chí được cử vào Quân ủy Trung ương. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đồng chí được Bộ Chính trị cử vào miền Nam làm Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam. Từ tháng 5-1968, đồng chí làm cố vấn đặc biệt của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Paris, trực tiếp đàm phán về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Với bản lĩnh của một nhà chính trị giàu kinh nghiệm, bằng tài trí, sự khôn khéo, linh hoạt, sáng tạo trong từng phương án cụ thể, đồng chí đã thực hiện phương châm kiên trì đấu tranh, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng. Đồng chí là người góp phần to lớn vào việc buộc Hoa Kỳ phải ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.Trên cương vị là đại diện của Bộ Chính trị chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 và tham gia chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí đã góp phần quan trọng, cùng quân và dân cả nước thực hiện trọn vẹn mong ước của Bác Hồ: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với đó, đồng chí Lê Đức Thọ đã có nhiều đóng góp lớn lao trong việc ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng do chế độ Khmer Đỏ gây ra, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.Với 64 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Lê Đức Thọ đã đem tâm sức, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta, là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với những giai đoạn của cách mạng Việt Nam, gắn liền với những thành quả cách mạng vĩ đại của dân tộc, là một trong những đồng chí lãnh đạo có nhiều cống hiến lớn cho sự nghiệp cách mạng, để lại cho đồng bào, đồng chí những tình cảm vô cùng quý mến. Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng đồng chí Lê Đức Thọ Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương cao quý khác; đồng chí cũng được Nhà nước Liên Xô tặng Huân chương Cách mạng Tháng Mười và Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Ăng-co.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét