Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

Quan điểm đường lối của Đảng ta về nhân quyền

 

Từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và sau đó là Đảng Cộng sản Đông Dương đã từng bước xây dựng và hoàn thiện đường lối cách mạng nước ta. Dựa trên tinh thần cơ bản của bản Chính cương, sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị thành lập Đảng thông qua vào đầu năm 1930, đường lối cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng về sau đã luôn luôn thấm đượm tinh thần dân tộc và tính nhân văn sâu sắc. Đó là đường lối cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội, trong đó độc lập, tự do là tư tưởng cốt lõi. Trong giai đoạn 1936-1939, vấn đề dân chủ, dân quyền, dân sinh, dân nguyện… được đề cao nhưng vẫn luôn gắn liền với hai nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, chống đế quốc và chống phong kiến. Những vấn đề về nhân quyền và dân quyền giờ đây được phản ánh thông qua các cuộc đấu tranh đòi tự do ứng cử và bầu cử, tự do đi lại, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do nghiệp đoàn… Đây cũng là một bước chuẩn bị quan trọng để tiến lên giành những quyền dân tộc cơ bản và thực thi những quyền ấy trong những năm 1939-1945.

Ngày 02-9-1945 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh lớn của hàng chục vạn nhân dân thủ đô thuộc đủ các tầng lớp, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, công bố với toàn thể quốc dân và nhân dân thế giới rằng: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời. Tuyên ngôn độc lập trở thành một văn kiện cực kỳ quan trọng, một áng “Thiên cổ hùng văn” được viết ra bằng toàn bộ tâm huyết, trí tuệ, tư tưởng nhân văn và ý chí của một con người, đại diện cho một dân tộc đang chiến đấu và sẵn sàng hi sinh vì độc lập, tự do. Bản Tuyên ngôn độc lập chỉ vỏn vẹn có 49 câu, với 1.010 chữ, nhưng lại chứa đựng những nội dung vô cùng to lớn, ý nghĩa vô cùng sâu sắc, toát lên những vấn đề rất căn bản, trong đó có vấn đề về nhân quyền, dân quyền và chân lý: không có gì quý hơn độc lập, tự do.

Mở đầu Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ ta, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và bạn bè quốc tế rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời nói bất hủ, mở đầu cho Tuyên ngôn độc lập không chỉ là tư tưởng lớn về độc lập, tự do của dân tộc, mà còn là tư tưởng cơ bản về quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta.

Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng con người luôn hòa quyện với nhau và luôn nhất quán trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh của Người. Con đường cách mạng mà Người đã chọn, cuộc cách mạng mà Người lãnh đạo, những chủ trương, chính sách mà Người đề ra và cả những việc làm rất cụ thể của Người, tất thảy đều nhằm bảo vệ con người.

Trong thời kỳ đổi mới, trên cơ sở kế thừa thành tựu trong các thời kỳ cách mạng ở nước ta và vận dụng, phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, cũng như tiếp thu tinh hoa tư tưởng, pháp luật nhân quyền quốc tế, nhận thức và đường lối chỉ đạo của Đảng ta về quyền con người tiếp tục có nhiều bước phát triển mới.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (1991) đã đề ra mục tiêu: xây dựng một xã hội do nhân dân lao động làm chủ; con người được giải phóng khỏi áp bức bóc lột, bất công; có điều kiện phát triển toàn diên cá nhân. Nhận thức và quan điểm về quyền con người đã được Đảng, Nhà nước ta phát triển và hoàn thiện dần trong tiến trình đổi mới. Đại hội IX (năm 2001) của Đảng khẳng định: “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người; tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về QCN mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”.

Ngoài các văn kiện trên, Nghị quyết các Đại hội của Đảng và trực tiếp là các Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 12/7/1992, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII, Chỉ thị số 41/2004/CT-TTg, ngày 2/12/2004, của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20/7/2010, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X,… cũng đã thể hiện sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng ta về vấn đề quyền con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét