Các ý kiến này cho rằng, quân đội chỉ nên tập trung vào công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc; rằng "không nên dấn thân vào một lĩnh vực "trái ngành", non yếu về nguồn lực, không những chẳng mang lại ích lợi gì, mà còn tự “vạch áo cho người xem lưng” về sự dựa dẫm, lệ thuộc vào nước lớn".

1. Phải khẳng định ngay: Những phát ngôn trên là hoàn toàn thiếu cơ sở, mang nặng tính phiến diện, áp đặt-là dấu hiệu ban đầu nhưng khá rõ nét của biểu hiện “tự diễn biến” ở một bộ phận cán bộ, quần chúng về vị trí, chức năng và đặc thù hoạt động của QĐND Việt Nam. Dù chỉ là những phát ngôn nhỏ lẻ, nhưng tác hại gây ra là rất rõ, khiến một số quần chúng băn khoăn về tính hiệu quả trong một lĩnh vực hoạt động quân sự quan trọng. Về lâu dài, những ý kiến này nếu “lây lan” sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác ĐNQP; tác động tiêu cực đến việc hiện thực hóa quan điểm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” của Đảng và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; tạo rào cản vô hình, kìm hãm sức lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đến với bè bạn quốc tế.

Phủ định những biểu hiện “tự diễn biến” nêu trên, chúng tôi cung cấp cho bạn đọc một số tư liệu thực tế, phác họa bức tranh tổng thể về hoạt động ĐNQP và tính hiệu quả của lĩnh vực công tác này đối với sự nghiệp cách mạng nói chung, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói riêng.

Đâu phải dựa dẫm, lệ thuộc!


Còn nhớ, khoảng tháng 3-2021, mạng xã hội dậy sóng trước sắc đẹp và bày tỏ sự cảm phục về câu chuyện Thiếu úy QNCN Lê Na công tác tại Bệnh viện Quân y 175 mang trên mình bộ quân phục của lực lượng Gìn giữ hòa bình (GGHB). Với hai lần tự nguyện nộp hồ sơ, trải qua quá trình tuyển chọn nghiêm khắc, Lê Na tự hào khi được lựa chọn tham gia bệnh viện dã chiến cấp 2, số 3 làm nhiệm vụ GGHB của Liên hiệp quốc (LHQ) tại Cộng hòa Nam Sudan. Người thân và bạn bè toan lo, liệu Lê Na có vững vàng đối diện thử thách và hoàn thành nhiệm vụ nơi "chảo lửa", cũng là quốc gia còn nghèo khó? Thế nhưng, Lê Na không hề ngần ngại trước mọi vất vả, niềm tự hào đã hiện hữu trên gương mặt tinh khôi của nữ quân nhân.

Lê Na cho biết chị là người may mắn, bởi đội hình những cán bộ, sĩ quan quân đội lên đường thực hiện sứ mệnh GGHB chỉ là số ít trong danh sách những bộ hồ sơ, những người chủ động xung phong thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Có lẽ bởi thế mà Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam luôn tự hào: "... Ít ai trên hành tinh này có thể hiểu được giá trị của một nền hòa bình như những cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam, những người đứng trong đội quân cách mạng từng kinh qua nhiều cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, tham gia hoạt động GGHB tại các phái bộ ở châu Phi cũng là một đóng góp của quân đội và đất nước vào việc duy trì hòa bình bền vững trên thế giới".

2. Với trọng trách ấy, qua hơn 7 năm xây dựng và trưởng thành (2014-2021), lực lượng GGHB Việt Nam đã đạt thành tựu nổi bật, có nhiều đóng góp ngày càng thiết thực, hiệu quả cho hoạt động GGHB LHQ, được LHQ và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Lực lượng tham gia tại các phái bộ của Việt Nam tiếp tục được duy trì và bảo đảm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của LHQ. 100% cán bộ, sĩ quan đều hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam được LHQ đánh giá cao về chuyên môn y tế, nhận được nhiều thư khen của lãnh đạo LHQ. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều sĩ quan trúng tuyển vào các vị trí tại Cục Hoạt động hòa bình tại trụ sở LHQ ở New York (Hoa Kỳ). Với sự tham gia của các sĩ quan ở cơ quan đầu não của LHQ về GGHB, Việt Nam không chỉ tuân thủ và làm theo các quy tắc, luật lệ được hoạch định sẵn mà còn tiến tới tham gia vào quá trình xây dựng các quy tắc, luật lệ của hoạt động GGHB.

Có lẽ bởi thế mà trong ánh nhìn của những nhà ngoại giao có tên tuổi ở Việt Nam, việc tham gia lực lượng GGHB nói riêng, ĐNQP nói chung đã thực sự trở thành một trụ cột quan trọng trong công tác đối ngoại của đất nước. GS, TS Phạm Quang Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) từng chia sẻ với báo giới, khẳng định công tác ĐNQP của Việt Nam đã góp phần thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định, an ninh tại khu vực và trên thế giới. Trong đó, dấu ấn nổi bật là sự tham gia tích cực, hiệu quả của Việt Nam vào hoạt động GGHB của LHQ. Trong khi đó, đánh giá về kết quả các sĩ quan QĐND Việt Nam thực hiện trong lĩnh vực hoạt động GGHB, cựu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định chỉ có hai từ để nói, đó là: “Tuyệt vời!”.

Đặc biệt, trong ánh nhìn của phần lớn người dân Việt Nam, những sĩ quan QĐND Việt Nam thực hiện nhiệm vụ biệt phái là một cuộc đi nhiều ý nghĩa, giúp thế giới hiểu hơn về một dân tộc yêu chuộng hòa bình, nể phục hơn Bộ đội Cụ Hồ qua các giai đoạn cách mạng đều hoàn thành vẻ vang nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng. Kết quả ĐNQP, đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương đã tạo nên hình ảnh về một đối tác tin cậy, một đội quân biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo ra tiềm lực, tiềm năng và khả năng bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”; góp phần khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của một Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước, là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, có trách nhiệm cao với cộng đồng quốc tế.

3. Thế nhưng, vị thế và vóc dáng của Bộ đội Cụ Hồ không chỉ khẳng định trên mặt trận ngoại giao mà còn hiện hữu trong chính những "cuộc chiến thương trường" toàn cầu.

Hãy nghĩ về thuật ngữ địa chính trị “tây bán cầu”-một miền đất vô cùng xa xôi với Việt Nam, gồm Bắc Mỹ, Trung, Nam Mỹ và các đảo vùng Caribe trong đó có quốc đảo Haiti. Ở nơi ấy, đã có những quân nhân Việt Nam tìm đến để làm kinh tế và giúp nước bạn. Càng ấn tượng và đáng ghi nhận là cách đến, cách ở lại và cách đi lên của những chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ ở Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel).

Vào tháng 8-2012, cơn bão Isaac quét qua Haiti gây thiệt hại nặng nề, hầu hết các mạng viễn thông đều gián đoạn. Trong tình hình đó, hệ thống cầu truyền hình nội bộ của Chính phủ do Natcom xây dựng là công cụ duy nhất để Tổng thống Michel Martelly liên lạc và điều hành việc chống bão lũ tới các địa phương của Haiti. Ngay sau bão là động đất và nạn dịch tả tràn qua, nhiều đối tác không ngần ngại “bỏ của chạy lấy người”, thế nhưng, với bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, nhân viên Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội đã không nao núng. Họ kiên định đồng hành nơi đất nước nghèo khó ở châu Mỹ Latinh, với lời hứa chắc nịch: "Chúng tôi là Bộ đội Cụ Hồ thì hẳn sẽ có cách để giúp các bạn". Và liên danh Natcom ra đời đã góp phần giúp Haiti vượt qua khó khăn, bình ổn đến hôm nay.

Với trách nhiệm quốc tế cao cả, Bộ đội Cụ Hồ ở Viettel không chỉ khẳng định tầm cao trí tuệ, nhạy bén, sáng tạo trong tham gia hội nhập kinh tế mà còn mạnh dạn đầu tư ra hàng chục thị trường trên thế giới. Ở tất cả những quốc gia có sự hiện diện của Viettel, người bản địa luôn ngợi ca, tôn vinh và bày tỏ sự biết ơn sâu sắc. Chính phủ Việt Nam và ngay cả ban lãnh đạo của Tập đoàn Viettel đã nhiều lần thừa nhận: Có nhiều nguyên nhân giúp Viettel thành công, nhưng cái lõi và hồn cốt chính là phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã được thấm, ngấm trong văn hóa Viettel, trở thành máu thịt của mỗi con người Viettel. Đó là ý chí, nghị lực, tinh thần kỷ luật, đức hy sinh, sự kiên định vươn lên không mệt mỏi vì những lý tưởng và khát vọng không chỉ vì lợi nhuận kinh tế đơn thuần mà còn là lợi ích quốc gia, dân tộc, là danh dự, uy tín của QĐNĐ Việt Nam.

4. Vậy nên, công tác ĐNQP và các hoạt động hợp tác quốc tế của QĐND Việt Nam không thể là phần việc vô bổ, thiếu hiệu quả; cũng có nghĩa, QĐND Việt Nam hoàn toàn không phải là đội quân "ăn bám, lệ thuộc vào các nước khác" như cách nhìn phiến diện của một số cá nhân hoặc chủ ý suy diễn, giả ngơ, giả điếc của một số người. Thực tế là hằng ngày, hằng giờ, dù ở bất kể nơi nào trên mọi miền Tổ quốc hay trên địa cầu này, cán bộ, chiến sĩ quân đội đều đang hoạt động, làm việc, thực hiện sứ mệnh đặc thù riêng có, âm thầm mang đến những điều kỳ diệu cho Tổ quốc và bạn bè quốc tế.

Đó là những cán bộ, chiến sĩ trong các quân chủng, binh chủng đã và đang tích cực tham gia vào hoạt động ĐNQP, hợp tác quân sự trên các lĩnh vực đặc thù để kết nên sức mạnh quân sự Việt Nam. Đó là bộ đội biên phòng cùng các quân khu, bộ đội địa phương làm tốt việc giữ vững an ninh biên giới, thực hiện tốt chủ trương ngoại giao với các nước láng giềng, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị. Đó là những quân nhân trí thức ở các học viện, nhà trường, trung tâm nghiên cứu, chủ động hợp tác với quân đội các nước vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học công nghệ, tạo ra những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... mới đây nhất là sự hợp tác nghiên cứu với Cuba, Liên bang Nga trong sản xuất vaccine, thuốc phòng và điều trị Covid-19; mở rộng trao đổi kinh nghiệm phòng, chống dịch với các nước: Liên bang Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN... Đặc biệt, việc hợp tác giữa QĐND Việt Nam với quân đội các nước, đối tác và bè bạn quốc tế hướng đến cả lĩnh vực trao đổi, nghiên cứu, phát triển lý luận; chia sẻ kinh nghiệm tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị; hợp tác trên nhiều mặt, lĩnh vực của hoạt động quân sự cả về chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật.

Như vậy, rõ ràng dù cán bộ, chiến sĩ quân đội công tác ở nhiều lực lượng, lĩnh vực hoạt động khác nhau, chức năng, nhiệm vụ cũng không hẳn giống nhau, nhưng đều có chung tinh thần, trách nhiệm tham gia hoạt động ĐNQP, hướng đến mục tiêu hợp tác toàn diện, hiệu quả để thúc đẩy công cuộc kiến thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vì sự trưởng thành, lớn mạnh của quân đội, vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Tất cả những điều đó đã, đang và sẽ kết nên những giá trị phẩm chất mới, tiêu biểu của Bộ đội Cụ Hồ trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.