Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021
Một năm nội lực
Với tôi, cuộc đời như dòng sông, không bao giờ thẳng. Bị chặn đầu này, nước sẽ chảy đầu kia.
Nhưng tôi cũng biết, với nhiều người, năm 2021 trôi qua trong loay hoay, mọi thứ dừng lại hay chậm hẳn ngoài tầm kiểm soát.
Cuộc đời đã nhiều lần dạy tôi rằng: Trong nguy có cơ.
Năm 2006, tôi quyết định khởi nghiệp từ hai bằng phát minh của mình. Có nhà đầu tư chấp nhận bỏ ra 500 nghìn USD với điều kiện tôi từ bỏ vị trí giáo sư tại đại học, ra làm công ty. Lúc đó, con còn nhỏ nên tôi cho rằng điều kiện này quá rủi ro và không nhận. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã bỏ tiền làm một phân tích thị trường chi tiết. Từ khảo sát này, tôi quyết định bỏ tiền cá nhân của mình đầu tư cho khởi nghiệp.
Khủng hoảng kinh tế ở Mỹ năm 2009 dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu. Khởi nghiệp thành công xây dựng sản phẩm nhưng không tìm được người dùng. Thất bại này phần lớn do chủ quan từ tôi và khách quan do suy thoái kinh tế.
Kết quả, tôi mất căn nhà trị giá trên 300 nghìn USD, nợ nần chồng chất. Xe ô tô hư nặng, tôi bỏ luôn không sửa. Ở Mỹ, chiếc xe hơi như là xe máy ở Việt Nam mà tôi không có. Từ một người có nhà cửa khang trang, xe riêng, tôi ở nhà trọ, đi xe bus. Chủ nợ gọi liên tục, lời lẽ rất khó nghe.
Ở khía cạnh học thuật, tôi thành công vượt bậc. Nhưng lần đầu bước ra khởi nghiệp, tôi té dập mặt. Danh dự, "cái tôi" như bị ai đó bỏ vào bồn, dội nước trôi đi.
Nhiều lúc buồn nản, tôi vác ba lô đi bộ trong rừng cả ngày. Một khoảnh khắc, tôi nhận ra ngày mai mặt trời vẫn mọc. Ngày mai, tôi sẽ thức dậy để sống cho đáng, học tất cả những gì để có thể làm tốt hơn lần sau. Và chắc chắn sẽ có lần sau.
Cuộc sống này, có rất nhiều thứ không nằm trong kiểm soát của chúng ta.
Một ngày, bạn vào công ty thì nhận tin mất việc trong khi là trụ cột gia đình. Một ngày, biến cố ập đến, thanh danh và sự nghiệp bạn cố công gầy dựng tan biến. Một ngày, người bạn đời nói với bạn rằng không thể sống chung trọn đời và ra ở riêng ngay. Một ngày, cả gia đình bị dương tính với Covid-19. Một ngày, thiên tai ập đến, nhà cửa và tài sản bị cuốn đi.
Có rất nhiều thứ trong cuộc sống mà bạn không thể kiểm soát, như trời ngày mai sẽ mưa hay nắng. Dù có tiền, có quyền lực, có tất cả, ta cũng không thể kiểm soát thế giới này. Chúng ta sẽ làm gì?
Các nhà xã hội khi giúp đỡ nạn nhân thiên tai cho biết, nghịch cảnh tạo ra hai nhóm người, tùy thuộc vào tư duy chứ không phụ thuộc vào trình độ học vấn, vị trí xã hội.
Tư duy nạn nhân là những người cho rằng mình là nạn nhân. Họ tập trung vào những gì đã mất, sống thụ động, hoài mộng quá khứ, không cố gắng tự giúp bản thân mà chờ đợi ai đó sẽ giúp. Họ cho rằng cố gắng là vô bổ. Và cái kết thì bạn có thể đoán ra. Có người từng là đại gia trở nên vô gia cư, có người bị bệnh tâm thần, và cũng có người chấp nhận bỏ cuộc.
Tư duy sống sót là những người cho rằng mình may mắn. Tuy buồn vì mất mát nhưng họ nhìn về tương lai với suy nghĩ chuẩn bị cho điều xấu nhất nhưng hành động cho điều tốt nhất. Họ nhìn nhận tích cực, sẵn sàng gầy dựng lại từ đầu.
Hai tư duy này có thể nói là tiêu cực và tích cực. Tư duy là hệ điều hành của con người, đã định hình từ quá trình sinh ra, lớn lên. Hệ điều hành này nằm trong vô thức, rất khó thay đổi. Vậy làm sao để những người có tư duy nạn nhân xoay chuyển tâm thức để vượt qua biến cố?
Các nhà tâm lý và xã hội học cho rằng đó là nội lực và niềm hy vọng.
Hy vọng là một trạng thái tâm lý, cảm xúc mạnh mẽ đi kèm niềm tin rằng hoàn cảnh của mình sẽ tốt hơn, thiết lập ngay các kế hoạch thiết thực và bắt tay hành động. Hy vọng khác với ảo vọng - những ao ước không có thật như "trời cho", hay hư vọng - tin tưởng những điều xác suất xảy ra rất thấp như "trúng số độc đắc".
Hy vọng có những mục tiêu thực tế, rõ ràng, đồng thời có lộ trình để đạt mục tiêu. Nhưng hy vọng xuất phát từ trái tim chứ không phải trên đầu. Do đó, ta không thể dùng lý trí để bảo một người "hãy hy vọng" mà phải giúp họ có động lực từ bên trong.
Lễ Giáng sinh vừa qua, Takara - con trai tôi - về thăm nhà nên tôi ưu tiên thời gian với con trước khi cậu trở lại trường. Một trong những chủ đề thảo luận là nội lực.
Động lực để con người hành động có hai loại: Ngoại lực từ những yếu tố bên ngoài và nội lực từ bên trong chính cá nhân ấy.
Ngoại lực có hai hình thức; tiêu cực như phạt, mắng, đánh, đe dọa, kỷ luật, trừ lương và tích cực như thưởng, quà, tuyên dương, tăng lương, thăng chức. Nội lực cũng có hai khía cạnh, từ cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, lo lắng hay cảm xúc tích cực là hy vọng.
Chúng ta thường tạo động lực cho con hay nhân viên từ các phương án ngoại lực cả tích cực lẫn tiêu cực. "Thi đậu sẽ được chuyến du lịch", "nếu điểm kém đừng có hòng xin tiền bố mẹ", nhân viên đạt chỉ tiêu sẽ được một tháng lương thưởng Tết, không đạt sẽ bị giảm thưởng 50%...
Takara nói rằng nhờ ba rèn luyện nội lực từ thời trung học mà con có thể vượt qua thử thách ở đại học. Thử thách ở Stanford thật sự rất lớn. Takara có bằng kỹ sư cơ khí về Robotics, nhưng lại quyết định học thạc sĩ về Trí tuệ nhân tạo ở một chương trình rất khó khi không có kiến thức bài bản về công nghệ. Có những lúc, cậu bảo gần như kiệt sức.
Lúc khó khăn nhất, tôi hỏi: "Con hãy suy nghĩ lại, tại sao, điều gì và lý do gì mà con quyết định học AI ở Stanford dù biết rằng nó rất khó?", "Con còn nhớ lúc đạp xe một lèo từ chân đèo Hải Vân lên đến đỉnh mà không dừng nghỉ, trong đầu con nghĩ gì?" để giúp cậu tìm lại động lực. Và rồi con cũng vượt qua và đang hoàn tất chương trình.
Takara nói, nội lực mới là thứ mà mọi người cần phát triển chứ không phải lệ thuộc vào ngoại lực, vì ngoại lực không phải lúc nào cũng sẵn có. Vậy, làm sao để phát triển nội lực?
Tôi trầm ngâm một chút rồi trả lời, người muốn phát triển nội lực phải có khả năng "tự nhủ" - ta nói với ta - một cách có ý thức và tích cực.
Con người ai cũng có khả năng "tự nhủ" và thường là tiêu cực. Khi thất bại thì tự bảo "mày đúng là không làm gì nên thân", nhìn gương thì bảo "sao tôi mập quá vậy nè", hay "mày xấu xí thế nên không ai thương cũng phải". Những lời lẽ này thường do nhận định của người thân nói khi họ còn trẻ, nó hình thành khung tư duy trong trong ý thức hay tiềm thức của từng người. Để phát triển nội lực, một người phải có khả năng thay thế các "tự nhủ" tiêu cực bằng tích cực, như "Thất bại là cơ hội để học, mình sẽ làm tốt hơn lần sau".
Vậy, bạn có bao giờ mất đi niềm hy vọng? Bạn có để ý mình thường nghĩ gì về chính bản thân?
Chúc bạn một năm mới đầy nội lực!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét