Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

CẦN HIỂU ĐÚNG VỀ DÂN CHỦ

 Thuật ngữ “dân chủ” ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VII trước công nguyên. Về mặt ngữ nghĩa, ngôn ngữ Hy Lạp cổ dùng thuật ngữ “demokratos” để diễn đạt dân chủ, trong đó “demos” là nhân dân và “kratos” là quyền lực. Theo cách diễn đạt này, dân chủ trong tiếng Hy Lạp cổ được hiểu là quyền lực thuộc về nhân dân hoặc quyền lực của nhân dân. Cách hiểu trên cơ bản được giữ nguyên cho đến ngày nay. Theo đó, dân chủ là một khái niệm dùng để chỉ quyền làm chủ của nhân dân, phản ánh mối quan hệ giữa nhân dân và quyền lực nhà nước, trong đó quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

“Dân chủ” không phải là khái niệm bất biến mà là một phạm trù chính trị, lịch sử, văn hóa, xã hội và luôn gắn với sự tồn tại của các kiểu nhà nước trong những điều cụ thể nhất định. Bởi vậy, khái niệm “dân chủ” có mối quan hệ chặt chẽ với khái niệm “chế độ dân chủ” và “nền dân chủ”. “Chế độ dân chủ” dùng để chỉ thiết chế xã hội nhằm thực hiện quyền lực của nhân dân; còn khái niệm “nền dân chủ” dùng để chỉ hệ thống các thiết chế được xác lập và thực thi trong hiện thực xã hội theo mục tiêu thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong xã hội đó. Biểu hiện của một chế độ dân chủ thường bao gồm bốn yếu tố chính: Có một hệ thống chính trị mà việc lựa chọn và thay thế các chính phủ thông qua bầu cử tự do và công bằng; bảo đảm sự tham gia tích cực của công dân trong chính trị và đời sống dân sự; bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm pháp quyền, trong đó tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không ai đứng trên luật pháp. Có 2 phương thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Dân chủ trực tiếp là phương thức tôn trọng và thực hiện dân chủ trong các tổ chức, cộng đồng hay xã hội, theo đó quyền làm chủ của các thành viên trong tổ chức, cộng đồng hay xã hội đó được thực hiện một cách trực tiếp do chính bản thân các thành viên đó. Dân chủ đại diện là phương thức tôn trọng và thực hiện dân chủ trong các tổ chức, cộng đồng hay xã hội, chủ yếu trong tổ chức của các cơ quan đại biểu, cơ quan quyền lực nhà nước, theo đó quyền làm chủ của các thành viên xã hội được thực hiện thông qua các đại diện của họ được bầu chọn hoặc chỉ định trong số các thành viên. Trong thực tiễn, quyền làm chủ của nhân dân đôi khi được thực hiện kết hợp cả hai hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp.

Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, dân chủ là một phạm trù có quá trình phát sinh, phát triển rất phức tạp. Trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội, mỗi thời đại, mỗi quốc gia, dân tộc, dân chủ luôn có những nét đặc trưng trên cơ sở kế thừa biện chứng những điểm chung được nêu ở trên. Trong chế độ chiếm hữu nô lệ, xét về bản chất chính là dân chủ của giai cấp chủ nô. Trong chế độ phong kiến, các tư tưởng và mô hình dân chủ bị hạn chế, cấm đoán bởi chế độ tập quyền chuyên chế khi quyền lực tuyệt đối nằm trong tay một đấng quân vương. Nền dân chủ tư sản được xác lập do cuộc cách mạng tư sản dựa trên cơ sở liên minh giữa giai cấp tư sản với các giai cấp khác lật đổ chế độ phong kiến. Vì vậy, những thành tựu giành được của nền dân chủ tư sản không chỉ do riêng giai cấp tư sản tạo ra, mà là kết quả đấu tranh của nhân dân lao động, kết quả của quá trình nhận thức và tất yếu của tiến bộ xã hội. Những tuyên bố về tự do, bình đẳng, bác ái, tư tưởng về nhà nước pháp quyền và xã hội công dân là những nội dung đầu tiên của dân chủ tư sản. Tuy nhiên, với bản chất của xã hội tư sản, nền dân chủ tư sản không tránh khỏi những hạn chế khách quan. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ của nhân dân lao động (dân chủ nhân dân) được thể hiện trong mọi lĩnh vực chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội. Nó được hình thành và phát triển bằng toàn bộ những giá trị văn hóa chân thực của nhân loại. Xã hội càng phát triển, điều kiện vật chất, trí tuệ, tinh thần của con người ngày càng phong phú thì xu hướng dân chủ càng mở rộng và được khẳng định mạnh mẽ.

Học thuyết Mác - Lê-nin quan niệm: “chế độ dân chủ là chế độ thống trị của đa số đối với thiểu số (chứ không phải trái lại, như bọn tư bản vẫn mong muốn)”(1). Hình thức của nền dân chủ là đa dạng, không có mô hình dân chủ chung cho mọi quốc gia, dân tộc. Mức độ tham gia thật sự của quần chúng nhân dân vào công việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội phản ánh trình độ phát triển của nền dân chủ, những vấn đề cốt lõi nhất của dân chủ. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa có những đặc trưng chủ yếu: Là nền dân chủ phát triển ở trình độ cao nhất trong lịch sử, một chế độ dân chủ rộng rãi nhất - dân chủ cho toàn thể nhân dân lao động; là nền dân chủ hoàn toàn có khả năng thực hiện được quyền lực thuộc về nhân dân lao động, vì quyền lực ấy được bảo đảm bằng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chiếm địa vị thống trị trong nền kinh tế; là một chế độ dân chủ được thể chế hóa và vận hành trong hiện thực xã hội bằng mối quan hệ chính trị - pháp lý “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ”.

Ở Việt Nam, dân chủ cũng có quá trình hình thành và phát triển tuân theo quy luật chung. Hiện nay, dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của đổi mới, nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Dân chủ là phương thức, nguyên tắc cơ bản của hoạt động quản lý nhà nước và xã hội, trong đó mọi thành viên được tôn trọng, bình đẳng trong việc tham gia quyết định các vấn đề của đất nước, xã hội, cộng đồng. Công dân được tạo mọi điều kiện để phát huy các quyền tự do, dân chủ của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ quan điểm: “Trước hết cán bộ, đảng viên, đoàn viên, phải làm đầu tàu gương mẫu..., làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(2). Cơ sở của dân chủ xã hội chủ nghĩa là các quyền tự do của cá nhân, tổ chức trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, nhưng không có tư tưởng tự do vô giới hạn mà phải trong khuôn khổ pháp luật. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Đảng ta khẳng định: “Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm..., quyền đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm”(3). Dân chủ là quyền tự do của con người trong các lĩnh vực nhưng tự do phải trong khuôn khổ các chuẩn mực, nguyên tắc pháp lý, đạo đức xã hội. Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở... Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân”(4).

Trong khi đó, trái ngược với quan điểm này, các nước tư bản cho rằng, dân chủ bao gồm các yếu tố: bầu cử tự do, đa đảng, tư pháp độc lập và nhân quyền; nhấn mạnh thái quá vào khía cạnh đầu phiếu phổ thông, các quyền tự do chính trị, tự do dân sự một cách tuyệt đối, phổ quát không bị giới hạn bởi đặc thù địa lý, xã hội, quốc gia, dân tộc. Và cũng chính từ quan điểm này mà các nước tư bản phương Tây đã áp đặt một cách vô căn cứ giá trị dân chủ tư sản với các nước khác, trong đó có Việt Nam. Họ triệt để lợi dụng sự khác nhau trong thực thi dân chủ với các khuôn khổ, chuẩn mực, nguyên tắc pháp lý và xã hội của các nước khác nhằm tiến hành những hoạt động chống phá.

Hiện nay, trong điều kiện toàn cầu hóa, sự lan truyền của tư tưởng dân chủ tư sản từ các nước phương Tây sang các nước khác đang hình thành những làn sóng. Tuy nhiên, sự tồn tại của nền dân chủ phụ thuộc vào những yếu tố nội tại của một quốc gia, vào quá trình phát triển của lịch sử, xã hội ở quốc gia đó qua nhiều thế hệ chứ không thể áp đặt từ bên ngoài. Vì vậy, nhiều phong trào dân chủ trên thế giới được phương Tây ủng hộ không thiết lập nổi một nền dân chủ ổn định mà chỉ dẫn tới hỗn loạn và nội chiến do các phe phái chính trị không thể hợp tác với nhau để duy trì nền dân chủ, mà đấu tranh với nhau để giành quyền lực với sự hỗ trợ của nước ngoài, còn nhân dân thì bị lôi cuốn vào cuộc xung đột đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét